Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Kant: Quan năng / Phân khoa [Đức: Fakultät, Vermögen; Anh: faculty]

 

Quan năng / Phân khoa

[Đức: Fakultät, Vermögen; Anh: faculty]

Xem thêm: Xung lực, Khả thể, Sức mạnh / quyền lực

HOWARD  CAYGILL

 

Chữ “faculty” trong tiếng Anh dịch cả hai ý tưởng khác nhau nơi Kant: ý tưởng thứ nhất biểu thị một bộ phận trong cơ cấu của một trường đại học, ý tưởng thứ hai biểu thị một tiềm năng hay sức mạnh để thực hiện một mục đích nào đó. Việc Kant quan tâm tới nghĩa thứ nhất [“phân khoa”] nảy sinh từ vị trí bất thường của triết học trong chương trình giảng dạy và việc tổ chức của trường đại học thế kỷ XVIII. Triết học không có một vị trí tự nhiên ở bất cứ phân khoa nào trong ba “phân khoa cao hơn”: luật học, y học và thần học, và thường giữ vai trò như là môn Dự bị học cho việc học một trong ba khoa này. Kant là một phần của phong trào văn hóa đang tìm cách xác định lại vị trí của triết học trong trường đại học, cũng như tìm cách biện minh cho việc nó lấn vào các phân khoa cao hơn trong lĩnh vực luật học triết học và thần học. Công lao chủ yếu của ông góp vào cuộc tranh luận giữa phân khoa “thấp hơn” và các phân khoa “cao hơn” là quyển XPK (1798), một công trình bàn về sự xung đột giữa triết học với thần học, luật học và y học.

Nghĩa thứ hai của “faculty” [“quan năng”] là dịch thuật ngữ Vermögen trong tiếng Đức vốn phái sinh từ chữ facultas trong tiếng Latinh và dynamis trong tiếng Hy Lạp. Mặc dù chữ dynamis được nhiều triết gia tiền-Socrate sử dụng, nhất là Empedocles, nhưng nghĩa của nó được Aristoteles xác định một cách dứt khoát trong quyển Siêu hình học. Về đại thể, ông gán cho thuật ngữ này hai nghĩa: nghĩa thứ nhất quy chiếu đến năng lực hay sức mạnh để đạt được một mục đích; nghĩa thứ hai quy chiếu đến một tiềm năng biến đổi có thể được hiện thực hóa nhờ energeia. Định nghĩa hai mặt này về quan năng có ảnh hưởng hết sức lớn lao, và vẫn còn vững chãi suốt quá trình nó lưu truyền trong chủ nghĩa Aristoteles thời trung đại. Nó nổi bật một cách đặc biệt trong phần bàn về bản tính của linh hồn, vì linh hồn được phân ra thành những tiềm năng hay những quan năng hành động khác nhau. Cả hai nghĩa của chữ “faculty” như là tính tiềm năng và như là một năng lực của tinh thần vẫn còn được giữ ở Descartes và thậm chí sau này như Wolff: quyển Từ vựng triết học (Philosophisches Lexicon, 1737) theo tinh thần học thuyết Wolff của Meissner xem facultaspotentia là đồng nghĩa với Vermögen, và định nghĩa nó theo ngôn ngữ của Aristoteles là khả thể của việc làm một hành động hoặc chịu đựng một hành động. Ông xác định rõ hơn nữa các quan năng của ham muốn là ham muốn cảm tính hay sự thèm khát và ý chí, và các quan năng của sự nhận biết là cảm năng và lý tính.

Thuật ngữ quan năng xuất hiện khắp nơi trong các tác phẩm của Kant, và có thể nói nó làm cơ sở cho kiến trúc học của triết học phê phán. Ông suy ngẫm về nó có hệ thống nhất trong Lời dẫn nhập cho quyển PPNLPĐ, trong đó ông phân biệt các quan năng của tâm hồn với các quan năng của nhận thức. Các quan năng của tâm hồn, được mô tả theo nhiều cách khác nhau là Seelenvermögen [“các quan năng của linh hồn”] hay gesamte Vermögen des Gemüts [“toàn bộ quan năng của tâm thức”] hay các năng lực (Fähigkeiten) (§III), gồm một “trật tự nền tảng gồm bộ ba” các năng lực biểu tượng của ta, đó là: (a) quan năng nhận thức; (b) tình cảm vui sướng và không vui sướng; và (c) quan năng ham muốn. Kiến trúc học của bộ ba tác phẩm phê phán tương ứng với ba quan năng, trong đó năng lực vui sướng và không vui sướng tạo thành sự quá độ [hay đúng hơn, - sự trung giới. N.D] giữa quan năng lý thuyết và quan năng thực hành, mặc dù không một quan năng nào có thể được rút ra từ một nguyên tắc chung.

Kant nêu các quan năng nền tảng của tâm hồn bằng cách loại suy với một đại gia đình (Verwandschaft mit der Familie) các quan năng nhận thức (Erkenntnisvermögen) (PPNLPĐ §III). Những quan năng này hình thành nên một trật tự các năng lực nhận thức riêng biệt nhưng có liên quan với nhau, được chia làm quan năng thấp hơn và quan năng cao hơn; cái trước là các quan năng của cảm năng, cái sau là các quan năng của lý tính, phán đoán và giác tính. Kant chỉ ra một sự tương tự giữa hai “trật tự” các quan năng khi sắp quan năng nhận thức của giác tính vào cùng hàng với quan năng-nhận thức của tâm thức; lý tính với quan năng ham muốn; và năng lực phán đoán với tình cảm về sự vui sướng và không vui sướng. Ở phần sau (§IX), ông phân bố chúng theo một bảng hệ thống, trong đó cả hai nhóm các quan năng đều có những nguyên tắc tiên nghiệm và những đối tượng hay lĩnh vực áp dụng: các quan năng nhận thức/giác tính tương ứng với nguyên tắc về “tính hợp quy luật” và đối tượng áp dụng là “tự nhiên”; các quan năng của lý tính/ham muốn tương ứng với “cứu cánh tối hậu” và [đối tượng áp dụng là] sự “tự do”; trong khi các quan năng phán đoán/vui sướng và không vui sướng lại tương ứng với “tính hợp mục đích” và “nghệ thuật”.

Như thế, rõ ràng là đối với Kant, các quan năng hình thành nên những trật tự được nối khớp một cách nội tại có sự tương tự với nhau. Thế nhưng, tuy có vai trò quan trọng đối với toàn bộ dự án phê phán, ông chưa bao giờ bàn luận hay phân tích thuật ngữ “quan năng” cho thật đầy đủ – dĩ nhiên là trừ phi toàn bộ triết học phê phán cố ý như vậy. Việc thiếu đi sự chính xác chung quanh thuật ngữ trung tâm này lại đã tỏ ra cực kỳ sai quả, làm nảy sinh hình thức tâm lý học và những hình thức khác của thuyết Kant. Thực vậy, ngay cả thuyết Kant phản-tâm lý học vẫn bảo lưu sự phân chia các quan năng nhận thức, vì nếu từ bỏ nó ắt có lẽ phải rời khỏi phạm vi của truyền thống Kant. Việc dựa vào quan niệm về quan năng của Kant và những môn đệ của ông đã bị Nietzsche chế nhạo trong §11 của quyển Vượt khỏi thiện và ác như là “thời kỳ trăng mật của triết học Đức” khi “những nhà thần học trẻ tuổi của Đại học Tübingen [Hegel, Schelling và Hölderlin] lỉnh thẳng vào các bụi rậm – để tìm kiếm “những quan năng”. Ông xem việc viện đến các quan năng tương tự như việc viện đến một virtus dormitiva (một quan năng gây buồn ngủ) để giải thích tại sao thuốc phiện gây buồn ngủ, và đề nghị thay thế câu hỏi: “Làm thế nào các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm có thể có được?” bằng câu hỏi: “Tại sao chúng lại cần thiết?”. Một câu hỏi như thế, dĩ nhiên, có ý đồ thách thức một cách sắc sảo toàn bộ động lực của thuyết Kant tại một trong những luận điểm dễ bị tổn thương nhất của nó.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:

XPK

1798a

Sự xung đột giữa các phân khoa

PPNLPĐ

1790a

Phê phán năng lực phán đoán

 

Nguồn: Từ điển triết học Kant (sắp xuất bản)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt