Chủ nghĩa Marx

Những quy luật của Biện chứng pháp. Luật vạn vật biến chuyển

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ BA

NHỮNG QUY LUẬT CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

II. LUẬT VẠN VẬT BIẾN CHUYỂN

 

Đồng chí Stalin trình bày quy luật vạn vật biến chuyển như sau:

Trái lại với siêu hình học, biện chứng pháp xem tự nhiên không phải là một trạng thái nghỉ và tĩnh, đình trệ và bất biến, mà như là một trạng thái luôn luôn vận động và luôn luôn thay đổi, không ngừng đổi mới và không ngừng phát triển; trong trạng thái đó, luôn luôn có cái gì nảy sinh và phát triển, có cái gì tan rã và tiêu diệt.

Cho nên phương pháp biện chứng muốn rằng chúng ta phải xem xét hiện tượng chẳng những về phương diện tương quan và điều kiện lẫn nhau, mà cả về phương diện thay đổi, phát triển, phương diện phát sinh và tiêu diệt của những hiện tượng ấy.

Đối với phương pháp biện chứng, cái điều quan trọng trước hết, không phải là lúc nào đó, một vật tự hồ vững bền mà thực ra đã bắt đầu chết dần; điều quan trọng trước hết là cái gì đương sinh nở, đương phát triển, mặc dầu rằng trong một lúc nào đấy, nó hãy còn chưa vững; bởi vì, đối với phương pháp biện chứng, chỉ có cái gì sinh nở và phát triển thì cái ấy mới là vô địch thôi1

a. Quan niệm siêu hình: vạn vật tĩnh tại, vĩnh hằng:

Tây phương có phương ngôn: ”Không có gì mới dưới mặt trời”. Đông phương lại có câu: “Thiên địa tuần hoàn chu nhi phục thủy.”, trời đất xoay vần, hết vòng rồi trở lại chỗ cũ. Câu trên có ý nghĩa rằng không có gì thay đổi cả; xưa sao nay vậy, sau này cứ thế mãi mãi. Câu dưới có ý nghĩa rằng vũ trụ đi vòng lẩn quẩn, không có gì thật là mới. 

Trong suốt đời phong kiến ở Đông phương cũng như ở Tây phương, người ta quan niệm rằng khoa học và tư tưởng ở thời thượng cổ đã đến mực cùng tột rồi, không còn phát triển được nữa. Bên này thì hễ “Tử viết” là bằng chứng của chân lý tuỵệt đối; bên kia hễ “Aritôt nói rằng” thì cũng thế. Người ta chỉ lo học cái cũ mà thôi; “ôn cố tri tân”. Ngay A-vi-xen (Avicenne) - nhà khoa học y sĩ và triết lý trứ danh ( mà chúng ta vừa kỷ niệm theo quyết nghị của Hội đồng Hòa bình thế giới), người đã tìm ra được nhiều cái mới cho khoa học, cũng viết rằng:

Những điều tôi đã biết trong lúc ấy, là những điều tôi biết hiện giờ, từ trước đến nay, tôi không thêm được cái gì cả”.

Quan niệm rằng tư tưởng và khoa học đã đến mực cùng tột rồi, không còn phát triển được nữa, chỉ cần học trong sách vở của “thánh hiền” để lại thôi, quan niệm ấy rất là tai hại.

Đó là tư tưởng siêu hình. Tư tưởng siêu hình thấy tĩnh không thấy động, không thấy biến chuyển mà chỉ thấy vĩnh hằng; nếu nó thấy đổi thay thì hoặc nó chỉ thấy đổi nơi thay chỗ (trong không gian) mà không rõ sự thay đổi trong thời gian, hoặc chỉ là thấy sự đổi thay trong vòng luẩn quẩn.

+ Tư tưởng siêu hình trong khoa học tự nhiên: 

Nhà thiên văn học đại tài Nhu-tôn, nhận thấy ngày đêm thay nhau, bốn mùa đi lại, sao mọc và lặn. Nhưng Nhu-tôn và hầu hết các nhà thiên văn lúc bấy giờ (trừ Căng) nghĩ lầm rằng trời đất không có lịch sử: trời đất xưa sao nay vậy, vĩnh hằng, bao nhiêu tinh tú bấy nhiêu trời, bất biến.

Những nhà tự nhiên học như ông Cuy-vi-ê (Cuvier), ông Li-nê (Liné)… lầm tưởng rằng các giống thực vật, động vật đều xưa sao nay vậy, giống ấy, lá ấy, quả ấy, bề cao ấy, đủ các đặc điểm ấy, không có gì biến chuyển trong thời gian, nếu có thay đổi thì theo họ chỉ thay đổi trong sự phân phối về mặt không gian; cây dừa ở xứ nóng với người da vàng, lúa mì ở Au Mỹ xứ lạnh với người da trắng, chứ người bây giờ, lúa bây giờ, dừa bây giờ, so với lúa, dừa, người muôn vạn đời về trước thì vẫn thế thôi. Tuyệt đối không có gì biến cải về tính chất; hình như tạo hóa sinh ra một lần rồi, đạt đến mực mỹ mãn nhất, khỏi phải “sửa chữa”, không còn tiến bộ nữa.

Và mãi đến ngày nay, tư tưởng siêu hình ấy vẫn còn khá mạnh. Ví dụ như học giả tư bản theo phái Măng-đen, Móc-găng bảo rằng cái lũ “gen” trong hạt nhân của tế bào là hoàn toàn bất biến, đời đời như thế, dù có thay đổi cách dinh dưỡng và điều kiện sống như thế nào đi nữa thì cái “gen” thần bí ấy vẫn giữ gìn được cái giống, cái nòi di truyền của các loài vật.

Lý do của tư tưởng siêu hình này ?

Có hai lý do. Một là lúc trước đứng về mặt phương pháp mà nói, thì trong khi nghiên cứu, nhà khoa học chỉ chú trọng yếu tố không gian mà không để ý đến yếu tố thời gian: hơn nữa, trình độ khoa học còn kém cỏi; khoa học chưa tìm được những bằng cớ trong thiên nhiên để kết luận rằng vạn vật có biến chuyển trong thời gian, sau khác trước. Lúc bấy giờ chưa có địa chất học, chưa có kính viễn vọng mạnh để ngó rất xa lên không trung. Lý do đã kể trên là xác đáng song còn một lý do khác, lý do tư tưởng, lý do này cắt nghĩa tại sao, đứng trước những sự thật hiển nhiên chứng tỏ rằng vạn vật biến chuyển trong thời gian, mà nhiều nhà bác học vẫn khư khư rằng thiên địa vĩnh hằng xưa sao nay vậy.

Người ta không thể bảo rằng bọn theo Măn-đen, Móc-găng không trông thấy muôn trùng thí nghiệm ở Liên xô về sự tạo ra những giống loài động vật và thực vật mới. Người ta không thể đổ cho “trình độ khoa học”. Sở dĩ còn có học giả ngoan cố bám lấy tư tưởng siêu hình, là vì họ vô tình hay cố ý, thường là cố ý hơn là vô tình, gắn bó học thuật của họ với vận mạng tư bản chủ nghĩa; giai cấp tư bản vì lợi quyền ích kỷ của chúng nó, tức nhiên không thể muốn không thể chịu để xã hội chủ nghĩa thay thế cho tư bản chủ nghĩa; chúng nó muốn cho tư bản chủ nghĩa được vĩnh viễn, quyền thống trị của nó được đời đời bền vững; vì vậy mà ý thức giai cấp ấy ảnh hưởng xấu đến tinh thần khoa học. Biến đổi là cái ám ảnh đen tối của tư bản; chúng nó muốn cho cả vũ trụ đều ngừng tiến, và loài người chấm dứt lịch sử phát triển ở chế độ tư bản. Nhà khoa học giỏi mấy vẫn là người của thời đại họ và giai cấp họ, đó là một ý tưởng khá sâu sắc của Va-vi-lốp.

- Tư tưởng siêu hình trong khoa học xã hội, trong các lãnh vực của khoa học xã hội, tư tưởng siêu hình vẫn còn mạnh mặc dầu ở trong xã hội, trong lịch sử, người ta đã thấy sự biến chuyển hơn là trong tự nhiên. Siêu hình nói: “Chế độ này thay thế cho chế độ khác, nhưng bất kỳ ở chế độ nào, đều có người thống trị, người bị thống trị; thực dân có nhà tù, Việt Minh cũng có nhà tù. Pháp có sưu, Việt Minh có đi dân công. Rồi tư tưởng siêu hình kết luận “xưa sao nay vậy, cá lớn ăn cá bé”. Hay là: “làm sao mà cải biến con người, con người sinh ra bản chất là tự tư tự lợi, từ bé đã biết giành riêng cái gì mà mình thích. Tây có tham ô  lãng phí, Việt Minh cũng có tham ô lãng phí bằng cớ là hàng chục bị Chính phủ bỏ tù”. Hay là “xưa có chiến tranh nay còn chiến tranh, sau này cứ chiến tranh, gà còn đánh nhau thì người cứ đánh nhau” Hay: “chế độ có đổi thay song chân lý vĩnh hằng thì đời nào cũng thế, đời nào cũng đòi làm phải chữa quấy”. Ong Trần Trọng Kim viết sử Việt sử, bảo rằng: “bản chất của người Việt Nam là chuộng hình thức, ghét võ, ưa văn, ham cờ bạc”… hình như từ cổ chí kim bất cứ giai cấp nào cũng thế cả. Trên cửa triều đình Huế ngày nọ, có câu tiêu biểu nhất cho tư tưởng siêu hình mạt lộ: “trời có nhật nguyệt, đất có núi sông , thì nước có quân thần, nhà có cha con, văn minh thiên cổ ấy luôn luôn tồn tại”.

Mới mẻ gì cái ý kiến của bọn bóc lột không muốn có đổi thay. Tần Thủy Hoàng có muốn chết đâu. Nó phái người bể đông để tìm thầy thuốc trường sinh bất tử kia mà! Hít-le đã thề quyết lập chế độ phát xít dài 1000 năm kia mà! Và thực dân Pháp 8 năm nay toan “Vĩnh viễn” ở lại trên đất Việt Miên Lào, làm bá chủ như 80 năm trước ! Chúng nó, cả bọn chúng nó có muốn biến chuyển đâu ? Nhưng cuộc đời đâu có tùy ý Pháp, Hít-le hay Tần Thủy Hoàng?

b. Thực ra vạn vật đều biến chuyển không ngừng; động là trạng thái phổ biến, tĩnh là trạng thái tương đối và đặc biệt:

Angen nói :

Toàn thể tự nhiên, từ những vi phân tử nhỏ nhất đến vật thể to lớn, tự cái hạt cát đến mặt trời, từ cái tế bào đầu tiên đến con người, tất cả cái tự nhiên ấy đều ở trong một quá trình vĩnh viễn, trong sự vận động và biến đổi không bao giờ dứt”.

Nhờ kính ngó xa, rất xa trên không trung, ta thấy những vầng mù, những tinh tú đương thành hình và những tinh tú đương chết, đã chết. Giả thuyết của Kăng về lịch sử hệ thống mặt trời được chứng minh: hệ thống mặt trời của ta cũng như vô số mặt trời khác trong vũ trụ, đều có sinh nở, phát triển, và sẽ có ngày tiêu diệt, chết đi, chưa phải là ngày mai hay ngày kia chúng ta khỏi phải thắc mắc vội.

Khoa học ngày nay cũng đã biết được phần lớn lịch sử của trái đất; từ vũ trụ trần mà ra, nó trải qua bốn thời kỳ lớn mà hiện giờ là thời kỳ thứ tư, chắc chắn chưa phải là thời kỳ chót. Trên quá trình phát triển đó, không phải là trên quả đất lúc nào cũng có cỏ cây, cầm thú và con người: đầu tiên không có sinh hoạt gì cả, từ từ trái đất đủ ấm áp, có điều kiện cho sinh vật nở ra, thực vật rồi động vật, rút cùng là đến con người có trí tuệ.

Trái đất có lịch sử, có sự biến đổi trong thời gian biến đổi có thể gọi là chậm so với mỗi đời người, cho nên ta thấy dường như nó không biến đổi. Dưới đất sâu, còn di tích hình dáng hài cốt của cây cỏ cầm thú, con người đời trước; di tích ấy chứng minh sự biến chuyển của các giống, các loài trong thời gian. Xưa khác nay khác. Các viện bảo tàng lớn đều có đủ bằng cớ của sự  biến chuyển ấy, không còn ai dám nghi ngờ nữa, không còn ai nói ngược lại được nữa. Thuyết cố định bị đánh đổ hoàn toàn.

Từ thượng cổ đến thế kỷ 19, người ta tưởng tượng rằng cái gì thay đổi tiêu hủy hay sinh sôi, chớ nguyên tử, điện tử, ly tử… những vi phân tử ấy, những nguyên tố ấy thì rõ ràng là bất diệt, đời đời vẫn thê.

Khoa học vật lý ngày nay đã chứng minh ngược lại. Trong những điều kiện nào đó, neutron biến thành proton, còn electron và proton biến thành lượng tử ánh sáng. Nguyên tử này cũng có thể biến thành nguyên tử kia, đó là sự đổi loại, sự biến chất tự nhiên, do đó biến chất tự nhiên mà con người có thể gây ra biến chất nhân tạo. Tuy rằng cả vũ trụ vô cùng lớn này được xây dựng trên cơ sở của những vi phân tử, cái vũ trụ ấy biến chuyển, các vi phân tử ấy biến chuyển, không có gì là vĩnh viễn cả, chỉ có sự biến chuyển là vĩnh viễn thôi.

Về lịch sử của xã hội loài người, thì chứng minh càng rõ hơn nữa rằng vạn vật biến chuyển, tuyệt đối không thể ai chứng minh rằng “xưa cũng như nay”. Thời cộng sản nguyên thủy không có giai cấp thống trị; sau đó thì quả xưa có thống trị, nay còn có thống trị, nhưng mà nội dung của sự thống trị ở mỗi chế độ có khác nhau: phong kiến áp bức nông dân (chế độ phong kiến), tư bản bóc lột vô sản (chế độ tư bản), đa số công nông thống trị thiểu số tư bản địa chủ (chế độ dân chủ nhân dân). Tây bắt dân ta đi phu cho chúng thống trị dân ta; còn dân thì đua nhau đi dân công để giải thoát lấy mình, hai điều ấy không so sánh với nhau được. Tự tư tự lợi là bản chất của bọn bóc lột, không phải bản chất công nhân. Chuộng hình thức là tính phong kiến Việt Nam suy tàn, cứ xem dân ta đánh giặc thì không thể nói người mình chuộng văn khinh võ. Sờ sờ trước mắt, Liên xô và nhiều nước dân chủ nhân dân xây dựng xã hội không giai cấp, không người bóc lột người, thì còn đâu “cá lớn ăn cá bé”, còn đâu cuộc chiến tranh giữa các dân tộc ? Ngay đến các chân lý: có gì vĩnh hằng ? Vì nhận thức của loài người, như trên đã chỉ rõ, là cả một quá trình đi từ chỗ dở đến chỗ hay, từ thiếu sót nhiều đến thiếu sót ít, lần lần tiếp cận với cái chân lý khách quan. “Phải”, “quấy”, “chính”, “tà” trong xã hội có giai cấp, thường có ý nghĩa tương đối; nếu tốt cho tư bản, ắt là xấu cho công nhân, tâm lý giai cấp khác nhau tùy ở điều kiện sinh sống.

Có người sẽ hỏi:

“Núi mòn, biển cạn, người trẻ, lớn, già, chết, ai nấy đều thấy. Còn như một tảng đá chẳng hạn thì nó vận động, nó  thay đổi thế nào “ ? - Thưa, có ba lẽ vận động của tảng đá ấy:

- Có quả đất xoay quanh mặt trời, tảng đá ở trong sự vận động ấy, dù rằng mấy trăm mấy nghìn năm nay nó vẫn trơ trơ ở góc đồng này.

- Nó có lịch sử của nó; xưa nó là bụi vũ trụ như cả quả đất; trải qua bao đời nó mòn đi vì phong sương, không nhiều thì ít, cho nên núi già đầu tròn, núi trẻ đầu nhọn, cát từ đỉnh núi trôi xuống suối về đồng, ra biển, trở vào đất liền làm phân cho cỏ cây.

-Tảng đá ấy, cũng như anh, như tôi, như mọi vật khác, đều gồm có vô số nguyên tử cấu kết lại với nhau. Mỗi nguyên tử gồm có một hạt nhân và ít nhiều điện tử quay quần chung quanh hạt nhân ấy tựa như trái đất quay chung quanh mặt trời. Mỗi hạt nhân đều có điện lực của nó; nó có thể nhả ra và hút vào những điện lực; và điện tử của nguyên tử này có thể nhảy sang nguyên tử khác…

Vận động biến chuyển của tảng đá dó trong không gian và thời gian là như thế. Đó là chưa kể rằng nó tham gia cuộc vận động chung của cả quả đất trong cả hệ thống mặt trời.

Nói tóm lại cái động là trạng thái thường xuyên của sự vật lớn, nhỏ. Vận động mới là vĩnh hằng; cái vĩnh hằng duy nhất chính là sự vận động, sự biến chuyển. Còn cái tĩnh chỉ là tương đối, đặc biệt, có nó là khi nào ta tạm lấy một đoạn ngắn trong không gian và thời gian để xem xét (như một ngày trong đời người, như một năm trong suốt lịch sử… ) có nó là khi nào ta xem xét với ý nghĩa tương đối và tạm thời rằng trước khi có một cái biến chuyển về chất trước khi chất cũ thành chất mới, loài này qua loài khác, thì chỉ có biến chuyển về số ở trong các chất chưa biến đổi; hay nó là khi nào, từ khi bắt đầu một lời nói, một bài, một quyển sách, ta dùng một chữ với ý nghĩa nào thì đến cuối cùng chữ ấy phải giữ nguyên cái ý nghĩa đầu tiên, bằng không sẽ không ai hiểu ta cả, mà chính mình sẽ không hiểu mình nữa.

c. Biến chuyển có phương hướng; phát triển của sự vật

Đừng nên xem thế giới như một hệ thống sự vật đã hoàn bị rồi, mà xem nó như một hệ thống quá trình, trong đó các sự vật bên ngoài thì coi như là yên tĩnh, thực ra thì luôn luôn biến đổi, trở thành và tiêu diệt, và trong đó mặc dầu có những ngẫu nhiên bề ngoài và có các bước sụt lùi tạm thời, các sự vật đều tiến tới.” 1      

  Mấy điều mà chúng ta cần chú ý ở đây là quan niệm về quá trình về “sự trở thành”, về tiêu diệt và phát triển. Mỗi sự vật là một quá trình. Quá trình là các bước chuyển biến cuả một sự vật. Trong khi ta nghiên cứu một hiện tượng,ta có thể tạm thời trừu tượng hóa nó đi, nghiã là rút nó ra khỏi quá trình của nó. Nhưng liền sau đó ta phải đặt nó lại trong quá trình cụ thể. Rút ra khỏi quá trình đặng biết “vật là gì”. Song cái điều cần yếu nhất là nên biết nó “trở thành cái gì”.

  Ví dụ : ta biết sự cấu tạo của tư bản chủ nghĩa là cần. Mà cần nhất là cần biết cái nó biến chuyển đến đâu cần biết cái xã hội tư bản vô tình tạo những tiền đề điều kiện gì cho một xã hội tiến bộ hơn nó, sẽ thay thế nó như nó đã thay thế phong kiến.

Mỗi cái hiện tại chứa đựng một số yếu tố của quá khứ và đồng thời một số yếu tố dù non nớt của tương lai. Mục đích của khoa học chính là làm cho con người trông hiện tại mà thấy tương lai, đoán trước, biết trước, đã không ngạc nhiên với sự biến chuyển lại còn đón trước sự biến chuyển ấy, chuẩn bị đấy đủ để ứng phó, gia công vào dùng sự biến chuyển cho lợi chí của loài người.

Người nào thấm nhuần biện chứng pháp thì không than phiền không sợ hãi trước cái gì đương chết, đã chết: ngươì vật chế độ, ngay cả trái đất hay hệ thống mặt trời. Trái lại ta xem đó là tất yếu cho cái gì đương sống, đương tiến.

Ví dụ như ta già ta chết sau khi làm tròn phận sự người dân, có cháu con xa gần nối nghiệp cách mạng, thì có thắc mắc băn khoăn gì ? Từ vật chất vô sinh ta sinh ra, rồi ta trở về với nó, có gì là sợ hãi và xót xa ? Cũng ví dụ Việt Minh công lao vĩ đại, 10 năm chiến đấu anh dũng, nay đến lúc hòa vào mặt trận Liên Việt, đó là một điều kiện làm cho sự thống nhất dân tộc càng vững, kháng chiến càng mau đến thắng lợi, Việt Minh làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó, không còn dưới hình thái cũ nữa; có gì là tiếc?

Người nào thấm nhuần biện chứng pháp lại càng không bi quan hoảng hốt, thối chí trước một lực lượng hung tàn, phá hoại dã man nào đang thịnh hành, đương tràn ngập cả thảy; vì ta trông thấy cái quá trình, cái “đang trở thành” của nó, ta thấy những điều kiện diệt vong của nó, ngay trong lúc nó còn khỏe mạnh, còn được nhiều người xu phụ (nghiên cứu thái độ của cộng sản,  Việt Minh, hồi Pháp còn rất mạnh  hay hồi Đức Nhật đương đại thắng khắp Á Au).

Và người thấm nhuần biện chứng pháp không khinh miệt những mầm non, dù yếu ớt của tương lai. Vì ta biết chắc rằng trong lúc đối phương của nó còn mạnh hơn mà có cơ lùi dần, lùi mãi, thì mầm non ấy có cơ tiến lên, tiến mãi. Ta lại hết sức phù trợ cho mầm non tiến bộ ấy mau lên; ta căn cứ sự hành động của ta vào sức mạnh đang lên ấy, dù có tạm lùi, tạm thời thua, ta cứ tin vào sự phát triển của sự vật bằng cái mầm non ấy. (Nghiên cứu tại sao Đảng dựa vào giai cấp công nhân, mặc dầu giai cấp này không phải là giai cấp đông nhất, có học thức nhất hay có tiền của nhất).

Quan niệm biện chứng là quan điểm lịch sử, phương pháp biện chứng nghiên cứu hiện tượng trong quá trình biến chuyển của nó, không thừa nhận cái gì là vĩnh hằng cả, chỉ có sự biến chuyển là vĩnh hằng.

Cần phải nhận định rằng cái “quá trình”, cái “trở thành” của mọi sự vật không phải lung tung, vô phương hướng, trở thành bất cứ caí gì, mà ngược lại là có phương hướng, phương hướng đó là sự phát triển mặc dầu có thể có những ngẫu nhiên bề ngoài, những sụt tạm thời.

Trái đất ngày nay có nhiều điều kiện cho sự sống hơn trước: bằng cớ là phải đến một lúc nào trong quá trình biến chuyển của nó thì từ vô sinh vật mới phát sinh ra sinh vật. Trong quá trình biến chuyển của sinh vật thì đơn bào xuất hiện trước, sau mới tới đa bào, loài không xương sống có trước loài có xương sống, rốt cùng mới đến loài có vú, loài người. Đó là một số tỉ dụ lấy trong tự nhiên giới để chứng minh sự phát triển.

Còn trong xã hội thì loài người đã bắt đầu từ công xã nguyên thủy, và ngày nay, như ở Liên xô đã bước những bước dài vào chủ nghĩa cộng sản văn minh, qua những chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản. Các chế độ nối tiếp nhau, cái sau tiến hơn cái trước về trình độ phát triển của sự sản xuất.

Sự phát triển của khoa học từ thượng cổ đến giờ, sự phát triển của triết học cũng thế, đều chứng minh những bước tiến bộ của tư tưởng, lẽ cố nhiên lịch sử đã ghi nhiều lúc đình đốn, nhiều bước thoái nữa; ví dụ trong mấy thế kỷ phong kiến tây âu trước thời Phục hưng, hay ví dụ như ở Trung Quốc, nhà Mãn Thanh có giật lùi xã hội Trung Quốc so với nhà Minh, ít nhất là trong lúc đầu. Hoặc ở Việt Nam, sự xâm lăng của nhà Minh có làm cho kinh tế, văn hóa ta thoái bước tạm thời. Nhưng quá trình biến chuyển chung vẫn là hướng tới trước, đi lên cao hơn.

Có người đã hỏi: vậy một tảng đá phát triển thế nào? Cần phải trả lời rằng biện chứng pháp là quy luật tổng quát nó nghiên cứu sự vận động của toàn bộ. Toàn bộ phát triển, nếu trong toàn bộ đó, có những cục bộ bị tiêu hủy đi và tạo thành điều kiện cho toàn bộ phát triển, thì cái tiêu hủy kia cũng là một mặt, một lúc của sự phát triển chung mà thôi. Đá mòn, đá nát, rễ cây hút chất nó, nó nuôi cây, cây cỏ nuôi súc vật, súc vật làm miếng ăn cho con người, con người phát triển sản xuất, cải tạo vũ trụ. Điều ấy có gì là khó hiểu ?

Có người khác hỏi: vậy quy luật Các-nô (Carnot) về “năng lượng trụy lạc” so với biện chứng pháp, thì cái nào đúng, cái nào sai ? Nói rằng “tất cả đều nói chung là phát triển” là trái với sự phát minh của Carnot nói rằng do năng lượng trụy lạc đi mà một ngày kia cả vũ trụ đều “chết lạnh”.

Ở đây, cần thưa rằng cái kết luận trên kia là duy tâm, phản khoa học, nó ủng hộ cho cái thuyết “tận thế “của tôn giáo. Ngược lại, với sự lo lắng sai lầm ấy, thì khoa học đã tìm thấy rằng, nếu có những hệ thống mặt trời, tinh tú đang suy tàn, đã chết, thì ngược lại có những cái khác đang thành. Năng lượng mất ở đây, tụ ở nơi khác, kỳ thật không mất vào đâu cả. Kết luận duy tâm về nguyên lý Các-nô giữa đường lại gặp cái thêu dệt của tên vật lý học phát xít là Jordan (1946) tên này nói lếu láo rằng hắn tìm thấy những ngôi sao từ hư vô xuất hiện ra và khi xuất hiện thì phát ra năng lượng không biết từ đâu mà đến, do đâu mà có. Một bên là nói “tận thế”, một bên là nói “sáng tạo” hai bên gặp nhau.

Từ lâu, Lênin đã dạy rằng vũ trụ là vô tận, mà mỗi vi phân tử của vũ trụ cũng là vô tận. Ngày nay hơn là lúc nào cả, quy luật bảo tồn năng lượng, bảo tồn vật chất được chứng minh rất rõ. Vị chủ tịch viện Hàn lâm khoa học Liên xô, ông Vavilốp có viết rằng:

Ngày nay nhà vật lý, nhà hóa học, mỗi nhà chuyên môn của khoa học tự nhiên, khi họ giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất, như những vấn đề dính dáng với sự phá vỡ hạt nhân nguyên tử, với tác dụng vũ trụ tuyến, thì họ luônluôn ứng dụng quy luật bảo tồn vật chất làm tiêu chuẩn căn bản và quyết định. Hơn lúc nào cả, nguyên lý bảo tồn vật chất là kim chỉ nam chắc chắn nhất để vén màn bí mật của tự nhiên.1

d. Quá trình biện chứng: phủ định cái phủ định:

Hê-gen, Mác, Angen nhiều lần dùng danh từ “phủ định cái phủ định”. Trong quyển “Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử “ Stalin không nhắc đến danh từ “phủ định cái phủ định” nữa, mà lại dùng danh từ “đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”. Chắc rằng đó là bởi vì “phủ định cái phủ định” trong từ ngữ Hê-gen (theo lời phán đoán của Angen) có một ngoại diện mù mờ, thần bí nữa; nó làm cho nhiều người khó hiểu, phải bóc cái vỏ mù mờ thần bí đó đi thì mới thấy rõ nội dung chính xác của “phủ định cái phủ định”.

Vậy “phủ định cái phủ định” là gì ?

Theo ý nghĩa thông thường thì phủ định một vật gì, một ý gì, là tiêu hủy nó đi, bác bỏ nó đi. Trong triết học biện chứng, từ Hêgen, “phủ định” có hai ý nghĩa thống nhất lại, nó tiêu biểu cái quá trình biện chứng. Phủ định không phải chỉ là bôi bơ nữa mà là “giữ lại và vượt qua”. Ví dụ nói: triết học duy vật biện chứng là sự phủ định các thứ triết học có trước nó”. Nói như thế là nói rằng triết học duy vật biện chứng đã là một tầng triết học cao hơn trước, một chất triết học mới hơn trước; mà đồng thời nó bao gồm những ưu điểm căn bản của các triết học trước, giữ lại và vượt qua là thế. Jđanốp nói:

Triết học Mác là sự phủ định hoàn toàn nhất và triệt để nhất của những thứ triết học có trước nó. Phủ định không có ý nghĩa đơn thuần và đơn giản rằng:”không”, phủ định gồm có ý nghĩa tiếp nối, đồng hóa, công tác phê bình và hiệp nhất thành một cái tổng kết cao hơn”.1

Cả vũ trụ phát triển theo cái quá trình biện chứng “phủ định cái phủ định” nghĩa là cái cũ gây ra cái mới, cái mới phát sinh từ trong cái cũ, cái mới gồm cái cũ mà cao hơn; cái mới lại thành cái cũ khác, gây ra cái mới khác… cứ như thế mãi mà tiến.

Hạt lúa bị gà ăn, bị trâu đạp nát, đó là phủ định thường, không phải biện chứng; không phải tự thân biến chuyển của hạt lúa. Trái lại hạt lúa được gieo xuống đất ướt, cây lúa phủ định hạt lúa, rồi cây lúa sinh ra bông lúa với nhiều hạt hơn, thế là bông lúa phủ định cây lúa. Mỗi vật, mỗi hiện tượng phủ định hiện tượng trước, vật trước để chờ đến lượt nó bị phủ định.

Lịch sử của quả đất là cả một loại phủ định cái phủ định. Lớp địa chất bị hao mòn, phá vỡ để thành ra lớp địa chất mới; cái mới bị ấy hao mòn phá vỡ đi để thành ra lớp mới hơn; rốt lại bây giờ ta có những núi, đồng, sông, bãi, những hóa chất cho thực vật và động vật phát triển phong phú vô cùng.

Lịch sử của xã hội cũng chứng minh rõ cái quá trình biện chứng ấy. Lấy một tỉ dụ: tư hữu của thủ công, của nông dân bị đại tư bản và địa chủ “phủ định” đi; các anh chủ nhỏ bị vô sản hóa, tài sản tập trung của đại tư bản, đại địa chủ được dựng lên, rồi tài sản tập trung của đại tư bản, địa chủ ấy bị phủ định bằng cách mạng vô sản, cách mạng này tổ chức chế độ tài sản công cộng của quốc gia hay tài sản công cộng kiểu nông trường hợp tác xã.”Bọn tịch thu bị tịch thu”. Ấy là phủ định cái phủ định.

Ta đã nói về triết học, tỉ dụ đó chính là “phủ định cái phủ định” trong lĩnh vực tư tưởng.

Trong toán học là nơi căn cứ của những người phản đối biện chứng pháp, nhất là trong toán học cao cấp, ta vẫn thấy rõ các tánh biện chứng “phủ định của phủ định”. Lấy vài tỉ dụ: số nguyên đã được đặt ra với những phép cộng, trừ, nhân, chia. Trong sự dùng số nguyên ấy về việc đo lường, người ta gặp một trở ngại lớn: khi phải chia cái số nguyên mà không chia được như  5:3 chẳng hạn. Không chia được mà phải chia, thế là người ta phủ định cái khái niệm cũ về số (khái niệm về số nguyên). Người ta cho rằng 5 có thể chia cho 3, rằng có một số mà nhân cho 3 thì thành 5, do đó, người ta tạo ra phân số. Nhưng người ta phải phủ định cái phủ định ấy đi để cho số phân cũng có những tính chất của số nguyên, người ta tổng hợp cả hai, phân và nguyên thành một quan niệm cao hơn là số hữu tỉ. Cũng như thế, vì phải trừ những số không trừ được như: 3 – 5; người ta phải phủ định cái quan niệm cũ về số (dương) tạo ra một loại số mới (âm), rồi người ta lại đi đến chỗ cho rằng loại mới có tính chất cũ, loại cũ, người ta tổng hợp lại thành quan niệm về đại số (số có dấu). Rồi, vì khai căn số có khi không làm được (ví dụ như  ) người ta tạo ra số vô tỉ, số vô tỉ phủ định số hữu tỉ: vô tỉ và hữu tỉ sau đó lại được tổng hợp trong quan niệm giới hạn… Nguyên phân, dương, âm, hữu tỉ, vô tỉ đều gọi là số thực; số thực bị phủ định thành ra có số ảo, rồi thực và ảo được tổng hợp lại trong khái niệm phức số. Nhắc lại rằng khi tạo ra số ảo, không ai ngờ rằng sau này những hàm số của biến số ảo sẽ là một khí cụ để xây dựng lý luận cho Mác-xơ-ven (Maxwell) về điện học, lý luận này đưa đến thí nghiệm Héc-sơ (Hertz) và sự phát minh ra vô tuyến điện. Chúng ta có thể lấy vô số tỉ dụ ở các phần của toán học, càng lên cao càng thấy rõ. Angen đưa ra tỉ dụ: a, ta phải phủ định nó : -a; phủ định cái phủ định ấy: -ax –a = a2, cái a2 bao gồm a mà tiến lên một tầng trên rồi.

Angen nói:

Phủ định của phủ định là gì ? là một quy luật phát triển của tự nhiên, lịch sử và tư tưởng, quy luật rất tổng quát, và chính vì lẽ ấy mà có một phạm vi rất rộng lớn; như chúng ta đã thấy, nó là một quy luật, có hiệu nghiệm trong động vật, thực vật, địa chất học, toán học, lịch sử , triết lý”.

e. Stalin nói về sự ứng dụng quy luật biến chuyển trong lịch sử xã hội và trong hành động thực tiễn của Đảng:

Nếu quả rằng vũ trụ biến chuyển và phát triển luôn luôn, nếu quả rằng cái sự tiêu tan của cái cũ và phát sinh của cái mới là một quy luật phát triển, thì rõ ràng rằng không có chế độ xã hội “bất biến”; tư hữu tài sản và sự bóc lột không phải là nguyên tắc “vĩnh hằng” nữa, không còn có ý tưởng “vĩnh hằng”rằng nông dân phải cúi đầu trước địa chủ, công nhân phục tùng tư bản nữa.

Bởi vậy cho nên tư bản chủ nghĩa có thể bị xã hội chủ nghĩa thay thế, cũng như trong thời của nó, nó đã thay thế cho chế độ phong kiến.

Bởi vậy, không nên căn cứ sự hành động của mình và những giai cấp nào không còn phát triển nữa, mà phải căn cứ vào những tầng lớp xã hội nào đương phát triển và có tương lai mặc dầu rằng những tầng lớp ấy chưa phải là lực lượng thống trị.

Bởi vậy cho nên muốn khỏi sai lầm về chính trị thì phải ngó tới trước chứ không phải ngó lại đằng sau1

Từ ngày sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất, lúc nào giai cấp công nhân Việt Nam còn là một lớp người rất ít, ít về số, ít về học, ít cả về tranh đấu, Hồ Chủ tịch đã trông thấy cái lực lượng mới ấy, căn cứ vào nó, chính vì thế mà Hồ Chủ tịch đã thành công. Phục vụ giai cấp đang lên, căn cứ vào nó, tức là đẩy mạnh lịch sử tới trước. Trong uy vũ nhất thời của đế quốc Pháp, của bọn Nhật, Đức, của Quốc dân Đảng Trung Hoa, chúng ta đã thấy rõ cái sắp chết của chúng nó. Ngược lại, có một số người lầm đường, không phải vì kính phục, tán thành chúng nó đâu, mà vì không nhận xét một cách biện chứng, vì thấy ngày nay không thấy ngày mai, thấy cái mạnh mà không thấy cái yếu nằm trong và tiến trong cái mạnh lầm thời đó. Chúng ta không vướng víu quá khứ, không bị  quá khứ mê hoặc; chúng ta ngó thẳng đến tương lai căn cứ sự hành động của ta vào những lực lượng tiến bộ, tin chắc rằng chỉ có cái gì luôn luôn tiến bộ thì cái ấy mới là vô địch; chúng ta luôn luôn tiến bộ, chúng ta là vô địch. Ap dụng nguyên lý của Stalin về sự tranh đấu giữa cái cũ và cái mới, quy luật của sự phát triển, chúng ta mạnh dạn đấu tranh chống lực lượng phản động như đế quốc, phong kiến, đẩy lui nó, tiêu diệt nó, chúng ta phát triển chế độ dân chủ nhân dân là cái mới, là lực lượng tiến bộ; chúng ta cũng mạnh dạn phê bình, tự phê bình, cương quyết sửa chữa khuyết điểm rời bỏ tư tưởng cũ, tác phong cũ, vứt không tiếc những cái gì hủ bại, để tiến bộ luôn luôn, để luôn luôn thu càng nhiều thắng lợi. Cái gì đủ cho ngày nay không còn đủ cho ngày mai. Cầu tiến là đức tính của người cách mạng. Cái gì đình đốn thì cái đó thoái bộ, cái gì thoái bộ thì cái đó sẽ chết. Tự mãn tự túc rất là nguy hiểm. Cái cũ, sức phản động, cũng như biến chuyển như ta, song nó biến chuyển về đằng sau; ta cũng biến chuyển, song ta biến chuyển trên chiều phát triển, rốt cùng cái hướng tới trước bao giờ cũng hơn cái hướng giật lùi thì sự thắng lợi của ta không còn đáng nghi ngờ gì nữa được.

g.  Vài điều cần chú ý khi ứng dụng luật biến chuyển

Cần phải chú ý đến vài điểm sau đây về mặt phương pháp:

Mỗi loại hiện tượng có cái quá trình biến chuyển cụ thể của nó, có cách phủ định riêng của nó. Cho nên không thể trông cái quá trình phát triển của loại hiện tượng này vào loại hiện tượng kia. Phải nghiên cứu một cách cụ thể những quá trình biến chuyển cụ thể của từng loại hiện tượng (chế độ xã hội, kinh tế, địa chất, hạt lúa, triết lý…)

Trong phép vi tích người ta phủ định một cách khác hơn là khi từ những con số, người ta lập thành những căn số. Mỗi loại vật có một cách phủ định riêng của nó để nhờ sự phủ định đó mà phát triển1

Nói một cách khác, học âm giai chưa phải là biết đàn; biết quy luật phủ định của phủ định, chưa phải là biết cách phủ định cụ thể trong mỗi trường hợp. Gieo lúa khác, mà phủ định về triết học lại khác, không có một công thức “vạn ứng”.

- Phương pháp biện chứng đòi hỏi ta đứng về quan điểm lịch sử mà nghiên cứu, nghiên cứu mọi hiện tượng trong quá trình phát triển, diệt vong của nó, chú trọng đặc biệt vào yếu tố thời gian, vào sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.

- Luôn luôn chống lại với tư tưởng thủ cựu, chống lại với chủ nghĩa giáo điều khô héo. Phải biết phát triển tư tưởng theo điều kiện mới. Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lê là không bị chủ nghĩa nào vượt qua, không bị ai bỏ nó lại sau, vì nó luôn luôn phát triển, nó không phải là giáo điều, nó không cần ngần ngại gì mà sữa chữa những công thức cũ cho hợp với tình thế mới: (mặt trận phản đế 1930-1935 chuyển thành mặt trận bình dân 1936 - 1938 rồi Việt Minh, Liên Việt… ).

Sự phủ định, vượt qua, tổng hợp, khác hẳn với chủ nghĩa chiết trung; chủ nghĩa chiết trung lượm đây một tý, lượm đó một tý, cộng lại không đầu đuôi hệ thống, thành một món thỏa hợp, không phải là một tầng phát triển cao hơn. Sự phát triển, phủ định cái phủ định, là sự biến chuyển từ lượng sang chất, sự giải quyết mâu thuẫn mà ta sẽ thảo luận đến.

Chúng ta đã nói rằng “phủ định cái phủ định” là một quy luật của tự nhiên, xã hội, tư tưởng, tức là quy luật của hành động, cho nên trong các lãnh vực công tác hằng ngày, nó dắt dẫn ta, ta phải tùy theo đó thì mới đạt được thắng lợi. Tỉ dụ, trong văn nghệ ta, có lúc ta làm bản nhạc, bài ca bằng cách gạt bỏ truyền thống nhân dân cũ, gạt bỏ tinh thần dân tộc trong âm thanh, trong điệu múa, thứ phủ định ấy không có tính chất xây dựng, nó mất gốc, nó không bao gồm cái cũ trong lúc nó mang tính chất mới. Ngược lại, từ  lúc mà, dưới sự hướng dẫn của Đảng, ta “phủ định” đúng biện chứng, nghĩa là tạo ra một chất văn nghệ mới thích ứng với điều kiện xã hội mới, mà đồng thời bao gồm, tiếp nối cái cũ, vượt qua cái cũ của dân tộc, thì nhà văn nghệ trong thấy rõ triển vọng sáng tác của mình, nhân dân lại thưởng thức sâu sắc và nhiệt thành nền văn nghệ cách mạng.

 



1 Stalin, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1  Angen

1 Vavilop, Về quy luật Lômônôsốp.

1 Jđanốp, Về lịch sử của triết học.

1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

1 Angen

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt