Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương XI

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

CHƯƠNG XI

 

1.– Chúng ta hãy bằng lòng với định nghĩa ấy về vấn đề ấy. Còn các biến-cố bất-kỳ xúc-phạm đến con cháu và tất cả thân-hữu của chúng ta, nếu không đếm xỉa tới, tức là, theo ý kiến chung, tỏ sự lãnh-đạm thái quá về tình bằng-hữu và đi ngược với dư-luận mọi người.

2.– Những biến-cố xúc-phạm đến chúng ta có nhiều và rất khác nhau ; có thể động chạm nhiều hay ít đến chúng ta. Vì vậy, xếp thành mục-lục và có thứ tự tất cả những biến cố ấy là một công-việc, ai cũng đồng ý, có thể kéo dài và không bao giờ xong. Những điều mà chúng ta đã nói một cách tổng quát và sơ-lược có lẽ cũng đủ.

3.– Có hoạn nạn đè nặng và thay đổi sự quân bình của đời chúng ta, còn hoạn nạn khác hình như nhẹ hơn ; cái gì liên-quan đến người thân-yêu của chúng ta cũng vậy.

4.– Mỗi hoạn nạn ấy làm xúc động người sống hay người chết [1], điều đó là một sự sai-biệt quan trọng hơn sự sai biệt mà chúng ta nhận thấy trong bi-kịch, tùy theo những trọng tội hay những hoạn-nạn đè nặng lên nhân vật từ trước hay đang tàn hại họ trước mắt chúng ta.

5.– Vậy cũng phải đếm xỉa đến sự sai-biệt ấy ; và có lẽ, hơn nữa, đến sự lúng túng của chúng ta khi muốn nhận xét xem những người chết có dự một phàn nào vào những hạnh-phúc hay những bất hạnh của đời này. Thực thế, người ta có thể nghĩ rằng nếu một cảm-tưởng nào hoặc dễ chịu, hoặc khó chịu, động chạm tới người chết, cảm-tưởng ấy chỉ có thể yếu và nhẹ, hoặc bản nhiên hoặc riêng đối với họ như vậy; trong cả hai trường hợp, cảm tưởng ấy không thể có một cường độ và một bản-tính đầy đủ để gây hạnh-phúc cho những ai không được hưởng hạnh phúc ấy và làm mất diễm phúc của những ai vốn có diễm phúc ấy.

6.– Vậy thì hình như những sự thành công và những ách-vận làm xúc động những người đã khuất, chỉ có thể xúc phạm trong một trình hạn quá yếu ớt, đến nỗi người sung suớng không bớt sung-sướng hay số phận của họ không thay đổi một chút nào.

 



 


[1] B. Saint-Hilaire kết-luận một cách hơi nhanh chóng rằng Aristote tin-tưởng ở sự bất diệt của linh hồn. Một điều có lẽ thực là triết-gia đã theo ý kiến chung mà không nói ra. Và lại, sự lúng túng của ông có thể thấy rõ và ông nói một cách hoài nghi.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt