LÝ THUYẾT MẠCH LẠC VỀ CHÂN LÝ Coherence theory of truth
LOGIC HỌC, NHẬN THỨC LUẬN, TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ. Một lý thuyết coi chân lý bao gồm các mối quan hệ mạch lạc giữa các phần tử của một tập hợp các niềm tin và mệnh đề, chứ không phải trong các mối quan hệ giữa một mệnh đề và một sự kiện tương ứng. Lý thuyết này phát sinh do sự thất bại của lý thuyết tương ứng về chân lý trong việc đưa ra lời giải thích thỏa đáng về bản chất của sự tương ứng. Sự mạch lạc giữa một mệnh đề này với các mệnh đề khác là tiêu chuẩn tối hậu của chân lý. Chân lý được định nghĩa dựa trên sự mạch lạc của các mệnh đề. Sự mạch lạc thường có nghĩa là nhất quán và độc lập. Nói chung, những người ủng hộ lý thuyết này có quan điểm triết học được hình thành do ngưỡng mộ toán học. Đối với nhiều nhà duy lý, lý thuyết này về chân lý là một thành phần thiết yếu trong nhận thức luận của họ. Trong thế kỷ hai mươi, lý thuyết này được nhà duy tâm Bradley và nhà thực chứng logic Neurath đề xuất, và gần đây nhất được Rescher bảo vệ. Vấn đề chính yếu của nó là nó thường vượt quá năng lực của ta trong việc đưa một phán đoán vào hệ thống niềm tin tổng thể. Hơn nữa, một mệnh đề có thể nhất quán với các mệnh đề khác trong hệ thống của nó, nhưng hệ thống xét như là một toàn bộ có thể không tương thích với một hệ thống niềm tin khác. Do đó, sự mạch lạc và chân lý xem ra không phải là cùng một điều.
--------------------------------------------
“Một lý thuyết mạch lạc về chân lý có thể được coi là giữ vai trò điều hành cơ bản chi phối các cân nhắc liên quan đến việc phân loại các mệnh đề duy nghiệm là đúng, thay vì tuyên bố là trình bày bản chất cấu tạo của chân lý xét như là chân lý.” Rescher, The Coherence Theory of Truth
--------------------------------------------
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC