Triết học Hy Lạp

Chủ nghĩa Khắc kỷ

 

CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ

 

ANTHONY KENNY

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Trích dịch từ: Anthony Kenny. A new history of western philosophy. Oxford University Press, 2010, pp. 80-82.


 

Giống như những người phái Epicurus, các nhà Khắc kỷ tìm kiếm sự an tĩnh, nhưng theo một con đường khác. Người sáng lập ra chủ nghĩa Khắc kỷ là Zeno thành Citium (334-262 TCN). Zeno sinh ra ở đảo Cyprus, nhưng chuyển đến Athens sinh sống vào năm 313. Ông đã đọc cuốn hồi ký của Xenophone viết về Socartes, cuốn sách này khơi dậy trong ông niềm đam mê đối với triết học. Ông được nghe kể rằng người gần như là cùng thời nhất với Socrates là Crates phái Khuyển nho. Chủ nghĩa Khuyển nho không phải là một tập hợp các học thuyết triết học, mà là một cách sống tỏ thái độ coi thường sự giàu sang và khinh miệt phép xã giao theo quy ước. Người sáng lập phái Khuyển nho là Diogenes xứ Sinope, sống như một con chó ("cynic" nghĩa là "giống như chó") trong một cái cũi chó, ăn mặc nhếch nhác và đi xin ăn. Là người cùng thời với Plato, người mà ông chẳng hề kính trọng, Diogenes nổi danh vì đã làm mất mặt Alexander Đại đế. Khi người đàn ông vĩ đại này đến thăm ông và hỏi: "Ta có thể làm gì cho ngài", Diogenes đáp: "Anh hãy bước sang bên để tránh che ánh sáng của tôi" (D.L. 6. 38). Ngưỡng mộ Diogenes, Crates đã phân phát của cải tài sản của mình cho người nghèo và bắt chước phong cách sống lang thang không cửa nhà của Diogenes; nhưng ông là kẻ ít ghét con người, và có khiếu hài hước sắc sảo mà ông đã thể hiện trong thơ châm biếm.

Zeno một thời từng là học trò của Crates, nhưng ông không trở thành một người khuyển nho và rút mình ra khỏi xã hội, mặc dù ông luôn tránh những bữa ăn trang trọng và thích phơi mình trong nắng. Sau vài năm theo học ở Học viện Academy, ông bắt đầu mở trường tại Stoa Poikile. Ông xây dựng một chương trình đào tạo triết học có hệ thống bằng cách chia triết học thành ba bộ môn chính: logic học, đạo đức học và vật lý học. Các môn sinh của ông cho biết logic học là bộ xương của triết học, đạo đức học là thịt da, và vật lý học là linh hồn (D.L. 7. 37). Zeno từng theo học nhà logic học phái Megarian vĩ đại là Diodorus Cronos, và là bạn học với Philo, người đã đặt cơ sở cho sự phát triển của logic học, và trong một số lĩnh vực nó đánh dấu một sự vượt bật so với logic học của Aristotle. Tuy nhiên, bản thân ông lại quan tâm đến đạo đức học hơn.

Điều có vẻ khá ngạc nhiên là một người chủ trương đạo đức học như Zeno lại đặt vật lý học ở vị trí cao nhất trong chương trình giảng dạy. Nhưng đối với Zeno, và các nhà Khắc kỷ sau này, vật lý học là bộ môn nghiên cứu về tự nhiên và tự nhiên được đồng nhất với Thượng đế. Diogenes Laertius nói với chúng ta: "Zeno nói rằng toàn bộ thế giới và cõi trời (heaven) là bản thể của Thượng đế" (7. 148). Thượng đế là một nguyên tắc tác động, vật chất là một nguyên tắc tác động; cả hai đều có thân xác và chúng cùng tạo thành một ngọn lửa bao trùm khắp vũ trụ (LS 45G).

Các tác phẩm của Zeno đã thất truyền: nổi tiếng nhất trong số đó ở thời cổ đại là Nền Cộng hòacủa ông. Tác phẩm này đã kết hợp chủ nghĩa không tưởng Plato với một số yếu tố của thuyết Khuyển nho. Zeno bác bỏ hệ thống giáo dục cổ truyền, và cho rằng việc xây dựng các phòng tập thể thao (gymnasia), các tòa án, và đền thờ là uổng công phí sức. Ông khuyến nghị nên có cộng đồng các bà vợ, và cho rằng đàn ông và đàn bà nên mặc đồ hở hang như nhau. Tiền bạc nên bị bãi bỏ và nên có một hệ thống pháp luật duy nhất cho toàn nhân loại, toàn thể nhân loại nên giống như một đàn gia súc chăn thả cùng nhau được nuôi dưỡng bởi một luật pháp chung (LS 67a).

Bất chấp những đề xuất đậm chất cộng sản này, nhiều môn sinh của ông sau này cảm thấy khá sốc, Zeno đã được người Athen tôn vinh lúc sinh thời, họ cho ông quyền tự do trong thành quốc. Vua Antigonus xứ Macedon mời ông làm triết gia riêng cho mình, nhưng Zeno viện cớ tuổi cao sức yếu và biệt phái hai đệ tử giỏi nhất của mình tới triều đình thay ông.

Sau khi Zeno mất, vị trí đứng đầu trường được Cleanthes (331-232) kế nhiệm. Cleanthes vốn là một võ sĩ cải đạo có cảm thức tôn giáo sâu đậm. Cleanthes viết một bài ca ngợi thần Zeus, về sau được thánh Paul trích dẫn trong một bài thuyết đạo ở Athens, bài thuyết đạo này đề cao nguyên tắc tác động của thuyết Khắc kỷ bằng những lời lẽ đủ thích hợp với thuyết độc thần Kitô-Do thái giáo. Tuy nhiên, quan niệm cơ bản của thuyết Khắc kỷ về Thượng đế rất khác với quan niệm của các tôn giáo trong Kinh thánh. Thượng đế không tách biệt với vũ trụ mà là một cấu phần vật chất của thế giới. Trong các tác phẩm văn xuôi của mình, Cleanthes đã minh giải một cách chi tiết cách thức trong đó các yếu tố lửa thiêng cung cấp lực sống cho mọi sinh thể trong thế giới này  (Cicero, ND 2. 23–5).

Chrysippus xứ Soli kế tục Cleanthes giữ vị trí đứng đầu trường này, và quản lý nó từ năm 232 đến năm 206 TCN. Chrysippus từng là học trò của Cleanthes, nhưng dường như ông chẳng kính nể lắm người thầy của mình. "Thầy nói cho tôi biết định lý của thầy đi", tương truyền ông đã nói với thầy mình như vậy, "và tôi sẽ cung cấp luận cứ chứng minh cho chúng." Ông đã theo học tại Học viện Academy một thời gian, tự nhủ bản thân cảnh giác với chủ nghĩa hoài nghi. Ông là một nhà Khắc kỷ thông minh nhất và siêng năng nhất ở thời Hy Lạp hóa. Sức viết của ông rất dồi dào: người quản gia của ông thuật lại rằng mỗi ngày ông viết đến 500 dòng chữ, và ông để lại 705 cuốn sách. Giờ chỉ còn lại là những mảnh văn. Nhưng rõ ràng là ông đã phát triển thuyết Khắc kỷ thành một hệ thống; từng có người nói: "Nếu không có Chrysippus thì sẽ không có triết học Khắc kỷ" (D.L. 6. 183).

Triết gia Chrysippus (276-209 TCN)

Thật khó tách bạch chính xác những phần đóng góp của ba nhà Khắc kỷ thời kỳ đầu này, vì các tác phẩm của họ đã bị thất lạc. Tuy nhiên, việc Chrysippus xứng đáng được coi là người có công chính trong việc phát triển logic học, phần này ta sẽ khảo sát ở chương sau, thì cũng có chút gì đó khá hồ nghi. Trong Vật lý học, ông đã thay ngọn lửa như là nguyên tắc sống động của động vật và thực vật của Cleanthes bằng khái niệm "hơi thở" (pneuma). Ông chấp nhận sự phân biệt của Aristotles giữa chất liệu và hình thức, nhưng với tư cách là một nhà duy vật tài ba ông nhấn mạnh rằng hình thức cũng có tính thân xác, cụ thể là pneuma. Linh hồn và tâm trí con người được tạo thành từ pneuma này; Thượng đế cũng vậy. Thượng đế ở đây chính là linh hồn vũ trụ, và trong tính toàn bộ của nó, linh hồn này cấu tạo nên động vật có lý tính. Các nhà Khắc kỷ lập luận rằng nếu Thượng đế và linh hồn tự chúng không phải là thể xác, thì chúng ắt hẳn sẽ không thể tác động đến thế giới vật chất được.

Hệ thống vật lý học được phát triển đầy đủ của thuyết Khắc kỷ có thể được tóm tắt như sau. Ngay từ thời xa xưa, chẳng có gì ngoài lửa; dần dần xuất hiện các yếu tố khác và vật dụng quen thuộc của vũ trụ. Sau đó, trở lại thành ngọn lửa trong một cuộc đại hỏa thiêu toàn thế giới, và rồi toàn bộ chu kỳ lịch sử của nó sẽ được tái lặp đi tái lặp lại. Toàn bộ điều này diễn ra theo một hệ thống các quy luật có thể gọi là "định mệnh" (vì các quy luật không thừa nhận bất cứ sự ngoại lệ nào), hay "thiên hựu" (vì các quy luật do Thượng đế đặt ra vì những mục đích có lợi). Hệ thống được thần thánh thiết kế được gọi là Tự nhiên, và mục đích của chúng ta trong cuộc sống là nên sống thuận theo Tự nhiên.

Chrysippus cũng là tác giả chính của hệ thống đạo đức Khắc kỷ, hệ thống này dựa trên nguyên tắc phục tùng Tự nhiên. Không một điều gì có thể thoát khỏi các quy luật của Tự nhiên, nhưng bất chấp thuyết định mệnh về số phận, con người là hữu thể tự do và trách nhiệm. Nếu ý chí tuân theo lý trí (hay lý tính), nó sẽ sống thuận với Tự nhiên. Chính việc tự nguyện chấp nhận các quy luật của Tự nhiên này sẽ cấu tạo nên đức hạnh, và đức hạnh vừa là điều kiện cần lại vừa là điều kiện đủ để có được hạnh phúc.

Tất cả các nhà Khắc kỷ đều đồng ý rằng vì xã hội là tự nhiên đối với con người, cho nên một người tốt, trong mục đích sống hòa hợp với Tự nhiên, sẽ giữ một vai trò nào đó trong xã hội và vun bồi đức hạnh cho xã hội. Nhưng Chrysippus có một số quan niệm về đạo đức và chính trị khác hẳn với các nhà Khắc kỷ khác. Giống như Zeno, ông viết Nền Cộng hòa, trong đó ông được cho là đã bảo vệ tội loạn luân và tập tục ăn thịt người (LS 67f). Chrysippus khác với một số người theo ông khi nhấn mạnh rằng triết gia không cần phải dành đời mình cho học thuật: đối với một nhà Khắc kỷ, việc tham gia vào đời sống công cộng là điều có thể chấp nhận được, thực ra là đáng hoan nghênh (LS 67w).

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt