Triết học tôn giáo

Vấn đền 5. Về điều thiện nói chung. Mục 6

 

VẤN ĐỀ 5

VỀ ĐIỀU THIỆN NÓI CHUNG

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

MỤC 6

Điều thiện được phân chia thành 

đoan chính, hữu ích và khoái cảm 

có thích hợp chăng?

 

NGHI VẤN. Điều thiện được phân chia thành đoan chính, hữu ích và khoái cảm thì hình như không thích hợp.

1. Như nhà Hiền triết nói, điều thiện được phân chia theo mười phạm trù. Nhưng đoan chính, hữu ích và khoái cảm có thể nhận thấy nơi một phạm trù. Cho nên điều thiện được phân chia như thế thì không thích hợp.

2. Mọi phân chia phải thể hiện thành những điều đối lập. Nhưng hình như ba thứ kia không đối lập nhau: vì mọi điều đoan chính đều gây khoái cảm; lại không điều bất chính nào là hữu ích, mà lẽ ra phải thế (nếu việc phân chia thể hiện thành những điều đối lập), để đoan chính và hữu ích đối lập nhau. Ông Cicero cũng nói như thế. Cho nên việc phân chia trên đây không thích hợp.

3. Ở đâu có điều này là vì điều nọ thì ở đó cả hai chỉ là một. Vậy chỉ vì điều đoan chính và khoái cảm mà điều hữu ích mới thiện hảo. Cho nên không được phân chia hữu ích thành điều đối lập với đoan chính và khoái cảm.

NHƯNG. Thánh Ambrosio đã sử dụng lối phần chia điều thiện như thế.

LUẬN GIẢI. Lối phân chia đó phù hợp cách riêng với điều thiện nhân loại. Nhưng nếu chúng ta suy cứu lý tính của điều thiện ở cấp độ cao và khái quát hơn, chúng ta sẽ thấy lối phân chia ấy phù hợp với điều thiện xét như điều thiện. Thực vậy, điều thiện là điều đáng được ham muốn, và như chỗ kết thúc của dục vọng. Tận điểm của vận động này có thể được nghiên cứu bằng cách so sánh với chuyển động của vật thể tự nhiên. Mà sự chuyển động của vật thể tự nhiên kết thúc cách đơn thuần ở chỗ tận cùng, và kết thúc theo khía cạnh nào đó ở điểm trung gian, qua đó nó đi đến điểm cuối cùng để kết thúc sự chuyển động. Điểm trung gian này cũng gọi là một thứ tận điểm vì kết thúc một phần chuyển động. Ta có thể hiểu tận điểm theo hai cách: một là chính điều ta định tâm hướng tới, như nơi chốn hay mô thể; hoặc sự an nghỉ tại đó. Cũng vậy trong vận động của dục vọng, điều đáng được ham muốn theo khía cạnh nào đó là như điểm trung gian, qua đó ta hướng đến điều khác thì được gọi là hữu ích’; còn điều được ham muốn như điều tận cùng hoàn toàn kết thúc vận động của dụcvọng, như điều mà dục vọng tự thân hướng tới, thì được gọi là "đoan chính". Còn điều kết thúc sự vận động của dục vọng như sự an nghỉ nơi vật nó đã ham muốn, thì được gọi là khoái cảm. 

GIẢI ĐÁP

1. Điều thiện, xét như đồng nhất với hữu thể trong hiện thực thì được phân chia theo mười phạm trù, nhưng theo lý tính riêng thì phân chia thành ba khía cạnh như trên là thích hợp.

2. Sự phân chia này không thể hiện qua những vật đối lập, nhưng theo những lý lẽ đối lập. Tuy nhiên, nói cho sát nghĩa, những điều không có lý do nào khác để đáng được ham muốn ngoài sự khoái cảm, thì được gọi đích thị là những điều khoái cảm vì đôi khi là những điều độc hại và bất chính. Còn những điều tự chúng không có chi để đáng được ham muốn, nhưng chỉ được ham muốn vì điều khác, thì được gọi là hữu ích. Chỉ những điều tự chúng đáng ham muốn mới được gọi là đoan chính.

3. Điều thiện được phân chia thành ba thứ đó không phải như điều đơn nghĩa, áp dụng cho chúng ngang bằng nhau; mà như điều loại suy, được áp dụng theo trật tự trước sau. Trước tiên làm thuộc từ cho điều đoan chính; thứ đến cho điều khoái cảm, thứ ba cho điều hữu ích.


VẤN ĐỀ 6
MỤC 5

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt