Triết học Hy Lạp

Empedocles và Anaxagoras

 

EMPÊĐÔC VÀ ANAXAGO

 


Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - Viện Triết học. Lịch sử phép biện chứng. Tập 1: "Phép biện chứng cổ đại". Đỗ Minh Hợp dịch; PGS.TS. Đặng Hữu Toàn hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998.


 

Như đã trình bày ở các chương trước, sự hình thành của thế giới quan triết học thể hiện cụ thể ở việc đào sâu tư tưởng về tính thực thể, ở suy tư về khởi nguyên ban đầu, khởi nguyên không những lý giải sự phát sinh, nguồn gốc của tự nhiên mà còn được dùng làm cơ sở đầu tiên, cơ sở luôn ẩn náu trong các hiện tượng tự nhiên, dường như cư trú ở chúng. Tư tưởng về tính thực thể được kiện toàn cùng với những thành tựu của tư duy khái niệm là tư duy loại tính có hình ảnh liên tưởng của thế giới quan thần thoại ra khỏi triết học. Những thành tựu đó đến lượt mình lại góp phần hình thành và nghiên cứu hệ vấn đề nhận thức luận, cụ thể là vấn đề tương quan giữa hoạt động cảm tính và hoạt động lý tính của ý thức con người.

Một cái mốc quan trọng nhất trên con đường phát triển chính của triết học ở Hy Lạp cổ đại là trường ca Về tự nhiên của người đương thời sau Heraclít - Pacmênit. Ở phần đầu trường ca, phần vạch ra "con đường chân lý" là duy nhất có thể có ở Pacmênit và kiên quyết khẳng định rằng, con đường như vậy chỉ có thể là hoạt động của lý tính thuần tuý, lý tính hoàn toàn loại bỏ "kinh nghiệm thói quen" do hoạt động cảm tính của con người tạo ra.

Việc phát hiện ra lý tính (noys) như vậy với tư cách là trung tâm của tư duy khái niệm đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa thời đại trong lịch sử triết học, vì nó chỉ ra công cụ cơ bản cho tư duy triết học. Tuy nhiên, bản thân việc Pacmênit vì quá say mê với phát hiện của mình đã đưa ông tới tính phiến diện thuần tuý duy lý chủ nghĩa. Tính phiến diện này được thể hiện ở tư tưởng cho rằng, dường như "con đường chân lý" phải hoàn toàn loại trừ nhận thức cảm tính. Phù hợp với điều đó Pacmênit là nhà triết học cổ đại đầu tiên đã hình thành khái niệm tồn tại thuần tuý, khái niệm phủ định tính khả năng của bất kỳ không tồn tại nào. Qua đó tác giả của trường ca Về tự nhiên đã bác bỏ quan điểm biện chứng của Hêraclít mà theo đó thì sự thống nhất của tại và không tồn tại thể hiện trong sự thay thế vô tận và trong sự thống nhất của các mặt đối lập. Pacmênit chỉ thừa nhận sự thực tồn của tồn tại (lần đầu tiên ông sử dụng thuật ngữ Hy Lạp này) là cái đồng nhất với tư duy về nó. Được quan niệm như vậy, tồn tại trở thành cái đồng nghĩa với tư tưởng về tính thực thể, tư tưởng loại trừ tư tưởng về sự sinh thành, sự phát sinh, sự vận động, sự biến đổi và sự phát triển. Sự lý giải hoàn toàn siêu hình đầu tiên đó về tồn tại trong triết học Hy Lạp cổ đại được đưa ra trong trường ca nêu trên như sau: "Nó, [tồn tại], không xuất hiện, không khuất phục cái chết. Mọi cái toàn vẹn, tất cả, đều không vận động và là thuần nhất. Nó không có quá khứ, không có tương lai, nhưng tất cả- hiện tại. Nó không có gián đoạn. Vậy tìm kiếm khởi nguyên cho nó làm gì?"[1]

Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại sau đó không thể không tính đến tư tưởng của Pacmênit khi lý giải hiện thực tự nhiên. Nổi tiếng nhất trong số các nhà tư tưởng đó là Empêđôc. Ông sống ở Xixili vào nửa đầu thế kỷ V tr.CN, chịu ảnh hưởng của Pacmênit và phái Pitago. Empêđốc cũng viết trường ca Về tự nhiên (và trường ca Làm sạch). Trong thế giới quan của ông có không ít tính thần thoại, chủ nghĩa so sánh nhân hình và xã hội hình. Tuy nhiên, định hướng tư duy triết học cơ bản của ông là tìm kiếm một quan niệm về tồn tại cho phép giải thích sự ra đời và sự biến đổi của các quá trình tự nhiên, cũng như sự xuất hiện của vũ trụ và các giai đoạn cơ bản của quá trình này.

Theo Empêđốc, cấu thành tồn tại đích thực là bốn nguyên tố bất biến mà từ lâu đã được thừa nhận trong truyền thống triết học tự nhiên: đất, nước, không khí và lửa. Ông gọi chúng là nguồn gốc của mọi thứ hiện tồn (chỉ sau này mới xuất hiện thuật ngữ "nguyên tố" - stoicheon). Cái mà con người coi là sự xuất hiện, sự biến đổi, sự biến mất, trên thực tế chỉ là những sự kết hợp và phân ly mới của chính các nguồn gốc đó. Các sự kết hợp khác nhau về số lượng của chúng sinh ra toàn bộ sự đa dạng vô cùng tận của các vật thể và hiện tượng tự nhiên.

Xét từ góc độ phát triển phương pháp luận trong triết học Hy Lạp cổ đại thì tư tưởng nêu trên của Empêđôc có hai phương diện: Một mặt, vì Empêđốc giải thích tự nhiên bằng cách quy mọi kếtcấu phức tạp của nó về các nguyên tố đơn giản nhất và bất biến, nên sự lý giải đó là sự thể hiệnphương pháp luận siêu hình đang ra đời ở Hy Lạp cổ đại, dưới hình thức chung được trình bày trong phần đầu bản trường ca của Pacmênit. Mặt khác, vì học thuyết đó đã đoán định trước tư tưởng về nguyên tố hoá học, nên có thể nhận thấy ở nó biện chứng của những biến đổi về lượng, những biến đổi đưa tới những chuyển biến về chất.

Một xu hướng biện chứng tự phát khác trong thế giới quan của Empêđốc - xu hướng thể hiện rõ nhất ở Heraclít, - nảy sinh nhờ chủ nghĩa so sánh nhân hình và xã hội hình. Chẳng hạn, Empêđốc thường lý giải các nguyên tố là cái có đặc tính tư duy - cảm tính. Xét từ góc độ này chúng đã không được xem là các cơ sở đầu tiên mang tính thực thể hoàn toàn ngang nhau. Với tư cách nguyên tố tích cực nhất, lửa được đối lập với mọi nguyên tố còn lại với tư cách là các nguyên tố thụ động. Đôi khi Empêđôc xem các nguyên tố này là các nguyên tố đối lập, xuất phát từ một nguyên tắc phân chia khác - thành lửa và không khí tích cực (các khởi nguyên “đàn ông”) nước và đất thụ động (các khởi nguyên “đàn bà”).

Một đặc điểm khác, quan trọng hơn về thế giới quan của Empêđôc, đặc điểm chứng tỏ tính biện chứng của thế giới quan đó là học thuyết về sự đối lập của hai lực có tác động đến bốn nguyên tố mà trong trường hợp này được xem là thụ động đối với hai lực đó. Một lực được gọi là tình yêu, tình bạn, khả ái, hài hoà, dễ thương, vui vẻ, cũng như Apridita và Kipriđa. Lực khác - thù địch (bất hoà), căm thù, chiến tranh và thần thoại về thần Arexơ tượng trưng cho chúng. Các tên gọi thực chất ở đây chỉ là thủ thuật thi ca: vốn dĩ là các động lực, chúng đồng thời cũng được xem như là các bản chất hoàn toàn mang tính nhục thể, về phương diện này không khác biệt với bản thân các nguyên tố. Sự tác động của chức năng của tình yêu - hợp nhất cái khác lại và phân ly cái đồng loại, chức năng của thù địch - phân ly cái khác loại và hợp nhất cái đồng loại là diễn ra đồng thời và theo hướng đối lập nhau.

Tính chất biện chứng ở thế giới quan của Empêđốc thể hiện cả ở nguyện vọng của ông đạt tới bức tranh toàn vẹn về vũ trụ mà ông quan niệm là có hình cầu (hình quả trứng). Sự tác động đồng thời của tình yêu với tư cách lực bảo đảm sự thống nhất của mọi cái hiện hữu và của thù địch là cái luôn thúc đẩy sự chia rẽ cho phép lý giải 4 giai đoạn của quá trình phát sinh ra vũ trụ. 

Trạng thái ban đầu của hình cầu vũ trụ được thiết định bởi tác động hoàn toàn của tình yêu và bởi sự loại trừ thù địch ra khỏi khuôn khổ của nó. Điều này đưa tới sự hoà lẫn hoàn toàn mọi nguyên tố tồn tại dưới dạng các hạt vô cùng nhỏ bé. Hơn nữa, bản thân tình yêu trở thành một yếu tố của hỗn hợp vũ trụ - tự nhiên đó. Chính ở giai đoạn này, thế giới là tồn tại thống nhất và duy nhất, tồn tại loại trừ mọi tính số nhiều. Tồn tại Pacmênit nói tới ở đây là với tư cách chân lý được ông trình bày ở phần đầu trường ca của mình. Ở giai đoạn thứ hai, thù địch bắt đầu thâm nhập vào bên trong hỗn hợp hình cầu đó. Sự tác động qua lại giữa tình yêu và thù địch làm xuất hiện các vật thể riêng biệt đa dạng. Ở giai đoạn thứ ba, khi mà thù địch hoàn toàn khống chế vũ đài hình cầu thế giới, hoàn toàn loại tình yêu khỏi nó, thì tình yêu từ đây sẽ nằm ở ngoại vi vũ trụ, mọi nguyên tố hoàn toàn tách rời khỏi nhau. Sự tách rời đó sẽ tiêu huỷ mọi vật thể cụ thể, riêng biệt. Cuối cùng, ở giai đoạn thứ tư, tình yêu lại chiếm ưu thế, xâm nhập vào bên trong hình cầu, điều này lại hình thành nên các vật cụ thể. Như vậy, các vật cụ thể chỉ tồn tại ở các giai đoạn thứ hai và thứ tư.

Biện chứng của quá trình phát sinh vũ trụ, như Empêđốc mô tả, như vậy là tạo thành một chu kỳ, trong quá trình diễn ra nó được lặp lại y nguyên. Về các nguyên nhân của sự lý giải hạn hẹp như vậy về phát triển chúng ta đã đề cập tới ở chương I.

Cũng cần phải nhận thấy rằng, các mô hình minh hoạ đã giữ vai trò hàng đầu trong bức tranh về tự nhiên của Empêđốc. Tư tưởng về sự thống nhất của thế giới hữu cơ với toàn bộ tính ngây thơ của nó đã đưa tác giả của trường ca Về tự nhiên tới các khẳng định quan trọng thậm chí là xét từ góc độ khoa học có tính hiện đại. Chẳng hạn, Tóc, lá cây và lông chim, vẩy cá có cùng một nguồn gốc."[2]

Theo Empêđốc, thực vật sinh ra từ đất sớm hơn động vật. Sự tăng triển lên trên và xuống dưới của chúng là do các mong muốn đối lập của lửa và đất mà từ đó chúng hình thành. Sự lý giải hoạt động sống của thực vật ở đây là hoàn toàn mang tính nhân hình. Chúng không những có khả năng cảm xúc, cảm nhận được sự thoả mãn và sự bất mãn, mà còn có khả năng tự do vận động và thậm chí còn có một sự hiểu biết nhất định. Khi xuất phát từ các tiền đề như vậy thì một điều hoàn toàn hợp lý là Empêđốc lý giải con người với tư cách một khâu bình thường trong chuỗi thế giới hữu cơ. Điều đó được ông mô tả trong trường ca Làm sạch sau: 

"Khi nào đó tôi đã là một thiếu niên,

Khi nào đó là một thiếu nữ, 

Đã là một bụi cây, đã là chim, là cá biển không biết nói"[3].

Ở đây ta thấy thuyết vật hoạt đan xen với thuyết luân hồi sau khi đạo Oócgiơ và của phái Pitago mất đi. 

Đặc điểm quan trọng về phương diện biện chứng trong triết học tự nhiên của Empêđốc là quan niệm về sự tiến hoá của thế giới hữu cơ. Theo quan điểm đó, lúc đầu - trực tiếp từ đất và ở các địa điểm khác nhau - đã xuất hiện các cơ quan riêng biệt: đầu, tay, chân, mắt và v.v. Ở giai đoạn thứ hai chúng kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên, tạo thành các sinh vật kỳ quái và không có sức sống (chẳng hạn như ngựa đầu người, người đầu trâu và v.v.). Chỉ có các cơ thể có sức sống mới tồn tại tiếp tục được. Chúng chuyển sang giai đoạn thứ ba, khi mà “các sinh vật tự nhiên đầy đủ” sinh sống, tuy nhiên chúng vẫn chưa có sự khác biệt về giới tính. Sự khác biệt giới tính xuất hiện ở giai đoạn thứ tư, khi mà mọi cơ thể không phải xuất hiện từ các cơ quan riêng biệt, mà sinh ra từ các cơ thể khác. Ở giai đoạn này động vật được phân định theo các môi trường sinh sống của chúng - trên đất, dưới nước, trong không trung.

Với tư cách là một trong các yếu tố quan trọng nhất của mình, thế giới quan duy vật - tự nhiên chủ nghĩa và biện chứng - tự phát của Empêđôc bao hàm quan niệm về sự đồng nhất của vũ trụ vĩ mô, tức là toàn bộ tự nhiên, với vũ trụ vi mô, tức là con người cùng với ý thức của nó (vật mang ý thức trước hết được coi là máu, cái bao bọc tim và các cơ quan khác). Chính sự đồng nhất đó là cái duy nhất cho phép lý giải khả năng con người nhận thức được thế giới bao quanh nó. Luận điểm cơ bản trong việc lý giải nhận thức của Empêđốc là luận điểm cho rằng, “cái tương tự được nhận thức bởi cái tương tự”:

“Nhờ đất chúng ta nhìn thấy đất,

Nhờ nước nhìn thấy nước,

Nhờ khí nhìn thấy khí, nhờ lửa nhìn thấy lửa căm hờn, 

Cũng như nhờ tình yêu mà thấy được tình yêu,

Nhờ sự căm thù sôi sục mà cảm nhận được sự căm thù”[4]

Người cùng thời với Empêđôc là Anaxago, ông là nhà duy vật nhất quán hơn Empêđôc. Sinh ra ở Iôn (Cơladômen), Anaxago kế tục truyền thống vật lý Iôn (trước hết là vật lý Milê). Giống như Empêđôc, ông chịu ảnh hưởng của học thuyết Pacmênit về tính không thể xuất hiện hay tiêu vong của tồn tại. Có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của học thuyết đó trong tư tưởng của Anaxago về tính bất biến của mọi kết cấu có định tính quan sát thấy trong tự nhiên.

Phái Pitago (hậu kỳ) và Empêđốc (thực ra là theo một cách khác với họ) đã phát triển quan điểm cho rằng tính quy định về chất của các sự vật khác nhau là cái mang tính thứ sinh và lệ thuộc vào tính quy định về lượng. Khác với họ, Anaxago không những thừa nhận mọi vật thể, như đất đá, cây cối, xương thịt, tóc và v.v., mà cả các thuộc tính của chúng, như nóng, lạnh, màu sắc, mềm, cứng, v.v. là ổn định và về nguyên tắc là các kết cấu có định tính bất biến, không thể quy về các nguyên tố đơn giản khác nào đó. Tuy nhiên, theo Anaxago, các vật thể đó cũng như vô số những vật thể khác là có thể phân chia ra vô tận, ông gọi các bộ phận vô cùng nhỏ bé của chúng là những mầm mống của mọi cái hiện hữu. Sau đó chúng được gọi là đồng độ, tức là các hạt đồng tính, cấu thành từ các hạt nhỏ bé hơn nữa. Tự nhiên là sự kết hợp đa dạng giữa những “mầm mống” đó. Sự chiếm ưu thế của một số “mầm mống” này đối với số khác là cái quy định tính chất của vật thể này hay khác, vật thể này cũng bao hàm các đặc tính còn lại (nguyên tắc “mọi thứ có trong mọi thứ”) ở một mức độ không đáng kể. Anaxago chỉ thừa nhận yếu tố định lượng dưới hình thức như vậy. Ông trở thành đại biểu cổ điển của sự lý giải định tính về tự nhiên, khó có thể phát hiện ra các yếu tố biện chứng trong sự lý giải đó. Song vẫn có thể nhận thấy chúng ở ý định của Anaxago tiếp cận một cách phát sinh với tự nhiên và một số lĩnh vực của nó.

Điều này có liên quan tới học thuyết về lý tính (noys) được ông xem xét không hẳn như như nguyên tắc nhận thức, nhận thức luận, mà chủ yếu như là nguyên tắc vũ trụ, nguyên tắc thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của thế giới. Giống như tình yêu và căm thù của Empêđốc, lý tính của Anaxago là một khởi nguyên vật chất nhỏ bé. Nó giữ một vị trí đặc biệt trong tự nhiên, vì nó không liên kết với một thứ gì. Nhưng chính vị trí đó lại làm sáng tỏ chức năng cơ bản của nó. Chức năng đó là lý tính đem lại cú đẩy đầu tiên cho hỗn hợp khổng lồ bao gồm vô số mầm mống được kết hợp với nhau một cách hết sức đa dạng. Chính củ đẩy đó đặt cơ sở cho quá trình phát triển của các mầm mống từ trạng thái hỗn loạn tạo thành vũ trụ (quan niệm này giống với một số quan niệm thần luận thời cận đại). Bắt đầu ở một vị trí, sau đó quá trình này ngày càng bao trùm lên một số lượng mầm mống lớn hơn. Bên trong vũ trụ đang mở rộng đó lại xuất hiện ngày một nhiều hơn các vật thể và hiện tượng tự nhiên xác định, có thể quan sát trực tiếp thấy.

Một số yếu tố biện chứng tự phát có trong sự lý giải của Anaxago về nhận thức, đúng hơn là về tri giác. Đương nhiên là sự lý giải định tính về thế giới đã đưa Anaxago tới chỗ khẳng định rằng, cảm giác là cơ sở hoạt động nhận thức của ý thức con người (ở đây ông khước từ học thuyết của Pacmênit). Quan niệm của Anaxago về nhận thức là đối lập với quan niệm tương ứng của Empêđốc. Như chúng ta đã thấy Empêđốc khẳng định rằng, cái tương tự trong cơ thể con người nhận thức cái tương tự trong thế giới bao quanh. Anaxago lại suy luận khác rằng, nóng cũng như lạnh không thể thức tỉnh những mầm mống tương tự với chúng trong cơ thể chúng. Do vậy, nhận thức được tiến hành không phải bằng con đường cái tương tự liên hệ với cái tương tự, mà là cái đối lập liên hệ với cái đối lập.

Đó là quan điểm của Empêđốc và Anaxago, trong đó chứa đựng các luận điểm siêu hình bắt đầu hình thành trong triết học Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là do ảnh hưởng của Pacmênit (cũng như học trò của ông là Dênôn), đan xen với các luận điểm biện chứng tự phát sơ khai mà đại biểu là Heraclít. Các yếu tố biện chứng có nhiều hơn ở Empêđôc, còn các yếu tố siêu hình chiếm ưu thế ở Anaxago.



[1] Các nhà triết học cổ đại (văn bản) Mátxcơva 1935, tr.13 (tiếng Nga).

[2] Trích theo Cucrexi: Về bản chất của các vật, Mátxcơva, 1947, 1.2, tr. 673 (tiếng Nga)

[3] Sđd, tr.678.

[4] Sđd, tr.676.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt