Chủ nghĩa hiện sinh

Lối thoát

 

GIAO LƯU VỚI S A R T R E:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11  
                       

 

 

L Ố I  T H O Á T

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Thưa Ông, Roquentin đã "tức giận đến nghẹn thở" trước sự hiện hữu thừa mứa, phi lý. Lý do của "sự giận dữ", như đã trích dẫn ở trang 334 trước đây là: "hiển nhiên chẳng có lý do nào cho nó hiện hữu, cái loài côn trùng mềm nhão này. Nhưng không thể nào nó lại không hiện hữu". Ngay sau đó, Roquentin cảm nhận:

"Đấy là điều không thể nghĩ tưởng được: để tưởng tượng ra hư vô thì người ta lại đã hiện hữu rồi, giữa lòng thế giới và đôi mắt mở to, sinh động: hư vô, hư vô chỉ là một ý tưởng trong đầu óc tôi, một ý tưởng đang hiện hữu bềnh bồng trong cõi bao la này; trạng thái hư vô đó đã không đến trước hiện hữu, nó là một hiện hữu khác, và đã xuất hiện sau nhiều hiện hữu khác. Tôi la lên: "Nhơ bẩn, chó chết!". Và tôi lắc đầu để giải thoát mình ra khỏi tình trạng nhơ bẩn hiểm độc này..." (tr. 335).

 

"Hư vô", một phạm trù mới khi "đương đầu"với sự bất tất của hiện hữu?

 

J.P.S: Nếu muốn thế giới có ý nghĩa, ta cần có khái niệm hư vô, bởi để có thể giải thích hiện hữu, ta vẫn cần đến ý niệm về căn nguyên của nó, nhưng căn nguyên này phải nằm bên ngoài cái thế giới hiện hữu tràn ngập và bất tất ấy. Ngay chỉ để có thể suy tưởng về nó, ta đã cần hình dung rằng nó có thể không hiện hữu. Nhưng rõ ràng một hình dung hay quan niệm như thế chỉ có thể có ở trong ý thức, mà bản thân cũng là bộ phận của thế giới. Nói cách khác, ý niệm hay phạm trù hư vô là một ý niệm của con người, là một sự biến (événement/event) do con người đưa vào trong thế giới vốn tràn ngập và đầy ứ hiện hữu. Đó chính là hành vi "lắc đầu" của Roquentin, tức hành vi "nói không", hành vi "phủ định".

 

Hành vi "phủ định" là cách "giải thích" cho sự ra đời của hiện hữu mang đầy tính 'khẳng định"?

 

J.P.S: Vì sự hiện hữu là "vô căn vô cố", nên tự nó không thể "ra đời" hay "hình thành" được! Việc "ra đời" của hiện hữu, do đó, chỉ có thể do ý thức tạo ra, khi ý thức hình thành các mối quan hệ. Nghĩa là, bản thân hiện hữu không có thọ mệnh, không có biến dịch, không có sự khác biệt; hầu như tất cả những điều ấy đều là sản phẩm của ý thức. Ý niệm về một sự "quá độ" từ không-hiện hữu sang hiện hữu chỉ có thể hiểu như sự "phủ định" ("négation"), nhưng ta không thể đi tìm sự phủ định này trong sự tràn ngập, dư thừa của hiện hữu, mà là một nỗ lực, một thành tựu đặc sắc của ý thức con người:

"Đã có những thằng cha ngốc nghếch (idiotes) [ám chỉ Nietzsche!] đến nói với ta về "ý chí hùng dũng" và cuộc "đấu tranh sinh tồn" [như là nguồn gốc phát sinh của hiện hữu] (...) Không thể nào nhìn sự vật theo kiểu đó! (...) Chúng đã không muốn hiện hữu, duy có điều chúng không thể nào ngăn mình hiện hữu, thế đấy (...) Mệt mỏi, già cỗi, chúng miễn cưỡng tiếp tục hiện hữu, chỉ vì quá yếu ớt không chết đi được, và vì cái chết chỉ có thể đến với chúng từ bên ngoài; chỉ những nhạc khúc là có thể kiêu hãnh mang trong tự thân mình cái chết xem như một tất yếu nội tại, nhưng những nhạc khúc thì không hiện hữu" (tr.332).

 

Sự "thức nhận" của Roquentin đã rốt ráo, vì Roquentin đã nhận ra rằng không thể chờ đợi một sự biện minh nào khác ngoài ý thức của chính mình. Ngay cho dù sự vật có một ý nghĩa kín đáo, bí mật nào đi nữa, thì cũng không thể tự mình bộc lộ ý nghĩa ấy được: phải có Roquentin mới làm được việc ấy cho chúng! Đó là lý do Roquentin quyết định rời Bouville, về lại Paris, từ bỏ công việc của một "sử gia" để chọn con đường của một "nhà văn"?

 

J.P.S: Đúng thế! Trước khi rời Bouville, Roquentin ghé lại quán cà phê để nghe lại lần cuối bản nhạc quen thuộc. Lúc đầu, Roquentin tưởng rằng nghệ thuật dành cho "bọn ngốc nghếch" vì bọn họ tin rằng "cái đẹp cảm xúc cùng với họ". Nhưng không, nghệ thuật thật ra là hình thức tàn nhẫn, lạnh lùng, sáng rõ, chẳng liên quan gì đến tình cảm sướt mướt. Không thể chờ đợi lối thoát hay sự giải cứu từ cách hiểu ấy! Nghệ thuật là hình ảnh trái ngược với "sự khổ đau thảm hại", vốn là đặc điểm khách quan của thế giới. Nghệ thuật khác với hiện hữu thừa mứa là ở chỗ nó gần gũi với thế giới ý niệm của Platon. Nó là sự thanh khiết, nghiêm mật, trong khi hiện hữu chỉ là bản sao yếu ớt, mờ nhạt của sự khổ đau mà nghệ thuật có thể tạo ra. Nghệ thuật là trật tự được tạo ra, được sáng tạo ra để cười nhạo thực tại phi lý, bất tất: "xua đuổi hiện hữu ra khỏi tôi, vắt kiệt những khoảnh khắc cho cạn hết những chất mỡ béo tạo nên chúng, vặn vẹo, vắt cạn chúng, tự lọc sạch tôi, tự làm khô cứng tôi, để sau cùng biến thành cái âm thanh rõ rệt và chính xác của một nốt kèn đồng" (tr, 430).

 

Đàng sau hiện hữu ngẫu nhiên của chiếc đĩa hát là sự tồn tại bất biến, vĩnh hằng, nghiêm mật của nhạc khúc, giai điệu. Một đường vòng trở lại với thế giới mô thức của Platon?

 

J.P.S: Có sự khác biệt lớn. Các ý niệm của Platon là trật tự sẵn có, trong khi nghệ thuật là trật tự do ý thức, do con người sáng tạo nên. Roquentin thật sự xúc động trước tồn tại được sáng tạo. Khi nghe giọng hát cất lên, Roquentin thấy ca sĩ lẫn nhạc sĩ đều được giải cứu:

"Nàng hát. Đấy là hai người đã được giải thoát: gã Do Thái và người danh ca da đen. Được cứu thoát. Có lẽ họ đã tưởng mình thua thiệt tận cùng, bị dìm sâu vào trong hiện hữu. Và tuy thế, lại chẳng có ai nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến họ, với lòng trìu mến (...). Đối với tôi, họ vừa tương tự những người chết, vừa tương tự những nhân vật chính trong tiểu thuyết, họ đã được rửa sạch tội hiện hữu" (tr. 435).

 

Thưa Ông,

"Some of these days

You'll miss me honey"

Lời bài hát tuy xoàng xỉnh, nhưng hứa hẹn một sự bất tử. Một lúc nào đó Roquentin sẽ khiến người khác thấy thiếu, thấy nhớ mình, nếu Roquentin vượt khỏi được sự bất tất của hiện hữu, sáng tạo nên nghệ phẩm, chứa đưng thật sự một cuộc "phiêu lưu". Hãy tạo nên cái gì hoàn hảo, nghiêm mật, ra khỏi sự bất tất của những sự kiện (như nơi nhân vật lịch sử Rollebon), đi vào thế giới của sự tất yếu: sự tất yếu có sẵn của những giá trị, quyền hạn, và sự tất yếu được sáng tạo nên của những giai điệu, những "trang giấy đầy kín chữ". Sự "biện minh" đã được tìm ra?

 

J.P.S: Có thể nói như thế! Sự biện minh không đến từ những ý niệm kiểu Platon hiểu như những thực thể tồn tại độc lập với ý thức, giống như chàng Tự Học cầu viện đến "một vài khái niệm" làm hành trang cho "kinh nghiệm", mà phải bằng sự tất yếu đích thực của nghệ thuật do chính mình sáng tạo nên: "đàng sau những trang giấy, những dòng chữ in, người ta phải đoán ra được một cái gì sẽ không hiện hữu, một cái gì sẽ ở trên hiện hữu" (tr. 436).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt