TỘI [SIN]
TRIẾT HỌC TÔN GIÁO, ĐẠO ĐỨC HỌC. Một thuật ngữ thần học dùng để chỉ những việc làm sai trái hay lỗi lầm về phẩm cách đạo đức có tính chất nghiêm trọng do bất tuân điều răn của Thượng đế hay vi phạm luật tự nhiên. Cảm thức tội lỗi của con người là một hệ hình của sự trải nghiệm tôn giáo. Theo Tân ước, tất cả mọi người đều có tội, bởi lẽ chúng ta thừa hưởng nguyên tội từ Adam, người cha chung của nhân loại. Các tín đồ Kitô tin rằng cái chết của Jesus là sự hi sinh vì tội lỗi của con người. Một người người sau khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục nếu bị Thượng đế phán xét là một tội nhân không hối cải. Theo nghĩa ít chặt chẽ hơn, tội đồng nghĩa với điều ác, nhưng theo nghĩa nghiêm ngặt, tội là một điều ác mà người ta phạm phải đối với Thượng đế, chứ không phải là đối với người khác. Chỉ có Thượng đế mới có thể được khẩn cầu tha tội. Theo một số cách diễn giải, tội xuất phát từ việc ta theo bản tính cảm tính chống lại bản tính lý tính của mình. Ta phạm tội khi không làm điều tốt mà ta biết là Thượng đế đòi hỏi ta phải làm. Những người nào tin rằng khi họ có tội thì họ thường cảm thấy họ bị tách rời khỏi Thượng đế, thị kiến hoặc ân sủng của Ngài. Nguồn gốc của tội thường được gán cho ý chí tự do của con người, nhưng điều này vẫn còn gây tranh cãi. Trong triết học và thần học thời trung đại, thói kiêu căng, tham lam, ganh ghét, háu ăn, giận dữ, biếng nhác, dâm đãng được coi là bảy thứ trọng tội. "Do tội của mình, kẻ tội nhân không thể thực sự làm tổn thương Thượng đế, tuy nhiên, về phần mình, anh ta hành động trái với Thượng đế theo hai cách. Thứ nhất, anh ta khinh miệt Thượng đế và những điều răng của Ngài, và thứ hai, trên thực tế anh ta làm hại một ai đó, hoặc là chính anh ta hoặc là người khác." Aquinas, Summa Theologiae
Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC