Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Kant: Chân lý [Hy Lạp: aletheia; Latinh: veritas; Đức: Warheit; Anh: truth]

 

CHÂN LÝ

[Hy Lạp: aletheia; Latinh: veritas; Đức: Warheit; Anh: truth]

Xem thêm: Phân tích pháp, Xác tín (sự), xem-là-đúng (việc/sự), ảo tượng

HOWARD  CAYGILL

 

Câu trả lời của Kant cho câu hỏi ‘chân lý là gì’ được trình bày dựa vào ‘tiêu chuẩn phổ biến và chắc chắn để biết được chân lý của một nhận thức’ (PPLTTT A58/B82). Sau khi xem xét định nghĩa duy danh là đương nhiên về chân lý như ‘sự trùng hợp của nhận thức với đối tượng của nó’ (A 58/ B 82), ông tuyên bố rằng không thể có tiêu chuẩn phổ biến nào ‘có giá trị cho mọi nhận thức không phân biệt những đối tượng của chúng’ (A 58/ B 83). Tuy nhiên, trong khi điều này là đúng với nội dung của nhận thức, thì ta có thể xác lập một tiêu chuẩn lôgic, tiêu cực về chân lý trong chừng mực ‘những quy luật phổ biến và tất yếu của giác tính’ (A 59/ B 84) được lôgic học trình bày như là điều kiện không thể thiếu [conditio sine qua non]. Bởi lẽ, ‘cái gì mâu thuẫn lại với những quy luật ấy là sai’ (sđd) mặc dù sự trùng hợp với những quy luật này không phải là một tiêu chuẩn đầy đủ của chân lý.

Trong khuôn khổ phê phán ý niệm về ‘sự trùng hợp của một nhận thức với đối tượng của nó’ mang một ý nghĩa mới, đặc biệt là dưới ánh sáng tỏ tiên đề cơ sở của nó phát biểu rằng ‘những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm’ (PPLTTT A 158/ B 197). Điều này có nghĩa là những điều kiện của kinh nghiệm quy định sự trùng hợp giữa nhận thức và đối tượng, hoặc như Kant nói, ‘kinh nghiệm mang lại cho ta quy luật và là nguồn suối của chân lý’ (A 318/ B 375). Những điều kiện của kinh nghiệm bao gồm những hiện tượng mang lại thông qua trực quan tiên nghiệm và được tổng hợp những khái niệm tiên nghiệm thuần túy của giác tính. Vì thế, Kant mới có thể nói rằng sự tổng hợp những yếu tố này ‘như là nhận thức tiên nghiệm, lại chỉ có được chân lý (là sự trùng hợp với đối tượng) là khi nó không chứa đựng gì khác hơn là những gì tất yếu cần thiết để mang lại sự thống nhất tổng hợp của kinh nghiệm nói chung (A 158/ B 197). Điều này phải bao gồm, như Kant giải thích kỹ, ‘những điều kiện mô thức của trực quan tiên nghiệm, sự tổng hợp của trí tưởng tượng và sự thống nhất tất yếu của tổng hợp ấy trong một Thông giác siêu nghiệm’ (A 158/ B 197). Với lập luận này, Kant bác bỏ bất kỳ quan điểm nào theo thuyết Platon xem chân lý như là sự phù hợp giữa nhận thức với một ý niệm, cũng như là sự đánh đồng kiểu Platon nào giữa cảm năng và ảo tưởng. Những hiện tượng không còn được xem xét còn như là những ảo tưởng nữa, mà là một yếu tố bản chất của kinh nghiệm và do đó, là của chân lý.

Bên cạnh nghiên cứu này về chân lý như là ‘sự phù hợp với đối tượng’ Kant cũng trình bày chân lý được trình bày dựa theo tính giá trị hiệu lực. Trong phiên bản này, chân lý được bàn luận dựa vào ‘việc xem-là-đúng’ hay tính giá trị hiệu lực chủ quan và khách quan của các phán đoán. Có ba mức độ: tư kiến, tức cái có ý thức nhưng không đầy đủ cả về mặt chủ quan lẫn khách quan; lòng tin, tức cái có ý thức chỉ đầy đủ về mặt chủ quan như không đầy đủ về mặt khách quan; tri thức, tức cái đầy đủ cả hai mặt chủ quan lẫn khách quan và do đó sự xác tín. (PPLTTT A 822/B 850). Tuy nhiên, quan niệm về sự đầy đủ khách quan có thể được đưa ra để bao hàm bên trong nó định nghĩa về ‘chân lý như sự phù hợp với đối tượng (A 58/ B 82).

HOÀNG PHONG TUẤN dịch

Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:

PPLTTT A

1781

Phê phán lý tính thuần túy; xuất bản lần thứ nhất

PPLTTT B

1787

Phê phán lý tính thuần túy; xuất bản lần thứ hai

 

Nguồn: Từ điển triết học Kant (sắp xuất bản)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt