Thuật ngữ tổng quát

MỸ HỌC / AESTHETICS

 

MỸ HỌC / AESTHETICS

 

MỸ HỌC.  Mặc dù nhiều vấn đề được bàn luận trong mỹ học đương đại với tư cách là một phân môn triết học có thể bắt nguồn từ các đối thoại của Plato (nhất là Ion, Yến hội, Phaedrus, Nền Cộng hòa và Philebus) và Thi học của Aristotle, mỹ học vẫn chưa trở thành một bộ môn độc lập cho đến thế kỷ 18. Thuật ngữ này được triết gia Đức Alexander Baumgarten đưa ra trong Những phản tư trong thi học (1735) của ông, dựa theo chữ Hy Lạp aisthesis (cảm giác, tri giác). Baumgarten định nghĩa nó là "khoa học về cái biết cảm giác", nghiên cứu về cả nghệ thuật lẫn tri thức cảm tính. Kant kế thừa cả hai nghĩa này. Phần thứ nhất của Phê phán lý tính thuần túy, "Cảm năng học siêu nghiệm" xem xét hình thức khả giác tiên nghiệm; phần thứ nhất của Phê phán năng lực phán đoán, được gọi là "Phê phán phán đoán thẩm mỹ", là công trình phê phán về sở thích, liên quan đến phán đoán về cái đẹp, cái cao cả và "sự tự trị của sở thích".

Ngày nay, chữ "mỹ học" được giới hạn vào việc nghiên cứu sự trải nghiệm nảy sinh từ việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật và gồm các chủ đề như tính chất của thái độ thẩm mỹ, những xúc cảm thẩm mỹ, và giá trị thẩm mỹ; vị thế logic của các phán đoán thẩm mỹ; bản tính của cái đẹp và các ý niệm liên quan đến nó; và mối quan hệ giữa giáo dục đạo đức và các tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng bao gồm các vấn đề được giải quyết bởi "triết học nghệ thuật", như bản tính của nghệ thuật và tri giác, diễn giải và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Triết học nghệ thuật vì thế là một bộ phận của triết học. Sự phát triển của mỹ học trong thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng sâu sắc của những sự phát triển trong triết học tinh thần, các lý thuyết về nghĩa và thông diễn học.

--------------------------

"Người Đức là dân tộc duy nhất hiện nay sử dụng từ "thẩm mỹ" để biểu thị nhưng gì mà người khác gọi là phê phán sở thích. Cách dùng này bắt nguồn từ nỗ lực sớm thất bại của Baumgarten, một nhà tư tưởng phân tích đáng ngưỡng mộ, trong việc áp dụng cách xem xét phê phán cho cái đẹp theo các nguyên tắc của lý tính, và do đó nâng các quy tắc của nó lên thành một khoa học." Kant, Critique of Pure Reason

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt