ARISTOTE ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE
QUYỀN THỨ NHẤT ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.
CHƯƠNG VIII
1.– Vậy phải xem xét nguyên-tắc hạnh-phúc không những nhờ những kết luận của chúng ta và nhờ lý-luận về điểm ấy, nhưng còn nhờ dư luận thông-thường. 2.– Bởi vì thực-tế chỉ có thể hòa-hợp với chân-lý và cái giả-dối bất hòa với nó. Chúng ta đã chia những điều thiện làm 3 loại : những điều thiện bề ngoài, những điều thiện của tâm hồn hay tâm thiện, những điều thiện của thân-thể hay thể thiện. Chính những tâm thiện được chúng ta thừa nhận là quan trọng nhất và quý nhất. Vả lại, chúng ta đặt hoạt động sáng tác và những hành vi chính tại tâm hồn. Như vậy, lời nói ấy của chúng ta phù hợp với dư luận cổ truyền được chuẩn-y bởi tất cả triết nhân. 3.– Và người ta có quyền nói như vậy vì vài hoạt động và hành vi được thừa nhận như là cứu-cánh. Về những tâm thiện, chứ không về những ngoại-thiện thì cũng vậy. 4.– Vì ý-niệm sống khoái lạc và thành công là hạnh-phúc phù-hợp với lý-luận của chúng ta và người ta gần đồng-nghĩa-hóa đời sung sướng với sự thành công. 5.– Cố nhiên, tất cả tính-chất của hạnh phúc áp-dụng cho định-nghĩa của chúng ta. 6.– Đối với người này, điều tối thiện là chân-lý ; đối với kẻ khác, là tư tưởng thuần-túy ; đối với kẻ khác nữa. một thứ đạo lý ; lại đối với kẻ khác, là tất cả hay một phần những thắng lợi ấy, kèm theo lạc-thú, hay với một màu sắc lạc-thú ; sau cùng, có kẻ khác thêm vào những điều ấy những ngoại-sản phong-phú. 7.– Vài ý kiến ấy được nhiều người xưa chủ trương; còn những ý-kiến khác được một thiểu số người có địa-vị cao chủ trì. Lý-trí cấm chúng ta nghĩ rằng những người này và những người kia lầm lẫn hoàn toàn ; phải giả thiết rằng ít ra về một điểm hay về nhiều điểm, quan niệm của họ cũng đúng[1]. 8.– Sự chứng minh của chúng ta phù hợp với những người chủ trương rằng hạnh phúc hỗn đồng với đức-hạnh tổng quát hay với một đức hạnh riêng-biệt, bởi vì hạnh-phúc, theo chúng ta, là sự hoạt động của tâm hồn điều khiển bởi đức hạnh. 9.– Có lẽ một điều quan trọng là phải nói rõ người ta quan niệm điều tối thiện trong sự chấp-hữu hay trong sự sử dụng, trong thể chất hay trong năng-hướng đơn giản. Vì có khi năng-hướng đơn giản không sinh ra cơ hội làm một điều thiện nào cả, cũng như có khi người ta ngủ hay người chìm đắm trong sự bất hoạt động hoàn toàn ; nhưng về sự hoạt động, điều ấy không thể xảy ra được. Khả năng hoạt động hết sức cần hành động và hành động hay. Ở Thế-vận, không phải là những người đẹp nhất, khỏe nhất chiếm được giải thưởng mà chỉ những người dự các cuộc đấu – và trong các người ấy, chỉ những người thắng cuộc mà thôi ; ở đời cũng vậy, chỉ những người hành động đúng mục là chiếm được Mỹ và Thiện. 10.– Vả lại, đời họ bản nhiên thú vị. Vì sự cảm thấy lạc thú quan hệ với tâm hồn và lạc thú của mỗi người liên hệ với khuynh-hướng của người ấy ; thí-dụ như con ngựa làm vui lòng người thích ngựa, cuộc vui làm vừa lòng người thích kịch trường; cũng như vậy, sự công bình làm đẹp lòng người ưa công bình và, nói tóm lại, những hành động đức hạnh làm vừa ý người chuộng đức hạnh. 11.– Thế mà phần nhiều người không thỏa thuận với nhau về điểm lạc thú là gì, bởi vì vài lạc thú ấy, theo bản tính của nó, không phải là lạc thú ; còn người nào thích điều lương thiện cảm thấy rằng lạc thú bắt nguồn ở điều ấy là một lạc thú chân chính. Những hành động hợp với đức hạnh là như vậy và thú vị đối với người đức hạnh và tự nó thú vị. 12.– Đời của những người đức hạnh không đòi hỏi lạc thú như một đồ phụ tùng ; nhưng tìm thấy lạc thú chính ngay trong đời ấy. Vì, ngoài những nhận xét ở trên, phải nói rằng không một người nào là thiện nhân nếu không hân hoan vì hành động cao đẹp ; không một người nào là công bình, nếu không hoan hỷ làm những việc công bình; không một người nào là quảng đại nếu không vui lòng làm những việc quảng đại; và về những đức hạnh khác cũng vậy. 13.– Vì thế, phải thừa nhận rằng những hành động hợp với đức hạnh tự nó thú vị. Tôi nói gì? Nó tốt và đẹp và hành động nào cũng tốt đẹp đến tột điểm, nếu sự xét đoán của người đức hạnh về những hành động ấy thật có căn-cứ ; thể mà sự xét đoán ấy có căn-cứ, như chúng ta đã nói. 14.– Vậy thì hạnh-phúc là điều thiện quý nhất, đẹp nhất và thú vị nhất. Và những sự phân biệt trong bài thơ phúng-thích của Délos không thể chấp-nhận được: Hành–động công-bình nhất là hành động đẹp nhất ; Một sức khỏe dồi dào là điều tối hảo ; Nhưng điều tuyệt thú vị Là điều mà người ta khát vọng. Thế mà tất cả những tính chất ấy thuộc về những hành động tối hảo. Chính những hành động ấy, hay chỉ trong số ấy, hành động tốt nhất, chúng ta gọi là hạnh-phúc[2]. 15.– Song, cố nhiên, hạnh-phúc không thể nào không cần tới những ngoại-thiện, như chúng ta đã nói. Thực thể, không thể hay ít ra khó lòng làm điều thiện, nếu người ta vô kế khả thi. Vì nhiều hành động đòi hỏi thân-hữu, tiền bạc, ít nhiều quyền hành chính-trị làm phương tiện thi hành. 16.– Không có những phương-tiện ấy, hạnh-phúc của cuộc đời sẽ giảm đi, ví dụ như người ta không được hưởng cái diễm phúc là con nhà dòng-dõi, có một hậu duệ sung-sướng, có diện-mạo khôi ngô. Người ta không thể, thực thế, hoàn toàn sung-sướng, nếu người ta xấu số bị tàn tật, con nhà hèn mọn, cô quạnh trên đường đời hay tuyệt-tự, có lẽ người ta còn khổ hơn, nếu người ta có con và bạn hoàn toàn xấu hoặc mất con và bạn tốt mà người ta đã có. 17.– Như chúng ta đã nói, hạnh-phúc, theo ý chung, cần một sự thịnh vượng như vậy. Đó là lý-do khiến vài người để sự thịnh-vượng, cũng như một số người khác để đức hạnh ngang hàng với hạnh-phúc[3].
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC