CÁC MÁC (Sơ lược tiểu sử, kèm theo sự trình bày chủ nghĩa Mác)[1]
VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)
V. I. Lê-nin. Toàn tập, tập 26. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 51-111. | Bản tiếng Anh: Karl Marx - A Brief Biographical Sketch With an Exposition of Marxism
Lời tựa
Bài viết về Các Mác, hiện nay in thành sách riêng, tôi viết năm 1913 (tôi nhớ đại khái như thế) cho cuốn từ điển Gra-nát. Cuối bài, tôi có viết một bản mục lục khá tỉ mỉ những sách viết về Mác, trong đó, phần lớn kê các tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài. Sách này không in bản mục lục đó. Ngoài ra, các biên tập viên cuốn từ điển, về phía họ, vì sợ bị kiểm duyệt, nên đã bỏ đi phần cuối bài trình bày về sách lược cách mạng của Mác. Tiếc thay, ở đây, tôi không thể viết lại đoạn ấy được, vì bản nháp còn nằm đâu đó trong các giấy tờ của tôi để ở Cra-cốp hay ở Thuỵ-sĩ. Tôi chỉ nhớ rằng ở phần cuối này của bài, tôi nhân tiện dẫn ra một đoạn trong bức thư của Mác viết cho Ăng-ghen đề ngày 16. IV.1856, trong đó Mác đã viết: "ở Đức, toàn bộ vấn đề phụ thuộc vào khả năng tái diễn lại cuộc chiến tranh nông dân để ủng hộ cuộc cách mạng vô sản. Như vậy mọi việc sẽ tốt"[2]. Đấy là điều mà từ năm 1905 những người men-sê-vích ở nước ta đã không hiểu và đến bây giờ, họ đã đi đến chỗ phản bội hoàn toàn sự nghiệp chủ nghĩa xã hội và chạy sang phe giai cấp tư sản. N. Lê-nin Mát-xcơ-va, 14. V.1918.
Các Mác sinh ngày 5 tháng Năm 1818, theo lịch mới ở Tơ-ri-ơ (miền Ranh nước Phổ). Cha là luật sư người Do-thái, đến năm 1824 thì theo đạo Tin lành. Gia đình ông phong lưu, có học thức, nhưng không phải là gia đình cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trường trung học ở Tơ-ri-ơ, Mác vào học Trường đại học tổng hợp Bon rồi học ở Trường đại học tổng hợp Béc-lanh; ở đây, ông học luật và nhất là sử và triết học. Năm 1841, ông học xong và trình bày luận án tiến sĩ về triết học Ê-pi-quya. Hồi đó, với những quan điểm của ông, ông còn là một người duy tâm thuộc phái Hê-ghen. Ở Béc-lanh, ông gia nhập "phái Hê-ghen cánh tả" (trong đó có Bru-nô Bau-ơ và nhiều người khác), là phái tìm cách rút từ triết học Hê-ghen ra những kết luận vô thần và cách mạng. Tốt nghiệp đại học, Mác đến ngụ ở Bon với ý định xin một chân giáo sư ở đó. Nhưng chính sách phản động của chính phủ hồi đó buộc ông phải bỏ ý định làm nghề giáo sư đại học, chính phủ đó đã cách chức giáo sư của Lút-vích Phơ-bách năm 1832, năm 1836, lại từ chối không cho Phơ-bách vào dạy ở trường đại học và năm 1841, cấm giáo sư trẻ tuổi Bru-nô Bau-ơ giảng ở Bon. Hồi đó, tư tưởng của phái Hê-ghen cánh tả phát triển rất nhanh chóng ở Đức. Lút-vích Phơ-bách, đặc biệt là từ năm 1836, bắt đầu phê phán thần học và hướng về chủ nghĩa duy vật; đến năm 1841, chủ nghĩa duy vật đã hoàn toàn chinh phục ông ("Bản chất của Cơ-đốc giáo"); năm 1843, tác phẩm "Những nguyên lý cơ bản của triết học về tương lai" của ông được xuất bản. Về sau, khi viết về những tác phẩm này của Phơ-bách, Ăng-ghen có nói: "Phải cảm thấy tác dụng giải phóng" của những tác phẩm ấy. "Chúng tôi" (nghĩa là phái Hê-ghen cánh tả, kể cả Mác) "lập tức trở thành những người theo Phơ-bách"[3]. Hồi đó, phái tư sản cấp tiến ở vùng sông Ranh, tức là phái có những điểm gần giống với phái Hê-ghen cánh tả, đã sáng lập ở Cô-lô-nhơ tờ báo đối lập, tờ "Báo sông Ranh" (xuất bản từ ngày 1 tháng Giêng 1842). Mác và Bru-nô Bau-ơ được mời làm cộng tác viên chính và đến tháng Mười 1842 thì Mác trở thành chủ bút; lúc đó, ông rời Bon đến ở Cô-lô-nhơ. Dưới sự lãnh đạo của Mác, xu hướng dân chủ cách mạng của tờ báo ngày càng rõ ràng hơn, và chính phủ, sau khi đã bắt tờ báo phải theo chế độ kiểm duyệt hai lần, rồi ba lần và ngày 1 tháng Giêng 1843 thì quyết định đình bản hoàn toàn. Lúc đó, Mác buộc phải rút lui không làm chủ bút nữa, nhưng điều đó cũng không cứu vãn được tờ báo; đến tháng Ba 1843, tờ báo bị cấm hẳn. Trong số những bài quan trọng nhất mà Mác viết trên "Báo sông Ranh", ngoài những bài kể sau này (xem Mục lục sách tham khảo)[4], Ăng-ghen còn chỉ ra một bài nói về tình cảnh của những nông dân trồng nho ở thung lũng sông Mô-den[5] nữa. Hoạt động báo chí đã làm cho Mác thấy rằng sự hiểu biết của mình về môn kinh tế chính trị còn thiếu sót, nên ông bắt đầu chăm chú nghiên cứu môn ấy. Năm 1843, Mác kết hôn với Giên-ni phôn Ve-xtơ-pha-len ở Crây-txơ-nách. Giên-ni là bạn hồi nhỏ và đã đính hôn với ông từ khi ông còn là sinh viên. Vợ ông xuất thân trong một gia đình quý tộc phản động ở Phổ. Anh cả của Giên-ni phôn Ve-xtơ-pha-len làm bộ trưởng Bộ nội vụ Phổ vào một trong những thời kỳ phản động nhất: thời kỳ từ 1850 đến 1858. Mùa thu 1843, Mác đến Pa-ri để xuất bản ở nước ngoài một tạp chí cấp tiến, cùng với Ác-nôn Ru-ghê (1802-1880; một người thuộc phái Hê-ghen cánh tả, bị cầm tù từ 1825 đến 1830, sau năm 1848, sống lưu vong ở nước ngoài; và sau 1866-1870 thì ủng hộ Bi-xmác). Tờ tạp chí lấy tên là "Niên giám Pháp-Đức" ấy chỉ ra được số đầu. Vì việc bí mật phát hành tờ báo về Đức gặp nhiều khó khăn và vì bất đồng ý kiến với Ru-ghê nên tờ tạp chí phải ngừng xuất bản. Trong những bài viết trên tạp chí này, Mác đã tỏ ra là một nhà cách mạng, chủ trương "phê bình gắt gao tất cả những cái hiện có" và nhất là "phê bình bằng vũ khí"[6], và chủ trương kêu gọi quần chúng và giai cấp vô sản. Tháng Chín 1844, Phri-đrích Ăng-ghen đến Pa-ri vài hôm và từ đó đã trở thành bạn thân nhất của Mác. Cả hai ông đều tham gia hết sức hăng hái vào sinh hoạt đang sôi sục của những nhóm cách mạng lúc bấy giờ ở Pa-ri (học thuyết của Pru-đông hồi đó có một tầm quan trọng đặc biệt, và Mác đã kiên quyết bác bỏ học thuyết đó trong tác phẩm của mình: "Sự khốn cùng của triết học", xuất bản năm 1847), và trong khi đấu tranh quyết liệt chống mọi thứ học thuyết của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, hai ông đã sáng lập ra lý luận và sách lược của chủ nghĩa xã hội vô sản cách mạng, hay là chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa Mác). Xem những tác phẩm của Mác hồi đó, 1844-1848, kể trong: Mục lục sách tham khảo. Năm 1845, theo lời yêu cầu của chính phủ Phổ, Mác bị trục xuất khỏi Pa-ri, vì bị coi là một nhà cách mạng nguy hiểm. Ông sang Bruy-xen. Mùa xuân 1847, Mác và Ăng-ghen gia nhập hội tuyên truyền bí mật "Đồng minh những người cộng sản", đã có những đóng góp xuất sắc cho Đại hội II của Đồng minh (họp ở Luân-đôn, tháng Mười một 1847) và được sự uỷ nhiệm của đại hội, hai ông thảo bản tuyên ngôn nổi tiếng "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", xuất bản vào tháng Hai 1848. Tác phẩm này trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng – trong lịch sử toàn thế giới – của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản. Khi cách mạng tháng Hai 1848 bùng nổ[7], Mác bị trục xuất khỏi Bỉ. Ông trở về Pa-ri, rồi sau cách mạng tháng Ba[8], ông lại rời Pa-ri, trở về Đức, cụ thể là về Cô-lô-nhơ. Ở đấy, từ ngày 1 tháng Sáu 1848 đến ngày 19 tháng Năm 1849, "Báo sông Ranh mới" được xuất bản, do ông làm chủ bút. Quá trình những sự biến cách mạng từ 1848 đến 1849 và sau đó, tất cả những phong trào vô sản và dân chủ ở tất cả các nước trên thế giới, đã chứng thực một cách rực rỡ lý luận mới đó. Phe phản cách mạng vừa chiến thắng liền đưa Mác ra toà (9 tháng Hai 1849, ông được xử trắng án), rồi trục xuất ông ra khỏi Đức (ngày 16 tháng Năm 1849). Thoạt tiên, ông lại đến Pa-ri, cả ở đấy, sau cuộc biểu tình ngày 13 tháng Sáu 1849[9], ông lại bị trục xuất, rồi ông sang ở hẳn Luân-đôn cho đến khi qua đời. Hoàn cảnh của cuộc đời lưu vong, được bộc lộ hết sức rõ ràng qua thư từ trao đổi giữa Mác và Ăng-ghen (xuất bản năm 1913)[10], vô cùng chật vật. Mác và gia đình ông đã bị cảnh túng quẫn thẳng tay giày vò; nếu không được sự giúp đỡ thường xuyên và hết lòng hết dạ của Ăng-ghen về mặt tài chính thì không những Mác không thể viết xong bộ "Tư bản", mà chắc chắn còn ngã quỵ trong cảnh cùng khốn nữa. Ngoài ra, những học thuyết và trào lưu thịnh hành nhất của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, của chủ nghĩa xã hội phi vô sản nói chung, buộc Mác phải thường xuyên tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt, đôi khi phải chống đỡ những đòn công kích cá nhân dữ dội nhất và ngu xuẩn nhất ("Herr Vogt"[11]). Xa lánh các nhóm kiều dân, Mác phát triển lý luận duy vật của ông trong một loạt tác phẩm sử học (xem Mục lục sách tham khảo), ra sức nghiên cứu môn kinh tế chính trị. Mác đã cách mạng hoá môn khoa học này (xem học thuyết của Mác nói ở sau) trong những tác phẩm "Góp phần phê phán kinh tế chính trị học" (1859) và "Tư bản" (quyển I. 1867). Thời kỳ phục hưng của các phong trào dân chủ, vào cuối những năm 50 và trong những năm 60, đã làm cho Mác trở lại hoạt động thực tiễn. Năm 1864 (ngày 28 tháng Chín), Quốc tế I nổi tiếng, tức "Hội liên hiệp công nhân quốc tế", được thành lập ở Luân-đôn. Mác là linh hồn của tổ chức này, là tác giả bài "Lời kêu gọi"[12] đầu tiên và một số lớn nghị quyết, tuyên bố và tuyên ngôn. Trong khi thống nhất phong trào công nhân các nước, trong khi tìm cách hướng mọi hình thức khác nhau của chủ nghĩa xã hội phi vô sản, tiền mác-xít (Mát-di-ni, Pru-đông, Ba-cu-nin, phong trào công liên tự do chủ nghĩa Anh, những thiên hướng hữu khuynh của phái Lát-xan ở Đức, v. v.) vào con đường hoạt động chung, trong khi đấu tranh chống những lý luận của tất cả các phái và trường phái ấy, Mác đã rèn đúc được một sách lược duy nhất cho cuộc đấu tranh vô sản của giai cấp công nhân các nước. Sau thất bại của Công xã Pa-ri (1871) mà Mác đã dùng quan điểm cách mạng để đánh giá một cách rất sâu sắc, đúng đắn, xuất sắc và có tác dụng tích cực (trong cuốn "Nội chiến ở Pháp" 1871), và sau khi phái Ba-cu-nin gây chia rẽ trong Quốc tế thì Quốc tế không thể tồn tại ở châu Âu được nữa. Sau đại hội năm 1872 họp ở La Hay, đề nghị của Mác là chuyển trụ sở Hội đồng trung ương của Quốc tế sang Niu-oóc, được chấp nhận. Quốc tế I đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó và nhường chỗ cho một thời kỳ phát triển vô cùng lớn mạnh hơn trước của phong trào công nhân tất cả các nước trên thế giới, thời kỳ mà phong trào công nhân phát triển về bề rộng, thời kỳ thành lập nhiều đảng công nhân xã hội chủ nghĩa có tính chất quần chúng trong từng quốc gia dân tộc. Hoạt động khẩn trương của Mác trong Quốc tế và những công tác nghiên cứu lý luận còn khẩn trương hơn nhiều của ông đã làm cho sức khoẻ của ông bị suy yếu hẳn đi. Ông tiếp tục cải tạo môn kinh tế chính trị và viết phần cuối bộ "Tư bản" trên cơ sở gom góp rất nhiều tài liệu mới và học thêm nhiều thứ tiếng (tiếng Nga chẳng hạn), nhưng bệnh tật không để cho ông viết xong bộ "Tư bản". Ngày 2 tháng Chạp 1881, vợ ông từ trần; ngày 14 tháng Ba năm 1883, ông yên giấc nghìn thu trên chiếc ghế bành. Ông được an táng tại nghĩa trang Hai-ghết ở Luân-đôn, nơi đã an táng vợ ông. Trong số các con cái của Mác, có mấy người đã chết yểu ở Luân-đôn, khi gia đình ông sống nheo nhóc trong cảnh rất khốn đốn. Ba người con gái của Mác đều kết hôn với những người xã hội chủ nghĩa Anh và Pháp; ba người con gái này là Ê-lê-ô-nô-ra Ê-vê-linh, Lô-ra-la-phác-gơ và Giên-ni Lông-ghê. Con trai Lông-ghê là đảng viên Đảng xã hội chủ nghĩa Pháp.
[1] Bài "Các Mác (Sơ lược tiểu sử, kèm theo sự trình bày chủ nghĩa Mác)" V. I. Lê-nin viết cho cuốn Từ điển bách khoa Gra-nát hết sức nổi tiếng ở Nga lúc bấy giờ. Trong lời tựa viết cho lần xuất bản bài này thành sách riêng năm 1918, Lê-nin, theo trí nhớ, chỉ ra rằng Người viết bài này vào năm 1913. Sự thật thì Người bắt tay viết bài này vào mùa xuân 1914 ở Pô-rô-nin; song vì hết sức bận trong công tác lãnh đạo đảng và tờ báo "Sự thật" nên Lê-nin đã buộc phải tạm ngừng viết bài này. Trong thư gửi ban biên tập Nhà xuất bản Granát ngày 8 tháng Bảy 1914, Lê-nin viết: "Tôi hết sức tiếc rằng một loạt những hoàn cảnh hoàn toàn đặc biệt và bất ngờ... đã bắt buộc tôi phải ngừng ngay từ đầu bài viết về Mác mà tôi đã bắt đầu, và sau một loạt những cố gắng vô hiệu để dành thì giờ viết tiếp, tôi đành phải đi tới kết luận là tôi không thể làm công việc này trước mùa thu được. Tôi hết sức xin lỗi về việc này và hy vọng rằng ban biên tập của Nhà xuất bản hữu ích của ông sẽ tìm được một người mác-xít khác và người ấy sẽ gửi bài báo nói trên đến đúng thời gian quy định" (Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5, Mát-xcơ-va, t. 48, tr. 325). Ngày 12 tháng Bảy, viên thư ký ban biên tập Nhà xuất bản Gra-nát trả lời V. I. Lê-nin: "Bức thư hôm nay của Ngài, gần tương đương như một lời khước từ bài viết về Mác và chủ nghĩa Mác, làm cho chúng tôi hết sức lúng túng... Chúng tôi đã xem đi xét lại không những những người Nga có tên tuổi mà cả những người nước ngoài có tên tuổi nữa, nhưng không tìm ra được một tác giả nào. Chúng tôi hết sức tha thiết mong Ngài cứ giữ lấy bài ấy. Có lẽ là những lý do về tầm quan trọng to lớn mà hiện nay bài của Ngài có thể có đối với các bạn đọc dân chủ của Từ điển, những lý do đã quyết định sự đồng ý của Ngài lúc ban đầu, có lẽ ngay cả bây giờ nữa thì những lý do ấy cũng vẫn có ý nghĩa quyết định và khiến chúng tôi giữ lại lời hứa của Ngài. Chúng tôi đồng ý thực hiện những điều sau đây để tạo điều kiện dễ dàng cho công việc, đồng ý hoãn lại một thời gian đáng kể: hoãn đến 15 tháng Tám và đồng ý, nếu Ngài thấy thuận tiện, tách vấn đề về giá trị trao đổi ra, chúng tôi có thể hoãn nó lại một ít lâu. Chúng tôi có thể chờ sách tham khảo thêm một tuần nữa. Chúng tôi một lần nữa vô cùng tha thiết mong Ngài không khước từ viết bài đó, và cùng với chúng tôi coi bài đó là một công việc quý giá và cần thiết" (Cục lưu trữ trung ương của đảng thuộc Viện nghiêncứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên-xô). V. I. Lê-nin đồng ý tiếp tục viết bài, nhưng chẳng bao lâu thì chiến tranh nổ ra và Người bị các nhà đương cục Áo bắt giữ. Mãi đến tháng Chín, sau khi đến ở Béc-nơ, Lê-nin mới lại bắt tay viết và viết xong vào nửa đầu tháng Mười một. Trong thư gửi ban biên tập Nhà xuất bản Gra-nát ngày 4 tháng Mười một, Người viết: "Hôm nay tôi đã gửi― bằng bưu phẩm đảm bảo ― bài viết cho cuốn từ điển này, phần Mác và chủ nghĩa Mác. Tôi không phải là người phán xét xem tôi đã giải quyết đến chừng mực nào nhiệm vụ khó khăn là trình bày trong khuôn khổ 75 nghìn chữ hoặc khoảng từng ấy. Tôi xin nêu rõ rằng tôi đã phải thu gọn tài liệu lại rất nhiều (không được quá 15 000), và tôi đã phải chọn lấynhững gì quan trọngtrong nhiều khuynh hướng (dĩ nhiên, chủ yếu là theo đúng Mác)" (Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, t. 49, tr. 38). Bài "Các Mác" đã được đăng không đầy đủ vào năm 1915 trong tập 28 của Từ điển bách khoa (xuất bản lần thứ 7) dưới ký tên V. I-lin. Do điều kiện kiểm duyệt, ban biên tập từ điển không đăng hai mục của bài là "Chủ nghĩa xã hội" và "Sách lược đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản" và đã sửa đổi một số chỗ. Ở cuối bài có đăng, dưới dạng phụ lục, "Mục lục sách tham khảo chủ nghĩa Mác". Năm 1918, bài này được Nhà xuất bản "Sóng vỗ" in thành sách riêng, căn cứ theo bản in trong Từ điển bách khoa, nhưng không có "Mục lục sách tham khảo chủ nghĩa Mác". Lê-nin đã viết lời tựa cho lần xuất bản này; trong tập này có in lời tựa đó. Lần đầu tiên toàn văn bài này được in theo đúng bản thảo vào năm 1925 trong văn tập V. I. Lê-nin: "Mác, Ăng-ghen, chủ nghĩa Mác", do Viện Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên-xô xuất bản. Trong tập này ở phần "Các tài liệu chuẩn bị" có in cả đề cương bài "Các Mác"
[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 29, tr. 37.
[3] Ph. Ăng-ghen. "Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 21, tr. 281)
[4] Có ý muốn nói đến mục lục sách tham khảo do V. I. Lê-nin soạn cho bài "Các Mác" (xem tập này, tr. 97 - 111).
[5] Đây là nói về bài của C. Mác "Sự biện hộ của thông tin viên ở Mô-den" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 1, tr. 187 - 217)
[6] C. Mác. “Góp phần phê phán triết họcpháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu” (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 1, tr. 422).
[7] Có ý muốn nói đến cuộc cách mạng t− sản ở Pháp hồi tháng Hai 1848.
[8] Đây là nói về cuộc cách mạng tư sản ở Đức và Áo nổ ra vào tháng Ba 1848.
[9] Đây là nói về cuộc biểu tình nhân dân ở Pa-ri, do một đảng tiểu tư sản (phái "Núi") tổ chức nhằm phản đối việc tổng thống và đa số trong Hội nghị lập pháp viphạm những quy chế lập hiến do cuộc cách mạng 1848 lập ra. Cuộc biểu tình đã bị chính phủ giải tán.
[10] V. I. Lê-nin có ý muốn nói đến việc xuất bản những thư từ trao đổi giữa C. Mác và Ph. Ăng-ghen, xuất bản ở Đức vào tháng Chín 1913, gồm bốn tập, dưới nhan đề "Der Briefwechsel zwischen Friedrich Engels und Karl Marx 1844 bis 1883", Herausgeben von A. Bebel und Ed. Bernstein. Vier Bọnde, Stuttgart, 1913 ("Thư từ trao đổi giữa Phri-đrích Ăng-ghen và Các Mác từ 1844 đến 1883", do A. Bê-ben và E. Béc-stanh xuất bản. Bốn tập, Stút-ga, 1913). Thư từ trao đổi giữa C. Mác và Ph. Ăng-ghen, tính ra có hơn 1500 bức, là bộ phận cấu thành hết sức quan trọng của di sản lý luận của hai ông. Bên cạnh những tư liệu quý giá về tiểu sử, những bức thư này còn bao gồm những văn kiện hết sức phong phú phản ánh hoạt động về mặt tổ chức và về mặt lý luận của những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học. Lê-nin đã nghiên cứu sâu sắc những thư từ trao đổi giữa Mác và Ăng-ghen. Cục lưu trữ trung ương của đảng thuộc Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên-xô hiện còn giữ được cuốn bản thảo dày (gồm 76 trang) của Lê-nin, trong đó có: trích yếu xuất bản phẩm gồm bốn tập "Thư từ", những đoạn trích của những bức thư quan trọng nhất về lý luận củaMác và Ăng-ghen và bản chỉ dẫn tóm tắt đề tài trong trích yếu. Cũng còn giữ được cả bốn tập "Thư từ" có bút tích của Lê-nin ở trong văn bản và ở bên lề, ghi bằng bút chì nhiều màu khác nhau. Lê-nin đã nhiều năm dùng trích yếu "Thư từ" làm nguồn tài liệu tham khảo và đã sử dụng nó cho nhiều tác phẩm: "Về quyền dân tộc tự quyết", "Các Mác", "Chủ nghĩađế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản", "Chủ nghĩa đế quốcvà sự phân liệt trong phong trào xã hội chủ nghĩa", "Nhà nước và cách mạng", "Bệnh ấu trĩ "tả khuynh" trong phong trào cộng sản", v. v.. Năm 1959, bản thảo của Lê-nin mà nội dung là tài liệu "Thư từ", đã được Viện nghiên cứu chủ nghĩaMác - Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên-xô xuất bản thành sách riêng dưới nhan đề "Tóm tắt "Thư từ trao đổi giữa C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong những năm 1844 - 1883""; đến năm 1968 thì xuất bản lần thứ hai.
[11] Lê-nin có ý muốn nói đến bài văn đả kích của C. Mác "Ngài Phô-gtơ", đáp lại cuốn sách đầy tính chất vu khống của tên tay sai của phái Bô-na-pác-tơ là C. Phô-gtơ "Tôi kiện tờ "Allgemeine Zeitung"" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 14, tr. 395 - 691).
[12] Đây muốn nói đến "Tuyên ngôn thành lập của Hội liên hiệp công nhân quốc tế" (xem C. Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 16, tr. 3 - 11). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC