Thuật ngữ tổng quát

CÁI ĐẸP / BEAUTY


 

CÁI ĐẸP / BEAUTY

 

MỸ HỌC. Năng lực của một đối tượng để gây ra những trải nghiệm dễ chịu cho người quan sát nó. Đối với Plato, các tác phẩm đối thoại của ông,  Hippias MajorSymposiumPhaedrus và Philebus, tập trung vào ý niệm cái đẹp (tiếng Hy Lạp kalon), nó là một hình thức khách quan, một hệ hình được chia sẻ và mô phỏng bởi tất cả những gì ta gọi là đẹp. Cái đẹp vì thế là có thể nhận biết và đo lường được. Đối với những người khác, cái đẹp nằm trong "đôi mắt của kẻ ngắm nhìn" chứ không cố hữu nơi các đối tượng. Theo quan niệm này, cái đẹp phải gắn với sự lĩnh hội của con người, và các cá nhân khác nhau có thể phản ứng theo những cách khác nhau với cùng một đối tượng. Theo đó, cái đẹp là chủ quan. Các lập trường khác khẳng định rằng cái đẹp được tạo ra thông qua mối quan hệ giữa một đối tượng và người quan sát nó.

Các triết gia cũng bất đồng ý kiến với nhau về việc cái đẹp có phải là một ý niệm hợp nhất hay không. Một số người cho rằng cái đẹp là một ý niệm khái quát về giá trị thẩm mỹ, bao gồm tất cả các trải nghiệm thẩm mỹ khác. Được coi là đẹp có nghĩa là "được khuyến nghị về mặt thẩm mỹ". Nhất quán với cách hiểu này, cái đẹp không thể được định nghĩa qua các thuộc tính khác, và chỉ có thể được trực quan. Những người khác tin rằng cái đẹp chỉ là một loại của giá trị thẩm mỹ, bên cạnh những thuộc tính khác như tao nhã, hài hòa, hay đồng dạng.

Cho đến thế kỷ 18, cái đẹp được coi là ý niệm trung tâm của mỹ học, giống như cái thiện là ý niệm trung tâm của đạo đức học. Câu hỏi quan trọng nhất cho mỹ học là: "Cái đẹp là gì?" Sau đó, mỹ học quan tâm nhiều hơn đến ý niệm nghệ thuật. Trong khi đối với các nhà tư tưởng cổ đại, mọi tác phẩm nghệ thuật đều là đẹp, điều này không còn đúng trong thời hiện đại. Nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại được cho là xấu theo tiêu chuẩn thông thường, mặc dù chúng vẫn có thể đẹp theo các lý thuyết nghệ thuật nào đó hay trong một số lối thực hành thẩm mỹ. Ý niệm về cái đẹp vẫn chưa được khảo sát đầy đủ trong mỹ học đương đại.

--------------------------------

"Vì cái đẹp bao gồm ba điều kiện: sự toàn vẹn hay hoàn hảo, bởi những gì bị khuyết thì chính vì thế mà xấu xí; tỷ lệ cân đối hay hài hòa; và cuối cùng, sự tươi sáng hay rõ ràng, vì thế những gì có màu sắc tươi sáng thì được gọi là đẹp." Aquinas, Summa Theologiae

--------------------------------

 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt