Thuật ngữ tổng quát

Tha hóa (sự) / Alienation

 

THA HÓA (sự)

[ALIENATION]

 

TRIẾT HỌC TÔN GIÁO, TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC HỌC, TRIẾT HỌC CHÂU ÂU HIỆN ĐẠI.  [tiếng Đức Entfremdung, từ fremd, xa lạ hay Entäusserung, từ entäussern, biến thành cái bên ngoài, chữ này gắn với chữ Latinh alius, một cái khác. Cũng được dịch là xa lạ hóa] Một trạng thái trong đó một cái gì đó bị tách ra khỏi, qua hành vi của chính nó, một cái gì đó khác đã từng thuộc về nó, sao cho cái khác đó này trở nên tự mình đầy đủ và quay sang chống lại chủ nhân ban đầu của nó.

Ý niệm tha hóa có thể có gốc tích từ học thuyết Kitô giáo về nguyên tội và từ lý thuyết của Rousseau về khế ước xã hội, trong đó các cá nhân trong trạng thái tự nhiên từ bỏ sự tự do tự nhiên của họ để chọn tự do dân sự khi bước vào trạng thái xã hội. Nó được giải thích bởi HegelFeuerbach và Marx.

Đối với Hegel, sự phát triển của ý niệm tuyệt đối là một tiến trình tha hóa hay vĩnh cửu hóa các ý niệm trong thế giới tự nhiên và sau đó khắc phục sự tha hóa của chúng hay phục hồi chúng ở một giai đoạn cao hơn. Mỗi một phạm trù phát triển thành mặt đối lập với nó, vốn đã được chứa sẵn trong nó ngay từ đầu. Vì thế, nó bước vào trạng thái tha hóa, sau đó là hòa giải vào trong một sự thống nhất cao hơn. Sự thống nhất này tự nó đi đến sự tha hóa mới. Giới tự nhiên là sự tha hóa của ý niệm tuyệt đối. Mỗi một cá nhân sẽ trở nên xa lạ với bản thể xã hội và cũng với bản ngã riêng của mình cho dù anh ta được đồng nhất với bản thể phổ quát. Quá trình tha hóa và khắc phục sự tha hóa tương ứng với quá trình phát triển của nhận thức con người. Feuerbach cho rằng Thượng đế chẳng qua chỉ là bản ngã của con người bị tha hóa. Marx tuyên bố rằng sự tha hóa là một hiện tượng phổ biến trong các xã hội tư bản, bắt nguồn từ việc người công nhân trở nên xa lạ với các sản phẩm lao động của họ. Trong chủ nghĩa tư bản, các sản phẩm này ở dạng hàng hóa, tiền bạc và tư bản. Đối với Marx, sự tha hóa chỉ có thể được khắc phục bằng cách thay chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm tha hóa được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 20, chủ yếu là do sự ảnh hưởng của Bản thảo kinh tế và chính trị[1] của Marx, được viết vào năm 1844 nhưng đến 1932 mới được xuất bản. Các nhà chủ nghĩa Marx-mới, nhất là Lukács sử dụng khái niệm này để đưa ra một lối diễn giải mới về chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa hiện sinh và trường phái Frankfurt coi tha hóa một căn bệnh cơ bản của xã hội hiện đại và một số nhà lý luận của chủ nghĩa Marx đã tìm kiếm những cơ sở lý thuyết để giải thích sự tha hóa trong các xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự tha hóa được bàn luận không chỉ trong triết học, mà còn trong các khoa học xã hội khác và trong đời sống hàng ngày, để đối phó với tình trạng mất đoàn kết, chia rẽ, đối nghịch tư tưởng đang ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người.

Sự tha hóa có nhiều hình thức, nhưng sự tự-tha hóa của con người đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Sự tự-tha hóa quy chiếu đến việc các cá nhân bị tách ra khỏi bản ngã đích thực của họ, bản tính của họ, và ý thức của họ. Đấy là trạng thái một người nào đó mất đi tính toàn vẹn và sự độc lập cá nhân và trở nên xa lạ với chính mình.

---------------------------------------

"Tính chất 'là kẻ khác' này, việc đóng vai này áp đặt lên ta, có lẽ được áp đặt bởi những hậu quả ngoài dự kiến của hành vi của chính ta hay những người khác trong quá khứ, đi đến chỗ đe dọa và cưỡng bức ta như thể nó là một thực tại thực tồn đe dọa ta từ bên ngoài – đây là hiện tượng tha hóa mà Rousseau, Hegel, Kierkegaard và Marx, cũng như nhiều ngành tâm lý học và xã hội học coi là một chủ đề trung tâm trong lý thuyết của mình." BerlinThe Magus of the North.



[1] Có lẽ tác giả viết nhầm. Thực ra, nhan đề của tác phẩm này của Marx là Bản thảo kinh tế - triết học (1844)


 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt