các triết gia cổ đại dạy ta điều gì về cách sống
TIM WHITMARSH Đinh Hồng Phúc dịch
Tại sao hiện nay tư tưởng của các nhà Khắc kỷ lại phổ biến đến thế - nó là thứ self-help (truyền cảm hứng tự vượt lên chính mình) hay một thứ đề cao nam tính trá hình?
Vào ngày 9 tháng 9 năm 1965, trong chiến tranh Việt-Mỹ, James Stockdale, lính phi công Mỹ, đã sơ ý lái chiếc A-4 Skyhawk nhỏ của mình vào bẫy hỏa lực phòng không. Sau này, ông nhớ lại những suy nghĩ của mình lúc phóng mình ra khỏi máy bay và nghĩ về việc mình sắp thành tù binh: “Ít nhất là năm năm bị nhốt dưới đó. Tôi đang văng ra khỏi thế giới của công nghệ và văng vào thế giới của Epictetus.” Khi lâm vào cảnh hiểm, tất cả chúng ta đều phản ứng theo những cách khác nhau, và không thể đoán trước được: trong trường hợp này, Stockdale bị kéo ngược trở lại với khóa giảng triết học đầy hứng thú mà anh đã học ba năm trước đó, trở lại với thời kỳ anh đã say mê đọc một triết gia Hy Lạp cổ đại chưa mấy ai biết đến. Bản thân Epictetus là một cựu nô lệ đã giảng dạy triết học Khắc kỷ vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai, trước là ở La Mã và sau đó là ở miền bắc Hy Lạp. Cùng với các tác gia La Mã Seneca và (hoàng đế) Marcus Aurelius, ông đã để lại cho ta nhiều chuyên luận lâu đời nhất về thuyết Khắc kỷ, một học thuyết triết học Hy Lạp cổ đại ra đời vào thế kỷ ba trước Công nguyên. Các nhà Khắc kỷ (ban đầu là những người tụ tập tại stoa, tức sảnh ở hiên chợ Agora thành Athens) đã đưa ra một lý thuyết toàn diện về sự hiện hữu, gồm vật lý học, ngôn ngữ, tâm lý học, thần học, tri giác của giác quan, v.v.; nhưng học thuyết cơ bản nhất của họ là nghệ thuật sống một cuộc sống tốt đẹp. Ta chỉ nên quan tâm bản thân mình trong phạm vi những gì ta có thể kiểm soát (những gì là eph’hēmin, “cái thuộc về ta”, và hãy buông bỏ những gì nằm ngoài phạm vi ấy. Ta chỉ mưu cầu những gì thuộc về giá trị chân thực, như xây đắp hạnh phúc chung, không chạy theo “những thứ vô sai biệt” như giàu sang và sự tôn trọng của những người cùng địa vị; ta phải hành động theo sự dẫn dắt của lý tính, không để những đam mê chi phối khiến ta mất dần đi khả năng kiểm soát bản thân. Đây là những bài học mà Stockdale luôn nhắc nhớ bản thân qua bảy năm rưỡi bị giam cầm. Epictetus đã viết: “Các người có thể chặt chân tôi, nhưng không thể, kể cả Zeus, khuất phục được ý chí của tôi.” John Sellars là một trong những người đặt nền móng cho thuyết Khắc kỷ hiện đại, một nhóm triết gia chủ trương coi thuyết Khắc kỷ như là một phản ứng mang tính xây dựng với đời sống đương đại: trong số các hoạt động của họ có Tuần lễ Khắc kỷ, trong tuần này những ai đăng ký sẽ được khuyến kích áp dụng các nguyên tắc Khắc kỷ vào những lựa chọn sinh hoạt của họ trong bảy ngày. Các bài học trong thuyết Khắc kỷ cho thấy những cố gắng của ông trong việc đúc kết những tín điều then chốt của phái Khắc kỷ, trong chừng mực chúng có thể hữu ích cho các độc giả đương đại, thành tập sách nhỏ chưa đầy 100 trang. Sellars đã hoàn thành nhiệm vụ ông tự đặt ra cho chính mình một cách đáng ngưỡng mộ. Với lời văn tao nhã và súc tích, ông thôi thúc chúng ta mau thành người sống tốt và hạnh phúc hơn bằng cách tập trung vào việc ra quyết định hợp lý. Đây là thuyết Khắc kỷ không phải theo nghĩa thông tục hóa của nó (hệ tư tưởng cam chịu của các trường học công lập thời Victoria), mà hiểu như là mình tự tin vào chính mình qua những sự cân nhắc hợp lý. Một khi bạn biết cách nhận biết rõ những sự lựa chọn nào dành cho bạn và những hậu quả mà lựa chọn ấy có thể mang lại, bạn sẽ có năng lực ứng phó cả những thách thức của nghịch cảnh lẫn những cám dỗ của thành công một cách tốt hơn. Chắc chắn, việc chuyển ngữ các văn bản triết học cổ đại thành các nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc sống hiện đại có thể dẫn đến chỗ đơn giản hóa và xuyên tạc. Thuyết Khắc kỷ cổ đại phong phú, phức tạp và quả thực khó hiểu, hơn những gì Sellars nói nhiều. Bạn sẽ không đọc được trong tập sách này bất cứ điều gì về lý thuyết ngôn ngữ dựa trên những ấn tượng tri nhận hay ý niệm rằng vũ trụ trải qua các chu kỳ đại hỏa thiêu và tái lập chu kỳ mới. Sellars tránh bàn về niềm tin của người Khắc kỷ vào một vị thần thiết kế bằng cách lập luận rằng Thượng đế chỉ là một cách tư duy về tự nhiên và sự kết nối nhau sinh động của vũ trụ (và so sánh giả thuyết Gaia của James Lovelock). Nhưng điều này là coi nhẹ vai trò của thiên hựu: các triết gia Khắc kỷ và các tác gia chịu ảnh hưởng của thuyết Khắc kỷ thường nói về vị thần của họ như là một lý tính tối cao và sắp đặt các sự biến trong thế giới theo trật tự tốt nhất. Các triết gia cổ đại và hiện đại đều chống lại xu hướng tất định luận này ở thuyết Khắc kỷ và câu hỏi nó để tác nhân cá thể ở đâu. Thi thoảng, chúng ta mới bắt gặp những điểm không tương thích cơ bản giữa giá trị khai phóng của Hy-La cổ đại và hiện đại - nhất là trong các lĩnh vực tình dục và giới tính. Ví dụ, triết gia Khắc kỷ La Mã Musonius Rufus được chào đón vì ông có luận cứ cho rằng phụ nữ có thể thực hành triết học không thua kém đàn ông, và do đó đề xuất “một hình thức bình đẳng giới nào đó”. Những Sellars không cung cấp cho chúng ta toàn bộ câu chuyện. Suy nghĩ thực sự của Musonius là rằng phụ nữ và đàn ông được tự nhiên trang bị theo cách khác nhau. Học triết học không làm cho phụ nữ ngang hàng với đàn ông; nó chỉ giúp họ làm tốt hơn những công việc những công việc thích hợp với họ (quay tơ, dệt lụa, nuôi dạy con thơ). Hơn nữa, một số đoạn Sellars diễn đạt lại các ý niệm cổ đại có thể phản ánh chính xác những niềm tin của người xưa nhưng lại khá lúng túng trong bối cảnh đạo đức học của thế kỷ 21: chẳng hạn, “không ai trong số chúng ta chọn … giới tính của mình”; “Mối quan hệ lành mạnh là mối quan hệ dựa trên những ham muốn tự nhiên là cần có bạn tình và sinh nở. Nhưng điểm nổi bật không phải ở chỗ tư tưởng cổ đại và hiện đại đôi khi sai lệch nhau. Dù có sai lệch nhau đi nữa thì thuyết Khắc kỷ vẫn đầy sức hấp dẫn đối với các độc giả hiện đại. Có nhiều lý do cho sự thịnh hành của thuyết Khắc kỷ. Chắc chắn đó là sự phản ứng của thuyết Khắc kỷ chống lại cái văn hóa “self-help” trong chừng mực nào đó. Cũng có một loại đề cao nam tính trá hình với tư tưởng tự coi mình là anh hùng trong lối sống cam chịu trong thuyết ấy. Tuy nhiên, trên hết, chính cái ý niệm bê tông hóa tai hại nhưng dai dẳng ấy về tính hợp lý tính vẫn tiếp tục thu hút độc giả. Ngày nay, sẽ chẳng có mấy ai đồng ý rằng chỉ mỗi mình lý tính là có thể ngự trị mãi trong việc ra quyết định của con người, loại trừ các cảm xúc, tính năng động tập thể, cái vô thức, cơ thể và các bản năng đã được trau dồi nhờ sự thích nghi trong quá trình tiến hóa. Nhưng chính lý tính mới cái cái có thể giúp ta thay đổi, phát triển, và kiểm soát được cuộc sống của mình; và thông điệp của các nhà Khắc kỷ là chúng ta phải làm tất cả những gì mà ta có thể làm để nuôi dưỡng tặng phẩm đầy quyền năng nhưng mong manh này là một thông điệp vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn cần thiết.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC