TƯ KIẾN | THƯỜNG KIẾN / DOXA
TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI, SIÊU HÌNH HỌC, NHẬN THỨC LUẬN. [tiếng Hy Lạp, thường được dịch là niềm tin hay tư kiến, từ động từ dokein hay doxazein, xuất hiện, tin tưởng, có vẻ] Một thuật ngữ được sử dụng liên quan đến sự dường như, ý thức gián tiếp về, hay quen biết trực tiếp với, những đối tượng tương phản với episteme (tri thức). Đối với Plato, doxa không chỉ là tư kiến, mà còn là quan năng hay năng lực tạo ra các tư kiến. Đó là trạng thái tinh thần của người không phải là triết gia (người yêu mến tư kiến, philodoxos), và đối tượng của nó là thế giới biến dịch có thể tri giác được, là một thế giới vừa tồn tại lại vừa không tồn tại, và các sự vật chỉ là những bản sao của các Hình thức. Trái lại, episteme không chỉ là tri thức như là kết quả của nhận thức, mà còn là quan năng tạo ra tri thức. Nó là trạng thái tinh thần của triết gia (người yêu mến sự minh tuệ (philo-sophos), và đối tượng của nó là thế giới của chính các Hình thức, cái tồn tại một cách hiện thực. Sự phân biệt này được thảo luận cặn kẽ trong Nền Cộng hòa Quyển V, và là cơ sở thiết yếu cho việc Plato tách ly thế giới Hình thức ra khỏi thế giới khả giác. Nó có sự ảnh hưởng lâu dài đến siêu hình học và nhận thức luận phương Tây. "Chúng tôi đồng ý rõ ràng rằng tư kiến khác với tri thức" Plato, Nền cộng hòa.
Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC