Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương XIII

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

 

CHƯƠNG XIII

 

1.–  Vì hạnh phúc là một hoạt động của tâm hồn phù hợp với một đức hạnh hoàn-toàn, chúng ta hãy nghiên cứu về đức hạnh. Như thế, có lẽ chúng ta có thể thấy rõ hơn trong vấn đề hạnh phúc.

2.–  Người ta nghĩ rằng kẻ thật sự có khả năng điều khiển một thị trấn, hơn ai hết, hết sức cố gắng để đức hạnh trị vì [1]. Thực thế, kẻ ấy muốn làm mọi người thành công dân tốt, tuân theo pháp luật.

3. Chúng ta thấy một gương sáng ở các nhà lập pháp tại xứ Crète và Lacédémone và ở các nhà lập pháp khác tương đương .[2]

4.– Nếu sưu tầm những tỷ-dụ ấy bản nhiên thuộc về chính trị học, cổ nhiên là cuộc điều tra của chúng ta có thể theo những ý-định đầu tiên của chúng ta.

5.– Vậy chúng ta phải nghiên cứu đức hạnh, cố nhiên đức hạnh của con người. Vì chúng ta dự định sưu tầm điều thiện của cá nhân và hạnh phúc của cá nhân.

6.– Khi chúng ta nói về giá trị của con người, chúng ta không nói về giá trị của thân thể, nhưng của tâm hồn và chúng ta gọi hạnh phúc sự hoạt động hoàn toàn phát đạt của tâm hồn. 

7.– Nếu như thế, cố nhiên nhà chính trị phải biết, bằng một cách nào, cái gì thuộc về tâm hồn cũng như người chuyên môn về thị-giác phải biết y học tổng quát và càng phải biết nếu chính trị học càng có một giá và một giá-trị lớn hơn y-học. Thật vậy, những bậc tôn bá trong y giới cố gắng nhiều để biết tổng-quát thân thể con người.

8.– Vậy nhà chính trị, về phần mình, phải chú ý đến tâm hồn, vì lý do mà chúng ta đã nói, và trong trình hạn mà sự nghiên cứu ấy đầy đủ cho sự sưu-tầm hiện tại của chúng ta.

Khảo sát kỹ hơn, có lẽ là làm một việc quá mệt nhọc, lượng theo điều mà chúng ta dự định.

9.– Thế mà, chính ngay trong những sự bàn luận công-truyền [3] của chúng ta, chúng ta có nói về tâm hồn vài điều rõ, đủ và phải dùng : chẳng hạn chúng ta đã nói tâm hồn có một phần vô lý-trí và một phần khác hữu lý-trí.

10.– Nhưng bây giờ không cần biết hai phần ấy có cách biệt hay không như những phần của thân-thể hay một vật gì có thể trông thấy ; hay là tuy có thể phân chia bằng một quan niệm của tinh thần, nó bản nhiên không thể phân chia, như là, trong một cầu-diện, phần đột-diện và phần ao-diện. Điều ấy bây giờ ít quan trọng.

11.– Thế mà phần không có lý-trí chính nó có một phần hình như thuộc về tất cả sinh vật và cây cối ; tôi muốn nói nguyên-lý dinh-dưỡng và phát-triển. Vì người ta có thể gán phần tâm lực ấy cho tất cả sinh vật và phôi thai, một lối hoạt động cũng thấy có ở những sinh vật đã hoàn toàn phát triển. Ít ra người ta cũng có lý khi thừa nhận lối hoạt động ấy hơn khi thừa nhận bất cứ một lối hoạt động nào khác.

12.– Hiệu lực của khiếu ấy, theo lời thú nhận của mọi người, thì chung cho tất cả sinh-vật và không có gì là riêng biệt nhân bản. Cái phần ở trong tiềm lực ấy hình như động tác đặc biệt trong giấc ngủ và, thật sự, chính nhân và ác nhân chỉ khác nhau rất ít lúc bấy giờ; do đó, có lời quả quyết rằng, trong nửa cuộc đời, không có sự sai biệt giữa những người sung-sướng và kẻ khổ sở.

13.– Lời quả quyết ấy không phải vô lý. Vì giấc ngủ là sự nhàn rỗi của tâm hồn – dù người ta cho là tốt hay xấu, chỉ trừ khi một vài cử động yếu-ớt động tới tâm-hồn, khi ấy những giấc mộng của người ăn ở phải đạo tốt đẹp hơn của vô luận người nào.

14.– Về vấn-đề này, nói thế là đủ rồi ; phải để bên cạnh năng-lực dinh-dưỡng vì, do tính chất của nó, nó không tham dự vào bản tính thật sự nhân bản.

15.– Thế mà còn có một năng lực khác của tâm hồn hình như không có lý trí, mà vẫn tham dự vào lý trí một cách nào. Vì ở người có tiết-độ và người không có tiết-độ, chúng ta đều đếm xỉa tới lý-trí, nghĩa là tới cái phần tâm hồn có lý-trí. Thật vậy, chính lý-trí khuyên-bảo họ theo hạnh kiểm nào tốt hơn cả. Nhưng, theo ý-kiến chung, người ta cũng nhận thấy một bản năng ngại theo lý-trí, chiến đấu và đương đầu với lý-trí [4]. Sau một cơn tê-liệt cấp phát, chân tay thực hiện vụng về ý muốn, đáng lẽ làm cử động sang bên phải, lại đi làm sang bên trái; tâm hồn cũng tuyệt đối như vậy ; những xúc động của ai không tự chủ đi ngược lại những điều mà họ mong muốn.

16. – Tuy nhiên, chúng ta thức cảm tính bất điều hòa ấy trong thân thể, nhưng không nhận thấy trong tâm hồn. Tuy vật, chúng ta phải nghĩ rằng trong tâm hồn có một yếu tố trái với lý trí, phản đối và chống cự lý trí. Bản tính của sự sai biệt ấy thế nào, đó không phải là vấn đề quan trọng bây giờ.

17.– Tuy nhiên, khiếu của tâm hồn hình như kết hợp với chúng ta, như chúng ta đã nói; ở người tiết độ, nó cũng tuân theo lý trí. Và hình như vậy thật, ở người tiết độ và cương quyết, nó còn dễ khiến hơn. Vì nơi người ấy, tất cả những hành động hòa hợp với lý trí.

18.– Như vậy, phần vô lý-trí cũng có hai phần. Phần chung cho loài người và cây có thông tham dự vào lý trí, bất cứ với một độ nào, còn nhục dục, hướng về sự thèm muốn, không tuyệt đối ở ngoài lý trí, trong trình hạn mà nhục dục tuân theo và tòng phục lý trí. Mọi sự xảy ra như là khi chúng ta đếm xỉa tới những lời khuyến dụ của một người cha hay một người bạn, nhưng ở đây không có một chút tương tự nào với sự ưng thuận về những chứng minh toán học [5]. Phần vô lý trí có thể tuân theo lý trí với một hạn độ nào, chúng ta có bằng chứng về điều ấy trong sự sử-dụng những lời khiển trách, quở mắng, khuyến khích.

19.­– Nếu phải thừa nhận rằng cái phần khác ấy của tâm hồn tham dự vào lý trí, phần trí tuệ có lý trí cũng có tính-cách kép, gồm một phần tự nó toàn quyền, một phần tuân theo tiếng gọi của lý trí như của một người cần.

20. – Sự phân biệt ấy giúp ta ấn-định các thứ đức-hạnh: chúng ta gọi những đức hành này là đức hạnh trí tuệ, những đức hạnh khác là đức hạnh luân-lý [6]; đạo-lý và sự khôn ngoan suy nghĩ thuộc về loại thứ nhất, đức quảng-đại và tính điều-độ về loại thứ nhì. Thực thế, chúng ta nói về tính nết một người nào đó, chúng ta không nói rằng người ấy là hiền-triết và thông-minh, nhưng dễ dãi và điều độ, còn chúng ta khen nhà hiền-triết vì trạng thái thường nhận thấy nơi vị ấy, và trạng thái đáng khen ấy, chúng ta gọi là đức hạnh.

 


  • QUYỂN II


[1] Aristote thủy chung như nhất với mình.

[2] Đối chiếu: Chính trị học 11, 6, 7 và X, ch. sau cùng.

[3] Những tác-phẩm dành cho một cử-tọa rộng rãi, đông đúc.

[4] Về những vấn đề ấy, hãy coi Tâm hồn khái-luận, q II, ch 2.

[5] Trong toán học, những sự chứng minh bắt buộc trí tuệ phải chấp nhận một cách tất yếu.

[6] Có một sự vi diệu trong sự liên kết những đức hạnh luân lý với phần tâm hồn vô lý trí, nhưng có thể tuân theo lý trí.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt