Chủ nghĩa Marx

Những quy luật của biện chứng pháp. Luật vạn vật tương quan

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ BA

NHỮNG QUY LUẬT CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG III

Mục đích

1. Nhận thức nội dung của bốn quy luật biện chứng và tác dụng của nó trong các ngành của khoa học  tự nhiên và của khoa học xã hội.

2. Ứng dụng mỗi quy luật trong khi quan sát, nhận xét và hành động. Đã phá các mầu tư tưởng siêu hình của bản thân mình.

Trọng tâm

Luật mâu thuẫn thống nhất.

 

I. LUẬT VẠN VẬT TƯƠNG QUAN

 

Đồng chí Stalin trình bày quy luật vạn vật tương quan như sau:

Trái lại với siêu hình học, biện chứng pháp xem tự nhiên không phải như một sự tích tụ ngẫu nhiên của những sự  vật, của những hiện tượng tách rời nhau và độc lập với nhau; mà xem tự nhiên như một toàn thể thống nhất, gắn bó, trong đó các sự vật, các hiện tượng đều liên kết thành cơ thể với nhau, cái này tùy cái kia, cái này làm điều kiện cho cái kia.

Bởi vậy cho nên, phương pháp biện chứng cho rằng nếu ta chỉ nghiên cứu hiện tượng một cách đơn độc, ngoài các hiện tượng chu vi, thì ta không hiểu được hiện tượng ấy; bởi vì bất cứ hiện tượng trong bất cứ lãnh vực nào, sẽ trở thành vô nghĩa nếu tách rời hiện tượng ra khỏi những điều kiện chu vi, nếu ta không đặt nó vào trong những điều kiện ấy. Ngược trở lại, ta sẽ hiểu được, ta sẽ chứng minh được bất cứ một hiện tượng nào nếu ta trông thấy liên quan không cắt đứt được giữa nó với các điều kiện chu vi, nếu ta thấy các điều kiện chu vi nào đã quyết định nó”.1

Để hiểu sâu sắc quy luật vạn vật tương quan, chúng ta sẽ chú trọng đến những vấn đề sau đây nội thuộc quy luật ấy:

1.  Vũ trụ là một toàn thể thống nhất, trong đó các bộ phận không phải là sự tích tụ ngẫu nhiên mà có liên quan tất yếu với nhau

Ta lấy những bằng cớ sau đây để chứng minh rằng tư tưởng siêu hình không thừa nhận hay không muốn thấy cái tính chất thống nhất của vũ trụ. Những nhà tư tưởng phi biện chứng xem vũ trụ tựa như đống gạch, đống đất, trong đó các bộ phận gần như chồng chất lên nhau, xen lẫn nhau mà rời rạc, ví dụ như:

- Họ đào một hố sâu để tách rời hiện tượng tự nhiên với hiện tượng xã hội, rồi trong lĩnh vực tự nhiên họ thừa nhận có quy luật khách quan và tất yếu, còn trong lĩnh vực xã hội thì họ cho là không có quy luật khách quan và tất yếu mà chỉ có tự do, chỉ có ngẫu nhiên. Đó là trường hợp duy vật luận Pháp hồi thế kỷ 18 (chúng ta biết rằng nếu trong vũ trụ quan có hai mặt trận xung khắc nhau là duy vật và duy tâm, thì trong phương pháp luận cũng có hai mặt trận xung khắc nhau là biện chứng và siêu hình; duy vật luận cơ giới là duy vật luận siêu hình; chữ siêu hình có ý nghĩa là phi biện chứng, là cắt đứt những cái gì nối liền nhau).

- Họ xây một vạn lý truờng thành ngăn đôi giới vô sinh và giới hữu sinh, ngăn đôi loài thú với loài người. Họ không chịu tin rằng vật hữu sinh xuất phát từ vật vô sinh, càng không chịu nhận rằng loài người xuất phát từ một loài thú cao cấp.

- Trái với sự thật hiển nhiên, nhà khoa học siêu hình phân loại các khoa học một cách cứng rắn như thầy lang đựng thuốc trên kệ thuốc, các tủ thuốc gần nhau mà cách bức nhau hẳn. Theo họ, đây là vật lý, đó là hóa học, kia là địa chất học… Mãi đến khi trên biên cương của các khoa học bị tách biệt như thế, thấy nảy sinh ra những môn khoa học mới như hóa lý học, địa hóa học… thì luật vạn vật tương quan càng được chứng minh thêm với thống nhất tính của vũ trụ. Những tên tuổi bất hủ như Kờ-lô-pin, Véc-nát-ki (Klopin, Vernadsk) tiêu biểu thật rõ ràng trong hàng tri thức Xô-viết và nhân loại chẳng những mối liên hệ thông thường mà cả sự xâm nhập lẫn nhau của nhiều môn khoa học mà xưa nay người ta thường xem như là riêng biệt hoàn toàn. Các vị bác học ấy thành lập được những môn khoa học mới trên biên cương của những khoa học đã có trước. Không phải là họ quyết uốn nắn tự nhiên theo đầu óc biện chứng của họ; họ làm được như thế, biết rằng vũ trụ thực là như thế, bởi vì họ nhận thức quy luật vạn vật tương quan, biết áp dụng quy luật tổng quát ấy vào sự khảo cứu. Họ đã thành công bởi vì biện chứng của tư tưởng phù hợp hoàn toàn với biện chứng của tự nhiên.

Ở đây xin có vài câu chú thích về tương quan giữa các khoa học, tương quan giữa các khoa học là sự biểu hiện tương quan giữa các bộ phận của vũ trụ.

Nhà khoa học hồi trước thế kỷ 19 tưởng tượng nguyên tử của các vật thể như là những viên đạn tròn méo, móc lại với nhau. Họ chưa biết rằng một điện tử của nguyên tử có thể chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử kia, hay là hai nguyên tử có thể “hùn vốn” chung 1, 2 điện tử với nhau. Họ chưa biết rằng sự di chuyển đó không tùy cách cấu tạo vật lý (hạt nhân, điện tử) mà tùy sự cấu tạo năng lượng phức tạp của vật thể làm cho vật thể biến đổi bản chất của nó đi ; sự biết đổi bản chất ấy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu của hóa học. Lớp điện ở phía ngoài có khả năng nhảy từ nguyên tử này qua nguyên tử kia, làm cho vật thể này biến thành vật thể khác (hóa trị và ái lực của vật thể). Những phản ứng về hóa học đều là những sự trao đổi về năng lượng (hiện tượng lý học) theo quy luật của lượng tử học. Cho nên có ngành hóa lý học. Lý và hóa không tách rời hẳn mà dính liền nhau.

Trong “Vũ trụ quan”, chúng ta đã nói đến côn trùng thuốc lá là chất nuclêo-protêin: vô sinh với hữu sinh dính liền nhau. Chất ấy, bỏ vào chai thì nó đọng lại như một chất muối; để nó lên lá thuốc thì nó ăn lá thuốc như một sinh vật.

Kỹ nghệ dược phẩm và kỹ nghệ thực phẩm làm cho ngành sinh hóa học (Biochimie) phát triển mạnh, nó nối liền hóa học với sinh học.

Quá trình hóa học tiếp diễn hàng phút trong sự sinh hoạt sinh vật bằng quá trình phản ứng hóa học; hiện tượng đốt oxy, thẩm thấu… của phản ứng hóa học như ta đã thấy, được giải thích bằng một loại quy luật vật lý (lượng tử học).

Qua những tỷ dụ đã kể trên thì vũ trụ rõ là một toàn thể thống nhất, các bộ phận của vũ trụ, các môn khoa học của sự nhận thức đều xâm nhập lẫn nhau, không tách biệt hẳn ra được.

Mỗi bộ phận ấy liên hệ rất mật thiết với các bộ phận khác. Cắt rời mối liên hệ ấy, ta gọi là siêu hình. Nhận thấy mối liên hệ ấy, ta gọi là biện chứng. Siêu hình thì nghiên cứu sai, biện chứng là nghiên cứu đúng phương pháp.

Tư tưởng siêu hình hoặc không thấy sự liên quan tất yếu giữa các hiện tượng, hoặc không thừa nhận toàn bộ sự tất yếu ấy.

Có người sẽ hỏi rằng trong lúc các nhà khoa học tự nhiên và xã hội đã tìm ra được rất nhiều quy luật và trong lúc con người đã hàng ngày ứng dụng các quy luật ấy vào đời sống của mình, thì còn ai lại khờ khạo dại dột mà phủ nhận sự liên quan tất yếu nữa ?

Còn, còn rất nhiều. Cho nên mới có những người mù là những nhà khoa học tư bản ầm ỹ lên xung quanh “sự tự do của điện tử”, xung quanh “chủ nghĩa vô định” trong vật lý; cho nên họ thường nói rằng cái mà ta gọi là quy luật chẳng qua là sự bịa đặt của trí tuệ mà thôi. Trong phần vũ trụ quan và trong chương “phạm trù biện chứng” chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này; ở đây không cần phải nhắc lại nữa, chỉ thêm rằng:

Nói vạn vật tương quan là nói tất yếu, là thừa nhân sự tồn tại của quy luật khách quan, tất yếu và phổ biến. Mỗi quy luật, đều tiêu biểu mối tương quan giữa các sự vật. Mỗi phương trình toán học đều tiêu biểu một mối tương quan, dù tiêu biểu một cách trừu tượng. Bảng Măng-đê-lép mà mỗi người sinh viên đều biết, nào phải là một sự kê khai khéo mà thôi đâu; mới ngó vào thì tưởng đâu như các vật thể xa rời nhau, thật ra tất thảy đều tương quan mật thiết ở trong số điện tích mà chính vì có như thế mới có bản ấy được, tựa như các sinh viên có tương quan về học lực, tư tưởng, công tác, mới có bảng bình nghị xếp hạng được.

Ở đây xin có vài câu chú thích về tương quan giữa các vật thể. Theo hóa học hồi thế kỷ 19, thì các vật thể (corps) là vĩnh viễn như những viên gạch của một vũ trụ bất biến. Angen không tin như thế. Nhưng lúc ấy Angen chưa có bằng cớ để phản đối một cách cụ thể. Ngày nay chúng ta biết rằng không thể phân loại các vật thể một cách cứng đờ tách biệt như thế được. Bảng Măng-đê-lép (quy luật tuần hoàn) xếp các vật thể theo “khối lượng nguyên tử” của các vật thể, các vật thể tương quan với nhau bằng khối lượng nguyên tử ấy, đi từ 0 (neutron) đến 92 (Uranium) và còn cao hơn nữa. Mỗi loại nguyên tử đều có một hạt nhân, chung quanh đó có một số điện tử; trừ điện tử hydro là đơn giản có một proton làm nhân, một điện tử âm chạy xung quanh, thì mỗi hạt nhân đều phức tạp mãi lên, gồm một số proton với số neutron quàng nhau, kết tụ với nhau, còn số điện tử quay chung quanh là bằng số proton trong hạt nhân ấy; trong hạt nhân Uranium có 92 proton, nên quanh nó có 92 điện tử; hydro chỉ có một; bảng Măng-đê-lép xếp loại các nguyên tố từ 0 đến 92 là vì thế.

Lượng tử học và quy luật của nó (trong vật lý học) cũng đồng thời là quy luật trong hóa học. Nó cắt nghĩa sự biến chuyển của một vật thể này thành một vật thể kia, ví dụ orthohydrogen thành parohydrogen.

Trong vũ trụ học bao la, từ Newton, người ta đã tìm được quy luật vạn vật hấp dẫn. Từ Einstein người ta không còn nhận định vũ trụ như là khối lượng nguyên tử bất biến vận động đều đều trong không gian trống rỗng và ba bề của Ơ-cờ-lít (Euclide) mà người ta đã biết rằng khối lượng, không gian và thời gian đều là một toàn thể thống nhất, trong đó các bộ phận không thể tách rời nhau. 

Khoa học vật lý tìm thấy sự tương quan giữa vạn vật mà chưa biết rằng đó là luật vạn vật tương quan, cũng như xưa nay ta nói văn xuôi mà ta không biết rằng đó  là văn xuôi ! Tự nghìn đời mỗi người dân đều nhận thấy sự đều đều của các hiện tượng xẩy ra: thời tiết, sống chết, mùa màng. Ai cho già chết là ngẫu nhiên ? Ai bảo mặt trời tự do mọc hay không mọc? Ai bảo ngẫu nhiên mà Cách mạng tháng 8 thành công? Ai dám nói rằng “ngẫu nhiên” mà phần lớn các thủ tướng bù nhìn đều ở đất Nam bộ, nơi có nhiều đại địa chủ nhất ở Việt Nam ?

Thế nhưng, ngay trong hàng ngũ người Mác-xít, hãy còn một số người không hoàn toàn thừa nhận lẽ tất yếu trong nhiều phạm vi của khoa học xã hội. Chính vì lẽ ấy mà Stalin đã cực lực công kích những nhà kinh tế học Xô-viết nào bảo rằng ở dưới chế độ Xô-viết, ở dưới chế độ xã hội chủ nghĩa con người có thể chế tạo hay sửa đổi quy luật kinh tế.

Quy luật khách quan là tất yếu ở chỗ nó biểu hiện mối tương quan giữa vạn vật. Nếu do ta chế tạo và sửa đổi nó thì nó không còn là tất yếu và khách quan. Quy luật không phải là cái khuôn khổ từ ngoài rập vào cho vũ trụ. Quy luật ở tự bản thân của vũ trụ, ngoài ý chí ta, ta chỉ tìm được nó, ứng dụng được nó, nhưng không chế tạo nó được, cũng không bôi bỏ nó được. Nó biểu hiện sự tương quan khách quan phức tạp giữa các sự vật; nó tiêu biểu cho sự xâm nhập vào nhau, dính dáng lẫn nhau giữa các hiện tượng trong không gian và thời gian.

2. Luật vạn vật tương quan bao gồm nguyên nhân luận và quyết định luận. Tác động và phản ứng.

Có người sẽ hỏi; vậy nguyên nhân luận  và quyết định luận (khi hai học thuyết này đã được giải thoát khỏi những tàn tích duy tâm và siêu hình) không đủ hay sao mà phải đưa ra quy luật vạn vật tương quan ? Vạn vật tương quan có bài trừ những nguyên nhân luận và quyết định luận không? Nếu không thì có quan hệ gì giữa các quy luật ấy?

- Luật tương quan rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, nó có tính chất tổng quát, nó làm nền móng cho nguyên nhân luận và quyết định luận (cũng tựa như quy luật căn bản của xã hội chủ nghĩa làm nền móng cho quy luật phát triển điều hòa).

- Nguyên nhân luận chỉ nhận thấy hiện tượng này làm phát sinh hiện tượng kia; những nguyên nhân giống nhau làm phát sinh những kết quả giống nhau; nhân nào quả ấy. Nhân sinh quả, quả thành nhân, sinh ra quả khác nữa; cứ như thế thành một dây chuyền vô tận, vô thủy, vô chung. Đó là luật nhân quả. Còn quyết định luận thì phát triển những ưu điểm của nguyên nhân luận, dạy rằng, trong những điều kiện nào đó, hiện tượng này nối tiếp hiện tượng kia theo một tương quan nhất định. Về sau, có những nhà khoa học biến quyết định luận thành ra một nguyên lý siêu hình khi họ không thừa nhận có ngẫu nhiên, khi họ nghĩ rằng muôn việc đều xảy ra như đã định sẵn, không thể khác được, không có ngoại lệ được. 

Cả hai nguyên nhân luận và quyết định luận không diễn tả được sự hỗ tương quan hệ giữa các hiện tượng, không diễn tả được sự tác động và phản ứng lẫn nhau giữa các hiện tượng, các bộ phận cấu thành vũ trụ. Tỉ như nhân A sinh quả B; quả B được sinh ra thì ảnh hưởng ngược lại với nhân A; thời thế xã hội tạo ra vĩ nhân, vĩ nhân xuất hiện có sức thay đổi thời cuộc; thầy dạy học trò, học trò tiến làm cho người thầy tiến thêm; sự lao động đổi tay vượn thành tay người nhưng tay đổi đi thì ảnh hưởng tốt đến lao động… Luật vạn vật tương quan nhấn mạnh vào sự tác động và phản ứng, ảnh hưởng qua lại rất phức tạp giữa các hiện tượng. Nó không có tính chất phiến diện, một chiều như nguyên nhân luận, hay quyết định luận.

Hiện giờ nhà khoa học đã tìm thấy rằng khi con người nghiên cứu sự vật, thì chính sự nghiên cứu đó, sự quan sát đo lường đó đã sửa đổi sự vật được nghiên cứu. Tỉ dụ như khi ta chiếu ánh sáng vào để xem xét đo lường một vật nào thì nội cái ánh sáng ấy đã cải biến sự vật ít nhiều rồi; nhà khoa học không thể không để ý đến sự cải biến ấy nếu họ muốn nghiên cứu một cách chính xác.

Chúng ta thử lấy vài tỉ dụ để chứng minh sự tác động và phản ứng giữa các hiện tượng.

Trong tự nhiên, nhiều vùng ở Liên Xô bị bão cát, bão tuyết, sa mạc thắng thế,  cây cỏ điêu tàn. Stalin ra lệnh trồng những băng rừng, đắp những đập nước trong những vùng ấy. Băng rừng ngăn được cát, giữ được tuyết; cây cỏ có thêm nước để mọc dễ dàng hơn; khí trời nhờ cỏ cây nhiều hơn mà êm dịu bớt nóng đi; mưa móc thường hơn trước; cây cỏ rừng rú lại xum xuê hơn, cầm thú sinh nở nhiều hơn, con người sống dễ dàng. Các xứ phụ cận cũng bị ảnh hưởng đến…Và sở dĩ có sự biến đổi thiên nhiên đó là vì có cách mạng tháng 10, có chính quyền Xô-viết, có quyền lãnh đạo của Đảng. Các hiện tượng ảnh hưởng và phản ứng lẫn nhau như thế.

Trong xã hội, cơ sở kinh tế quyết định, các bộ phận của thượng tầng chính trị, văn hóa, tư pháp. Đó là một sự thật. Nhưng chưa đủ, còn phải thấy rằng thượng tầng tư pháp, văn hóa, chính trị ấy ảnh hưởng ngược lại với cơ sở kinh tế, làm cho cơ sở kinh tế vững trãi hơn, mau thành tựu; đó là chưa kể rằng các bộ phận của thượng tầng kiến trúc đều có tác động tương hỗ với nhau; chính trị đẩy mạnh văn hóa tới trước, văn hóa phát triển làm cho nhân dân tham gia chính trị một cách thấm nhuần hơn… Nếu không nhận thấy rõ sự hỗ tương tác động phức tạp đó thì không còn là biện chứng nữa, không còn là Mác-xít nữa.

Một kiểu mẫu của việc ứng dụng quy luật vạn vật tương quan trông thấy tác độngvà phản ứng giữa các hiện tượng, là đoạn “Biện chứng pháp tự nhiên” trong đó Angen nghiên cứu sự phát triển từ hầu đến người:

Do nhu yếu của hoàn cảnh sinh hoạt mà loài hầu kia phải từ cành cây xuống đất; do sự lao động mà tay chân phân biệt, bàn tay được giải phóng, bàn tay được cải tiến mãi; bàn tay cải tiến thì đi càng thẳng lên, ảnh hưởng đến sự cải tiến của mọi cơ quan trong thân thể; cũng do sự lao động mà ngôn ngữ xuất hiện; ngôn ngữ xuất hiện thì sự lao động càng phức tạp, bộ óc càng phát triển, con người cải tạo thiên nhiên thêm đắc lực, và trong quá trình cải tạo thiên nhiên đó, con người tự cải tạo mình.

Trong tỉ dụ này, ta thấy Angen nêu ra tác dụng và phản ứng giữa những điều kiện ngoại vi với con người, tác dụng và phản ứng giữa các bộ phận của cơ thể nhờ sự lao động. Trong sự tương quan phức tạp đó, khâu chính là sự lao động, lao động làm ra bàn tay, lao động sinh ra ngôn ngữ, lao động sáng tạo ra con người cũng như nó sáng tạo ra bất cứ sự giàu có nào về vật chất và tinh thần của nhân loại; mà chủ yếu của sự lao động là sự sáng tạo của khí cụ; làm ra khí cụ tức là nối dài quan năng, tăng cường khối óc, chinh phục thiên nhiên; thiên nhiên càng được chinh phục thì từ hình dáng đến trí tuệ con người đều tiến. 

Một kiểu mẫu khác của việc ứng dụng luật vạn vật tương quan, trông thấy lao động và phản ứng giữa các hiện tượng, là quyền “chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học” khi Stalin chỉ rằng cơ sở kinh tế quyết định các hình thái của tầng thượng chính trị, pháp lý, tư tưởng, và đồng thời cũng chứng minh rõ cái vai trò hoạt động của thượng tầng ấy, vai trò phá vỡ cơ sở cũ, xây dựng và củng cố cơ sở mới, Stalin chỉ rằng: nếu không thấy cả tác động và phản ứng đó qua lại phức tạp, thì vô hình trung là biến duy vật lịch sử tinh vi của Mác thành ra một chủ nghĩa cơ giới tầm thường và sai lạc.

Các tỉ dụ trên đây chứng tỏ rằng nguyên nhân luận, quyết định luận thật là không đủ để nghiên cứu cho chính xác nếu ta không đặt nó vào trong một quy luật căn bản, tổng quát hơn, luật vạn vật tương quan, trong đó các hiện tượng ảnh hưởng và phản ứng lẫn nhau rất phức tạp.

3. Tương quan giữa hiện tượng và điều kiện của chu vi.

Phương pháp siêu hình nghiên cứu hiện tượng một cách đơn độc, ngoài các điều kiện và các hiện tượng chu vi  của nó. Tỉ dụ ở vùng sa mạc có những cây to bằng một ôm, hai ôm, rễ sâu dài bằng mấy mươi thước, chỉ có vài cái lá và thân cây cao vài ba tấc mà thôi. Cây gì mà quái gở như thế ? Trời sinh ra nó như thế chăng ? Sự thật là phải xét điều kiện xứ sa mạc thì mới biết rằng chính điều kiện ấy quyết định cái hình thù kỳ cục kia vậy; bằng không xét đến điều kiện chu vi là sa mạc thì không thể hiểu gì cả.

Hay là: nhà khoa học tìm biết rằng quan sát một trong khoảng ngắn của quỹ đạo ta thấy điện tử trở lại không chắc lúc nào và bao lần. Nếu nghiên cứu hiện tượng một cách đơn độc như thế, nhà khoa học có thể đi tới kết luận sai lầm rằng điện tử vận động “tự do”, tùy ý mà mau hay chậm, sớm hay trễ. Ngược lại, nếu ta kể đến điều kiện chu vi, xem xét liên quan giữa sự vận động của điện tử với môi trường, cái hoàn cảnh trong đó điện tử đương vận động, thì nhà khoa học sẽ hiểu tại sao có hiện tượng không chắc, không đồng đều ở trên kia: điện tử quay trong môi trường vật chất, nhả ra và hút vào những năng lượng, môi trường ấy không đồng đều sự nhả và hút năng lượng không đồng đều, cho nên trên một khoảng ngắn của quỹ đạo, người ta không chắn hẳn lúc nào điện tử sẽ đến. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu ta kể đến điều kiện gió ngược hay xuôi, đường bằng hay đường núi, đi đường tốt hay xấu… thì ta mới biết chắc bao giờ chiếc ô tô qua chỗ ta đợi nó.

Người ta truyền rằng giải phóng quân Trung quốc lúc đi lên giải phóng Tây tạng, phải qua nhiều núi cao hơn 5, 6 nghìn thước. Trên đó, bộ đội dừng chân nấu cơm mỗi buổi; thấy nước sôi mà gạo không chín mau đúng như ở đồng bằng, phải đun thêm, nấu lâu hơn thì cơm mới chín. Ta sẽ không hiểu hiện tượng kỳ quái ấy nếu ta không kể đến điều kiện áp lực của không khí; lên cao thì áp lực ít; áp lực ít thì nước sôi trước 1000, cơm chậm chín mặc dầu nước đã sôi từ nãy giờ.

Trong cuộc tranh luận giữa phái Măng-đen Móc-găng và phái Misurin-Lysenkô (Liên xô 1949-1950), một trong những sai lầm chính của phái trên là ở chỗ họ phủ nhận vai trò của hoàn cảnh và điều kiện chu vi. Hoàn cảnh và điều kiện của sự dinh dưỡng có tác động mạnh cho đến nỗi có khả năng biến đổi những “gên” làm cho một giống này có thể với thời gian, với sự “thúc giục” của con người, trở thành một giống khác mà ta cố định lại được. Ta dễ cắt nghĩa tại sao lúa tẻ đem lên trồng nhiều năm ở núi lại thành ra lúa nếp; đem cây xoài của miền Nam nóng bức ra miền Bắc rét lạnh thì xoài thành muỗm; nông dân ta ai cũng biết như thế cả. Chính đó là một mặt biểu hiện của luật vạn vật tương quan trong tự nhiên giới, tương quan giữa điều kiện chu vi và hiện tượng.

Trong khoa học xã hội thì càng dễ tìm tỉ dụ để chứng minh sự tương quan giữa điều kiện chu vi và hiện tượng. Càng đi tới càng thấy quả như lời dạy của đồng chí Stalin, nếu tách rời các hiện tượng xã hội ra khỏi những điều kiện của nó thì sẽ không còn hiểu gì được nữa. Cách mạng tháng 8 của Việt Nam có những điều kiện bên trong và bên ngoài của nó; điều kiện bên trong như được Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, có mặt trận dân tộc thống nhất, có công nông liên minh làm nền tảng cho mặt trận ấy; Pháp bị Nhật đánh bại, Nhật bị Liên xô đánh bại, ta đã vũ trang tranh đấu từ năm 1940…; điều kiện bên ngoài như Liên xô đại thắng quân phát xít, cách mạng nhân dân ở nhiều nước thành công, xứ ta hãy còn bị các đế quốc bao vây tứ phía; cách mạng vừa thắng thì quân Quốc-dân-Đảng, quân Anh vào, quân Pháp trở lại v.v… Nếu không kể đến những điều kiện ấy thì làm sao hiểu được cách mạng tháng 8, làm sao hiểu được tạm ước 6/3 ? Nhà nghiên cứu nào mà không chú trọng đến những điều kiện của cách mạng thì không hiểu được cách mạng, hoặc họ có thể tự phu, tự mãn nuôi đầu óc quốc gia hẹp hòi, không thấy công của Liên xô, hoặc tưởng lầm rằng Nhật bản đem độc lập cho Việt Nam… Người lãnh đạo nhân dân làm cách mạng mà không tinh thông những điều kiện của cách mạng thì làm sao làm cách mạng thành công ? Còn sở dĩ cách mạng và kháng chiến ta thành công là bởi vì các lãnh tụ của ta thông hiểu, đoán trước được những điều kiện ấy, không những đoán trước mà còn củng cố nó khi có nó, đào tạo nó ra khi nó vắng mặt.

Mới rồi đây chúng ta mới học quyển “Nhị Độ Mai”, học Nhị Độ Mai mà chúng ta phải nghiên cứu lại tình hình xã hội, chính trị Việt Nam ở thời Lê mạt, nghiên cứu đến các cuộc bạo động của nông dân, như thế ta mới hiểu được vì sao ta có một tác phẩm văn chương có giá trị như Nhị Độ Mai trong đó quần chúng có mặt trên sự bố cục; và cũng như thế ta mới không đòi hỏi được tác giả nặc danh của Nhị Độ Mai phải đưa nhân dân lên tới mực đấu tranh đánh đổ nền quân chủ, lập dân chủ, như cách mạng tháng 8. Phải đặt Nhị Độ Mai trong hoàn cảnh lịch sử, trong điều kiện lịch sử, mới định rõ được giá trị của nó, mới hiểu nó phản ảnh hiện thực xã hội nào.

Nhắc lại lời của đồng chí Stalin:

Ta sẽ hiểu được, chứng minh được bất cứ một hiện tượng nào nếu ta trông thấy mối liên quan không cắt đứt được giữa nó với các điều kiện chu vi, nếu ta thấy các điều kiện chu vi nào đã quyết định nó

4/ - Stalin nói về sự ứng dụng luật vạn vật tương quan vào sự nghiên cứu sinh hoạt xã hội, vào sự hoạt động của Đảng tiền phong:

Nếu quả rằng trong vũ trụ không có hiện tượng riêng rẽ, nếu quả rằng các hiện tượng đều dính liền nhau và làm điều kiện lẫn cho nhau, thì ta phải nhận xét các chế độ xã hội, các phong trào xã hội trong lịch sử không phải theo quan điểm “công lý vĩnh hằng” hay theo bất cứ thành kiến nào, như thường tình các sử gia hay nhận xét; mà ta phải nhận xét xem những điều kiện nào đã gây ra chế độ ấy với phong trào xã hội ấy; điều kiện và hiện tượng dính liền với nhau.”

“Trong những điều kiện bây giờ thì chế độ nô lệ là vô lý, vô nghĩa, trái mùa. Nhưng, trong điều kiện của sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy, thì chế độ nô lệ là một hiện tượng rất dễ hiểu và đứng vững bởi vì, so với chế độ cộng sản nguyên thủy, thì chế độ nô lệ là một bước tới trước.”

“Đối lập chế độ cộng hòa dân chủ tư sản trong điều kiện của chế độ Nga Hoàng và của xã hội tư bản, tỉ dụ như nước Nga hồi 1905, là hoàn toàn dễ hiểu, đúng lý và cách mạng bởi vì lúc ấy, cộng hòa tư sản là một bước tới trước. Nhưng nếu trong điều kiện hiện nay của Liên xô, đòi hỏi sự lập cộng hòa dân chủ tư sản, thì sự đòi hỏi ấy là phản cách mạng, bởi vì so với cộng hòa Xô-viết thì cộng hòa tư sản là một bước sụt lùi”.

Tất cả đều tùy theo điều kiện không gian và thời gian. Rõ ràng rằng nếu không có quan niệm lịch sử và các hiện tượng xã hội thì không có khoa học lịch sử tồn tại và phát triển được; chỉ nhờ quan niệm ấy thì khoa học lịch sử mới không trở thành một chuỗi ngẫu nhiên, một mớ sai lầm phi lý”.1

Cũng như thế, hồi đầu 1946, trong điều kiện lịch sử lúc ấy (cách mạng vừa thành công, Việt Nam bị bao vây hoàn toàn, trong nước có quân Quốc dân Đảng, quân Anh chiếm đóng, bên Pháp có Đảng Cộng sản tham chính…) thì tạm ước 6/3 là một tiến bộ, một thành công lớn, hợp lý, có lợi cho cách mạng. Nhưng trong điều kiện 1952 chẳng hạn, nếu trở lại với 6/3 sẽ là một thoái bộ, phi lý, có hại cho cách mạng. Bọn bù nhìn huênh hoang lên, rêu rao là Hiệp ước Bảo Đại Vanh-xăng Ô-ri-ôn (Vincent Auriol) hơn là Hiệp ước 6/3, chẳng qua là để dấu mặt buôn dân bán nước. Hai điều kiện lịch sử khác nhau, người ký khác nhau, nội dung khác nhau.

Cũng như thế, ta hiểu tại sao hồi mặt trận Bình dân (1936-1938) Đảng cộng sản Đông Dương tham gia tranh cử trong các cuộc bầu nghị viện, hội đồng thành phố và hội đồng quản hạt; sự tham gia tranh cử ấy trong điều kiện ấy là động viên nhân dân theo cách mạng. Còn trái lại, trong điều kiện 1953, khi bọn Pháp và bù nhìn bầy trò bầu cử thì Đảng ta cực lực tẩy chay; vì một sự tham gia tranh cử lúc này, lúc kháng chiến đương tiến, lúc giặc đương tìm cách dối dân về cái độc lập giả hiệu, thì sẽ là giúp cho giặc bầy trò lừa dối, sẽ là ngăn trở kháng chiến.

Đồng chí Stalin dạy thêm rằng:

Nếu quả sự liên hệ giữa các hiện tượng tự nhiên và nếu quả các hiện tượng đều làm điều kiện lẫn nhau, là những quy luật tất yếu của sự phát triển của tự nhiên thì, tiếp theo đó, sự liên hệ giữa các hiện tượng xã hội, hiện tượng xã hội này làm điều kiện cho hiện tượng, xã hội kia, sẽ không phải là ngẫu nhiên, mà là quy luật tất yếu của xã hội phát triển.

Cho nên sự sinh hoạt xã hội, lịch sử của xã hội không phải là ngẫu nhiên tích tụ lại nữa, bởi vì lịch sử của xã hội trở thành một sự phát triển tất yếu, và sự nghiên cứu lịch sử xã hội trở thành một khoa học.

Cho nên sự hoạt động thực tiễn của Đảng vô sản không phải căn cứ vào những tấm lòng tốt đẹp của những “kẻ thượng lưu”, không phải căn cứ vào sự đòi hỏi của “lẽ phải”, của luân lý nhân đạo, v.v… mà phải căn cứ vào những quy luật của xã hội phát triển, căn cứ vào sự nghiên cứu những quy luật ấy.1

Nói một cách khác hơn, sự thừa nhận quy luật vạn vật tương quan, sự thừa nhận lẽ tất yếu trong tự nhiên, chính là nền tảng cho ta phát triển ra để thừa nhận lẽ tất yếu trong xã hội, sự tương quan giữa các hiện tượng xã hội. Công trình nghiên cứu xã hội và lịch sử trở thành một khoa học chính xác; và con người phải tìm ra những quy luật khách quan, tất yếu, phổ biến trong xã hội, trong lịch sử (đó là nhiệm vụ của duy vật lịch sử và của chính trị học). Một khi đã thừa nhận có quy luật trong xã hội, trong lịch sử, thì đảng cách mạng phải hành động theo quy luật ấy chứ không theo ý riêng của ai, lòng tốt của ai. Với sự nhìn nhận lẽ tương quan tất yếu trong xã hội, chính trị học trở nên một khoa học chính xác như khoa học tự nhiên; chính trị không còn bị xem như là một số mưu chước, mánh lới; chính trị dựa vào quy luật kinh tế và xã hội; ta hiểu được hiện tượng, đón trước được hiện tượng, chuẩn bị cho cái tốt, ngăn ngừa cái xấu. Nếu ta không tùy quy luật và điều kiện khách quan để hành động, mà ngược lại ta hành động theo “lòng tốt”, “ý đẹp” của chúng ta, thì nhất định chúng ta thất bại. Ví dụ như ở Sơn Hà, Quảng Ngải độ nọ, có một số anh em công tác ở vùng ấy vội giải phóng nô tỳ, vì lẽ rằng chế độ ấy là xấu, trong lúc dân chưa đòi hỏi, trong lúc chưa có điều kiện khách quan để thay thế chế độ nô tỳ ấy; ta giải phóng nô tỳ thì người nô tỳ không có việc làm ăn, chủ nô không có người làm cả hai đều bất mãn; số cán bộ ấy lại bảo dân cắt tóc, học chữ, khi dân chưa biết rằng đó là cần, đó là hay; vì vậy mà đồng bào bất mãn (mặc dầu rằng các việc trên đều là hành động đầy mỹ ý). Giặc Pháp đã thừa dịp này mà gây ra loạn đả vách. Làm theo ý của mình, không làm theo quy luật tai hại như thế.

Lòng tốt thì trước sau vẫn tốt, nhưng còn phải xem điều kiện có đủ để thực hiện nó không; nếu thiếu thì tạo nó ra đã, hay nói cho đúng hơn, nếu thiếu thì phát triển nó lên, khi đầy đủ, khi thuận chiều quy luật lịch sử thì khi ấy lòng tốt mới tạo ra kết quả tốt được.

Soi sáng bởi lời dặn bảo của Stalin, chúng ta không lấy gì làm lạ mà thấy các lãnh tụ của chúng ta nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, chắt từng tương quan phức tạp của xã hội Việt Nam, để phát kiến quy luật phát triển của lịch sử ta, của kháng chiến ta. Nhờ vậy nhân dân Việt Nam vững tâm bước tới, thu thắng lợi này đến thắng lợi khác, ít phải bị vấp váp lớn, ít phải chạm với sự bất ngờ.

Sự thành công của Đảng, sức mạnh của Đảng, dựa vào sự hiểu biết và nắm vững quy luật trong lịch sử.

5. Vài bậc bác học, nhân tài đã ứng dụng lời dạy bảo của Stalin về vạn vật tương quan

Chúng ta chỉ lấy vài cái mẫu ứng dụng luật vạn vật tương quan. Mẫu thứ nhất là của nhà bác học khoa học vật lý, nguyên chủ tịch viện hàn lâm khoa học Liên xô Va-vi-lốp.

Giáo sư I.V.Cu-nhê-sốp (Kouznetsov) trong một bài ca tụng vị bác học quá cố, có nói rằng ông Va-vi-lốp sở dĩ đã phát kiến được (1942) một lý luận tổng quát về ánh sáng (théorie générale de la luminescence des solutions) là vì Va-vi-lốp “đã được dìu dắt bởi quy luật vạn vật tương quan của phương pháp biện chứng mà Stalin đã trình bày một cách thiên tài”. Cứ theo lời của I.V. Cu-nhê-sốp, thì nhà bác học Va-vi-lốp bắt đầu phê bình nền móng lý luận của quang học hiện tại. Quang học lâu nay thì căn cứ vào giả thuyết sau đây mà người người đều thừa nhận: tính chất của ánh sáng và cơ cấu nội tại của nó có thể được hoàn toàn quy định một mặt là bởi những đặc tính của nguồn ánh sáng và mặt khác là bởi những đặc tính của môi trường của ánh sáng. Và theo quang học lâu nay thì, những tính chất của nguồn ánh sáng và của môi trường có thể quy định được riêng biệt bằng những hằng số nào đó.

Va-vi-lốp chứng minh rằng cái hoàn cảnh xung quanh nguồn ánh sáng có ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu của ánh sáng được phóng ra; ông chứng minh rằng không có lý do gì mà phân tách ra hai, một bên là nguồn ánh sáng, một bên là môi trường, hai bên riêng biệt nhau, Va-vi-lốp đề nghị một quan niệm mới, theo quan niệm mới này thì nguồn ánh sáng và môi trường gắn bó nhau, hoàn cảnh (môi trường) ảnh hưởng đến nguồn ánh sáng bằng cộng hưởng, ngược lại, nguồn ánh sáng biến đổi hoàn cảnh (môi trường). Va-vi-lốp tìm giải thích được sự tương quan ấy và đã giải thích một cách rất chính xác.

Học thuyết mới của Va-vi-lốp đã làm cho các nhà bác học khác giải thích nhiều hiện tượng đã được nhận thấy mà chưa được hiểu biết một cách rõ ràng và giải thích được nhiều quy luật đã tìm ra rồi, hơn nữa, phát kiến ra nhiều quy luật khác.

Cho nên giáo sư Cu-nhê-sốp nói:

Ý tưởng mà Va-vi-lốp đề ra dưới ảnh hưởng trực tiếp của lời dạy của Stalin, về phương pháp biện chứng Mác xít, cái ý tưởng rất mới mẻ rằng có một mối liên hệ cơ thể giữa nguồn ánh sáng và tính chất của môi trường ánh sáng, ý tưởng ấy đã tỏ ra vô cùng phong phú. Nó làm phát triển một trong những ngành quan trọng nhất của vật lý học ngày nay. Ví dụ này, một lần nữa, chứng minh lời tuyên bố trứ danh của đồng chí J-đa-nốp: khác với các hệ thống trước, triết học Mác-xít không phải là một khoa học đứng trên các khoa học khác, mà nó là một khí cụ để khảo cứu khoa học, một phương pháp xâm nhập vào tất cả các khoa học tự nhiên và xã hội.”1

Ở đây, chúng tôi xin trích thêm lời của Thống chế Vô-rô-si-lốp về việc ứng dụng luật tương quan, đả phá phương pháp siêu hình, để nghiên cứu vấn đề yếu tố tinh thần trong các cuộc chiến tranh. Tỉ dụ này cốt để chứng minh rằng biện chứng pháp, luật tương quan có tác dụng ở trong bất cứ ngành hoạt động nào chớ không phải riêng cho vật lý hay sử học.

Tất cả các tướng lĩnh và các nhà lý luận quân sự trước đây đều chú trọng vào yếu tố tinh thần. Nhưng họ xem yếu tố tinh thần một cách riêng biệt, ngoài sự liên quan với tính chất của cuộc chiến tranh, của cơ sở xã hội, chính trị, kinh tế, luân lý và ý thức, của nhà nước đương đánh giặc; họ chú ý đến yếu tố tinh thần mà không chú ý đến quần chúng nhân dân là cái kho dự trữ lực lượng có sức (khi xét đến cùng tột) đem lại sự chiến thắng quân thù2

   Dưới ánh sáng của lời nói của Thống chế Vô-rô-si-lốp, ta càng hiểu rõ tại sao các lãnh tụ của chúng ta đã luôn luôn nhấn mạnh vào tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng, trái với tính chất phi nghĩa của cuộc xâm lược thực dân; họ không nói suông về yếu tố tinh thần của nhân dân, mà liên kết nó với chế độ dân chủ nhân dân, với lòng yêu nước, yêu nhân loại, yêu hòa bình, với phong trào quần chúng, với sự phát động nông dân giảm tô tức, cải cách ruộng đất, với sự nâng cao mực sống của quần chúng, bồi dưỡng nhân dân, với cơ sở chính trị trong vùng địch tạm chiếm. Những điều kiện ấy chứng minh rằng các lãnh tụ của chúng ta thấm nhuần phương pháp Mác-xít trong mỗi chủ trương hành động, mà chính đó là đảm bảo của sự thắng lợi cuối cùng.

Chúng ta cũng lấy một tỉ dụ trong học thuyết của Paolốp:

Paolốp làm sáng tỏ luật vạn vật tương quan, chứng minh sự thống nhất của toàn bộ cơ thể bao gồm tất cả các bộ phận, tất cả các cơ năng và chứng minh luôn sự tương quan sâu sắc giữa cơ thể và hoàn cảnh chu vi.

Trước đó, từ Vê-san (Vesale)-hồi thế kỷ thứ 15- cho đến Cờ-lốt-béc-na (Claude Bernard) sinh lý học phát triển theo phương pháp thực nghiệm, với một tinh thần phân tích sâu sắc. Sinh lý học chia phần cơ thể ra từng bộ máy và bộ phận riêng biệt, cái này độc lập với cái kia. Bi-sa (Bichat) theo hướng trước mà cắt đôi cơ thể ra làm hai hệ thống riêng biệt, hai “cơ năng” riêng biệt mà trung tâm của bên này là khối óc, trung tâm của bên kia là những “hạch” cũng gọi là hệ thống bạch huyết.

Do phương pháp siêu hình đó mà sinh lý học phân tích đi vào con đường bế tắc. 

Hai nhà bác học Nga, ông Sết-sê-nốp (Setchenov) và Pao-lốp vượt qua phương pháp siêu hình, đi vào phương pháp phân tích tổng hợp, chứng minh rằng cơ thể là một toàn bộ thống nhất trong đó không có bộ phận, cơ năng nào độc lập cả, tất cả đều liên hệ với nhau rất mật thiết, sự liên hệ mật thiết ấy, sự thống nhất ấy được hệ thống thần kinh chỉ đạo, mà trước hết, trên hết là được sự thống quản của bộ phận trên của hệ thống thần kinh trung ương; tất cả các hiện tượng xảy ra trong cơ thể đều tùy thuộc nó.

“Cái thế giới bên trong”của cơ thể và thế giới bên ngoài luôn luôn xúc động dến bộ não, ảnh hưởng đến mọi hiện tượng xảy ra trong cơ thể.

Xuất phát từ quan điểm thống nhất giữa các bộ phận của cơ thể, thống nhất giữa cơ thể và hoàn cảnh chu vi, Pao-lốp tìm được phương hướng đúng để nghiên cứu làm cho sinh lý học và y học Xô-viết phát triển lên một tầng cao vọi. Riêng về tâm lý học, khoa này sở dĩ trở thành khoa học là bởi vì nó dựa trên cơ sở của học thuyết biện chứng và duy vật của Pao-lốp. 

6. Vài điều cần chú ý đến về mặt phương pháp khi ứng dụng luật tương quan  

a. Luật vạn vật tương quan đòi hỏi ta phải nhìn một cách bao quát thấy toàn cuộc, đặt mỗi hiện tượng dù nhỏ trong toàn cuộc đó, không được phiến diện cục bộ. 

Phiến diện như, trong chiến tranh, chỉ thấy vũ khí, số quân, mà không thấy yếu tố tinh thần; như thấy yếu tinh thần mà không thấy cơ sở quyền lợi kinh tế của nông dân, của nhân dân v.v…; phiến diện như vào thành thị thì quên nông thôn, ở nông thôn thì quên thành thị, không thấy thành hương hỗ trợ là gì; phiến diện như thấy đóng thuế mà không thấy sự cần yếu của nhà nước, không thấy thuế bây giờ của xứ độc lập khác hẳn với thuế trong thời thực dân. Mọi cách nhìn phiến diện đều sai lầm; phải nhìn toàn cuộc, phải đặt một hiện tượng trong tương quan giữa nó với các điều kiện chu vi.

b. Tìm tác động và phản ứng giữa các hiện tượng với nhau, không nên chỉ thấy một chiều. Thấy một chiều như thấy đoàn kết mà không thấy đấu tranh (vấn đề mặt trận), không thấy cái này tác dụng tốt đến cái kia, nâng nhau lên; thấy một chiều như (trong vấn đề lịch sử ) thấy kinh tế quyết định chính trị mà không thấy chính trị thúc đẩy kinh tế…Thấy một chiều cũng là phiến diện sai lầm.

c. Trong vô số các điều kiện, trong tương quan phức tạp, biết tìm ra những điều kiện căn bản quyết định, phải tìm ra khâu chính. Khâu chính như sự lao động trong quá trình tiến triển từ vượn đến người, như công tác phát động giảm tô và cải cách ruộng đất trong sự củng cố và đẩy mạnh mọi ngành công tác; như tranh thủ thống nhất trong khi đòi thực hiện hòa bình thống nhất độc lập và dân chủ.

Phải biết tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện ý chí của mình và ý chí của mình phải tùy thuộc vào quy luật khách quan.

Mác dạy:

Nếu hoàn cảnh tạo ra con người thì phải tạo ra hoàn cảnh, hợp nhân cách. ”. Làm cách mạng vô sản, cách mạng dân chủ nhân dân, xây dựng xã hội chủ nghĩa chính là sự “tạo ra hoàn cảnh hợp nhân cách”, vì thế mà con người Xô-viết, con người ở xã hội dân chủ nhân dân, là những con người mới với phẩm chất mới, con người mà đế quốc không đo lường nổi khả năng, ý chí và triển vọng.

d. Tùy điều kiện cụ thể ở mỗi lúc mỗi nơi mà áp dụng một công thức thích ứng. Không có công thức nào sẵn sàng cho mọi hoàn cảnh, tất cả các điều kiện, công thức tùy điều kiện, điều kiện không tùy công thức. Ví dụ như trong kháng chiến thì phân tán phần nào sự lãnh đạo, đến hòa bình thì lãnh đạo phải triệt để tập trung, hay ví dụ như ở xứ này thì chủ trương cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở xứ kia chủ trương cách mạng dân tộc giải phóng.

e. Phản đối bản vị chủ nghĩa; bản vị cá nhân, ngành, địa phương, đều trái với tinh thần của quy luật vận vật tương quan, phản đối thái độ “ai lo việc nấy, giành phần chăn về mình” mà không thấy rằng các việc khác, bộ phận khác có tiến thì việc mình, phần mình mới tiến.

g. Nhận định rõ ràng hiểu quy luật biện chứng không chỉ để chứng minh cái sẵn có, mà còn để tìm cái mới (như học thuyết của Va-vi-lốp) để cải tạo vũ trụ, (như học thuyết Mitsurin về tương quan giữa dinh dưỡng và di truyền, giữa sôma và gen). Tuyệt đối không được tầm thường hóa quy luật vạn vật tương quan bằng cách xuyên tạc, bằng cách tìm tương quan ở những nơi hầu như không có tương quan, hay bằng cách tìm bằng chứng, tìm điều kiện để bào chữa những sai lầm.

 



1  Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô.

1 Stalin, Duy vật biện chứng pháp và duy vật lịch sử.

1 Stalin, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

1 Tạo chí Nouvelle critique số 33, 1952

2  Vô-rô-si-lốp, Về nền tảng của khoa học quân sự Xô viết.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt