SỰ BÓC TRẦN NHỮNG BÍ MẬT CỦA TÔN GIÁO CÓ TÍNH PHÊ PHÁN, HAY LÀ PHLƠ ĐƠ MA-RI Phlơ đơ Ma-ri
KARL MARX (1818-1883)
Karl Marx. Gia đình thần thánh, in trong bộ C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn || Bản dịch tiếng Anh: Fleur de Marie
Chúng tôi gặp Phlơ đơ Ma-ri trong đám tội phạm, như là một cô gái điếm, làm nô lệ cho mụ chủ quán rượu chứa chấp bọn tội phạm. Mặc dù sống trong cảnh nhục nhã đó, nàng vẫn giữ được tâm hồn cao thượng của con người, tính tự nhiên, vẻ đẹp của con người. Những phẩm chất đó làm cho những người xung quanh phải kính nể, khiến cho nàng thành bông hoa thơ mộng trong đám tội phạm và xác định cho nàng cái tên gọi Phlơ đơ Ma-ri. Cần quan sát kỹ lưỡng Phlơ đơ Ma-ri ngay khi nàng mới ra mắt để có thể so sánh hình dáng đầu tiên của nàng với biến dạng có tính phê phán của hình dạng đó. Tuy liễu yếu đào tơ nhưng Phlơ đơ Ma-ri cũng biểu hiện ngay là nàng đầy sức sống, tinh lực dồi dào, tâm hồn vui vẻ, tính tình hoạt bát, nghĩa là những phẩm chất mà riêng chúng cũng có thể giải thích sự phát triển hợp tính người của nàng trong hoàn cảnh không có tính người của nàng. Chống cự lại Dao bầu xông tới đâm nàng, nàng tự bảo vệ bằng kéo. Đây là cảnh khi chúng ta gặp nàng lần đầu. Trong cảnh đó, trước mắt chúng ta, nàng không phải là một con cừu non không có khả năng tự vệ, cúi đầu khuất phục trước bạo lực, mà là một cô gái biết bảo vệ quyền lợi của mình và có thể kiên trì đấu tranh. Tại quán rượu của bọn tội phạn ở phố Phe-vơ, nàng thuật lại cho Dao bầu và Rô-đôn-phơ nghe cuộc đời của mình. Trong khi thuật lại, nàng đã dùng cái cười để đáp lại sự châm chọc của Dao bầu. Nàng tự chê trách là sau khi ra tù nàng đã vung phí vào du lịch và trang sức mất tất cả ba trăm phrăng mà nàng kiếm được trong tù, đáng lẽ ra thì nên đi kiếm việc làm, "nhưng chẳng có ai khuyên bảo em cả". Việc hồi tưởng lại cái thảm hoạ trong đời sống của nàng là bán mình cho mụ chủ quán rượu của bọn tội phạm làm cho nàng cảm thấy buồn bã. Bấy giờ lần đầu tiên trong đời, nàng nhớ lại tất cả những sự biến ấy... "Thật thế, em cứ nghĩ đến quá khứ là đau lòng... làm một người thành thực tất là rất tốt". Dao bầu châm chọc: "Ừ, thì cứ để cho nàng làm người thành thực đi", nàng liền kêu lên: "Thành thực! trời ơi! anh bảo em có thể thành thực bằng cách nào chứ!? Nàng kiên quyết tuyên bố rằng "Em không phải là kẻ hay khóc sướt mướt" ("je ne suis pas pleurnicheuse"), nhưng tình cảnh sinh hoạt của nàng thật đáng buồn - "điều đó rất không vui". Sau hết, trái với sự sám hối theo lối đạo Cơ Đốc thì đối với quá khứ của mình, nàng nêu lên cái nguyên tắc có tính người vừa có tính cách xtô-i-xiêng vừa có tính cách ê-pi-quya-riêng, nguyên tắc của con người tự do và kiên cường: "Rút cục, cái gì đã làm là đã làm rồi!". Bây giờ chúng ta hãy theo Phlơ đơ Ma-ri trong cuộc dạo chơi đầu tiên với Rô-đôn-phơ. "Nghĩ tới tình cảnh ghê sợ của mình, chắc cô thường cảm thấy đau khổ phải không?" - Rô-đôn-phơ khao khát mở một cuộc bàn luận về đạo đức, cất tiếng hỏi như vậy. Cô gái trả lời: "Vâng, em đã nhiều lần ngắm nhìn sông Xen qua dãy lan can, nhưng sau đó em ngoảnh lại nhìn những bông hoa và vừng thái dương và tự nhủ rằng: sông sẽ cứ ở mãi đây, còn ta mới hơn 16 xuân xanh. Nào ai biết nhỉ? Trong giờ phút đó, em cảm thấy mình không đáng bị cái số phận đó, em cảm thấy mình còn có cái gì tốt đẹp. Em tự nhủ rằng đã nếm đủ mùi đau khổ, nhưng ít ra xưa nay mình chưa từng hại ai cả". Như vậy là Phlơ đơ Ma-ri coi tình cảnh của mình không phải là cái kết quả mà nàng tự do sáng tạo ra, không phải là sự biểu hiện của cá nhân nàng, mà là một số phận không xứng đáng với nàng. Số phận không may đó có thể thay đổi. Nàng còn rất trẻ. Trong quan niệm của Ma-ri, thiện và ác không phải là những khái niệm đạo đức trừu tượng về thiện và ác. Nàng sở dĩ thiện là vì nàng không làm ai đau khổ cả, nàng bao giờ cũng đối xử một cách hợp với tính người đối với hoàn cảnh không có tính người. Nàng sở dĩ thiện là vì mặt trời và hoa đã vạch ra cho nàng cái bản tính trong trắng như mặt trời và hoa của nàng. Cuối cùng nàng sở dĩ thiện là vì nàng còn trẻ, còn chứa chan hy vọng và đầy sức sống. Cảnh ngộ của nàng không tốt vì nó gây ra một sự cưỡng bức không tự nhiên đối với nàng, vì nó không phải là sự biểu hiện những thiên tính có tính người của nàng, vì nó không phải là sự thực hiện những nguyện vọng có tính người của nàng, vì nó đày đoạ người ta và chẳng có lạc thú gì. Không phải nàng dùng lý tưởng về thiện mà là dùng cá tính vốn có của mình, bản tính tự nhiên của mình làm thước đo cảnh ngộ sinh hoạt của mình. Trong lòng giới tự nhiên, nơi mà xiềng xích của đời sống tư sản đã rời bỏ, Phlơ đơ Ma-ri có thể tự do biểu hiện bản tính của mình, do đó bộc lộ thú vui sống trên đời, tình cảm dạt dào, niềm vui say sưa hợp tính người trước cái đẹp của tự nhiên, tất cả những cái đó đều chứng tỏ rằng cảnh ngộ của nàng trong xã hội tư sản chỉ mới làm tổn thương cái bề mặt của bản chất của nàng, rằng cảnh ngộ đó chỉ là vận rủi mà thôi, còn bản thân nàng thì chẳng thiện cũng chẳng ác, chỉ có tính người thôi. "Ngài Rô-đôn-phơ ơi, hạnh phúc biết bao !... cỏ cây, đồng nội !... Nếu ngài cho phép em xuống xe thì tốt lắm... Trời đẹp quá... Em muốn chạy nhảy trên những bãi cỏ này quá chừng!". Bước xuống xe ngựa nàng đi hái nhiều bông hoa cho Rô-đôn-phơ và "vui đến nỗi cơ hồ không nói nên lời", v.v.. Rô-đôn-phơ bảo nàng rằng ông sẽ đưa nàng đến ấp trại của bà Gioóc-giơ. Nơi đây nàng sẽ thấy những chuồng chim câu và chuồng bò, nơi đây sẽ có sữa, có bơ, hoa quả, v.v.. Đấy là những ân trời đối với cô bé này. Nàng sẽ thích thú lắm, - đấy là ý nghĩ chủ yếu của nàng. "Thậm chí ngài cũng không thể tưởng tượng rằng em muốn vui chơi biết nhường nào". Nàng nói một cách rất ngây thơ với Rô-đôn-phơ rằng số phận không may của nàng là do tự bản thân nàng gây ra: "Mọi việc đã xảy ra là do em không biết tiết kiệm tiền bạc". Cho nên nàng khuyên Rô-đôn-phơ nên tiết kiệm và gửi tiền vào quỹ tiết kiệm. Trí tưởng tượng của nàng hoàn toàn tập trung vào những toà lâu đài trên không mà Rô-đôn-phơ xây dựng cho nàng. Nàng trở nên sầu muộn chỉ vì nàng "đã quên mất hiện tại” và "sự trái ngược giữa hiện tại đó với ảo tưởng về một cuộc đời tươi vui khiến nàng tưởng nhớ lại cảnh ngộ đáng kinh sợ của mình". Cho tới đây, chúng ta thấy Phlơ đơ Ma-ri trong bộ mặt lúc đầu không có tính phê phán của nàng. Ở đây Ơ-gien Xuy đã vượt lên trên thế giới quan hạn chế của mình. Ông đả kích vào những thiên kiến của giai cấp tư sản. Bây giờ ông trao Phlơ đơ Ma-ri cho nhân vật chính là Rô-đôn-phơ để tạ cái tội ngạo mạn của mình, để được sự tán dương của các ông già bà già, của toàn thể cảnh sát Pa-ri, của tôn giáo hiện hành và của "sự phê phán có tính phê phán". Rô-đôn-phơ trao Phlơ đơ Ma-ri cho bà Gioóc-giơ - một bà già bất hạnh mắc bệnh u buồn và mê tín - trông nom. Bà đón tiếp ngay cô gái trẻ với những lời nói ngọt ngào: "Thượng đế ban phúc lành cho những kẻ yêu Người và sợ Người... những kẻ bất hạnh và hối lỗi". Rô-đôn-phơ, vĩ nhân của sự phê phán thuần tuý" đã cho gọi La-poóc-tơ, một linh mục đáng thương và đầy óc thành kiến. Vị linh mục này được giao nhiệm vụ cải tạo một cách có phê phán tính cách của Phlơ đơ Ma-ri. Ma-ri vui vẻ và ngây thơ đến gặp vị linh mục già này. Với sự thô bạo kiểu Cơ Đốc giáo vốn có của ông, Ơ-gien Xuy để cho một thứ "bản năng đáng kinh ngạc" tỉ tê với Ma-ri rằng "sự hổ thẹn sẽ chấm dứt ở nơi mà sự sám hối và chuộc tội bắt đầu", nghĩa là ngay trong nhà thờ, nơi duy nhất cứu vớt được con người. Ông ta quên khuấy đi sự ngay thẳng vui vẻ của Ma-ri trong cuộc du lịch, sự vui thích mà cái đẹp của tự nhiên và tình thân ái của Rô-đôn-phơ đã làm "nảy nở và chỉ tiêu tan đi khi nàng nghĩ đến mình phải trở về với mụ chủ quán của những kẻ phạm tội. Linh mục La-poóc-tơ tỏ ngay ra có một thái độ siêu phàm xuất chúng. Câu nói đầu tiên của ông ta là: "Lòng nhân từ của Thượng đế thật vô cùng vô tận, con yêu quý ạ ! Người đã chứng tỏ cho con thấy điều đó bằng cách không vứt bỏ con khi con đau khổ... Con người độ lượng cứu vớt con khỏi bước đường cùng đã thực hiện lời nói trong Kinh thánh" (xin chú ý: thực hiện lời nói trong Kinh thánh chứ không phải mục đích của con người). "Kẻ nào gọi Chúa, Chúa sẽ phù hộ, kẻ nào kêu gọi Chúa, Chúa sẽ thể theo ý nguyện của kẻ đó. Chúa sẽ nghe lời kêu than của kẻ đó và cứu vớt kẻ đó... Chúa sẽ hoàn thành sự nghiệp của Chúa". Ma-ri chưa hiểu dụng ý độc ác và lời thuyết giáo đó của linh mục. Nàng trả lời: "Con sẽ cầu nguyện cho những ai nhân từ với con và đưa con về với Chúa". Nàng trước hết nghĩ đến con người đã cứu vớt nàng chứ không phải nghĩ tới thượng đế và nàng muốn cầu nguyện cho người đó chứ không phải cầu nguyện cho sự xá tội của mình. Nàng hy vọng lời cầu nguyện của nàng có thể cứu vớt người khác. Hơn nữa, nàng còn ngây thơ đến nỗi tưởng mình đã trở về với thượng đế rồi. Linh mục cho rằng mình cần phải đập tan cái ảo tưởng trái với lòng tin ấy. Ông ngắt lời nàng: "Chẳng bao lâu nữa con sẽ được xá tội, sẽ được tha thứ những tội lỗi của con... vì đúng như đấng tiên tri đã nói. Chúa phù hộ cho tất cả những người sắp sa ngã". Xin chú ý lời nói xa lạ với tính người của vị linh mục: chẳng bao lâu nữa con sẽ được xá tội! Tội lỗi của con còn chưa được tha thứ. Khi gặp người con gái, La-poóc-tơ cố sức thức tỉnh ở nàng ý thức về tội lỗi, còn khi chia tay nàng, Rô-đôn-phơ lại tặng nàng chiếc thập ác bằng vàng tượng trưng cho tội đóng đanh câu rút đang chờ đợi nàng. Ma-ri đã sống một thời gian trong ấp trại của bà Gioóc-giơ. Trước hết chúng ta hãy nghe trộm câu chuyện giữa vị linh mục già La-poóc-tơ với bà Gioóc-giơ. Vị linh mục cho rằng người ta không thể nghĩ tới việc "gả chồng" cho Ma-ri "vì dù có mọi sự bảo đảm của La-poóc-tơ cũng chẳng có người đàn ông nào dám bất chấp cái quá khứ đã làm nhơ nhớp tuổi xuân của nàng". Ông nói thêm rằng nàng "phải chuộc lại những tội ác lớn" và "ý thức về đạo đức ắt sẽ tránh cho nàng khỏi sa ngã". Giống như anh tư sản mạt hạng, ông ta chứng minh khả năng giữ gìn đạo đức: "Ở Pa-ri, có nhiều tấm lòng từ thiện". Vị linh mục giả nhân giả nghĩa cũng thừa biết rằng từng giờ từng phút những người Pa-ri từ thiện đó thờ ơ đi qua bên cạnh những cô bé 7, 8 tuổi bán rong diêm hoặc những hàng tương tự đến tận nửa đêm, trên những phố huyên náo nhất, giống như Ma-ri thuở trước, và số phận sau này của các em ấy hầu hết cũng sẽ chẳng khác gì số phận Ma-ri. Vị linh mục tự đặt cho mình nhiệm vụ làm cho Ma-ri sám hối; trong thâm tâm, ông ta đã định tội của nàng rồi. Chúng ta hãy theo dõi Phlơ đơ Ma-ri trong một cuộc dạo chơi buổi chiều khi tiễn linh mục về nhà. "Con của ta ơi" - vị linh mục bắt đầu cất tiếng ngọt ngào "con ơi hãy nhìn ra chân trời bao la, mà lúc này mắt ta không thấy nó tận cùng ở đâu nữa" (đó là buổi chiều tối). "Ta có cảm giác rằng sự im lặng và bao la này dường như cho ta ý niệm về sự vĩnh cửu... Ta nói với con điều này, Ma-ri ạ, vì con là người dễ nhạy cảm với cái đẹp của sáng tạo... Ta luôn xúc động khi thấy sự im lặng và bao la đó gây một khoái cảm tôn giáo cho con - một con người đã từ lâu không có cảm xúc tôn giáo. Vị linh mục đã thành công trong việc biến sự say sưa trong trắng ngây thơ của Ma-ri trước cái đẹp của tự nhiên thành sự sùng bái tôn giáo. Đối với nàng, tự nhiên đã bị hạ thấp xuống đến mức được nàng coi là tự nhiên Cơ Đốc hoá, sùng đạo, là tạo vật. Bầu trời trong sáng đã bị bôi nhọ và biến thành sự tượng trưng mờ nhạt cho sự vĩnh cửu bất động. Ma-ri hiểu rằng tất cả mọi biểu hiện có tính người của bản chất của nàng đều là "tội lỗi", xa rời tôn giáo, xa rời ơn trên chân chính, là vô đạo, vô thần. Vị linh mục cần làm cho Ma-ri tự cảm thấy mình xấu xa ô uế và cần thiêu huỷ tất cả mọi lực lượng tự nhiên và tinh thần của cô gái đó để cho cô tiếp nhận được cái ân siêu tự nhiên mà ông đã hứa hẹn, tức chịu lễ rửa tội. Khi Ma-ri muốn xưng tội về một điều gì đó với linh mục và cầu xin vị linh mục sự tha thứ thì ông ta trả lời: "Chúa đã chứng minh với con rằng Người vốn nhân từ". Ma-ri không nên coi sự khoan dung mà nàng được hưởng là quan hệ tự nhiên và dĩ nhiên giữa một con người đồng chủng đối với nàng, một con người khác, đồng loại, mà phải coi đó là lòng từ thiện và khoan dung thần bí, siêu tự nhiên, siêu nhân loại, và phải coi sự khoan dung của con người là lòng từ thiện của thượng đế. Nàng phải biến tất cả những quan hệ tự nhiên và có tính chất người thành mối quan hệ ở thế giới bên kia với thượng đế. Cách trả lời của Phlơ đơ Ma-ri đối với những câu nói suông của vị linh mục về lòng nhân từ của thượng đế chứng tỏ rằng giáo lý tân giáo đã làm cho nàng sa đoạ đến mức nào rồi. Nàng bảo rằng một khi nàng ở trong một hoàn cảnh mới, tốt đẹp hơn thì nàng chỉ cảm thấy có hạnh phúc mới: "Lúc nào con cũng tưởng nhớ ông Rô-đôn-phơ. Con thường thường ngước mắt lên trời nhưng không phải để tìm thượng đế mà tìm Rô-đôn-phơ để tạ ơn ông. Đúng thế, thưa cha, con đã tự trách mình về điều đó; con đã nghĩ đến ông ấy nhiều hơn là thượng đế, vì ông ấy đã làm cho con cái mà duy chỉ thượng đế mới làm được... Con sung sướng, sung sướng như một người đã vĩnh viễn thoát khỏi một nguy hiểm lớn". Phlơ đơ Ma-ri đã cho rằng việc mình tiếp thu hoàn cảnh hạnh phúc mới trong đời sống, đúng như nó thực sự biểu hiện ra rằng việc mình cảm thấy nó là một hạnh phúc mới, rằng việc có một thái độ tự nhiên chứ không phải siêu tự nhiên đối với hoàn cảnh đó, là việc đáng trách. Nàng trách mình là đã coi người cứu mình đúng như trong thực tế, là cứu tinh của mình, chứ không thay thế người đó bằng vị cứu tinh trong tưởng tượng tức thượng đế. Nàng đã nhiễm phải sự giả nhân giả nghĩa của tôn giáo, nó đem sự cảm ơn của ta đối với người khác quy vào thượng đế và nhất loạt coi tất cả mọi cái gì hợp với tính người trong con người là xa lạ với con người và nhất loạt coi tất cả mọi cái gì trái với tính người trong con người là sở hữu thực sự của con người. Ma-ri kể tiếp rằng sự chuyển biến tôn giáo trong tư tưởng, tình cảm của nàng và trong thái độ của nàng đối với cuộc sống là nhờ bà Gioóc-giơ và La-poóc-tơ. "Khi ông Rô-đôn-phơ đưa con ra khỏi thành phố, con đã có ý thức lờ mờ về sự thấp kém của địa vị của con. Nhưng sự dạy dỗ, khuyên bảo và tấm gương sáng của cha và của bà Gioóc-giơ khiến con có thể hiểu rằng... trước kia con đã có tội đúng hơn là bất hạnh... Cha và bà Gioóc-giơ đã làm con hiểu được rằng tội lỗi của con nặng nề vô cùng". Như vậy nghĩa là nàng phải chịu ơn bà Gioóc-giơ và linh mục La-poóc-tơ về chỗ thay cho ý thức có tính người, do đó có thể chịu đựng được về địa vị thấp kém của mình, nàng đã thấm nhuần được ý thức Cơ Đốc giáo do đó không thể chịu đựng được về tội lỗi vô hạn của mình. Vị linh mục và và Gioóc-giơ giả nhân giả nghĩa đã dạy nàng tự xét mình theo quan điểm của đạo Cơ Đốc. Ma-ri cảm thấy tất cả sự đau khổ về tinh thần mà nàng gặp phải. Nàng nói: "Sự thức tỉnh của ý thức về thiện ác là đáng sợ cho con như vậy thì tại sao người ta không phó mặc con cho số phận hẩm hiu ?... Nếu người ta bỏ mặc con trong cái vực thẳm trước kia thì có lẽ sự cùng khốn và những trận đòn đã nhanh chóng kết liễu đời con, ít ra con cũng chết mà không biết gì đến sự trong trắng mà dù con thèm khát thế nào cũng không bao giờ đạt được". Vị linh mục sắt đá trả lời: "Ngay một con người phẩm chất cao thượng nhất, nếu như chìm ngập một ngày trong hố bùn mà con người cứu khỏi ấy, sau khi ra rồi cũng sẽ lưu lại trên trán một vết nhơ không bao giờ gột sạch. Đây là quy tắc không thể lay chuyển của pháp luật thượng đế". Phlơ đơ Ma-ri đau xót thấm thía trước lời nguyền rủa ngọt ngào của vị linh mục liền kêu lên: "Vậy, cha thấy đó, con sẽ tuyệt vọng suốt đời rồi". Tên nô lệ già nua của tôn giáo trả lời: "Con phải từ bỏ mọi hy vọng xé bỏ cái trang bi thảm đó trong đời sống của con, nhưng còn phải chờ mong lòng nhân từ vô hạn của thượng đế. Nơi đây, trên trần thế, con đáng thương của ta ! con chỉ được có nước mắt, sám hối, chuộc tội, nhưng một ngày kia, trên kia, nơi thiên đường, con sẽ được xá tội và hạnh phúc đời đời. Ma-ri chưa mất lý trí đến mức tự an ủi bằng hạnh phúc đời đời và sự xá tội trên thiên đường. "Xin hãy thương con, xin thượng đế hãy thương con ! - nàng kêu lên - Con còn trẻ như thế này... Ôi! bất hạnh cho con biết bao !". Bây giờ sự nguy hiểm giả nhân giả nghĩa của vị linh mục đã lên tới cực điểm: "Trái hẳn lại, đây là hạnh phúc của con, Ma-ri ạ! hạnh phúc của con ! Chúa khiến con phải hối hận, một sự hối hận đau khổ nhưng tốt lành, nó chứng minh tính cảm thụ tôn giáo của linh hồn con... Mỗi đau khổ của con đều sẽ được đền bù trên thiên đường. Hãy tin lời ta. Thượng đế đã nhất thời để con đi vào đường ta, để sau này dành cho con cái vinh dự của sám hối và phần thưởng đời đời xứng đáng với sự chuộc tội". Từ đó trở đi, Ma-ri đã trở thành nô lệ cho cái ý thức về tội lỗi của mình. Nếu như trước đây trong hoàn cảnh bất hạnh nhất, nàng đã biết bồi dưỡng cho mình cái cá tính người đáng yêu, trong điều kiện khuất phục cùng cực bên ngoài, nàng đã nhận thức được rằng bản chất người của mình là bản chất thực sự của mình, thì giờ đây, dưới con mắt của nàng, cái dơ bẩn của xã hội hiện đại làm tổn thương nàng ở bên ngoài lại trở thành bản chất nội tại của nàng; do đó, sự tự dằn vặt thường xuyên bằng cách nhớ lại vết nhơ đó đã trở thành nghĩa vụ của nàng, đã trở thành nhiệm vụ sống mà chính thượng đế đã định sẵn cho nàng, đã trở thành cái mục đích tự nó của sự tồn tại của nàng. Nếu trước kia nàng còn khoe khoang rằng: "em không phải là kẻ hay khóc sướt mướt", và cho rằng "cái gì đã làm là đã làm rồi" thì giờ đây, đối với nàng, sự tự dằn vặt đã trở thành một điều tốt lành, còn sự sám hối đã trở thành một vinh dự. Sau này, người ta phát hiện rằng Phlơ đơ Ma-ri là con gái của Rô-đôn-phơ. Khi chúng ta lại gặp nàng thì nàng trở thành quận chúa Giê-rôn-stanh. Chúng ta hãy nghe câu chuyện nàng nói với cha. "Con đã phí công cầu nguyện thượng đế cứu con thoát khỏi những sự ám ảnh đó, cho trái tim con chỉ tràn ngập lòng thành kính đối với thượng đế và những niềm hy vọng thiêng liêng, sau hết để thượng đế hoàn toàn tiếp nhận con vì con muốn hoàn toàn hiến mình cho Người... Nhưng thượng đế không lắng nghe lời cầu nguyện của con, chắc hẳn đó là vì sự quyến luyến của con đối với trần tục khiến con không xứng đáng giao thiệp với Người". Sau khi hiểu rằng, những lầm lạc của mình đều là những tội lỗi vô hạn đối với thượng đế thì người ta chỉ tin chắc là được thượng đế cứu vớt và rủ lòng từ bi khi người ta hoàn toàn hiến dâng mình cho thượng đế và hoàn toàn không màng tưởng gì đến cõi đời và việc trần. Sau khi Phlơ đơ Ma-ri hiểu rằng việc nàng thoát khỏi cảnh ngộ không có tính người là một phép màu của thượng đế thì bản thân nàng phải biến thành một thánh đồ để xứng đáng với phép màu đó. Tình yêu nhân loại của nàng phải chuyển hoá thành tình yêu tôn giáo, sự ham thích hạnh phúc trên trần phải chuyển hoá thành sự ngưỡng vọng tới hạnh phúc đời đời, sự thoả mãn trần tục phải chuyển hoá thành niềm hy vọng thiêng liêng, sự giao thiệp với người đời phải chuyển hoá thành sự giao thiệp với thượng đế. Thượng đế phải hoàn toàn nắm lấy nàng. Bản thân nàng vạch ra cho chúng ta thấy cái bí mật vì sao thượng đế không hoàn toàn nắm lấy nàng. Nàng còn chưa hoàn toàn hiến dâng mình cho thượng đế, trái tim nàng còn bị việc trần chi phối. Đó là tia chớp cuối cùng của bản tính lành mạnh của nàng. Cuối cùng nàng đã hoàn toàn hiến dâng cho thượng đế bằng cách hoàn toàn từ bỏ cõi trần và bước vào tu viện. "Tu viện không phải là nơi Của kẻ nào không có tội lỗi Thật nhiều và thật lớn Đến mức cả sớm lẫn chiều không thể gặp được niềm tin được ăn năn hối lỗi". (Gơ-tơ) Nhờ mánh khoé của Rô-đôn-phơ, ở tu viện, Phlơ đơ Ma-ri được chức thánh viện trưởng nữ tu viện. Ban đầu nàng từ chối chức vị đó cho rằng mình không đủ tư cách. Mụ viện trưởng cũ khuyên nàng: "Con yêu quý, ta nói thêm đôi lời: trước khi vào giáo hội, đời con lầm lạc bao nhiêu thì trái lại cũng trong trắng và đáng khen bấy nhiêu nên những đức hạnh phúc âm mà con đã nêu gương ở đây từ khi con đến với chúng ta, đã đền bù và chuộc lại được trước mặt Chúa bất cứ quá khứ tội lỗi nặng nề như thế nào". Qua lời nói của viện trưởng nữ tu viện, chúng ta thấy rằng những đức hạnh trần tục của Phlơ đơ Ma-ri đều biến thành những đức hạnh phúc âm, hoặc nói đúng hơn, những đức hạnh thực tế của nàng phải biểu hiện dưới hình thức biếm hoạ phúc âm. Ma-ri trả lời viện trưởng nữ tu viện: "Thưa đức mẹ, con cho rằng hiện nay con có thể đồng ý nhận chức vị đó được". Đời sống ở tu viện không thích hợp với cá tính của Ma-ri - nàng chết. Đạo Cơ Đốc chỉ an ủi nàng trong tưởng tượng. Hoặc sự an ủi của đạo Cơ Đốc đối với nàng chính là sự tiêu diệt đời sống hiện thực và bản chất hiện thực của nàng, là cái chết của nàng. Như vậy là lúc đầu Rô-đôn-phơ đã biến Phlơ đơ Ma-ri thành một cô gái có tội chết ăn năn hối lỗi, tiếp đó biến cô gái có tội biết ăn năn hối lỗi thành nữ tu sĩ, cuối cùng biến nữ tu sĩ thành thây ma. Khi chôn cất nàng, ngoài vị linh mục Cơ Đốc ra còn có vị linh mục phê phán là Sê-li-ga đọc điếu văn. Sê-li-ga gọi cuộc đời "vô tội" của Phlơ đơ Ma-ri là cuộc đời "tạm" và đối lập cuộc đời đó với "tội lỗi vĩnh viễn và khó quên". Ông ta ca tụng nàng, ông nói "hơi thở cuối cùng" của nàng là "lời cầu nguyện lòng nhân từ và sự tha thứ". Nhưng giống như vị mục sư tin lành, sau khi trình bày tính tất yếu của ơn trên của Chúa, sự góp phần của người chết vào tội tổ tông phổ biến và ý thức mạnh mẽ của người chết về tội lỗi của mình, liền quay sang ca tụng theo lối trần tục đức hạnh của người chết, ông Sê-li-ga cũng đã dùng đến lối nói như sau: "Và dù sao bản thân nàng cũng không việc gì mà phải cầu xin sự tha thứ". Cuối cùng, ông ta đặt lên mộ Ma-ri đoá hoa khô héo nhất của tài hùng biện giáo hội: "Với trái tim trong trắng hiếm thấy ở con người, nàng đã vĩnh viễn từ biệt cõi đời". A-men!
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC