KHẲNG ĐỊNH HẬU KIỆN [AFFIRMING THE CONSEQUENT]
LOGIC HỌC. Một ngụy biện logic có hình thức "Nếu p thì q; q; do đó p", nghĩa là tiền đề nhất quyết khẳng định hậu kiện của tiền đề điều kiện, trong khi đó kết luận khẳng định tiền kiện của tiền đề điều kiện ấy. Chẳng hạn, "nếu anh ấy bị bệnh thì anh ấy không đi làm; anh ấy không đi làm; do đó anh ấy bị bệnh." Suy luận này không hợp lệ vì trong tiền đề điều kiện, chân lý của hậu kiện không chứa chân lý của tiền kiện. Hình thức suy luận đúng đắn phải từ tiền kiện của một phép kéo theo đúng để suy ra hậu kiện của nó; nghĩa là suy luận ấy phải mang hình thức "Nếu p thì q; p; do đó q." Dạng suy luận này được các nhà logic học thời trung đại gọi là modus ponens và cũng được gọi là thức khẳng định. "'P ⊃ Q, Q, do đó P' có vẻ bề ngoài giống với dạng suy luận hợp lệ là modus ponens và được gán cho cái tên là ngụy biện khẳng định hậu kiện." Copi, Nhập môn Logic học
Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC