Chủ nghĩa Marx

Học thuyết của Marx: Chủ nghĩa duy vật triết học

 

HỌC THUYẾT CỦA MÁC

CHỦ NGHĨA DUY VẬT TRIẾT HỌC

 

VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)

 


V. I. Lê-nin. Toàn tập, tập 26. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 51-111. | Bản tiếng Anh: Karl Marx - A Brief Biographical Sketch With an Exposition of Marxism


 

Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của Mác. Mác đã thừa kế và hoàn chỉnh một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX, thuộc ba nước tiên tiến nhất của loài người: triết học cổ điển Đức, môn kinh tế chính trị cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp gắn liền với các học thuyết cách mạng Pháp nói chung. Tính  triệt để và tính hoàn chỉnh tuyệt vời (mà ngay cả kẻ thù của Mác cũng phải thừa nhận) của những quan điểm của ông (mà toàn bộ họp thành chủ nghĩa duy vật hiện đại và chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, tức là lý luận và cương lĩnh của phong trào công nhân ở tất cả các nước văn minh trên thế giới) buộc chúng tôi, trước khi trình bày nội dung chủ yếu của chủ nghĩa Mác, tức là học thuyết kinh tế của Mác, phải trình bày sơ lược thế giới quan chung của Mác.

 

Mục lục

1. Sơ lược tiểu sử

2. Chủ nghĩa duy vật triết học

3. Phép biện chứng

4. Quan niệm duy vật lịch sử

5. Đấu tranh giai cấp

 

Từ 1844 - 1845, thời kỳ mà những quan điểm của Mác hình thành, Mác đã là một nhà duy vật chủ nghĩa, đặc biệt đứng về phía L. Phơ-bách, mà mãi cho đến sau này, Mác cũng vẫn cho rằng chỗ yếu của Phơ-bách chỉ là ở chỗ chủ nghĩa duy vật của Phơ-bách còn thiếu triệt để, thiếu toàn diện. Đối với Mác, tác dụng lịch sử thế giới có tính chất "vạch thời đại" của Phơ-bách chính là ở chỗ ông đã đoạn tuyệt hẳn với chủ nghĩa duy tâm của Hê-ghen và đã thừa nhận chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa này, ngay từ "thế kỷ XVIII, nhất là ở Pháp, đã đấu tranh không những chống các thiết chế chính trị hiện hành, cũng như chống tôn giáo và thần học, mà còn... chống lại mọi thứ siêu hình học" (hiểu theo nghĩa là "tư biện say tuý luý" ngược với một "triết học tỉnh táo") ("Gia đình thần thánh" trong "Di sản văn học")[1]. Mác viết: "Theo Hê-ghen thì quá trình tư duy, − cái quá trình mà dưới cái tên là ý niệm, ông đã biến nó thành một chủ thể độc lập, − là đê-mi-uốc-gơ (kẻ sáng tạo, kẻ làm) ra hiện thực... Theo tôi thì trái lại, ý niệm chỉ là vật chất được chuyển vào và cải biến trong đầu óc con người mà thôi" ("Tư bản", quyển I, lời bạt của lần xuất bản thứ 2[2]). Hoàn toàn căn cứ vào triết học duy vật chủ nghĩa đó của Mác, nên khi trình bày triết học đó trong tác phẩm "Chống Đuy-rinh" (xin đọc tác phẩm), − Mác đã đọc bản thảo của tác phẩm này, − Ph. Ăng-ghen viết: "... Tính thống nhất của thế giới không phải là ở sự tồn tại của nó, mà là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh... bởi một sự phát triển lâu dài và gian  khổ của triết học và của khoa học tự nhiên... Vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Không bao giờ và không ở đâu, lại có và có thể có vật chất không có vận động, có vận động không có vật chất... Nếu người ta tự hỏi rằng... tư duy và ý thức là gì và phát sinh từ đâu, thì người ta thấy rằng đó là những sản phẩm của bộ óc con người, và chính bản thân con người cũng là sản phẩm của tự nhiên, một sản phẩm phát triển trong một hoàn cảnh tự nhiên nhất định và cùng với hoàn cảnh đó. Như vậy, hiển nhiên là những sản phẩm của bộ óc con người, xét đến cùng, cũng là những sản phẩm của tự nhiên, nên những sản phẩm đó không mâu thuẫn mà còn phù hợp với toàn bộ tự nhiên". "Hê-ghen là nhà duy tâm chủ nghĩa, nghĩa là ông không coi những tư tưởng của bộ óc của chúng ta là những phản ánh (Abbilder, phản chiếu, có lúc Ăng-ghen còn gọi là  "sự in lại") ít nhiều trừu tượng của các sự vật và các quá  trình hiện thực, mà ngược lại, ông lại coi các sự vật và sự phát triển của những sự vật ấy chỉ là những phản ánh của ý niệm nào đó, tồn tại ở đâu đó, trước khi có thế giới"[3]. Trong tác phẩm "Lút-vích Phơ-bách", tức là tác phẩm trong đó Ph. Ăng-ghen trình bày ý kiến của mình và ý kiến của Mác về triết học của Phơ-bách, tác phẩm mà Ăng-ghen chỉ đưa in sau khi đã xem lại một lần nữa bản thảo cũ năm 1844 – 1845 ông viết chung với Mác về Hê-ghen, về Phơ-bách và về quan niệm duy vật lịch sử, Ăng-ghen đã viết: "Vấn đề lớn cơ bản của bất cứ triết học nào, nhất là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa tinh thần và tự nhiên..., là vấn đề xét xem cái nào có trước: tinh thần hay tự nhiên... Tuỳ theo cách trả lời câu hỏi đó, các nhà triết học đã chia thành hai phe lớn. Những người nào quả quyết rằng tinh thần có trước tự nhiên và do đó, xét đến cùng, bằng cách này hay cách khác thừa nhận sự sáng tạo ra thế giới,... những người ấy họp thành phe duy tâm chủ nghĩa. Còn những người cho rằng tự nhiên là cái có trước thì thuộc về các môn phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật". Hễ vận dụng khái niệm chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật (triết học) theo bất cứ cách nào khác thì chỉ gây ra lẫn lộn mà thôi. Mác không những kiên quyết gạt bỏ chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa luôn luôn gắn liền với tôn giáo bằng cách này hay cách khác, mà còn kiên quyết gạt bỏ cả quan điểm hiện rất phổ biến của Hi-um và của Can-tơ, như chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa phê phán, chủ nghĩa thực chứng dưới đủ mọi hình thức của chúng, vì Mác cho rằng loại triết học ấy là một sự nhượng bộ "phản động" đối với chủ nghĩa duy tâm và giỏi lắm cũng chỉ là "một sự e thẹn thừa nhận thầm vụng chủ nghĩa duy vật, tuy vẫn công khai phủ nhận nó"[4]. Về điểm này, ngoài những tác phẩm kể trên của Ăng-ghen và của Mác, nên xem cả bức thư của Mác gửi Ăng-ghen đề ngày 12 tháng Chạp 1866, trong đó, ông nói đến lời phát biểu của nhà tự nhiên học nổi tiếng là T. Hơ-xli; Mác nhận xét là ông này đã tỏ ra "duy vật hơn" ngày thường và đã thừa nhận rằng chừng nào "chúng ta xem xét và suy nghĩ thật sự thì không bao giờ chúng ta có thể xa rời lập trường chủ nghĩa duy vật được", nhưng đồng thời Mác cũng trách ông ta là đã  "mở cửa sau" cho chủ nghĩa bất khả tri và cho lý luận của Hi-um. Đặc biệt cần phải chú ý đến quan điểm của Mác về quan hệ giữa tự do và tất yếu:  "tất yếu chỉ mù quáng chừng nào ta chưa nhận thức được nó. Tự do là sự nhận thức được tất yếu" (Ph. Ăng-ghen trong "Chống Đuy-rinh") = thừa nhận tính quy luật khách quan của tự nhiên và thừa nhận sự chuyển biến một cách biện chứng của tất yếu thành tự do (cũng như sự chuyển biến của một "vật tự nó", mà ta chưa nhận thức được nhưng có thể nhận thức được, thành "vật cho ta", nghĩa là sự chuyển biến của "bản chất của sự vật" thành "hiện tượng"). Theo Mác và Ăng-ghen thì nhược điểm căn bản của chủ nghĩa duy vật "cũ", kể cả chủ nghĩa duy vật của Phơ-bách (dĩ nhiên càng phải kể cả chủ nghĩa duy vật "tầm thường" của Buy-khơ-nơ - Phô-gtơ - Mô-lét-sốt) là ở chỗ: (1) chủ nghĩa duy vật này "căn bản là máy móc" và không đếm xỉa gì đến sự phát triển mới nhất của hóa học và sinh học (hiện nay, còn phải kể thêm cả thuyết điện về vật chất nữa); (2) chủ nghĩa duy vật cũ là phi lịch sử, là không biện chứng (mà là siêu hình, theo nghĩa là trái với biện chứng) và không áp dụng một cách triệt để và toàn diện quan điểm về phát triển; (3) những chủ nghĩa đó hiểu "bản chất con người" một cách trừu tượng, chứ không coi đó là "toàn bộ những quan hệ xã hội" (do lịch sử quy định một cách cụ thể), do đó, đáng lẽ phải "cải biến" thế giới thì chúng lại chỉ "giải thích" thế giới, nghĩa là chúng không hiểu được ý nghĩa của "hoạt động cách mạng thực tiễn".

 


Viết vào tháng Bảy – tháng Mười một 1914

In có rút gọn năm 1915 trong Từ điển bách khoa Gra-nát, xuất bản lần thứ 7, t.28

Ký tên: V.I-Lênin

Lời tựa in năm 1918 trong cuốn: N.Lê-nin.  "Các Mác", Mát-xcơ-va, Nhà xuất bản "Sóng vỗ" 

Theo đúng bản thảo, có đối chiếu với bản in trong sách

 



[1] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 2, tr. 139.

[2] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 23, tr. 21.

[3] Ph. Ăng-ghen. "Chống Đuy-rinh" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ2, t. 20, tr. 43, 59, 34 - 35, 24)

[4] Ph. Ăng-ghen. "Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 21, tr. 282 - 283, 284).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

TRAN NGUYEN - 20:50 11/07/2021
Viết và dịch thuật triết học của Tây Phương mà dịch tên tiếng quốc gia, danh xưng, địa danh hay bất cứ đặc điểm của địa phương mà dịch ra tiếng Việt để cho dễ đọc là “ngu trí thức”. Người mà muốn tự nghiên cứu các sách vở của ngoại quốc sẽ gặp trở ngại không nhận diện ra mặt chữ nguyên thuỷ của âm tiếng ngoại quốc và viết cũng sai. Tôi không biết các người ngoại quốc học, đọc và viết tiếng của nước khác trong lãnh vực triết học cũng như các ngành khác, họ có dịch như những nhà trí thức Việt Nam hay không, nhưng tôi chỉ thấy nền giáo dục Việt Nam đang mắc phải lỗi lầm này. Tôi mong rằng quý vị còn ưu tư cho các thế hệ trẻ muốn tiến bộ nên thay đổi tư duy cách truyền bá tư tưởng và cách dạy các thế hệ trẻ VN.
nguyễn thị mỹ tâm - 18:12 16/12/2021
giúp em : Phân tích luận điểm của Mác: “Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế- xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”.Ý nghĩa trong nhận thức con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt