Thuật ngữ tổng quát

Ngụy biện bốn hạn từ / Four-term fallacy

 

NGỤY BIỆN BỐN HẠN TỪ / FOUR-TERM FALLACY

 

LOGIC HỌC.   Còn được gọi bằng tiếng Latinh là quaterno terminorum (một bộ bốn hạn từ) hay ngụy biện trung từ hàm hồ. Một tam đoạn luận chuẩn chứa ba hạn từ, với trung từ xuất hiện hai lần trong tiền đề. Nhưng đôi khi hai lần xuất hiện của trung từ lại có nghĩa khác nhau, mặc dù vẫn cùng một từ. Kết quả là, tam đoạn luận có đến bốn hạn từ chứ không phải ba, và không có mối liên hệ nào giữa hai tiền đề. Một tam đoạn luận như thế là suy luận bị lỗi và phạm vào cái gọi là ngụy biện bốn hạn từ. Chẳng hạn, "Chất thạch tín có hại cho sức khỏe" và "Nước mắm truyền thống có chất thạch tín", do đó "Nước mắm truyền thống có hại cho sức khỏe." [1] Đây là một suy luận sai, vì chữ "chất thạch tín" có hai nghĩa hoàn toàn khác nhau trong các tiền đề. Ngụy biện bốn hạn từ là một hình thức của ngụy biện nghĩa nước đôi hay nghĩa hàm hồ.


"Nhãn 'ngụy biện bốn hạn từ' thường được áp dụng .... cho các luận cứ có trung từ hàm hồ về nghĩa." Hamblin, Fallacies


Chú thích:

[1] Ví dụ gốc của bản tiếng Anh: “Light is the absence of darkness,” and “A pen is light,” therefore, “A pen is the absence of darkness.” Trung từ "light" trong tiền đề thứ nhất có nghĩa là "ánh sáng" và trong tiền đề thứ hai là "có màu sáng", chúng tôi không chọn được một chữ nào trong tiếng Việt có chứa cả hai nét nghĩa ấy, nên đành tạo ra một luận cứ khác có giá trị tương đương về cấu trúc logic để dịch, theo đó trung từ "chất thạch tín" là một hạn từ hàm hồ về nghĩa, vừa chỉ "chất thạch tín vô cơ" (tiền đề thứ nhất) vừa chỉ "chất thạch tín hữu cơ" (tiền đề thứ hai), và hai loại thạch tín này hoàn toàn khác nhau. (ND)

 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt