Triết học Hy Lạp

Chủ nghĩa Khắc kỷ trong thời đại dịch: Marcus Aurelius có thể giúp gì cho ta?

 

CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ TRONG THỜI ĐẠI DỊCH

MARCUS AURELIUS CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO TA?

 

DONALD ROBERTSON

Đinh Hồng Phúc dịch

 

Tác phẩm Những suy niệm, do một vị hoàng đế La Mã đã mất trong một nạn dịch hạch được đặt theo tên của ông viết, nói nhiều về việc làm thế nào đối mặt với nỗi sợ hãi, đau khổ, lo âu và mất mát.

    Một trang trong quyển 1 Những suy niệm của Marcus Aurelius

Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius là triết gia Khắc kỷ danh tiếng cuối cùng của thời cổ đại. Trong 14 năm cuối đời, ông đối mặt với một trong những bệnh dịch tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu. Bệnh dịch hạch Antonine, được đặt theo tên ông, có lẽ là do một chủng virus đậu mùa gây ra. Người ta ước tính bệnh dịch này đã giết chết 5 triệu người, có lẽ trong đó có cả chính Marcus nữa.

Từ năm 166 đến khoảng năm 180, các đợt bùng phát tái lặp xảy ra khắp nơi. Các nhà sử học La Mã đã mô tả các quân đoàn bị đánh gục, người chết la liệt khắp hang cùng ngõ hẻm, toàn bộ các thị trấn và làng mạc trở nên hoang tàn. Bản thân thành phố Rome bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, ngày nào cũng có những chuyến xe chất đầy xác chết ra khỏi thành phố.

Giữa những ngày đen tối của nạn dịch, Marcus đã viết một cuốn sách, giờ đây được biết tới với tên gọi là Những suy niệm, ghi chép lại những lời khuyên về đạo đức và tâm lý dành cho chính ông trong thời gian này. Ông thường áp dụng triết học Khắc kỷ vào những hoàn cảnh phải đối phó với sự đau đớn, bệnh tật, lo lắng và mất mát. Chẳng có gì là quá sức tưởng tượng khi coi Những suy niệm là một cuốn sách cẩm nang hướng dẫn ta phát triển một cách chính xác những kỹ năng giúp tinh thần thêm cương kiện để đối phó với đại dịch hiện nay.

Trước hết, vì các nhà Khắc kỷ tin rằng điều tốt thực sự của chúng ta nằm trong phẩm cách và hành động của chúng ta, họ sẽ thường xuyên nhắc nhở chính mình phải phân biệt cho rõ đâu là cái “thuộc về ta” và đâu là cái “không thuộc về ta”. Các nhà Khắc kỷ hiện đại có xu hướng gọi đây là “tính lưỡng phân của sự kiểm soát” và nhiều người nhận thấy chỉ mỗi sự phân biệt này thôi cũng đủ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu sự căng thẳng. Tất cả những gì xảy đến với tôi không bao giờ trực tiếp nằm trong khả năng kiểm soát của tôi, không bao giờ hoàn toàn thuộc về tôi, nhưng các tư tưởng và hành động của tôi thì hoàn toàn thuộc về tôi - ít ra là những hành động tự nguyện. Nạn đại dịch không thực sự nằm trong tầm kiểm soát của tôi, nhưng cách tôi ứng phó với nó thì nằm trong khả năng của tôi.

Phần lớn, nếu không nói là tất cả, suy nghĩ của ra cũng là cái thuộc về ta. Vì thế, “Không phải các sự kiện làm ta lo lắng mà chính cách ta nghĩ về chúng mới làm ta lo lắng.” Cụ thể hơn, chính phán đoán của ta rằng điều gì đó thật là tồi tệ, khủng khiếp hay thậm chí là thảm khốc mới là nguyên nhân làm cho ta đau khổ.

Đây là một trong những nguyên tắc tâm lý cơ bản của chủ nghĩa Khắc kỷ. Đây cũng là tiền đề cơ bản của liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hiện đại, một hình thức trị liệu tâm lý dựa trên bằng chứng. Những người tiên phong của CBT là Albert Ellis và Aaron T Beck, cả hai đều nói chủ nghĩa Khắc kỷ là nguồn cảm hứng triết học cho cách tiếp cận của họ. Không phải vi-rút là cái khiến ta sợ hãi, mà chính cách nghĩ của ta về nó mới khiến ta sợ hãi. Cũng không phải là những hành động thiếu cân nhắc của người khác, việc phớt lờ những khuyến nghị giãn cách xã hội của họ khiến ta trở nên giận dữ mà chính cách nghĩ của ta về chúng mới làm ta trở nên như vậy.

Điều khiến nhiều người chú ý, khi đọc Những suy niệm, là sách bắt đầu bằng một chương trong đó Marcus liệt kê các phẩm chất mà ông ngưỡng mộ nhất ở những cá nhân khác, khoảng 17 người bạn, người trong gia đình và những người thầy dạy học của ông. Đây là một ví dụ mở rộng thêm cho một trong những cách thực hành chính của chủ nghĩa Khắc kỷ.

Marcus thích đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Tự nhiên đã ban cho tôi đức hạnh nào để tôi đối phó với tình huống này?” Câu hỏi này tự động dẫn đến câu hỏi tiếp theo: “Những người khác đương đầu với những thách thức như thế này ra sao?” Các nhà Khắc nghĩ suy ngẫm về các sức mạnh của tính cách như sự khôn ngoan (wisdom), tính kiên nhẫn, và tính kỷ luật đối với bản thân, những tính cách này có khả năng khiến họ trở nên kiên cường hơn khi đối mặt với nghịch cảnh.

Họ cố gắng nêu gương các đức hạnh này và sẵn sàng đón nhận những thách thức mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, trong thời kỳ khủng hoảng như nạn đại dịch chẳng hạn. Họ học hỏi cách đối phó của người khác. Thậm chí cả những nhân vật lịch sử hay nhân vật hư cấu cũng có thể dùng làm gương mẫu.

Nắm được những điều này, ta sẽ dễ dàng hiểu một khẩu hiệu thường gặp khác của chủ nghĩa Khắc kỷ: nỗi sợ hãi có hại cho ta hơn những thứ chúng ta sợ. Câu nói này áp dụng cho những cảm xúc không lành mạnh nói chung, mà các nhà Khắc kỷ gọi là "những cảm xúc mạnh mẽ" - tiếng Hy Lạp là pathos, nguồn gốc của chữ "bệnh học" (pathological) trong tiếng Anh hiện nay. Điều này đúng, trước hết, theo một nghĩa bề mặt nào đó. Ngay cả khi bạn có 99% cơ hội, hay nhiều hơn nữa, sống sót sau đại dịch, thì sự lo lắng và lo âu có thể hủy hoại cuộc sống của bạn và khiến bạn phát điên. Trong những trường hợp cực đoan, một số người còn tìm tới cái chết.

Về mặt đó, ta dễ dàng thấy nỗi sợ hãi có thể gây hại cho ta nhiều hơn những thứ ta đang sợ như thế nào, vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của ta. Tuy nhiên, đối với nhà Khắc kỷ, câu nói này cũng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Vi-rút chỉ có thể làm hại thân xác của bạn - điều tồi tệ nhất mà nó có thể làm là giết chết bạn. Thế nhưng, nỗi sợ hãi ăn sâu vào trong cái lõi tinh thần của con người ta. Nó có thể hủy hoại nhân tính của bạn nếu bạn để mặc nó. Đối với các nhà Khắc kỷ, đấy là số phận còn tồi tệ hơn cả cái chết.

Cuối cùng, trong một trận đại dịch, bạn có thể phải đương đầu với nguy cơ là bạn chết. Kể từ ngày bạn chào đời, nguy cơ ấy đã chực sẵn rồi. Rúc đầu vào cát là cách nhiều người thấy dễ làm hơn cả, và cách tránh né này là chiến lược đối phó được ưa dùng nhất. Chúng ta sống mà không dám thừa nhận một sự thật hiển nhiên rằng rốt cuộc thì ai cũng chết cả. Các nhà Khắc kỷ tin rằng khi ta đối mặt với cái chết của chính mình và hiểu ra những hàm ý của nó, điều đó có thể thay đổi viễn tượng của ta về cuộc sống một cách rất đáng kể. Bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể chết bất cứ lúc nào. Chẳng một ai trường sinh bất tử hết.

Chúng ta được nghe nói rằng đây là những gì Marcus suy ngẫm trên giường trước khi chết. Theo một nhà sử học, những người bạn quanh ông đau lòng đến quẫn trí. Marcus điềm tĩnh hỏi tại sao họ lại khóc than cho ông, thay vì khóc than, sao không thừa nhận cả bệnh tật lẫn cái chết là điều không thể tránh khỏi, là một phần của tự nhiên, số mệnh chung của loài người. Ông quay trở lại chủ đề này nhiều lần trong Những suy niệm.

“Mọi thứ rồi sẽ trôi qua”, ông nói với chính mình, ngay cả bệnh tật hay cái chết, ta cũng nên coi đó là những gì “quen thuộc như hoa nở trong mùa xuân và kết trái trong mùa thu”. Nói cách khác, qua nhiều thập kỷ rèn luyện thuyết Khắc kỷ,  Marcus Aurelius đã tự học được cách đối mặt với cái chết với một sự điềm tĩnh vững vàng của một người đã bao phen đối mặt nó trong quá khứ.

 


Nguồn: https://www.theguardian.com/books/2020/apr/25/stoicism-in-a-time-of-pandemic-coronavirus-marcus-aurelius-the-meditations?fbclid=IwAR0Q9iXlgyqSI3vL2sQ8OASXHdgm7NaEz1Kdjift-9K8u95FnCA8LCd0jKg

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt