Thuật ngữ tổng quát

Phán đoán thẩm mỹ / Aesthetic judgement

 

PHÁN ĐOÁN THẨM MỸ

AESTHETIC JUDGMENT 

 

MỸ HỌC Gán một thuộc tính hay giá trị thẩm mỹ cho một đối tượng, được phân biệt với phán đoán nhận thức hay phán đoán logic vốn là loại phán đoán mang lại cho ta sự hiểu biết. Cơ sở quy định cho sự quy gán như vậy đã được tranh cãi gay gắt. Đối với thuyết khách quan, một phán đoán thẩm mỹ gán một thuộc tính khách quan cho sự vật được xét đoánn và về cơ bản không liên quan gì đến cảm xúc của người đưa ra phán đoán. Vì thế, nó là một phán đoán phổ quát. Đối với thuyết chủ quan, các cảm xúc như thích hay không thích của người phán đoán là cơ sở quyết định, và vì thế phán đoán thẩm mỹ không mang tính phổ quát. Khung phân tích có ảnh hưởng nhất về phán đoán thẩm mỹ đã được Hume và Kant phát triển. Theo Hume, mặc dù các thuộc tính thẩm mỹ không cốhữu nơi sự vật, phán đoán thẩm mỹ không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự vui thích hay không vuithích cá nhân. Giống như các phán đoán về màu sắc, chúng bị quy định bởi các mối quan hệ nhân quả ngẫu nhiên giữa chủ thể và khách thể, mặc dù cơ sở cuối cùng của chúng là sự cảm thụ của con người. Kant cho rằng các phán đoán thẩm mỹ không phụ thuộc vào một tập hợp các quy tắc hay nguyên tắc được trình bày có hệ thống. Khác với các phán đoán nhận thức khách quan, chúng dựa trên sự phản ứng chủ quan và trải nghiệm cá nhân. Ông gợi ý rằng theo nghĩa rộng phán đoán thẩm mỹ bao gồm phán đoán thẩm mỹ thường nghiệm và "phán đoán sở thích". Phán đoán thẩm mỹ thường nghiệm là phán đoán về cái làm ta cảm thấy dễ chịu và hài lòng và liên quan đến những gì chỉ đơn thuần là thỏa mãn sự ham muốn. Phán đoán sở thích là phán đoán thẩm mỹ theo nghĩa hẹp của từ. Đó là phán đoán về cái đẹp và là "dửng dưng", theo nghĩa này nó độc lập với mọi ham muốn và động cơ cá nhân. Do đó, một người đưa ra phán đoán như vậy mong đợi người khác có những phản ứng tương tự trong cùng một hoàn cảnh. Vì vậy, phán đoán sở thích có một loại giá trị hiệu lực hay tính phổ quát chủ quan.

-------------------------------

"Các phán đoán thẩm mỹ, cũng giống như các phán đoán lý thuyết (tức logic), có thể được chia thành thường nghiệm và thuần túy. Các phán đoán thẩm mỹ là thường nghiệm nếu chúng khẳng định rằng một đối tượng hay một cách thức thể hiện nó là dễ chịu hay không dễ chịu; chúng là thuần túy nếu chúng khẳng định rằng đối tượng ấy là đẹp. Các phán đoán thẩm mỹ thường nghiệm là các phán đoán của khoa học (các phán đoán thẩm mỹ chất liệu); chỉ có các phán đoán thẩm mỹ thuần túy (vì chúng là hình thức) mới thực sự là các phán đoán sở thích." Kant, Critique of judgement

-------------------------------

 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt