Chủ nghĩa Marx

Đạo đức và pháp quyền. Chân lý vĩnh cửu

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ nhất: TRIẾT HỌC

IX.

ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP QUYỀN.

 

CHÂN LÝ VĨNH CỬU

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

Chúng tôi không đưa ra đây những mẫu lấy từ cái mớ hổ lốn của những lời ba hoa nhạt nhẽo và những câu sấm truyền hồ đồ, tóm lại là từ những lời nhảm nhí thuần tuý mà suốt trong năm mươi trang sách ông Đuy-rinh hiến cho độc giả của mình, coi đó là một khoa học hết sức sâu sắc về những yếu tố của ý thức. Chúng tôi chỉ dẫn ra đoạn sau đây:

"Kẻ nào chỉ có khả năng suy nghĩ bằng ngữ ngôn thôi thì kẻ đó chưa bao giờ cảm thấy được tư duy trừu tượng, tư duy thực sự là gì".

Nếu như vậy thì động vật là những nhà tư tưởng trừu tượng nhất, thực sự nhất, vì tư duy của chúng không bao giờ bị vẩn đục bởi sự can thiệp rầy rà của ngữ ngôn cả. Dầu sao, xét theo những tư tưởng của ông Đuy-rinh và thứ ngữ ngôn mà ông ta dùng để diễn đạt những tư tưởng đó, thì người ta có thể thấy rằng những tư tưởng ấy ít thích hợp đến mức nào với bất cứ một ngữ ngôn nào và ngôn ngữ Đức cũng ít thích hợp đến mức nào với những tư tưởng ấy.

Cuối cùng, với một cảm giác nhẹ nhõm, chúng ta có thể chuyển sang phần thứ tư, phần này, ngoài cái mớ hổ lốn những lời lẽ mơ hồ đó ra thì ít nhất cũng còn trình bày được đây đó một điều gì có thể hiểu được về vấn đề đạo đức và pháp quyền. Lần này, ngay từ đầu, chúng ta đã được mời đi du hành trên các thiên thể khác:

Những yếu tố của đạo đức phải "là... trùng hợp với nhau ở tất cả những sinh vật không phải loài người, những sinh vật mà lý tính tích cực của chúng phải điều chỉnh một cách có ý thức những biểu hiện bản năng của sự sống... Vả lại, sự quan tâm của chúng ta đến những kết luận như thế vẫn không lớn lắm... Nhưng dù sao đó vẫn là một ý kiến mở rộng một cách bổ ích tầm mắt của chúng ta, nếu như chúng ta hình dung được rằng trên những thiên thể khác, đời sống cá nhân và đời sống tập thể đều nhất thiết phải xuất phát từ một đồ thức, đồ thức này... không thể gạt bỏ hay bỏ qua cái tổ chức cơ bản chung của một sinh vật hành động theo lý tính".

Nếu như tính ứng dụng của những chân lý của ông Đuy-rinh đối với mọi thế giới khác có thể có được xác nhận ở đây, dưới dạng ngoại lệ, ngay từ đầu chứ không phải ở cuối chương, thì điều đó có lý do đầy đủ của nó. Một khi xác định được tính ứng dụng của những quan niệm của ông Đuy-rinh, về đạo đức và chính nghĩa đối với tất cả các thế giới, thì người ta lại càng dễ dàng mở rộng sức mạnh bổ ích của những quan niệm ấy cho tất cả các thời đại. Và ở đây cũng vẫn là những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, không hơn không kém.

Thế giới đạo đức "cũng như thế giới của tri thức phổ biến, - có những nguyên tắc vĩnh hằng và những yếu tố giản đơn của nó"; những nguyên tắc đạo đức "đứng trên lịch sử và trên cả những sự khác biệt hiện nay về tính cách dân tộc... Những chân lý riêng biệt mà từ đó trong quá trình phát triển, ý thức đạo đức đầy đủ hơn được hình thành, và có thể nói là hình thành lương tâm, nhận thức đến tận những cơ sở cuối cùng của chúng thì chúng có thể đòi hỏi thừa nhận tầm quan trọng và một phạm vi hoạt động giống như những chân lý của toán học và những sự vận dụng toán học. Những chân lý thật sự thì nói chung không biến đổi... thành thử thật là điên rồ nếu hình dung rằng sự đúng đắn của nhận thức phải tuỳ thuộc vào thời gian và những sự thay đổi hiện thực". Vì vậy, tính xác thực của tri thức nghiêm túc và sự vừa tầm của nhận thức thông thường, - khi chúng ta đang trong một trạng thái minh mẫn, - không cho phép chúng ta nghi ngờ tuyệt vọng vào ý nghĩa tuyệt đối của các nguyên tắc của tri thức. "Ngay cả bản thân sự nghi ngờ dai dẳng cũng đã là một trạng thái yếu đuối bệnh tật, và chẳng qua chỉ là biểu hiện của một sự lẫn lộn không thể cứu vãn được, một sự lẫn lộn đôi khi tìm cách tạo ra cái vẻ bề ngoài vững chắc nào đó bằng cách nhận thức một cách có hệ thống về sự vô giá trị của mình. Trong các vấn đề đạo đức, để phủ nhận những nguyên tắc phổ biến, người ta bám vào tính chất nhiều vẻ về mặt địa lý và lịch sử của những phong tục và những nguyên tắc đạo đức và chỉ cần khoác cho nó cái tính tất yếu không thể tránh khỏi của cái xấu và cái ác, là đã có thể hoàn toàn bác bỏ ý nghĩa nghiêm túc và hiệu quả thực tế của những động cơ đạo đức trùng hợp. Cái chủ nghĩa hoài nghi ăn mòn đó - một chủ nghĩa không nhằm chống lại những học thuyết giả dối cá biệt nào, mà là chống lại chính cái khả năng của loài người vươn lên tới trạng thái đạo đức tự giác, - cuối cùng sẽ trở thành cái hư vô thực sự, thậm chí trở thành một cái gì còn tệ hơn chủ nghĩa hư vô đơn thuần... Trong cái đống hỗn độn mơ hồ những quan niệm đạo đức đã tan rã, nó tự an ủi bằng cái hy vọng là có thể thống trị dễ dàng và mở toang tất cả các cửa cho sự tuỳ tiện vô nguyên tắc. Nhưng nó đã lầm to vì chỉ cần vạch ra những số mệnh không tránh khỏi của lý tính trong sai lầm và trong chân lý, để chỉ thông qua riêng sự so sánh ấy cũng đã có thể thấy rõ rằng khả năng mắc sai lầm có tính chất tự nhiên không gạt bỏ khả năng thực hiện cái đúng".

Cho đến nay, chúng ta vẫn bình tĩnh tiếp nhận tất cả những câu nói hoa mỹ đó của ông Đuy-rinh về những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, về quyền tối cao của tư duy, về tính xác thực tuyệt đối của nhận thức, v.v., bởi vì vấn đề đó chỉ có thể giải quyết được ở cái điểm mà hiện giờ chúng ta đã đến. Cho đến nay, chỉ cần nghiên cứu xem những lời khẳng định riêng biệt của triết học hiện thực có một "giá trị tối cao" và một "quyền tuyệt đối về chân lý" đến mức nào, là đủ. Còn bây giờ chúng ta đi đến vấn đề xét xem liệu những sản phẩm của nhận thức của con người nói chung có thể có được giá trị tối cao và quyền tuyệt đối về chân lý hay không, và nếu có thì đó là những sản phẩm nào. Khi tôi nói: nhận thức của con người, thì tôi nói như vậy không phải với ý định làm mất lòng những dân cư trên các thiên thể khác mà tôi không có hân hạnh được biết, mà chỉ vì động vật cũng nhận thức, mặc dù không có gì là tối cao cả. Con chó nhận thức người chủ của nó là thượng đế của nó, mặc dầu người chủ này có thể là một thằng đểu cáng nhất.

Liệu tư duy của con người có phải là tối cao hay không? Trước khi trả lời là "phải" hay "không phải", chúng ta phải nghiên cứu xem tư duy của con người là gì đã. Nó có phải là tư duy của một cá nhân riêng biệt không? Không phải. Nhưng nó vẫn chỉ tồn tại với tư cách là tư duy cá nhân của hàng tỷ người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó, nếu tôi nói rằng tư duy của tất cả những con người ấy, kể cả của những con người tương lai nữa, được tổng hợp lại trong quan niệm của tôi, là tư duy tối cao, tức là nó có khả năng nhận thức được thế giới hiện tại trong chừng mực mà nhân loại tồn tại đủ lâu dài và trong chừng mực mà nhận thức ấy không bị giới hạn bởi những khí quan nhận thức và bởi những đối tượng nhận thức - thì như thế là tôi đã nói một điều khá tầm thường, và hơn nữa, là khá vô bổ. Vì kết quả quý báu nhất của điều đó chỉ có thể là làm cho chúng ta hết sức hoài nghi nhận thức hiện nay của chúng ta, bởi lẽ chắc chắn rằng chúng ta hầu như chỉ mới ở bước đầu của lịch sử nhân loại, và những thế hệ sau này sẽ sửa chữa lại cho chúng ta, tất phải đông hơn rất nhiều so với những thế hệ mà nhận thức hiện phải được chúng ta sửa chữa lại với một thái độ thường là khá trịch thượng.

Bản thân ông Đuy-rinh cũng tuyên bố điều sau đây là một tất yếu: ý thức, và do đó cả tư duy và nhận thức, chỉ có thể biểu hiện ở một loạt sinh vật cá biệt thôi. Chúng ta chỉ có thể gán quyền tối cao cho tư duy của mỗi cá nhân ấy trong chừng mực chúng ta không thấy có một quyền lực nào có thể dùng bạo lực áp đặt cho cá nhân ấy - trong trạng thái khoẻ mạnh và tỉnh táo - một tư tưởng nào đấy. Còn về giá trị tối cao của những nhận thức mà tư duy của mỗi cá nhân đạt được thì tất cả chúng ta đều biết rằng không thể nói như thế được, rằng căn cứ vào tất cả kinh nghiệm từ trước đến nay của chúng ta thì những nhận thức ấy, không trừ một kinh nghiệm nào, bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố có thể cải tiến được nhiều hơn nhiều so với những yếu tố không cần một sự cải tiến như thế, tức là những yếu tố đúng đắn.

Nói một cách khác: tính tối cao của tư duy chỉ được thực hiện trong một loạt người tư duy cực kỳ không tối cao; nhận thức có quyền tuyệt đối nắm chân lý thì được thực hiện trong một loạt những sai lầm tương đối; cả hai đều không thể thực hiện được đầy đủ bằng cách nào khác ngoài cách thông qua một đời sống dài vô tận của nhân loại.

Ở đây, chúng ta lại thấy cũng cái mâu thuẫn đã gặp ở trên kia*, mâu thuẫn giữa tính chất nhất thiết phải được coi là tuyệt đối của tư duy con người, và việc thực hiện nó trong những cá nhân tư duy hạn chế. Mâu thuẫn đó chỉ có thể giải quyết được trong quá trình tiến lên vô tận, trong sự nối tiếp trên thực tế và vô hạn - ít nhất là đối với chúng ta - của các thế hệ loài người. Theo ý nghĩa đó thì tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng, không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định.

Về những chân lý vĩnh cửu thì cũng vậy. Nếu nhân loại đạt tới chỗ chỉ vận dụng toàn những chân lý vĩnh cửu, những kết quả của tư duy có giá trị tối cao và có quyền tuyệt đối về chân lý, thì điều đó có nghĩa là nhân loại đã tới một điểm mà tính vô tận của thế giới tri thức đã cùng kiệt xét về mặt hiện thực cũng như về mặt tiềm năng, và như thế là đã thực hiện được cái điều thần kỳ nổi tiếng là đếm được hết con số vô hạn.

Nhưng, chẳng phải là vẫn có những chân lý được xác lập một cách vững chắc đến mức là đối với chúng ta, mỗi một sự nghi ngờ chúng đều có nghĩa là một sự điên rồ, đó sao? Như hai lần hai là bốn, tổng ba góc của một hình tam giác thì bằng hai góc vuông, thành Pa-ri là ở Pháp, người ta không ăn thì chết, v.v., đó sao? Như vậy, chẳng phải là vẫn có những chân lý vĩnh cửu, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng đó sao?

Cố nhiên là có. Theo phương pháp cũ mà mọi người đã biết từ lâu, chúng ta có thể chia toàn bộ lĩnh vực nhận thức ra làm ba phần lớn. Phần thứ nhất bao gồm tất cả những khoa học nghiên cứu về giới tự nhiên vô sinh và ít nhiều có thể dùng phương pháp toán học mà xử lý được như: toán học, thiên văn học, cơ học, vật lý học, hoá học. Nếu có người nào thích vận dụng những từ lớn vào những sự vật rất đơn giản thì cũng có thể nói rằng một số kết quả của những khoa học đó là những chân lý vĩnh cửu, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng; chính vì vậy mà người ta gọi đó là những khoa học chính xác. Nhưng hoàn toàn không phải tất cả các kết quả của các khoa học đó đều như thế. Khi áp dụng những số biến và mở rộng tính biến đổi của chúng đến số vô cùng nhỏ và số vô cùng lớn thì toán học, thường vốn có đạo đức nghiêm khắc là thế, cũng đã sa vào tội lỗi: nó đã nếm mùi trái cây tri thức và điều đó đã mở đường cho nó đi đến những thành tựu hùng vĩ nhất, nhưng đồng thời cũng mở đường cho nó đi đến những sai lầm. Trạng thái trinh tiết của giá trị tuyệt đối, của bằng chứng không thể bác bỏ được của tất cả cái gì là toán học đã vĩnh viễn đi vào quá khứ; thời đại của những bất đồng đã đến, và chúng ta đi tới chỗ là phần lớn những người dùng tính vi phân hay tích phân, không phải vì họ hiểu việc họ làm, mà chỉ vì họ tin vào điều đó, vì cho đến nay kết quả đạt được bao giờ cũng đúng. Trong thiên văn học và cơ học, tình hình còn tồi tệ hơn nữa, còn trong vật lý học và hoá học thì người ta đang đứng giữa những giả thuyết như đứng giữa một đàn ong. Vả lại, cũng không thể nào khác thế được. Trong vật lý học, chúng ta phải nghiên cứu vận động của các phân tử; trong hoá học phải nghiên cứu sự hình thành của phân tử từ nguyên tử, và nếu sự giao thoa của những làn sóng ánh sáng không phải là một câu chuyện bịa đặt thì chúng ta tuyệt đối chẳng bao giờ có hy vọng được tận mắt nhìn thấy những điều lý thú đó. Ở đây, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng ngày càng trở nên hiếm có một cách lạ lùng.

Tình hình lại càng tồi tệ hơn nữa trong địa chất học, theo bản chất của nó, khoa học này nghiên cứu chủ yếu những quá trình không những chúng ta, mà nói chung không có một người nào chứng kiến cả. Vì vậy, ở đây việc thu được những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng gắn liền với những công sức rất lớn, còn kết quả của nó thì lại hết sức nghèo nàn.

Loại khoa học thứ hai là những ngành khoa học nghiên cứu những cơ thể sống. Trong lĩnh vực này, tính chất nhiều vẻ của những quan hệ qua lại và quan hệ nhân quả phát triển đến mức là chẳng những mỗi mặt vấn đề đã được giải quyết lại làm nẩy sinh vô số vấn đề mới, mà mỗi vấn đề cá biệt cũng chỉ có thể được giải quyết phần lớn là từng mẩu một, bằng một loạt công trình nghiên cứu thường đòi hỏi hàng thế kỷ; đồng thời, nhu cầu hệ thống những mối quan hệ được nghiên cứu cũng luôn luôn buộc chúng ta phải dựng lên cả một rừng giả thuyết dày đặc xung quanh những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng. Cần phải có một chuỗi nấc trung gian dài biết bao từ Ga-liêng đến Man-pi-ghi để xác định được một cách chính xác một điều đơn giản như tuần hoàn của máu trong cơ thể loài có vú! Chúng ta biết ít biết bao về nguồn gốc của huyết cầu, và hiện nay chúng ta còn thiếu biết bao nhiêu là khâu trung gian để xác định mối quan hệ hợp lý, chẳng hạn, giữa những triệu chứng của một bệnh với những căn nguyên của bệnh ấy! Hơn nữa, thường lại còn có những phát hiện, thí dụ như sự phát hiện ra tế bào, buộc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng đã được xác lập từ trước đến nay trong lĩnh vực sinh học và loại bỏ vĩnh viễn hàng đống những chân lý ấy. Vì vậy những ai ở đây muốn dựng lên những chân lý thực sự, bất biến, thì người đó sẽ phải tự bằng lòng với những điều nhàm tai như: mọi người đều phải chết, tất cả những vật có vú thuộc giống cái đều có tuyến sữa, v.v.. Người ấy thậm chí cũng sẽ không thể nói được rằng động vật cấp cao thì tiêu hoá bằng dạ dày và ruột chứ không phải bằng đầu, bởi vì hoạt động thần kinh tập trung trong đầu là cần thiết cho sự tiêu hoá.

Nhưng tình hình của những chân lý vĩnh cửu lại còn tồi tệ hơn nữa trong loại khoa học thứ ba, tức là những khoa học lịch sử, chúng nghiên cứu những điều kiện sinh hoạt của loài người, những quan hệ xã hội, những hình thức pháp quyền và nhà nước với kiến trúc thượng tầng tư tưởng của chúng gồm triết học, tôn giáo, nghệ thuật, v.v., trong trình tự lịch sử và trạng thái hiện nay của chúng. Trong giới tự nhiên hữu cơ, ít ra chúng ta cũng còn thấy được một chuỗi quá trình nối tiếp nhau, diễn đi diễn lại khá đều đặn trong những giới hạn rất rộng trong chừng mực chúng ta trực tiếp quan sát chúng. Từ thời A-ri-xtốt đến nay, nói chung các loài hữu cơ vẫn không thay đổi. Trái lại, trong lịch sử xã hội, một khi chúng ta vượt quá trạng thái nguyên thuỷ của nhân loại, vượt quá cái gọi là thời đại đồ đá thì sự lặp lại các hiện tượng chỉ là ngoại lệ chứ không phải là thông lệ; và ở nơi nào có sự lặp lại như vậy thì điều đó cũng không bao giờ xẩy ra trong những hoàn cảnh hệt như cũ. Ví dụ, chế độ công hữu nguyên thuỷ về đất đai ở tất cả các dân tộc văn minh và hình thức tan rã của chế độ ấy. Vì vậy, trong lĩnh vực lịch sử nhân loại, khoa học của chúng ta còn lạc hậu hơn trong lĩnh vực sinh học rất nhiều. Thêm nữa: nếu, trong trường hợp ngoại lệ, đôi khi người ta nhận thức được cả mối liên hệ bên trong của những hình thức tồn tại xã hội và hình thức tồn tại chính trị của một thời kỳ lịch sử nhất định, thì thường thường đó là vào lúc mà các hình thức ấy đã sống được một nửa thời gian của chúng, vào lúc chúng đã đi vào chỗ suy tàn. Cho nên ở đây sự nhận thức về cơ bản là mang tính chất tương đối, vì nó chỉ giới hạn trong việc làm sáng tỏ những mối liên hệ và những hậu quả của một số hình thức xã hội và nhà nước chỉ tồn tại vào một thời gian nhất định và ở những dân tộc nhất định, và xét theo bản chất thì có tính chất nhất thời. Vì vậy mà trong lĩnh vực này, kẻ nào đi tìm những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, những chân lý thật sự, nói chung không biến đổi, thì kẻ đó sẽ chẳng kiếm được là bao, ngoài những điều nhạt nhẽo và những điều nhàm tai loại tồi nhất, ví dụ như: nói chung người ta không thể sống mà không lao động, rằng cho đến nay người ta thường chia ra thành kẻ thống trị và kẻ bị trị, rằng Na-pô-lê-ông chết ngày mồng 5 tháng Năm 1821, v.v..

Nhưng, điều đáng chú ý là chính trong lĩnh vực này, chúng ta lại thường rất hay gặp những cái gọi là những chân lý vĩnh cửu, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, v.v.. Những sự thật như hai lần hai là bốn, chim thì có mỏ, và những sự thật khác cùng loại như thế chỉ được tuyên bố là chân lý vĩnh cửu bởi người nào có ý định từ cái sự thật là có những chân lý vĩnh cửu nói chung để rút ra kết luận rằng trong lĩnh vực lịch sử nhân loại cũng có những chân lý vĩnh cửu, đạo đức vĩnh cửu, chính nghĩa vĩnh cửu, v.v., - những thứ chân lý này đòi hỏi thừa nhận tầm quan trọng và một phạm vi hoạt động giống như các chân lý của toán học và những sự vận dụng toán học. Và khi đó, chúng ta có thể tin chắc rằng cũng chính anh bạn ấy của nhân loại, hễ có dịp là sẽ tuyên bố với chúng ta rằng tất cả những người trước đây chế tạo ra những chân lý vĩnh cửu đều ít nhiều là những con lừa và là những kẻ bịp bợm, tất cả đều mắc sai lầm, đều phạm khuyết điểm; và những sai lầm và khuyết điểm của họ là một điều hoàn toàn tự nhiên và chính điều đó chứng minh rằng tất cả chân lý và cái đúng chỉ có ở anh ta; và anh ta, nhà tiên tri vừa mới xuất thế, đã có sẵn chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, đạo đức vĩnh cửu, chính nghĩa vĩnh cửu trong túi của mình. Tất cả những điều đó đã xẩy ra hàng trăm và hàng ngàn lần khiến cho người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng vẫn còn có những người nhẹ dạ cả tin vào điều đó, mà tin như vậy không phải là trong khi nói đến người khác mà là trong khi nói đến chính họ. Tuy vậy, ở đây, ít ra chúng ta cũng đang đứng trước một nhà tiên tri như thế, một nhà tiên tri cũng nổi ngay cơn thịnh nộ hết sức đạo đức - như người ta vẫn thường làm trong những trường hợp như vậy - khi những người khác phủ nhận khả năng một cá nhân nào đó có thể tìm ra được chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng. Phủ nhận như thế, thậm chí chỉ hoài nghi thôi, cũng đều là dấu hiệu của sự yếu đuối, của sự lầm lẫn không sao cứu vãn được, của hư vô, của một thứ chủ nghĩa hoài nghi ăn mòn; sự phủ nhận như thế còn tồi tệ hơn cả chủ nghĩa hư vô đơn thuần, đó là sự hỗn độn mơ hồ và những điều đáng yêu khác cùng loại. Cũng giống như mọi nhà tiên tri khác, ở đây ông Đuy-rinh không xem xét và nhận định một cách khoa học - phê phán, mà chỉ đùng đùng nổi giận một cách đạo đức mà thôi.

Trên đây, đáng lẽ chúng ta còn có thể nhắc đến những khoa học nghiên cứu quy luật tư duy của con người: lô-gích học và phép biện chứng. Nhưng ở đây, tình hình của những chân lý vĩnh cửu cũng không có gì tốt đẹp hơn. Ông Đuy-rinh tuyên bố phép biện chứng theo đúng nghĩa của nó là một điều thuần tuý vô nghĩa, và rất nhiều sách đã được viết hay sẽ còn được viết về lô-gích học, đều chứng tỏ đầy đủ rằng trong những sách đó, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng rất hiếm thấy chứ không như nhiều người vẫn tưởng.

Vả chăng, chúng ta chẳng việc gì phải hoảng sợ khi thấy rằng trình độ nhận thức của chúng ta hiện nay cũng vẫn chưa phải đã là tột đỉnh hơn với tất cả những trình độ trước đây. Trình độ hiện nay đã bao quát được một khối lượng tư liệu nhận thức to lớn và đòi hỏi người nào muốn thật sự nắm được một ngành khoa học nào đó thì phải chuyên nghiên cứu rất sâu về ngành ấy. Còn kẻ nào đem vận dụng tiêu chuẩn của một chân lý thật sự, bất biến, tuyệt đỉnh cuối cùng, vào những tri thức do chính bản chất của chúng mà hoặc vẫn phải mang tính chất tương đối đối với một chuỗi dài những thế hệ và phải được hoàn thiện đến từng mảnh một, hoặc thậm chí - như trong thiên thể học, địa chất học, lịch sử nhân loại - phải mãi mãi là không đầy đủ và không hoàn thiện chỉ vì một lý do là thiếu tài liệu lịch sử, thì kẻ đó chỉ chứng tỏ sự ngu dốt và thiếu hiểu biết của bản thân, ngay cả khi như trường hợp ở đây, cái tham vọng cho mình là không thể sai lầm không phải là nguyên nhân thầm kín thật sự của tất cả những điều đó. Chân lý và sai lầm, cũng giống như tất cả những phạm trù lô-gích học vận động trong những cực đối lập, chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế; như chúng ta vừa thấy điều đó và như ông Đuy-rinh có thể biết được nếu ông ta làm quen chút ít với những điều thường thức của phép biện chứng, với những tiền đề đầu tiên của phép biện chứng, luận giải chính về tính không đầy đủ của tất cả những cực đối lập. Một khi chúng ta đem ứng dụng sự đối lập giữa chân lý và sai lầm ra ngoài phạm vi chật hẹp mà chúng ta đã chỉ ra ở trên, thì sự đối lập ấy trở thành tương đối và do đó không thích hợp với phương thức biểu hiện khoa học chính xác. Nhưng nếu chúng ta có ứng dụng sự đối lập ấy ra ngoài lĩnh vực nói trên như là sự đối lập tuyệt đối thì chúng ta sẽ hoàn toàn thất bại; một cực trong hai cực của mặt đối lập ấy sẽ biến thành cái đối lập với nó, nghĩa là chân lý sẽ trở thành sai lầm và sai lầm sẽ trở thành chân lý. Chúng ta hãy lấy định luật nổi tiếng của Bôi-lơ làm ví dụ, theo định luật này thì dưới một nhiệt độ không thay đổi, thể tích của những chất khí tỷ lệ nghịch với áp lực mà những chất khí đó phải chịu. Rê-nhô đã phát hiện ra rằng định luật này không đúng đối với một số trường hợp. Nếu Rê-nhô là một "nhà triết học hiện thực" thì hẳn ông ta đã phải nói rằng: định luật Bôi-lơ có thể biến đổi, vậy nó quyết không phải là một chân lý thật sự, vậy nói chung nó không phải là một chân lý, vậy nó là một sai lầm. Nhưng nếu nói như vậy thì Rê-nhô sẽ phạm vào một sai lầm còn lớn hơn nhiều so với cái sai lầm nằm trong định luật Bôi-lơ; cái hạt chân lý của ông sẽ biến mất trong một đống sai lầm; do đó ông ta sẽ biến cái kết quả đúng đắn ban đầu của ông thành một sai lầm mà so với nó thì định luật Bôi-lơ, với chút sai lầm vốn có của nó, lại hoá ra là một chân lý. Nhưng là một nhà khoa học, Rê-nhô đã không để cho mình rơi vào những trò trẻ con như vậy, ông đã tiếp tục nghiên cứu và thấy rằng nói chung, định luật Bôi-lơ chỉ là gần đúng; đặc biệt là nó không thể áp dụng vào những chất khí do áp lực có thể biến thành chất lỏng, hơn nữa nó sẽ mất hiệu lực khi áp lực lên tới gần điểm ở đó bắt đầu diễn ra bước chuyển sang trạng thái lỏng. Như vậy tức là định luật Bôi-lơ hoá ra chỉ đúng trong những giới hạn nhất định. Nhưng trong những giới hạn ấy, nó có tuyệt đối, hoàn toàn đúng không? Không một nhà vật lý học nào dám khẳng định như vậy cả. Họ sẽ nói rằng định luật Bôi-lơ có hiệu lực trong những giới hạn nhất định của áp lực và nhiệt độ và đối với một số khí nào đó; và trong phạm vi những giới hạn đã thu hẹp lại đó, họ vẫn sẽ không loại trừ khả năng thu hẹp hơn nữa hoặc sẽ phải nêu quy luật ấy một cách khác đi do những sự nghiên cứu về sau nàya. Vì vậy, đó là tình hình của những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng trong vật lý chẳng hạn. Vì vậy những công trình thật sự khoa học thường thường tránh dùng những từ ngữ có tính chất giáo điều và đạo đức như sai lầm và chân lý; trái lại, chúng ta thấy những từ ngữ này có mặt nhan nhản trong các tác phẩm như triết học hiện thực trong đó người ta muốn bắt chúng ta coi những lời lẽ ba hoa rỗng tuếch là kết quả tối cao của tư duy tối cao.

Nhưng, một độc giả ngây thơ nào đó có thể hỏi rằng vậy ở chỗ nào ông Đuy-rinh đã trực tiếp nói rằng nội dung triết học hiện thực của ông ta là một chân lý cuối cùng, tuyệt đỉnh? ở chỗ nào? Đúng thế, ví dụ như trong đoạn ông ta tán dương hệ thống của ông ta (tr.13) mà chúng tôi đã trích dẫn ở chương II*. Hay như trong câu nói đã dẫn ở trên kia, ông ta nói rằng: những chân lý đạo đức, trong chừng mực chúng được hiểu đến tận gốc rễ cuối cùng của chúng, đều đòi hỏi phải có một giá trị giống như những chân lý toán học. Và ông Đuy-rinh há đã chẳng khẳng định rằng xuất phát từ quan điểm thực sự phê phán của ông ta và nhờ công trình nghiên cứu hết sức sâu sắc của ông ta cho nên ông ta đã đạt tới những cơ sở cuối cùng đó, tới những sơ đồ cơ bản, do đó đã đem lại cho những chân lý đạo đức cái tính chất của những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng đấy ư? Hoặc là nếu ông Đuy-rinh đòi hỏi sự thừa nhận đó không phải cho bản thân ông ta mà cũng không phải cho thời đại của ông ta, nếu ông ta chỉ muốn nói rằng một ngày kia, trong một tương lai mù mịt, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng sẽ có thể được xác lập, tức là nếu ông ta muốn nói một cách gần đúng nhưng mơ hồ hơn, một cái gì tương tự với "chủ nghĩa hoài nghi ăn mòn" và "sự lẫn lộn không thể cứu chữa được", - nếu thế thì "làm ầm ĩ lên như vậy để làm gì, ngài cần cái gì chứ?"[2].

Nếu như trong vấn đề chân lý và sai lầm, chúng ta đã chẳng tiến được chút nào thì trong vấn đề thiện và ác, tình hình lại càng tồi tệ hơn nữa. Sự đối lập này chỉ vận động trong lĩnh vực đạo đức, tức là một lĩnh vực thuộc về lịch sử loài người, và chính trong lĩnh vực này, những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng hiếm có hơn hết. Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về thiện và ác đã biến đổi nhiều đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau. - Nhưng sẽ có người cãi lại rằng dù sao điều thiện cũng vẫn không phải là điều ác, điều ác không phải là điều thiện; nếu thiện và ác bị nhét vào cùng một bị với nhau thì mọi tính đạo đức sẽ không còn nữa, và tất cả mọi người có thể sẽ hành động tuỳ ý. - Đó cũng là ý kiến của ông Đuy-rinh, nếu chúng ta loại bỏ cái vỏ sấm truyền của nó đi. Nhưng không thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản như vậy đâu. Nếu điều đó quả thực đơn giản như vậy, thì đã chẳng có một cuộc tranh luận về điều thiện và điều ác, khi mỗi người đều đã biết cái gì là thiện và cái gì là ác rồi. Nhưng hiện nay, tình hình như thế nào? Ngày nay người ta đang truyền bá cho chúng ta thứ đạo đức nào? Trước hết đó là đạo đức phong kiến Cơ Đốc giáo, do những thời kỳ tín ngưỡng trước kia để lại, đến lượt nó, đạo đức này về cơ bản lại chia thành đạo đức Thiên chúa giáo và đạo đức Tin lành, nhưng không phải vì thế mà không chia nhỏ thành nhiều nhánh phụ nữa, từ đạo đức Thiên chúa giáo dòng Tên và đạo đức Tin lành chính thống cho đến đạo đức khai sáng tự do chủ nghĩa. Bên cạnh những đạo đức đó, có đạo đức tư sản cận đại, rồi bên cạnh đạo đức này, lại có đạo đức vô sản của tương lai; thành thử chỉ riêng trong các nước tiên tiến ở châu Âu, quá khứ, hiện tại và tương lai đã đề xuất ba nhóm lớn những học thuyết về đạo đức, song song với nhau và cùng tồn tại bên cạnh nhau. Vậy thì đạo đức nào là chân chính? Không có đạo đức nào là chân chính cả, nếu nói theo ý nghĩa tuyệt đối cuối cùng; nhưng tất nhiên, thứ đạo đức hiện nay đang tiêu biểu cho sự lật đổ hiện tại, biểu hiện cho lợi ích của tương lai, tức là đạo đức vô sản, - là thứ đạo đức có một số lượng nhiều nhất những nhân tố hứa hẹn một sự tồn tại lâu dài.

Nếu chúng ta thấy rằng ba giai cấp trong xã hội hiện đại, giai cấp quý tộc phong kiến, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, mỗi giai cấp đều có đạo đức riêng của mình, thì từ đó chúng ta chỉ có thể rút ra kết luận nói rằng con người dù tự giác hay không tự giác, rút cuộc đều rút ra những quan niệm đạo đức của mình từ những quan hệ thực tiễn đang làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là từ những quan hệ kinh tế trong đó người ta sản xuất và trao đổi.

Tuy vậy trong ba học thuyết về đạo đức kể trên, vẫn có cái gì đó chung cho cả ba; phải chăng cái đó ít ra cũng là một mảnh nhỏ của đạo đức vĩnh cửu? - Những thuyết đạo đức đó tiêu biểu cho ba giai đoạn khác nhau của cùng một sự phát triển lịch sử, nghĩa là cả ba đều có một cơ sở lịch sử chung và chỉ riêng lý do đó cũng đã khiến cho chúng không thể không có nhiều yếu tố chung. Hơn thế nữa. Đối với những giai đoạn phát triển kinh tế giống nhau hay gần giống nhau thì những học thuyết về đạo đức tất phải ít nhiều trùng hợp với nhau. Từ khi sở hữu tư nhân về động sản phát triển thì tất cả các xã hội có chế độ sở hữu tư nhân ấy, tất phải có một lời răn chung về đạo đức: không được trộm cắp[3]. Có phải vì thế mà lời răn này trở thành một lời răn đạo đức vĩnh cửu không? Hoàn toàn không phải. Trong một xã hội mà mọi động cơ đẩy tới trộm cắp đều bị loại trừ, do đó dần dần hầu như chỉ có những người mắc bệnh tinh thần mới phạm tội trộm cắp, thì một nhà truyền bá đạo đức nào cứ muốn trịnh trọng tuyên bố cái chân lý vĩnh cửu: không được trộm cắp, sẽ bị người ta chê cười đến thế nào!

Vì vậy, chúng ta gạt bỏ mọi mưu toan muốn buộc chúng ta phải nhận bất cứ một giáo điều đạo đức nào, coi đó là quy luật đạo đức vĩnh viễn, cuối cùng, mãi mãi không thay đổi, với cái lý do rằng thế giới đạo đức cũng có những nguyên lý vĩnh hằng của nó, những nguyên lý đứng trên lịch sử và trên những sự khác biệt về dân tộc. Ngược lại chúng ta khẳng định rằng, xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ. Và vì cho tới nay xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp: hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi ích của giai cấp thống trị, hoặc là, khi giai cấp bị trị đã trở nên khá mạnh thì nó tiêu biểu cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức. ở đây đối với đạo đức cũng như đối với tất cả các ngành tri thức khác của nhân loại, nói chung người ta thấy có một sự tiến bộ - đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt qua được khuôn khổ đạo đức giai cấp. Một đạo đức thực sự có tính người, đứng trên những đối lập giai cấp và trên mọi hồi ức về những đối lập ấy, chỉ có thể có được ở một trình độ phát triển của xã hội, trong đó người ta không những đã thắng được những đối lập giai cấp mà còn quên được những đối lập ấy trong đời sống thực tiễn. Còn bây giờ thì xin hãy đánh giá xem ông Đuy-rinh đã tự phụ đến mức nào, khi ông ta, từ trong lòng của xã hội cũ có giai cấp, vào hôm trước của một cuộc cách mạng xã hội, lại định áp đặt cho xã hội tương lai không có giai cấp, một đạo đức vĩnh cửu, không phụ thuộc vào thời gian và những thay đổi hiện thực! Tình hình cũng sẽ như vậy ngay cả khi giả định rằng ông Đuy-rinh đã hiểu biết kết cấu của xã hội tương lai, dầu chỉ là trên những nét cơ bản - mà điều này thì cho đến nay chúng ta còn chưa biết rõ.

Cuối cùng, còn một sự phát hiện "độc đáo một cách cơ bản", nhưng không phải vì thế mà không đi sâu "đến tận gốc rễ":

Về nguồn gốc của điều ác thì "cái sự thật là loài mèo, với tính giả dối vốn có của nó, đang tồn tại như là một hình thức động vật, sự thật đó đối với chúng ta là một hiện tượng cùng một loại với việc con người cũng có tính chất tương tự như thế... Vì vậy, điều ác chẳng phải là cái gì bí ẩn, nếu người ta không muốn nghi ngờ có một cái gì bí ẩn ngay cả trong sự tồn tại của con mèo hay của động vật ăn thịt nói chung".

Điều ác là con mèo. Do đó, quỷ không có sừng và không có móng guốc như ngựa, mà có vuốt nhọn và mắt xanh. Và Gơ-tơ đã phạm một lỗi không thể nào tha thứ được khi ông ta tạo ra nhân vật Mê-phi-xtô-phê-lê-xơ dưới dạng một con chó mực60 chứ không phải dưới dạng một con mèo đen. Điều ác - đó là con mèo! Đó đúng là cái đạo đức thích dụng không những đối với tất cả các loài, mà còn đối với... mèo nữa*!



* Xem chương III. Phân loại. Chủ nghĩa tiên nghiệm.

a Sau khi tôi viết những dòng này thì hình như những lời đó của tôi đã được chứng thực rồi. Căn cứ vào những công trình nghiên cứu gần đây nhất của Men-đê-lê-ép và Bô-gu-xki, tiến hành bằng những máy móc chính xác hơn, thì tất cả những khí thật sự đều bộc lộ một quan hệ thay đổi giữa áp suất và thể tích; ở hy-đrô, với tất cả các áp lực đã được áp dụng từ trước đến nay, hệ số giãn nở vẫn là hệ số dương (thể tích giảm xuống chậm hơn là áp lực tăng lên); ở không khí và những khí khác đã được nghiên cứu thì người ta đã tìm thấy một điểm không, thành thử với một áp suất nhỏ hơn thì hệ số đó là dương, với một áp suất lớn hơn thì hệ số ấy là âm. Như vậy là định luật Bôi-lơ, cho đến nay vẫn có hiệu lực trong thực tiễn, lại cần phải được bổ sung bằng một loạt định luật đặc biệt nữa. (Hiện nay - năm 1885 - chúng ta cũng biết rằng hoàn toàn không có những khí "thật sự". Tất cả những khí ấy đều có thể bị chuyển thành trạng thái lỏng).

[2] Gơ-tơ. "Phau-xtơ", phần I, màn ba ("Phòng làm việc của Phau-xtơ").

[3] Kinh thánh, Cuốn thứ hai của Mô-i-dơ, chương 20, câu thơ 15, và Cuốn thứ năm của Mô-i-dơ, chương 5, câu thơ 19.

* Chơi chữ: "für die Katze" có nghĩa là "đối với mèo" đồng thời có nghĩa là cái gì đó hoàn toàn vô ích, - "công dã tràng"

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt