ARISTOTE ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE
QUYỀN THỨ NHẤT ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.
CHƯƠNG X
1.– Vậy có nên từ chối tuyên bố một người sung sướng trong thời kỳ còn sống và chờ đợi, theo lời khuyên của Solon[1], đời người ấy kết liễu hay không ? 2.– Vậy thì, nếu phải thừa nhận lời đề xuất ấy, phải chăng người ta chỉ có thể được coi là sung sướng sau khi chết ? Cố nhiên điều ấy hết sức kỳ lạ, nhất là đối với chúng ta đã để hạnh phúc trong sự hoạt động. 3.– Chúng ta không quả quyết là người chết sung sướng và chính Solon không muốn nói thế: Ông muốn người ta hiểu rằng chỉ có thể xét đoán chắc chắn một người là sung sướng trong trình hạn người ấy thoát ly hẳn những nỗi đau khổ, những vận bĩ cực. Trong những điều kiện ấy, vẫn còn phải bàn luận điểm này. Hình như đối với người chết, tuy đã hết cảm động, vẫn còn những cái xấu, cái tốt, như đối với người sống, chẳng hạn những vinh dự hay những biểu hiệu khinh bỉ, hạnh kiểm tốt hay hoạn nạn của con cái, hậu duệ[2]. 4.– Nhưng đây lại là một điều làm bối rối: một người đã sống sung sướng đến tuổi già và đã chết như vậy, nhưng nhiều sự biến đổi có thể làm con người ấy đau đớn; kẻ này thì có thể trung-hậu và nhờ số mệnh được một cuộc đời xứng đáng, kẻ khác phải chịu một cuộc đời ngược hẳn lại. Cố nhiên, con cái có thể khác cha mẹ về mọi phương diện. 5.– Thật là một điều kỳ lạ, nếu người chết phải chịu những biến thiên ấy và có khi sung sướng, có khi khổ sở, cũng như thật là một điều vô-lý, nếu những tai-nạn của con cháu không đụng chạm tới cha mẹ một chút nào. 6.– Nhưng chúng ta phải trở lại điểm đã đề cập tới[3]; đó là một cách mau lẹ để soi sáng vấn đề mà bây giờ chúng ta khảo sát. 7.− Vậy nếu phải chờ hết cuộc đời, rồi mới đoán, không về hạnh-phúc hiện tại của mỗi người, nhưng về hạnh-phúc đã qua, thì khi kẻ nào được sung-sướng, làm sao không ngạc nhiên trước sự phủ nhận hạnh phúc hiện tại của kẻ ấy ? Lý do là người ta không muốn tuyên bố sung-sướng những người còn sống, vì những biến thiên xảy ra trong cuộc đời, vì người ta gán cho hạnh phúc một sự vững bền ở ngoài vòng biến đổi, trong khi bánh xe vận mệnh vẫn quay cho cả những kẻ sung sướng. 8.– Thực thế, điều hiển nhiên là, nếu chúng ta theo dõi những biến thiên về vận mệnh, chúng ta bắt buộc phải thường tuyên bố một cá nhân khi được sung-sướng, khi bị khổ sở, biến hóa người sung sướng thành một loài cắc-kè hay một thứ kiến-trúc đổ nát, lung lay. 9.— Cố nhiên, điều cuồng dại là cứ bám lấy cái vận-mệnh thay đổi ấy ; vì hạnh-phúc hay tai-họa không tùy thuộc vận-mệnh; đời người đày nỗi phù trầm, như chúng ta đã nói, chính là những hoạt-động phù-hợp với đức-hạnh qui định hoàn toàn hạnh phúc, hoạt-động ngược lại chỉ có thể gây ra một hiệu-quả ngược lại. 10.— Vấn-đề khiến chúng ta bây giờ lúng túng xác định sự giải thích của chúng ta. Không một hành động nào của con người chắc chắn bằng những hoạt động phù hợp với đức hạnh, còn vững chắc, theo ý chung, hơn cả những kiến thức khoa học. Những hoạt động ấy quí-báu nhất và cũng lâu dài nhất, bởi vì chính trong phạm-vi của nó mà những người sung-sướng để vào đời sống đức hạnh tất cả sự chuyên cần và sự liên-tục. Nguyên nhân hình như là những hoạt động đó không bị quên. Cái thắng-lợi mà chúng ta tìm kiếm,[4] tức là tính chuyên-nhất, người sung sướng sẽ tìm thấy và sẽ sung-sướng suốt đời. 11.– Vì luôn luôn, hay rất đỗi thường thường, người ấy sẽ thi hành và chiêm-ngưỡng cái gì phù-hợp với đức-hạnh ; và người ta sẽ thấy người thật tốt, bất-khả-trách, hoàn-toàn như một hình vuông[5], có một sắc mặt bình tĩnh đối với những biến cố bất kỳ, và chịu đựng những biến cố ấy trong tất cả trường hơn với một thái độ đúng mực. 12.– Những biến-cố ấy thường đến với chúng ta bất thình-lình, quan trọng khác nhau, may-mắn hay rủi-ro; nếu nó chỉ có một quan-hệ tầm thường, nó không làm nghiêng cán cân của đời chúng ta ; nó đặc biệt thuận-tiện cho chúng ta và thường tái diễn, nó sẽ làm tăng diễm phúc, vì bản-tính của nó phù-hợp với việc tô-điểm cuộc đời mà nó làm cho đẹp để vững bền. Còn nghịch cảnh, thì thu hẹp và làm hư hỏng hạnh phúc; vì nó gây những nỗi khổ sở cho chúng ta và ngăn cản nhiều hoạt động. Tuy nhiên, cả trong trường-hợp ấy, đức hạnh vẫn sáng ngời khi một nhà hiền triết chịu đựng một cách bình tĩnh nhiều hoạn nạn nghiêm trọng, không phải vì tính vô cảm, nhưng vì lòng can đảm và đại độ[6]. 13.– Nhưng nếu quả thật sự hoạt-động chi phối hoàn toàn đời chúng ta, như chúng ta đã nói, không mọi người nào sung sướng sẽ trở nên khổ sở ; vì không bao giờ người ấy sẽ làm những hành động khả-ố, xấu-xa. Thực thế, chúng ta nghĩ rằng con người thật tốt và ý thức có vẻ mặt điềm đạm đối với tất cả biến cố bất kỳ và trong nhiều trường hợp, người ấy biết hết sức lợi dụng những biến cố ấy; chính như vậy mà một vị tướng giỏi sử dụng tuyệt khéo, để tháng trận, đạo binh có trong tay và người thợ giầy làm chiếc giầy tuyệt đẹp với thứ da đã được cung-cấp cho mình; về các người thợ khác cũng vậy. 14.– Đã thế, không bao giờ mọi người có hạnh phúc lại có thể khốn khổ; tuy nhiên, người ta không thể nói đến diễm phúc, nếu người ấy lâm vào những thống khổ của Priam; chính vì người ấy không phải là một con cầy-dông hoặc một cái chong chóng theo chiều gió. Khó lòng mà trục xuất người ấy ra khỏi hạnh phúc; muốn gây hậu quả ấy, những hoạn nạn thông thường không đủ: phải nhiều hoạn nạn lớn lao khiến người ấy cần một thời gian để lấy lại hạnh-phúc và những toại nguyện lớn và đẹp. 15.– Vậy có lý do nào cấm chúng ta tuyên-bố sung sướng người hành động theo một đức hạnh hoàn toàn và có đủ ngoại-sản không ? Và nếu người ấy được như vậy không phải trong một lúc ngắn, mà suốt cả thời kỳ đã sống ?[7] Hay là phải thêm rằng người ấy sẽ tiếp tục sống như thế và sẽ chết một cách phù-hợp với đời đã sống ? Nhưng phải chăng quả thật tương lai bị che kín đối với chúng ta, và chúng ta đã thỏa thuận tuyên bố hạnh-phúc là một cứu cánh, và một cứu cánh hoàn toàn, một cách tuyệt đối, trong tất cả trường hợp ? Ví phỏng như vậy, thì chúng ta sẽ nói rằng, trong các sinh vật, sinh vật sung sướng là sinh vật có và sẽ có những tính cách mà chúng ta đã chỉ rõ và sung sướng như một người có thể sung-sướng.
[1] Trong một cuộc đàm thoại với Crésus, mà Herodote đã kể lại (Clis 30). [2] Tư-tưởng cố ý hơi lờ mờ. [3] Vấn đề là hạnh-phúc tùy thuộc hạnh kiểm của con người hay chỉ là một hiệu quả của sự ngẫu nhiên. [4] Về những lý thuyết ấy, hãy coi tác phẩm Chinh-trị học V19§2. [5] Thành ngữ của Simonide, mà có người dịch là vuông ở đáy. [6] Aristote biết phân biệt hai thái độ ấy và không phạm vào những điều thái quá của Triết học khắc kỷ [7] Có một sự mâu thuẫn trong tư tưởng, ít ra tư tưởng này cũng thiếu rõ ràng, vì thêm một điều kiện làm hẹp tư tưởng.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC