Triết học Hy Lạp

Nhận thức luận phái Khắc kỷ

 

NHẬN THỨC LUẬN PHÁI KHẮC KỶ

 

ANTHONY KENNY

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Trích dịch từ: Anthony Kenny. A New History Of Western Philosophy, Vol. 1. Oxford University Press. 2006, trang 169-172. 


 

Các nhà Khắc kỷ sơ kỳ chia sẻ với những người phái Epicurus một số giả định về bản tính của nhận thức. Cũng giống như họ, các nhà Khắc kỷ tin rằng nhận thức phải có hai cơ sở: (1) các ấn tượng của giác quan không thể sai và (2) các khái niệm nguyên sơ và các khái niệm sở đắc. Về chủ đề các khái niệm, họ cung cấp nhiều thông tin hơn so với người phái Epicurus và cách họ giải thích về nguồn gốc của chúng gần giống với cách giải thích của Aristotle. Khi một người được sinh ra, tâm trí như một tờ giấy trắng, và khi anh ta phát triển theo hướng sử dụng lý tính, các khái niệm được viết ra trên tờ giấy ấy. Các khái niệm đầu tiên đến từ giác quan: những trải nghiệm cá nhân lưu lại thành ký ức, rồi ký ức tích lũy lại thành kinh nghiệm. Một số khái niệm có được từ việc học hỏi hay được thiết định cho một mục đích nào đó; số khác thì nảy sinh tự nhiên và tự phát, và chính những khái niệm này đáng được gọi là "prolepsis" (LS 39E). Các khái niệm thuộc loại này đều có chung ở mọi người: sự bất đồng chỉ nảy sinh khi chúng được áp dụng cho các trường hợp đặc thù, như khi cùng một hành động được người này mô tả là can đảm nhưng người kia là liều mạng (Epictetus 1. 22. 3).

Các nhà Khắc kỷ đã khai triển một cách phân loại các trạng thái tinh thần tinh tế hơn so với những người phái Epicurus. Họ muốn đề xuất một loại nhận thức luận có khả năng chống lại sự khiêu chiến của phái hoài nghi. Ngoài hai trạng thái tri thức (episteme) và thường kiến (doxa) đã bị đặt đối lập nhau kể từ thời Plato, họ du nhập trạng thái thứ ba, tri nhận (katalepsis). Các nhà Khắc kỷ, Sextus Empiricus nói,

nói có ba loại sự vật liên hệ lẫn nhau, tri thức, niềm tin và ở giữa chúng là tri nhận. Tri thức là sự tri nhận hợp lý, chắc chắn và không thể thay đổi bằng luận cứ; niềm tin là sự tán thành yếu ớt và sai lầm, còn tri nhận ở giữa hai loại này: nó là sự tán thành một hiện tượng tri nhận. (M 7. 150-1)

Ở đây một yếu tố mới được thêm vào cho định nghĩa về tri thức: tri thức không thể thay đổi bằng luận cứ. Đây có vẻ là một kiến giải hợp lý. Nếu tôi tự cho là mình biết rằng p, thì tôi đang tuyên bố, trong nhiều điều khác, là sẽ không có ai tranh luận (một cách đúng đắn) với tôi về việc tin rằng p. Điều này khác với trường hợp tôi tin rằng p nhưng tôi sẵn sàng tin rằng không-p. Chính cái sau là ý nghĩa của phát biểu niềm tin là sự tán thành yếu ớt. Nó cũng (có thể) sai: không có gì phi lý khi nói rằng "X tin rằng p, nhưng sẽ là sai khi nói rằng p", cũng như nói rằng "X biết rằng p, nhưng sẽ là sai khi nói rằng p". Nhưng điểm thú vị nhất trong đoạn văn này là định nghĩa về tri nhận qua hiện tượng tri nhận (phantasia kataleptike).

"Hiện tượng" là một thuật ngữ bao quát, không chỉ bao gồm cái xuất hiện ra trước các giác quan mà còn là ứng cử viên cho niềm tin thuộc loại khác. Tương tự như thế, tri nhận có thể đến từ các giác quan hay lý tính (D.L. 7. 52). Hiện tượng không phải là một loại giống như niềm tin: niềm tin bao hàm một cái gì đó ở ngoài nó, tức là sự tán thành; khác với hiện tượng, tán thành là vấn đề tự nguyện. Nếu hiện tượng đáng được tán thành thì nó là tri nhận. Tri nhận ở đâu đó giữa tri thức và niềm tin ở chỗ, khác với niềm tin, nó không bao giờ sai, và khác với tri thức, nó không liên quan đến thái độ cương quyết không bao giờ thay đổi tâm trí của mình.

Một hiện tượng tri nhận, chúng tôi đã nói, là "cái nảy sinh từ cái đang tồn tại, được ấn dấu và bị ấn tượng một cách chính xác với cái đang tồn tại" (D.L. 7. 46; Cicero, Acad. 2. 77). Tốt: rõ ràng một ấn tượng như thế (chúng ta có thể gọi như vậy) là đáng để tán thành. Một người khôn ngoan sẽ không có niềm tin đơn thuần, Zeno nói (Cicero, Acad. 2. 77); và không nghi ngờ gì nữa, điều này có thể đạt được nếu người khôn ngoan chỉ tán thành với các hiện tượng tri nhận. Nhưng làm sao ta biết một hiện tượng là tri nhận hay không? Có phải vấn đề về hiện tượng quá rõ ràng và phân minh tới mức nó thực sự buộc ta phải tán thành, đến mức tôi không thể không tin? Hay phải chăng nó có những đặc tính nào đó mà tôi có thể sử dụng như là một tiêu chí để quyết định đưa ra sự tán thành mà lẽ ra tôi đã từ chối? Chứng cứ của chúng ta không hoàn toàn rõ ràng, nhưng chúng ta được cung cấp một số chỉ dẫn qua các ví dụ còn lưu giữ được.

Trước hết, người ta nói rằng các ấn tượng của người mất trí không phải là tri nhận. (Đôi khi, quả thực, các nhà Khắc kỷ không chấp nhận chúng là những ấn tượng thực sự, bằng cách gọi chúng là "các ảo tượng" ("phantasms"); D. L. 7. 49). Chúng "hoàn toàn nảy sinh từ bên ngoài và ngẫu nhiên, cho nên chúng thường không có thái độ tích cực về chúng và không tán thành chúng" (S.E., M. 7. 248). Nhưng giả sử chúng tán thành chúng, thì hành vi đó cũng không khiến chúng trở thành tri nhận, vì chúng không chân thật và chỉ có hiện tượng nào chân thật thì ta mới có thể tri nhận được. Nhưng người mất trí ấy đã vi phạm quy tắc nhận thức luận nào? Chà, có lẽ họ đã không khảo sát mức độ chi tiết trong các ấn tượng của họ: đối với phần thông tin thứ hai chúng ta nhận được là ấn tượng tri nhận phải rất toàn diện, sao cho mọi đặc tính của bản gốc được tái tạo lại. "Giống như những con dấu trên chiếc nhẫn luôn in dấu các đặc điểm của chúng lên cục sáp một cách chính xác, các ấn tượng tạo ra sự tri nhận về đối tượng này cũng nên hợp nhất tất cả các đặc điểm cá biệt của chúng" (S.E., M. 2. 750). Tuy nhiên, nếu các ấn tượng tri nhận là những ấn tượng hoàn toàn toàn diện về chi tiết, thì hẳn số lượng của chúng rất ít, năm thì mười họa may ra mới có.

Có lẽ, chúng ta có thể phỏng đoán, các ấn tượng tri nhận có một sức mạnh thuyết phục đặc biệt khiến chúng trở nên nổi bật. Quả thực, các nhà Khắc kỷ đã phân chia các ấn tượng, căn cứ theo tính thuyết phục của chúng, thành bốn loại:

(1) Thuyết phục; ví dụ: "Giờ là ban ngày", "Tôi đang nói".

(2) Không thuyết phục; ví dụ: "Nếu giờ là đêm tối thì giờ là ban ngày".

(3) Thuyết phục và không thuyết phục; ví dụ: các nghịch lý triết học.

(4) Thuyết phục hoặc không thuyết phục; ví dụ: "Số của mọi sao trời là số lẻ".

Tuy nhiên, tính thuyết phục không phải là căn cứ bảo đảm cho chân lý: hiện tượng uốn gãy của mái chèo trong nước đủ thuyết phục nhưng lại là một ấn tượng sai lầm. Chắc chắn, một người khôn ngoan sẽ chống lại cái cám dỗ chấp nhận mọi hiện tượng thuyết phục, và sẽ giới hạn sự tán thành của mình cho những hiện tượng nào không chỉ thuyết phục mà còn hợp lý. Vì thế, Posinius nói ngoài việc đưa ra những ấn tượng tri nhận để làm tiêu chí cho chân lý, một số nhà Khắc kỷ ở thời kỳ đầu xác định tiêu chí này là lý tính đúng đắn (D.L. 7. 54).

Tuy nhiên, vấn đề lại phức tạp hơn nữa. Ngoài những ấn tượng tri nhận còn có những ấn tượng hợp lý. Một nhà Khắc kỷ, khi bị Vua Ptolemy Philopator chơi khăm cầm phải trái lựu bằng sáp mà tưởng là lựu thật, đã đáp lại rằng ông đưa ra sự tán thành của mình không phải cho mệnh đề chúng là trái lựu, mà cho mệnh đề rằng sẽ là hợp lý (eulogon) nếu ta tin rằng chúng là trái lựu. Một ấn tượng hợp lý, ông nói, có thể tương thích với sai lầm (D.L. 7. 177). Nếu đúng như vậy, sự tán thành về việc một hiện tượng nào đó là hay không phải là đối tượng tri nhận không thể là vấn đề của lý tính. Các nhà Khắc kỳ sơ kỳ chẳng trợ giúp gì thêm cho chúng ta trong việc xác định đặc điểm của các ấn tượng tri nhận.

Điểm yếu này của lập trường Khắc kỷ đã bị người đứng đầu phái Tân Học viện (New Academy) ở nửa sau thế kỷ 3 là Arcesilus điểm huyệt. Ông khiêu khích định nghĩa của phái Khắc kỷ coi ấn tượng tri nhận là "cái gì đó được đóng dấu và được ấn vào từ một cái tồn tại khác, đúng như nó đang tồn tại". Ông hỏi chẳng lẽ một ấn tượng sai không thể phân biệt với một ấn tượng đúng hay sao? Zeno đồng ý rằng nếu một ấn tượng nào đó có thể có một ấn tượng sai giống hệt như chính nó thì (ngay cả khi nó đúng) nó không thể là một ấn tượng tri nhận. Do đó, ông cải biến định nghĩa này, bằng cách thêm vào cụm từ sau: "và thuộc loại nào đó sao cho nó không thể nảy sinh từ cái không tồn tại" (Cicero, Acad. 2. 77; S.E., M. 7. 251). Nhưng không rõ làm thế nào các nhà Khắc kỷ xác định được đâu là những trường hợp trong đó có những dấu hiệu phân biệt không thể sai lầm này, hay phản ứng đáp trả lại yêu sách của phái hoài nghi rằng ở đâu có một hiện tượng đúng, người ta vẫn có thể tưởng tượng ra một bản sao y chang như thế nhưng là bản sao sai.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt