Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Kant: Hôn nhân [Đức: Ehe; Anh: marriage]

 

HÔN NHÂN

[Đức: Ehe; Anh: marriage]

HORWARD CAYGILL

 

Xem thêm: Khế ước, Sự sống ngoài trái đất, Công bằng, Pháp quyền, Giới tính, Phụ nữ

 

Trong SHHĐL, Kant trình bày một nghiên cứu hoàn toàn thế tục và có tính khế ước về bí tích hôn nhân trong Kitô giáo, đưa hôn nhân vào danh mục “các quyền đối với nhân thân tương tự như các quyền đối với vật” (SHHĐL tr. 276, tr. 95). Nhóm các quyền tư pháp này bao hàm “việc sở hữu một đối tượng bên ngoài như một vật và việc sử dụng nó như một nhân thân” (sđd) và được thực thi khi người đàn ông lấy vợ, những cặp vợ chồng có con cái, và những gia đình có người giúp việc. Nhưng dù nói tới người chồng lấy vợ, Kant nhấn mạnh sự bình đẳng của việc sở hữu giữa hai bên đối với hôn nhân; cả chồng lẫn vợ đều có bổn phận, cũng như có quyền sở hữu lẫn nhau một cách hợp thức và bình đẳng. Sự sở hữu lẫn nhau của họ cả với tư cách hai nhân thân lẫn tư cách hai sự vật được thể hiện trong sự giao phối; thực vậy, Kant định nghĩa hôn nhân một cách thản nhiên như “sự kết hợp giữa hai con người khác phái nhằm sở hữu suốt đời những thuộc tính tính dục của nhau” (tr. 278, tr. 96). Rõ ràng, trong khi giao phối, người này hưởng thụ người kia bằng cách chiếm hữu, và được người khác chiếm hữu, như thể họ là những sự vật. Nhưng để tôn trọng nhân tính của người đối ngẫu như “một mục đích tự thân”, thì hành vi chiếm hữu cần được bổ sung theo khế ước bằng sự cam kết trọn đời.

Tính chất kỳ lạ của hôn nhân xét như một quyền nhân thân được sở hữu người khác như thể họ là đối tượng của quyền hạn trên sự vật có những hệ luận thú vị cho việc có chồng hay có vợ. Kant không nói gì về sự đồng thuận tự do của hai bên đối với khế ước hôn nhân, nhưng cho rằng khế ước đó đòi hỏi cả sự chính danh lẫn sự sở hữu thực sự. Do đó nó vừa không thể xảy ra một cách “facto (bằng giao phối) mà không có khế ước trước đó, cũng không pacto (bằng khế ước hôn nhân đơn thuần mà không có giao phối sau đó) mà chỉ bằng lege (luật)” (SHHĐL tr. 280, tr. 98); tức là, thông qua một khế ước pháp lý được tiếp tục bằng sự sở hữu trong giao phối thể xác. Sự thiếu vắng vai trò chính yếu của sự đồng thuận trong khế ước hôn nhân dẫn đến việc bỏ sót việc bàn về ly dị (mặc dù vậy, hãy đọc một ngoại lệ trong ĐĐH tr. 169). Quả thật, việc sở hữu nhân thân của người đối ngẫu đòi hỏi một sự cam kết suốt đời, có hiệu lực về mặt pháp lý. Về điểm đó, Kant nói “nếu một trong hai người đối ngẫu trong hôn nhân rời bỏ người kia hoặc trở thành sở hữu của một người khác, thì người đối ngẫu bao giờ cũng có quyền mang người đối ngẫu ấy trở lại trong vòng kiểm soát của mình, giống như có quyền lấy lại một đồ vật mà không có vấn đề gì cả” (SHHĐL, tr. 278, tr. 97).

Mặc dù việc sinh con không phải là điều đòi hỏi đối với hôn nhân – “bởi vì nếu khác đi hôn nhân sẽ tan rã khi việc sinh sản chấm dứt” (SHHĐL tr. 277, tr. 96) – nhưng, khi sinh con, cha mẹ phải có bổn phận nuôi dạy con cái. Một phần của bổn phận này là hạn chế sự tự do của cha mẹ hủy hoại đứa con “như thể nó là một cái gì do họ tạo ra”, bởi vì đứa con là “một sinh thể được phú cho sự tự do” (SHHĐL, tr. 281, tr. 99). Tuy nhiên, ở một chỗ khác trong SHHĐL, Kant diễn tả đứa con sinh ngoài giá thú là “không được luật pháp bảo hộ” và là “hàng lậu” mà quả thực, nó có thể bị hủy hoại bởi người mẹ như thể nó là một đồ vật (xem SHHĐL tr. 336, p. 144). Ở đây có vẻ như “sự tự do được phú cho” chỉ có ý nghĩa nếu đứa con sinh ra trong vòng luật pháp. Quan điểm cho rằng quyền công dân của đứa con phụ thuộc vào việc nó được sinh ra trong phạm vi hôn nhân cho thấy rằng một phương diện của công pháp đã bị lén lút đưa vào trong định nghĩa của tư pháp về khế ước hôn nhân.

Khi Kant không chú ý đến những phương diện hình thức của khế ước hôn nhân để tập trung vào các quan hệ thực tế giữa chồng và vợ để tạo nên một “xã hội bên trong” của gia đình và hộ gia đình, lập trường của ông trở nên hẹp hòi thấy rõ. Trong những nhận xét ở thời kỳ đầu về hôn nhân trong cuốn ĐVCC, ông mô tả vai trò của người vợ như vai trò của người mang lại “sự trò chuyện vui vẻ” “được chi phối bởi sự hiểu biết của người đàn ông” (ĐVCC tr. 95). Trong SHHĐL ông còn nói rõ hơn khi không thấy có xung đột giữa sự bình đẳng hình thức của khế ước hôn nhân và “sự ưu trội tự nhiên của người chồng đối với người vợ trong năng lực làm gia tăng lợi ích chung của hộ gia đình” (SHHĐL tr. 279, tr. 98). Sau khế ước hôn nhân, người chồng sẽ điều hành công việc gia đình và hộ gia đình nhờ sự hiểu biết vượt trội của mình, trong khi người vợ sẽ mang đến sự trò chuyện vui vẻ, tính dục và con cái.

Sự ngoan cố hài hước trong nỗ lực của Kant muốn nhìn hôn nhân bằng các phạm trù của luật khế ước đã là nguyên do của nhiều chuyện thú vị. Một dẫn chứng rõ ràng là bài thơ của Brecht: “Về định nghĩa hôn nhân của Kant trong Siêu hình học về Đức lý”, trong đó ông tưởng tượng cặp đối ngẫu đến tòa án để khiếu nại về các cơ quan sinh dục mắc sai sót. Nghiêm trọng hơn, định nghĩa đó có thể hiểu như một nỗ lực mâu thuẫn khi chuyển dịch những tính chất của hôn nhân bí tích – trung thành, cam kết trọn đời không thay đổi và con cái hợp pháp – thành những điều khoản trong khế ước, đồng thời xem nhẹ những yếu tố đồng thuận vốn xác định các khế ước cá nhân. Yếu tố đồng thuận trong khế ước cá nhân lại làm xói mòn những phương diện bí tích của hôn nhân mà Kant tìm cách bảo vệ bằng sự mô tả tài tình về hôn nhân như sự kết hợp giữa các quyền nhân thân và quyền hiện thực [về sở hữu đồ vật].

MAI SƠN dịch


Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:

ĐĐH: Các bài giảng về Đạo đức học (1924)

ĐVCC: Các quan sát về tình cảm đối với cái Đẹp và cái Cao cả (1764a)

SHHĐL: Siêu hình học về Đức lý (1797a)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt