Triết học tôn giáo

Vấn đề 5. Về điều thiện nói chung. Mục 5

 

VẤN ĐỀ 5

VỀ ĐIỀU THIỆN NÓI CHUNG

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

 

MỤC 5

Phải chăng lý tính của điều thiện 

hệ tại cách thức, loại và trật tự ?

 

NGHI VẤN. Hình như điều thiện không hệ tại cách thức, loại và trật tự.

1. Điều thiện và hữu thể thì khác nhau theo lý định như đã nói trên (m.1). Nhưng cách thức, loại và trật tự hình như thuộc về lý tính của hữu thể, vì như sách Khôn ngoan nói: “Nhưng Chúa đã sắp xếp mọi sự theo số, trọng lượng, và kích thước”; và loại, cách thức và trật tự thì qui về ba thứ đó. Chính thánh Augustino cũng nói: kích thước qui định cách thức của các vật, số thì xếp chúng thành loại, còn trọng lượng đưa chúng đến chỗ an tĩnh và kiên định. Cho nên điều thiện không hệ tại cách thức, loại và trật tự.

2. Cách thức, loại và trật tự là những thiện hảo. Nếu lý tính của điều thiện hệ tại cách thức, loại và trật tự, thì cả cách thức cũng phải có cách thức, loại và trật tự; và loại cùng trật tự cũng phải có như thế. Nếu vậy là diễn tiến đến vô tận.

3. Điều ác là sự thiếu hụt về cách thức, loại và trật tự. Nhưng điều ác không hoàn toàn cất mất điều thiện. Cho nên lý tính của điều thiện không hệ tại cách thức, loại và trật tự.

4. Điều làm nên lý tính của điều thiện không thể được coi là xấu xa. Nhưng ta lại nói cách thức xấu, loại xấu và trật tự xấu. Cho nên lý tính của điều thiện không hệ tại cách thức, loại và trật tự.

5. Theo thế giá của thánh Augustino thì dạng thức, loại và trật tự phát sinh do trọng lượng, số lượng và kích thước. Nhưng không phải mọi điều thiện đều có trọng lượng, số lượng và kích thước, vì thánh Ambrosio nói: bản tính của lửa là được tạo thành không theo số lượng, trọng lượng và kích thước. Cho nên lý tính của điều thiện không hệ tại cách thức, loại và trật tự.

NHƯNG. Thánh Augustino nói: Ba điều này là cách thức, loại và trật tự, là như những điều thiện chung của các vật do Thiên Chúa làm nên, vì thế ở đâu ba thứ đó lớn lao thì những điều thiện cũng lớn lao; ở đâu ba thứ đó nhỏ nhoi, thì những điều thiện cũng nhỏ nhoi, còn ở  đâu không mảy may có ba thứ đó, thì không có điều thiện nào hết. Nhưng điều này chỉ xảy ra nếu lý tính của điều thiện hệ tại ba thứ đó. Cho nên lý tính của điều thiện hệ tại cách thức, loại và trật tự.

LUẬN GIẢI. Vì là hoàn bị mà mỗi vật được là thiện hảo: như thế mới đáng được ham muốn, như đã nói trên (m.1 gđ.3). Nhưng hoàn bị là vật không thiếu chi hết theo cách thức hoàn bị. Vậy nhờ mô thể mà mỗi vật là thế này thế nọ. Nhưng mô thể thì giả thiết phải có một số điều kiện, và từ nó nhất thiết phát sinh ra một số công hiệu; để một điều gì được hoàn bị và thiện hảo thì, ngoài mô thể, nhất thiết phải có những điều đi trước và theo sau nó. Nhưng mô thể giả thiết những nguyên lý, chẳng kỳ là chất thể hay tác thành, phải được qui định hay tương ứng với nó, và điều đó được gọi là cách thức, nên mới nói: “kích thước qui định cách thức” (nv. 1). Chính mô thể được được gọi là loại: vì nhờ mô thể mà mỗi vật được thuộc về một loại, vì thế mới nói: “số lượng thì cung cấp loại cho chúng”, vì định nghĩa, xác định mỗi loại, là như những số lượng, như nhà Hiền triết đã dạy; như một đơn vị được thêm vào hay bớt đi làm thay đổi số lượng, thì dị điểm được thêm vào hay bớt đi cũng thay đổi những định nghĩa. Theo sau mô thể là khuynh hướng tới mục đích, hay hoạt động, hoặc những điều tương tự như thế: vì phàm chi ở trong hiện thể đều hoạt động, và vươn tới điều phù hợp với nó theo mô thể của nó. Và điều này thuộc về trọng lượng hay trật tự. Cho nên lý tính của điều thiện, như hệ tại sự hoàn thiện, thì hệ tại cách thức, loại và trật tự.

GIẢI ĐÁP

1. Ba điều đó đi theo hữu thể vì lẽ là hoàn bị: và như vậy là điều thiện.

2. Cách thức, loại và trật tự là hữu thể thế nào thì cũng thiện hảo như thế: không phải vì chính chúng là như những hữu thể lập hữu, nhưng vì nhờ chúng mà những cái khác là hữu thể và thiện hảo. Vì thế chính chúng không cần phải có chi khác, để nhờ đó mà được thiện hảo. Vậy chúng được gọi là thiện hảo, và đích thực được như thế, không phải vì nhờ chi khác, nhưng những cái khác nhờ chúng mà được đích thực là thiện hảo; cũng như sắc trắng tkhông gọi là hữu thể do điều chi khác, nhưng nhờ nó mà các cái khác nhận được một phụ thể, ấy là màu trắng.

3. Mỗi cách thức hiện hữu đều tùy theo mô thể của nó, cho nên mỗi cách thức hiện hữu, cũng có một cách thức, một loại và trật tự đi theo mô thể: như con người, vì là người, có loại, có cách thức và trật tự; cũng vậy, xét như người trắng trẻo và đức hạnh, người thông thái, v.v., cũng có loại, cách thức và trật tự. Còn điều xấu là vì thiếu hụt một dạng hiện hữu nào đó, như mù là mất thị giác, vì thế không tiêu diệt mọi cách thức, mọi loại và trật tự, mà chỉ tiêu diệt những điều liên hệ đến thị giác.

4. Như thánh Augustino nói, mọi cách thức, xét như cách thức, thì thiện hảo (cũng có thể nói như thế về loại và trật tự): nhưng cách thức xấu xa, loại xấu xa và trật tự xấu xa, hoặc vì bé nhỏ hơn kích thước phải có; hoặc vì không xứng hợp với các vật mà chúng phải ứng dụng; như vậy chúng bị coi là xấu xa vì khác lạ và bất tương xứng.

5. Ta không nói cách đơn thuần là bản tính của ánh sáng không có số lượng, trọng lượng và kích thước, nhưng khi so sánh với các vật thể: vì năng lực của ánh sáng bao trùm mọi vật thể, xét như phẩm chất năng động của vật thể thứ nhất làm biến chất, ấy là bầu trời.

 


MỤC 6
MỤC 4

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt