Thuật ngữ chuyên biệt

Phenomenon

 

PHENOMENON

Xem thêm: Hiện tượng, Nguyên mẫu, Thế giới khả niệm, Trực quan, Noumenon, Cảm năng.

HOWARD CAYGILL

 

Các phenomenon được phân biệt với cả noumenon lẫn hiện tượng, nhưng những thuật ngữ mà Kant dùng để diễn đạt sự phân biệt được thay đổi một cách triệt để trong suốt sự nghiệp của ông. Trong công trình đầu tiên của ông, ID (1747), Kant sử dụng chữ “phenomenon” một cách quy ước với nghĩa một sự biểu hiện bên ngoài của một lực không thể thấy được, như trong mệnh đề: “chuyển động chỉ là phenomenon bên ngoài về trạng thái của vật thể” (LF §3). Trong khi các yếu tố của quan niệm này thậm chí vẫn còn lưu lại trong triết học phê phán, theo ID (1770) thì những thuật ngữ dùng để phân biệt đã chuyển từ chỗ các phenomenon là sự biểu hiện bên ngoài của các lực hay các đối tượng thấy được thành những hiện tượng đơn thuần là “các đối tượng của cảm năng” được đối lập với các noumenon hay các đối tượng khả niệm, là những đối tượng chỉ có thể được nhận thức qua trí tuệ” (ID §3). Kant cũng kín đáo cho biết một sự phân biệt giữa các phenomenon và các hiện tượng, thuật ngữ “hiện tượng” được dùng để biểu đạt “những gì đi trước sự sử dụng lô gíc của giác tính” và các phenomenon được dùng để biểu đạt “các đối tượng của kinh nghiệm”, là những đối tượng được giác tính rút ra từ việc so sánh các hiện tượng bề ngoài (§5). Theo quan niệm này, “các quy luật của các phenomenon” bao gồm “các quy luật của cả kinh nghiệm và nói chung là của toàn bộ nhận thức cảm tính” (§5). Sự phân biệt này là sợi chỉ xuyên suốt trong CPR, các phenomenon phân biệt với các noumenon theo nghĩa là sự phân biệt giữa thế giới khả giác với thế giới khả niệm (A 294) và giữa các đối tượng khả giác với các đối tượng khả niệm (B 306). Tương tự như vậy, các phenomenon được phân biệt với các hiện tượng trong chừng mực chúng nối kết với các quy luật của nhận thức cảm tính và nhận thức trí tuệ hay, theo cách nói trong CPR, chúng là “những hiện tượng trong chừng mực chúng được suy tưởng như những đối tượng dựa theo sự thống nhất của các phạm trù” (A 248).

ĐINH HỒNG PHÚC dịch


Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.


 

Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:

CPR: Critique of Pure Reason / Phê phán lý tính thuần túy (bản A: 1781; bản B: 1787)

ID: “Inaugural Dissertation”, On the Form and Principles of the Sensible and the Intelligible World / “Luận án”, Về mô thức và các cơ sở của thế giới cảm tính và thế giới khả niệm (1770)

LF: Thoughts on the True Estimation of Living Forces / Vài ý kiến về việc lượng định đúng đắn về các lực sống (1747)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt