Triết học Hy Lạp

Cuộc đời của Thales

 

DIOGENES LAERTIUS

 

CUỘC ĐỜI CỦA 

CÁC TRIẾT GIA KIỆT XUẤT

 

QUYỂN 1

 

CUỘC ĐỜI CỦA THALES

(hoạt động khoảng năm 585 TCN, 

thời điểm xảy ra nhật thực)

 

 

[22] Herodotus, Duris và Democritus đều nhất trí rằng Thales là con trai của Examyas và Cleobulina, thuộc dòng họ Thelidae,[1] người Phoenicia, và là một trong những hậu duệ cao quý nhất của Cadmus và Agenor. Như Plato chứng thực, ông là một trong bảy nhà hiền triết. Ông là người đầu tiên được gọi là nhà Hiền triết, dưới thời quan chấp chính Damasias[2] ở Athens, khi danh hiệu này được gọi chung cho tất cả các nhà hiền triết, như Demetrius thành Phalerum đề cập trong Danh sách các quan chấp chính của ông. Ông được công nhận là công dân ở Miletus khi đến thị trấn này cùng với Nileos, người trước đó bị trục xuất khỏi Phoenicia. Tuy nhiên, hầu hết các tác gia nói ông là người Miletus đích thực và xuất thân từ một gia đình danh giá.

[23] Sau khi tham gia chính trị, ông trở thành một người nghiên cứu về tự nhiên. Theo một số ý kiến, ông không để lại bất cứ một tác phẩm viết nào; vì Thiên văn học Hàng hải[3] được gán cho ông được cho là của Phocus người đảo Samos. Callimachus biết ông là người phát hiện ra chòm sao Tiểu Hùng Tinh; vì ông nói trong Iambics của mình như sau:

Ai là người đầu tiên làm rõ quỹ đạo

của những ngôi sao nhỏ gọi là Tiểu Hùng Tinh,

nhờ đó người Phoenicia dong buồm vượt trùng khơi.[4]

Nhưng theo những ý kiến khác, ông chỉ viết hai chuyên luận, một V điểm chí và một Về điểm phân, coi tất cả các vấn đề khác là không thể nhận thức được. Theo một số ghi chép, ông là người đầu tiên nghiên cứu thiên văn học[5], người đầu tiên dự đoán nhật thực và xác định các điểm chí; như Eudemus đã viết trong cuốn Lịch sử Thiên văn học. Chính điều này đã khiến ông được Xenophanes và Herodotus ngưỡng mộ, cũng như được Heraclitus và Democritus chú ý tới.

[24] Và một số người, gồm cả nhà thơ Choerilus, tuyên bố ông là người đầu tiên chủ trương thuyết bất tử của linh hồn. Ông là người đầu tiên xác định quỹ đạo của mặt trời từ điểm chí này sang điểm chí kia, và theo một số người, ông là người đầu tiên tuyên bố kích thước của mặt trời bằng một phần bảy trăm hai mươi vòng tròn mặt trời, và kích thước của mặt trăng cũng bằng phân số đó của vòng tròn quỹ đạo mặt trăng. Ông là người đầu tiên đặt tên cho ngày cuối cùng của tháng là Ngày ba mươi, và theo một số người, ông là người đầu tiên bàn luận về các vấn đề vật lý học.

Aristotle[6] và Hippias khẳng định rằng, dựa trên quan sát về nam châm và hổ phách, ông đã lập luận rằng ngay cả những vật vô tri cũng có linh hồn hay sự sống. Pamphila nói rằng, sau khi học hình học từ người Ai Cập, ông là người đầu tiên vẽ được một tam giác vuông nội tiếp trong một đường tròn, và sau đó đã cúng tế một con bò để ăn mừng. [25] Những người khác nói câu chuyện này là kể về Pythagoras, trong đó có nhà số học Apollodorus. (Chính Pythagoras là người đã phát triển đến mức cao nhất những khám phá mà Callimachus trong Iambics của ông đã gán cho Euphorbus thành Phrygia, ý tôi là "tam giác không đều" và bất cứ điều gì khác liên quan đến hình học lý thuyết.[7])

Thales cũng được cho là đã đưa ra những lời khuyên tuyệt vời về các vấn đề chính trị. Chẳng hạn, khi Croesus gửi đến Miletus lời đề nghị liên minh, ông đã ngăn cản kế hoạch này; và điều này đã cứu thành phố khi Cyrus giành chiến thắng. Heraclides thuật lại rằng chính Thales[8] đã nói ông luôn sống cô độc như một cá nhân riêng tư và tránh xa các công việc của Nhà nước. [26] Một số nguồn tin cho rằng ông đã kết hôn và có một con trai tên là Cybisthus; những người khác lại nói rằng ông vẫn độc thân và nhận con trai của chị gái làm con nuôi, và khi được hỏi tại sao ông không có con của riêng mình, ông đáp: "vì ông yêu trẻ con." Chuyện kể rằng, khi thân mẫu cố ép ông kết hôn, ông đáp: hãy còn quá sớm, và khi bà ấy thúc ép ông lần nữa, khi ông đã luống tuổi, ông đáp: đã quá muộn. Hieronymus thành Rhodes trong Ghi chép rải rác, quyển thứ hai, kể lại rằng để chứng minh việc làm giàu dễ dàng như thế nào, Thales dự đoán đó sẽ là một mùa bội thu ô liu, nên đã thuê tất đã thuê tất cả các cối xay dầu và nhờ đó tích lũy được cả một khối gia tài.[9]

[27] Học thuyết của ông cho rằng nước là bản chất nguyên thủy phổ quát, và thế giới là sinh động và đầy thần tính. Người ta nói rằng ông đã phát hiện ra các mùa trong năm và chia nó thành 365 ngày.

Ông không có người thầy nào, ngoại trừ việc ông đã đến Ai Cập và học hỏi với các tu sĩ ở đó một thời gian. Hieronymus cho chúng ta biết rằng ông đã đo chiều cao của các kim tự tháp bằng cách đo bóng của chúng, thực hiện quan sát vào thời điểm khi bóng của chúng ta có cùng chiều dài với chính mình. Theo Minyas kể lại, ông đã sống cùng với Thrasybulus, nhà độc tài của Miletus.

Câu chuyện nổi tiếng về cái bát ba chân được ngư dân tìm thấy và được người dân Miletus gửi lần lượt đến tất cả các bậc Hiền nhân diễn ra như sau. [28] Một số thanh niên Ionia đã mua được mẻ cá từ những ngư dân Miletus, và một cuộc tranh cãi nổ ra về cái bát ba chân là một phần của mẻ cá đó. Cuối cùng, người Miletus đã đưa vấn đề này đến Delphi để hỏi ý kiến, và vị thần đã đưa ra lời sấm như sau:[10]

Ai sẽ sở hữu cái bát ba chân? Apollo đáp:

"Kẻ nào khôn ngoan nhất."[11]

Theo đó, họ trao nó cho Thales, và ông lại trao cho người khác, và cứ thế cho đến khi nó đến tay Solon, người đã gửi nó đến Delphi với nhận xét rằng thần linh mới là kẻ khôn ngoan nhất. Callimachus trong Iambicscủa ông có một phiên bản khác của câu chuyện, mà ông lấy từ Maeandrius thành Miletus.[12] Đó là Bathycles, một người Arcadia, khi qua đời đã để lại một cái bát với lời dặn long trọng rằng nó "nên được trao cho người đã làm điều tốt đẹp nhất bằng sự khôn ngoan của mình". Vì thế, nó được trao cho Thales, truyền qua tay tất cả các hiền nhân, và quay trở lại Thales. [29] Và ông đã gửi nó đến thần Apollo ở Didyma, với lời đề tặng này, theo Callimachus:

Hỡi Chúa tể của dòng dõi Neleus,

Thales, kẻ được xem là khôn ngoan nhất của người Hy Lạp,

Mang đến đền thờ Didymaean của ngài

Lễ vật của mình, một phần thưởng hai lần được trao.

Nhưng dòng chữ khắc bằng văn xuôi là:

Thales người Miletus, con trai của Examyas [dâng lễ vật này] cho thần Apollo Delphinian sau khi hai lần được trao thưởng từ tất cả người Hy Lạp.

Chiếc bát được mang từ nơi này đến nơi khác bởi con trai của Bathycles, người có tên là Thyrion, như đã được Eleusis nêu trong tác phẩm của ông Về Achilles, và Alexo người Myndian đề cập trong quyển thứ chín của bộ Truyền thuyết của ông.

Nhưng Eudoxus xứ Cnidos và Euanthes xứ Miletus đồng ý rằng một người nào đó, bạn của Croesus, đã nhận từ nhà vua một chiếc cốc vàng để trao nó cho người khôn ngoan nhất trong số những người Hy Lạp; người này đã trao nó cho Thales, và từ ông nó được chuyển cho những người khác và cuối cùng đến tay Chilon.

Chilon đặt câu hỏi "Ai là người khôn ngoan hơn ta?" trước thần Apollo ở Delphi, và vị thần trả lời "Myson". Chúng ta sẽ nói thêm về ông ấy sau. (Trong danh sách Bảy nhà hiền triết do Eudoxus đưa ra, Myson thay thế vị trí của Cleobulus; Plato cũng đưa ông vào danh sách bằng cách loại bỏ Periander.) Câu trả lời của sấm ngôn về ông như sau:[13]

Myson xứ Chen ở Oeta; chính là kẻ

Vượt trội hơn ngươi về sự khôn ngoan;

và đó là câu trả lời cho một câu hỏi của Anacharsis. Daimachus người theo phái Platon và Clearchus cho rằng một cái bát được Croesus gửi đến Pittacus và từ ông diễn ra vòng chuyển trao giữa các nhà Hiền triết.

Câu chuyện được Andron[14] kể trong tác phẩm của ông Về cái bát ba chân là người Argos đã trao một cái bát ba chân như là phần thưởng đức hạnh cho người khôn ngoan nhất trong số người Hy Lạp; Aristodemus thành Sparta được xét là người chiến thắng nhưng đã nhường lại cho Chilon. [31] Aristodemus được Alcaeus nhắc đến như sau[15]:

Chắc chắn đây không phải là lời vô nghĩa của người Sparta, tôi nghĩ vậy,

"Của cải là giá trị của một người; và nghèo khó thì chẳng được trọng vọng."

Một số người kể rằng một con tàu cùng hàng hóa được Periander gửi đến Thrasybulus, nhà độc tài của Miletus, và khi nó bị đắm ở vùng biển Cos, cái bát ba chân sau đó đã được một số ngư dân tìm thấy. Tuy nhiên, Phanodicus tuyên bố rằng nó được tìm thấy ở vùng biển Athens và được đưa về Athens. Một cuộc họp đã được tổ chức và nó được gửi đến Bias; lý do tại sao sẽ được giải thích trong chương cuộc đời của Bias.

Còn có một phiên bản khác kể rằng đó là tác phẩm của thần Hephaestus, được vị thần tặng cho Pelops trong đám cưới của ông. Sau đó nó được truyền cho Menelaus và bị Paris mang đi cùng với Helen, rồi bị nàng ném xuống biển Cos, vì nàng nói rằng nó sẽ là nguyên nhân gây ra xung đột. Theo thời gian, một số người ở Lebedus, sau khi mua được mẻ cá ở vùng đó, đã có được cái bát ba chân, và khi tranh cãi với ngư dân về nó, họ đã cập bến ở Cos. Khi không thể giải quyết được tranh chấp, họ báo cáo sự việc cho Miletus, thành phố mẹ của họ. Người Miletus, khi các sứ giả của họ bị phớt lờ, đã gây chiến với Cos; nhiều người đã ngã xuống ở cả hai bên, và một lời sấm phán rằng cái bát ba chân nên được trao cho người khôn ngoan nhất; cả hai bên tranh chấp đều đồng ý chọn Thales. Sau khi đã đi qua tay tất cả các hiền nhân, Thales đã dâng nó cho thần Apollo ở Didyma. [33] Lời sấm mà người Cos nhận được như sau:

"Thần Hephaestus ném cái bát ba chân xuống biển;

Cho đến khi nó rời khỏi thành phố sẽ không

Chấm dứt xung đột, cho tới khi nó đến tay nhà tiên tri

Người có sự khôn ngoan thấu suốt quá khứ, hiện tại, tương lai."

Câu của người Miletus bắt đầu bằng "Ai sẽ sở hữu cái bát ba chân?" đã được trích dẫn ở trên. Như vậy là đủ cho phiên bản câu chuyện này.

Hermippus trong Những cuộc đời kể lại câu chuyện về Thales mà một số người gán cho Socrates, cụ thể là ông thường nói rằng có ba điều may mắn mà ông biết ơn Số phận: "thứ nhất, tôi được sinh ra là con người chứ không phải một con vật; thứ hai, tôi được sinh ra là đàn ông chứ không phải đàn bà; thứ ba, là người Hy Lạp chứ không phải người man di." [34] Người ta kể rằng, có lần khi được một bà lão dẫn ra ngoài để quan sát các vì sao, ông ngã xuống một cái hố, và tiếng kêu cứu của ông khiến bà lão hỏi vặn lại: "Làm sao ông có thể biết hết mọi thứ về bầu trời được, hỡi Thales, khi ông thậm chí không thể nhìn thấy thứ ngay trước mắt mình?" Timon cũng biết đến ông như một nhà thiên văn học, và ca ngợi ông trong tập thơ Silli với câu nói[16]:

"Trong số bảy nhà Hiền triết, Thales là nhà thiên văn học."

Theo Lobon thành Argos, các tác phẩm của ông có khoảng hai trăm dòng. Người ta nói rằng tượng của ông có khắc dòng chữ này[17]:

"Niềm tự hào của Miletus và vùng đất Ionia,

Nhà thiên văn học khôn ngoan nhất, Thales ở đây."

Trong số những bài ca vẫn còn được hát, những câu thơ này thuộc về ông:

Nhiều lời nói không thể hiện một trái tim thấu hiểu.

Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan duy nhất.

Hãy chọn điều tốt duy nhất.

Vì ngươi sẽ ngăn được miệng lưỡi kẻ ba hoa nói không ngừng nghỉ.

Đây cũng là một số châm ngôn phổ biến được gán cho ông:

Trong tất cả những gì tồn tại, cổ xưa nhất là Thượng đế, vì ngài không được tạo ra.

Đẹp đẽ nhất là vũ trụ, vì nó là tác phẩm của Thượng đế.

Vĩ đại nhất là không gian, vì nó chứa đựng mọi thứ.

Nhanh nhất là tâm trí, vì nó di chuyển khắp mọi nơi.

Mạnh mẽ nhất là tất yếu, vì nó chi phối tất cả.

Khôn ngoan nhất là thời gian, vì nó đưa mọi thứ ra ánh sáng.

Ông cho rằng không có sự khác biệt giữa sống và chết. "Vậy tại sao," một người hỏi, "ông không chết đi?" "Bởi vì," ông đáp, "không có sự khác biệt." [36] Khi được hỏi cái nào có trước, ngày hay đêm, ông trả lời: "Đêm có trước một ngày." Có người hỏi ông liệu một người có thể che giấu thần linh việc làm xấu của mình không: "Không," ông đáp, "và cũng không thể che giấu ý nghĩ xấu xa." Khi được một kẻ ngoại tình hỏi anh ta có nên thề chối tội không, ông trả lời rằng tội thề dối không tệ hơn tội ngoại tình. Khi được hỏi điều gì khó [trên đời], ông đáp: "Biết chính mình." "Điều gì dễ?" "Cho lời khuyên người khác." "Điều gì thú vị nhất?" "Thành công." "Điều gì là thiêng liêng?" "Cái không có khởi đầu cũng không có kết thúc." Khi được hỏi điều kỳ lạ nhất ông từng thấy là gì, câu trả lời của ông là: "Một bạo chúa già." "Làm thế nào để chịu đựng nghịch cảnh tốt nhất?" "Nếu thấy kẻ thù của mình trong tình cảnh tồi tệ hơn." "Làm thế nào để sống một cuộc đời tốt đẹp và chính trực nhất?" "Bằng cách kiềm chế không làm những điều mà ta chê trách ở người khác." [37] "Ai là người hạnh phúc?" "Người có cơ thể khỏe mạnh, đầu óc linh hoạt và bản tính thuận hòa." Ông khuyên chúng ta nên nhớ đến bạn bè, dù họ có mặt hay vắng mặt; không nên tự hào về vẻ bề ngoài, mà hãy cố gắng trở nên đẹp về phẩm cách. "Hãy tránh xa những lợi ích bất chính," ông nói. "Đừng để những lời nói vô ích làm ảnh hưởng đến những người đã chia sẻ niềm tin với anh." "Bất cứ điều gì anh đã chuẩn bị cho cha mẹ, cũng chính là điều anh có thể mong đợi từ con cái của mình." Ông giải thích hiện tượng lũ lụt sông Nile là do gió mùa Etesian, khi thổi ngược hướng, đã đẩy nước ngược dòng.

Trong sách Biên niên sử, Apollodorus đặt ngày sinh của Thales vào năm đầu tiên của Thế vận hội Olympic lần thứ 35 [640 TCN]. [38] Ông qua đời ở tuổi 78 (hoặc theo Sosicrates, ở tuổi 90); vì ông mất vào Thế vận hội Olympic lần thứ 58, cùng thời với Croesus, người mà ông đã cam kết đưa [quân của vị vua này] qua sông Halys mà không cần xây cầu, bằng cách chuyển hướng dòng sông.

Đã có năm người khác mang tên Thales, như được Demetrius xứ Magnesia liệt kê trong sách Từ điển về Những người cùng tên:

1. Một nhà tu từ học ở Callatia, với với phong cách cầu kỳ.

2. Một họa sĩ ở Sicyon, có tài năng lớn.

3. Một người đương thời với Hesiod, Homer và Lycurgus, ở thời thái cổ.

4. Một người được Duris nhắc đến trong Bàn về hội họa.

5. Một người ít được biết đến vào thời gian gần đây hơn, được Dionysius nhắc đến trong Các tác phẩm phê phán.

[39] Thales nhà hiền triết đã qua đời khi đang xem một cuộc thi đấu thể thao, do nóng bức, khát nước, và tuổi cao sức yếu. Và dòng chữ khắc trên mộ ông là[18]:

"Nơi đây trong ngôi mộ nhỏ, Thales vĩ đại an nghỉ;

Nhưng danh tiếng về sự khôn ngoan của ông vươn tới tận trời cao."

Tôi cũng có thể trích dẫn một bài thơ của chính mình, từ tập đầu tiên của Những bài thơ ngắn với nhiều thể thơ khác nhau:[19]

"Khi Thales đang xem các trò chơi trong ngày lễ hội

Nắng trời gay gắt đánh gục ông, và ông qua đời;

Thần Zeus, Người đã làm tốt khi nâng ông lên cao; đôi mắt mờ của ông

Không thể từ mặt đất nhìn thấy bầu trời đầy sao."[20]

[40] Câu châm ngôn "Hãy biết chính mình" thuộc về ông, mặc dù Antisthenes trong Những s kế tục của các triết gia gán nó cho Phemonoë, dù thừa nhận rằng nó đã bị Chilon chiếm dụng.

Đây dường như là nơi thích hợp để đưa ra một nhận xét chung về Bảy nhà Hiền triết, về những người mà chúng ta có những ghi chép như sau. Damon thành Cyrene, trong sách Lịch sử các triết gia của mình, chỉ trích tất cả các nhà hiền triết, nhất là Bảy nhà Hiền triết. Anaximenes nhận xét rằng tất cả họ đều chuyên tâm vào thơ ca; Dicaearchus thì cho rằng họ không phải là những nhà hiền triết hay triết gia, mà chỉ là những người sắc sảo có khả năng lập pháp.[21] Archetimus thành Syracuse mô tả cuộc gặp gỡ của họ tại triều đình của Cypselus, trong dịp mà chính ông tình cờ có mặt; trong khi Ephorus thay thế bằng một cuộc gặp gỡ khác, không có Thales tại triều đình của Croesus. Một số người cho rằng họ gặp nhau tại lễ hội Pan-Ionian, ở Corinth, và ở Delphi. [41]Những lời nói của họ được thuật lại theo nhiều cách khác nhau, và được gán cho khi thì người này khi thì người khác, ví dụ như sau[22]:

"Lời của Chilon thành Lacedaemon là đúng đắn:

Đừng quá đáng điều gì; điều tốt đẹp đến từ sự vừa phải."

Cũng không có sự đồng thuận nào về cách tính con số này; vi Maeandrius đã thay thế Cleobulus và Myson trong danh sách bằng Leophantus, con trai của Gorgiadas, người Lebedus hoặc Ephesus, và Epimenides người Crete; trong Protagoras, Plato chấp nhận Myson và loại bỏ Periander; Ephorus thế Anacharsis vào chỗ Myson; những người khác thêm Pythagoras vào nhóm Bảy nhà hiền triết. Dicaearchus truyền lại bốn cái tên được công nhận rộng rãi: Thales, Bias, Pittacus và Solon; và thêm vào tên của sáu người khác, để chọn ra ba người, là: Aristodemus, Pamphylus, Chilon người Lacedaemonia, Cleobulus, Anacharsis, Periander. Những người khác thêm Acusilaus, con trai của Cabas hoặc Scabras, người Argos vào. [42] Trong Về các nhà hiền triết của mình, Hermippus liệt kê mười bảy người, từ số đó những người khác nhau chọn ra bảy người khác nhau. Họ là: Solon, Thales, Pittacus, Bias, Chilon, Myson, Cleobulus, Periander, Anacharsis, Acusilaus, Epimenides, Leophantus, Pherecydes, Aristodemus, Pythagoras, Lasos (con trai của Charmantides hoặc Sisymbrinus, hoặc theo Aristoxenus, là con của Chabrinus, sinh ở Hermione), Anaxagoras. Trong Danh sách các triết gia, Hippobotus liệt kê ra Orpheus, Linus, Solon, Periander, Anacharsis, Cleobulus, Myson, Thales, Bias, Pittacus, Epicharmus, Pythagoras.

Sau đây là những bức thư hiện còn của Thales.

THALES GỬI PHERECYDES

[43] "Tôi nghe nói rằng ông định trở thành người Ionia đầu tiên giảng giải thần học cho người Hy Lạp. Và có lẽ đó là một quyết định khôn ngoan khi công khai cuốn sách mà không cần xin ý kiến, thay vì giao nó cho bất kỳ cá nhân cụ thể nào, một cách làm không có lợi ích gì. Tuy nhiên, nếu điều đó làm ông vui, tôi hoàn toàn sẵn lòng thảo luận về chủ đề cuốn sách của ông với ông; và nếu ông mời tôi đến Syros, tôi sẽ đến. Vì chắc chắn Solon người Athens và tôi hẳn sẽ không còn tỉnh táo nếu, sau khi đã đi thuyền đến Crete để theo đuổi những nghiên cứu của chúng tôi ở đó, và đến Ai Cập để bàn bạc với các tu sĩ và nhà thiên văn học, mà chúng tôi lại ngần ngại đến gặp ông. Vì Solon cũng sẽ đến, nếu ông cho phép. [44] Tuy nhiên, ông quá gắn bó với quê nhà đến nỗi hiếm khi đến thăm Ionia và không có khao khát gặp gỡ người lạ, mà, như tôi hy vọng, chỉ tập trung vào một việc, đó là viết lách, trong khi chúng tôi, những người không bao giờ viết gì cả, lại đi khắp Hellas và Tiểu Á."

THALES GỬI SOLON

Nếu ông rời Athens, tôi nghĩ rằng ông có thể thuận tiện nhất khi định cư ở Miletus, một thuộc địa của Athens; vì ở đó ông không gặp rủi ro nào. Nếu ông bực bội với ý nghĩ rằng chúng tôi bị cai trị bởi một bạo chúa, vì ông ghét tất cả những kẻ cai trị độc đoán, thì ít nhất ông cũng sẽ được tận hưởng sự giao tiếp với bạn bè của mình. Bias đã viết thư mời ông đến Priene; và nếu ông thích cư trú ở thành phố Priene, tôi sẽ đến và sống cùng ông."

 

Đinh Hồng Phúc dịch

 

[1] Nelidac, nếu sự chỉnh sửa của Bywater là đúng.

[2] 582 TCN.

[3] Cf. Simplicius, In Phys. i. 23, 29-33 d.

[4] Các thủy thủ Hy Lạp lái tàu theo chòm sao Đại Hùng Tinh, người Phoenicia theo chòm sao Tiểu Hùng Tinh, như Ovid nói trong Tristia, iv. 3. 1, 2.

[5] Xem Sir T. L. Heath, Aristarchus thành Samos, tr. 12-23.

[6] Về Linh hồn, A 2, 405 a 19.

[7] Tức là một lý thuyết liên quan đến các đường, γραμμαί, bao gồm cả đường cong lẫn đường thẳng.

[8] Cụ thể, trong một cuộc đối thoại. So sánh viii. 4.

[9] Bởi vì, sau khi tạo ra độc quyền, ông có thể tính giá tùy thích. Xem phiên bản của Aristotle về câu chuyện này, Chính trị học. i. 11, 1259 a 6-18.

[10] Anth. Plan. vi. 51.

[11] Hoặc bằng văn xuôi: "Hỡi con cháu Miletus, ngươi hỏi thần Phoebus về cái bát ba chân? Ta phán rằng cái bát ba chân thuộc về kẻ nào khôn ngoan nhất."

[12] Mặc dù che giấu danh tính thật bằng cái tên Leandrius, tác giả được đề cập thực chất là Maeandrius, người được biết đến (theo Inscr. Gr. số 2905) là đã viết một bộ sử địa phương về Miletus. Những bộ sử tương tự, chẳng hạn như về Sicyon, Megara, Samos, Naxos, Argolis, Epirus, Thessaly, rất phổ biến trong thời kỳ Alexandria.

[13] Anth. Plan. vi. 40.

[14] Andron thành Ephesus (§119) được biết là đã viết trong thời gian Theopompus còn sống (hoặc ít nhất là trước khi ông qua đời), người bị cáo buộc đã đạo văn từ tác phẩm Cái bát ba chân: Eusebius, Praep. Ev. x. 3, 7.

[15] Mảnh văn 49 Bergk; so sánh Schol. Pindar, Isthm. ii. 17.

[16] Mảnh văn 23 Diels.

[17] Anth. Pal. vii. 83.

[18] Anth. Pal. vii. 84.

[19] Anth. Pal. vii. 85.

[20] Bằng văn xuôi đơn giản: "Khi Thales khôn ngoan đang xem cuộc thi chạy, hỡi thần Mặt Trời, hỡi thần Zeus, Người đã đưa ông ra khỏi sân vận động. Con ca ngợi Người vì đã đưa ông đến gần Người; vì quả thật người già không còn có thể phân biệt các vì sao từ mặt đất nữa."

[21] Ý kiến của Dicaearchus được thể hiện như vậy là chính xác. Ngoại trừ Thales, không ai có cuộc đời được ghi trong Quyển I có thể được gọi là triết gia. Truyền thống về Bảy nhà Hiền triết và cuộc gặp gỡ của họ tại một triều đình nào đó, dù là của một tay bạo chúa bản xứ như Periander hay của một vị vương tử nước ngoài như Croesus, đã được Plato sử dụng (Protag.343 A) và, phần lớn nhờ ảnh hưởng của ông, đã phát triển thành một huyền thoại lãng mạn, dẫn đến việc xuất hiện các tiểu sử muộn, các tuyển tập những câu cách ngôn, và thư từ được gán cho nhiều tác giả khác nhau, chẳng hạn như các cách ngôn của Demetrius thành Phalerum. Diogenes Laertius chấp nhận tất cả điều này là sự thật; trong khi phê bình hiện đại coi chúng là giả mạo.

[22] Anth. Plan. iv. 22.

 


Diogenes Laertius. Lives of Eminent Philosophers. Translated by R.D. Hicks. Cambridge. Harvard University Press. 1972 (First published 1925).


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt