PHI LÝ, sự, tính / absurdity
NHẬN THỨC LUẬN, TRIẾT HỌC CHÂU ÂU HIỆN ĐẠI. [từ tiếng Latin absurdus, lạc điệu) Được sử dụng như là một từ đồng nghĩa với "cái phi lý". Trong nhận thức luận, một sự mâu thuẫn hay sự không nhất quán hiển nhiên và không thể chối cãi trong một niềm tin hay một mệnh đề, chẳng hạn "hình vuông là hình tròn". Sự phi lý là vấn đề nghiêm trọng hơn một lỗi sai nảy sinh từ việc áp dụng sai một tên gọi cho một đối tượng. Mục đích của luận cứ reductio ad absurdum là làm bộc lộ sự phi lý của một mệnh đề và qua đó cho thấy sự đúng đắn của mệnh đề phủ định nó. Sự phi lý chủ yếu được gắn với ngôn ngữ và vì thế với con người. Những sự phi lý triết học có thể nảy sinh từ việc sử dụng các thuật ngữ thuộc về một phạm trù này như thế chúng thuộc về một phạm trù khác. Gibert Ryle gọi những sự phi lý như vậy là "sự lẫn lộn phạm trù". Đối với chủ nghĩa hiện sinh, có hai cách sử dụng khác của chữ "sự phi lý". Cách thứ nhất liên quan đến tính vô nghĩa của sự hiện hữu của con người bắt nguồn từ việc nó thiếu cơ sở, nền tảng hay mục đích tối hậu. Theo cách sử dụng thứ hai, sự phi lý vượt ra ngoài giới hạn của cái hợp lý và đòi hỏi ta phải huy động toàn bộ sức mạnh xác tín và cảm xúc của ta để chấp chận nó. Là một từ tương đương với "cái siêu nghiệm", sự phi lý là sâu sắc và có giá trị. Sự phi lý theo nghĩa sau này bắt nguồn từ sự phê phán của thuyết hiện sinh đối với những yêu sách tuyệt đối của lý tính và thể hiện chủ nghĩa phi lý đặc trưng của chủ nghĩa hiện sinh.
"Sự ly dị này giữa con người và cuộc sống của anh ta, giữa diễn viên và bối cảnh của anh ta, chính là cảm giác về sự phi lý." Camus, The Myth of Sisyphus ----------------------
Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC