Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương IX

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

CHƯƠNG IX

 

1.– Nhưng tới đây, có một vấn-đề làm bối-rối: hạnh-phúc có thể dạy được, thủ-đắc được do sự thông dụng hay sau một cuộc luyện tập ? Hay chúng ta nhận được hạnh-phúc như một tặng-vật của các vị thần-linh hoặc như một sự may mắn của số-mệnh?

2.– Nếu thần-linh cho chúng ta một tặng-vật khác, điều hợp lý là coi hạnh-phúc như một tặng-phẩm của thần-linh, và càng nên coi như vậy vì hạnh-phúc là điều thiện quý báu nhất.

3.– Nhưng vấn-đề ấy có vẻ liên-hệ mật-thiết hơn với một loại nghiên-cứu khác. Và cố nhiên trong khi nhìn nhận rằng hạnh-phúc không do thần thánh tặng cho chúng ta và người ta thủ đắc nó bằng đức hạnh, sự nghiên-cứu hay sự luyện tập hạnh-phúc thuộc về loại sự vật tuyệt thần-bí. Vì giá trị và cứu cánh của đức hạnh cố nhiên tối hảo, thần-bí, và đức hạnh phát sinh ra hạnh-phúc.

4.– Hạnh-phúc có thể rất thông thường. Vì nó có thể, nhờ sự nghiên-cứu hay sự chuyên cần, là phần về những ai không lãnh đạm với đức hạnh.

5.– Sung-sướng như vậy hơn là nhờ hiệu quả của sự ngẫu nhiên, điều ấy căn cứ vào lý trí. Nếu những cái đẹp nhất theo thiên nhiên[1] có vẻ đẹp nhờ một sự xếp đặt tự nhiên,

6.– Thì một điều như vậy cũng thấy ở những cái đẹp tùy thuộc một nghệ thuật hay một nguyên nhân nào đó, và nhất là những cái đẹp tùy thuộc một nguyên-nhân tuyệt-hảo. Vì vậy, trông cậy vào sự ngẫu nhiên về những điều cốt yếu và tuyệt mỹ, là phát một âm thanh hết sức sai lầm.

7.– Vậy đối tượng của sự sưu tầm của chúng ta thật hiển nhiên và phù hợp với sự giải thích của chúng ta. Thực thế, chúng ta dễ nói rằng hạnh phúc là một sự hoạt động của tâm hồn phù hợp với đức hạnh: còn những điều thiện khác, thì có điều hết sức cần thiết để chúng ta sử dụng, có điều khác phụ trợ, do thiên nhiên cung cấp như là những dụng cụ hữu ích.

8.– Vả lại, những tính chất ấy không phải là không phù hợp với những điều mà chúng ta đã trình bày ở đầu[2]. Chúng ta đã nhìn nhận rằng cứu cánh của môn chính trị học là cao nhất ; vì môn ấy chăm lo về việc làm mọi người thế nào để thành những công dân tốt, thực hành tính lương thiện.

9.– Vậy chúng ta có lý để không gán hạnh-phúc cho một con bò, một con ngựa, hay một con vật nào khác; bởi vì không con nào có khả năng tham gia vào một cuộc hoạt động thuộc về loại ấy.

10.– Cũng vì lý do ấy, hạnh-phúc không áp dụng cho trẻ con[3] vì tuổi trẻ không cho nó sử dụng lý trí của nó. Những đứa trẻ mà người ta xét đoán là sung sướng chỉ được tuyên bố như vậy, vì những hy vọng mà chúng gây nên. Hạnh phúc đòi hỏi, thực thế, như chúng ta đã nói một đức hạnh hoàn toàn và một cuộc đời trọn vẹn.

11.– Là vì, trong đời, xảy ra nhiều sự thay đổi và đủ các thứ tình cờ ; và người đầy hạnh phúc cũng có lúc khi già lâm vào những cảnh khổ sở nhất, như các thi sĩ đã kể cho chúng ta nghe trong những chuyện anh hùng của họ khi nói về Priam. Khi người ta bị những nỗi thống khổ như thế và kết liễu cuộc đời một cách thê thảm như vậy, không ai có thể tuyên bố là mình sung-sướng.

 


 

 


[1] Ý nói do sự sáng tạo của thiên nhiên.

[2]  Quyển I, 4.

[3] Điều ấy hợp lý vì hạnh phúc phải đạt được, sau một sự lựa chọn hữu ở phù hợp với đức hạnh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt