Thuật ngữ tổng quát

Giải thích / Explanation

 

GIẢI THÍCH

EXPLANATION

 

TRIẾT HỌC KHOA HỌC, NHẬN THỨC LUẬN Một lối thuyết minh chủ yếu cho ta biết tại sao có hoặc xảy ra cái gì đó hay tại sao phải có hoặc phải xảy ra cái gì đó. Giải thích là để làm tăng tiến tri thức, loại bỏ sự bối rối, và giảm bớt sự ngạc nhiên. Tất cả các lý thuyết đều có chức năng giải thích, nhưng bản tính của sự giải thích là một vấn đề triết học. Trong sự giải thích, cái được giải thích được gọi là explanandum, và cái dùng để giải thích được gọi là explanans. Một sự giải thích là một kết luận khái quát về explanandum được rút ra từ explanans. Quan niệm tiêu chuẩn về bản tính của sự giải thích khoa học là mô hình giải thích theo luật phủ (covering law model of explanation). Quan niệm này do Mill đề xuất và được Hempel phát triển hoàn chỉnh, và nó cho rằng giải thích là đặt một sự kiện cụ thể nào đó vào dưới một luật tổng quát. Mô hình này được chia thành hai loại. Đối với loại giải thích theo luật diễn dịch (deductive-nomological explanation) nếu luật có tính tất định, thì ta có thể rút ra một giải thích về một sự kiện từ luật này và những điều kiện có trước. Đối với loại giải thích thống kê, nếu luật có tính xác suất hay thống kê thì giải thích mang tính xác suất. Một khó khăn mà mô hình phủ này gặp phải là làm thế nào để giải thích mức cao nhất của các luật tổng quát. Các quan niệm thay thế khác nhau về giải thích đã được phát triển. Một số triết gia gợi ý lối tiếp cận nhân quả bằng cách khẳng định rằng giải thích là nhận biết các cơ chế làm cơ sở tạo ra các sự kiện, các trạng thái và các quy luật. Những người khác tin rằng giải thích là mang lại một sự thống nhất mạch lạc cho các hiện tượng. Những người khác nữa thì cho rằng giải thích cần phải được điều chỉnh theo nhu cầu nhận thức hay thực hành của công chúng. Có cuộc tranh luận về việc sự giải thích có cần đòi hỏi phải có tính tất yếu không (vì thế loại trừ loại giải thích thống kê) và về việc các yêu sách đòi hỏi phải có tính tất yếu tự nhiên có thể được biện minh như thế nào. Cũng có cuộc tranh luận về cách Dilthey phân biệt giữa sự giải thích khoa học và sự thông hiểu lịch sử. Một số người cho rằng sự giải thích lịch sử đặc thù luận và sự giải thích tự sự khác về loại với sự giải thích dựa theo các luật. Giải thích một hành động của con người thường viện dẫn những niềm tin và ham muốn nào cung cấp cho tác nhân những lý do để họ hành động như vậy. Loại giải thích này có tuân thủ mô hình luật phủ hay không cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

------------------------------------------

"Người ta tin rằng một cá thể sự kiện nào đó được giải thích bằng cách chỉ ra được nguyên nhân của nó, rồi làm sáng tỏ nguyên nhân ấy bằng cách phát biểu quy luật hay các quy luật nhân quả, trong đó cá thể sự kiện này là một ví dụ." The Collected Works of John Stuart Millvol. VII

------------------------------------------

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt