Chủ nghĩa Marx

Vai trò của quần chúng trong lịch sử (1)

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ NĂM

VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG TRONG LỊCH SỬ

QUẦN CHÚNG-GIAI CẤP-CHÍNH ĐẢNG-LÃNH TỤ

1 2

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG THỨ NĂM

Mục đích

1. Nhận định chắc chắn vai trò quyết định của quần chúng trong lịch sử. Lịch sử trước hết là lịch sử của quần chúng cần lao, lịch sử của nhân dân.

2. Nghiên cứu vai trò của quần chúng trong lịch sử Việt nam.

3. Khi chủ nghĩa Mác công nhận sự tất yếu lịch sử thì chủ  nghĩa Mác không phủ nhận vai trò của vĩ nhân, lãnh tụ, chính đảng.

4. Nhận định rõ rằng duy vật lịch sử trái hẳn với tiền định luận và chủ quan luận.

5. Xác định quan điểm quần chúng của người Cách mạng Mác xít.

Trọng tâm

1. Quan điểm quần chúng

2. Vai trò lãnh đạo của Đảng

 

 

 

I. VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG TRONG LỊCH SỬ

Trích vài đoạn của các lãnh tụ về vai trò của quần chúng:

Quan niệm duy vật về lịch sử, hay, nói cho đúng hơn, sự ứng dụng và sự triển khai triệt để duy vật luận vào lĩnh vực của các hiện tượng xã hội, đã thủ tiêu hai điều sai lầm căn bản của các lý thuyết lịch sử trước kia. Thứ nhất: các thuyết này nhiều nhất là chỉ kể đến những động cơ tư tưởng của sự hoạt động lịch sử của con người mà không tìm kiếm những cái gì làm nẩy sinh các động cơ ấy, không tìm kiếm những quy luật khách quan nào nó chủ trì sự phát triển của hệ thống các tương quan xã hội, và không xem xét cội rễ của những tương quan ấy, với trình độ phát triển của sự sản xuất vật chất. Thứ hai: các lý thuyết trước kia đã rõ ràng là không đếm xỉa đến tác dụng của quần chúng nhân dân; còn như duy vật lịch sử thì, lần đầu tiên nó cho phép ta nghiên cứu một cách chính xác như trong khoa học tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những thay đổi của điều kiện ấy…”1

Nếu nó muốn trở thành một khoa học thật sự, thì  khoa học lịch sử không còn có thể thu gọn lịch sử của sự phát triển xã hội vào hành động của vua chúa, của tướng lĩnh, của bọn “chinh phạt”, và bọn “áp bức” các quốc gia; khoa học lịch sử phải chú trọng trước hết đến lịch sử của những người sản xuất các của cải vật chất, chú trọng đến lịch sử của quần chúng  lao động, lịch sử  của nhân dân các nước.”2

“Lực lượng chúng ta là hằng triệu nông dân lao động sẵn sàng chờ Chánh phủ và Đảng tổ chức và lãnh đạo, để hăng hái vươn mình dậy đánh tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo thì lực lượng sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan.”3

“Lao tác khiêm tốn và vô danh của những người tầm thường ấy, thực ra là một công trình lớn lao, công trình sáng tạo, công trình ấy quyết định vận mạng của lịch sử.”

Không phải chỉ có những người lãnh đạo mà trước hết và nhất là có hằng triệu người lao động họ quyết định vận mạng của dân tộc, của quốc gia. Công nhân và nông dân làm nhà máy, làm mỏ, làm đường tàu hỏa, công cộng nông trường và sô viết nông truờng, làm êm đềm không khua chuông gõ mõ chính họ làm ra tất cả các của cải của đời sống, chính họ nuôi ăn và mặc áo cho cả thế giới đó là anh hùng thật sự, những người sáng tạo ra đời sống mới.” 4           

Cứ theo những lời trên đây thì các lãnh tụ cách mạng đều nhận định rõ và sâu sắc vai trò của quần chúng trong lịch sử; vai trò ấy là vai trò quyết định. Chúng ta hãy cứ những tỷ dụ cụ thể để chứng minh điều ấy. Trong lịch sử Việt nam, khi nhà viết sử phong kiến đế quốc hay tư sản trình bày thì chúng ta chỉ thấy các vua Hùng vương, bà Trưng, Lý Bôn, Ngô Quyền, các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các tên Toàn quyền, có võ tướng, các nhà thi có tên tuổi, các trận đánh lớn v.v. Ít khi ta thấy họ nói đến nhân dân, hay có nói đến là chỉ vì khởi nghĩa của nhân dân ta quả làm nghiêng vua đổ chúa, họ không thể dấu được mà trong những trường hợp đó, họ đưa tài ba, tư tưởng, mưu chước của vị anh hùng nào đó để cắt nghĩa sự thành bại.

Gần đây tên Philippe Devilliers viết “Việt sử từ 1940 đến 1942” trang 467 có câu:

“Thực tế sự kiện Đông dương từ năm 1943 diễn ra giữa không đầy 100 nhân vật (50 người Pháp và 50 người Việt nam lối đó)”.

Cái câu ngu dốt đó tượng trưng cho một quan điểm duy tâm về lịch sử: lịch sử là lịch sử của nhân vật vĩ nhân, anh hùng, quần chúng là phức tạp, vô tâm, vô lự; quần chúng chỉ là những con cờ, những lá bài trên tay của một số ít người tài trí…

Trái lại mới đúng.

Ai biến rừng xanh thành 5 triệu mẫu ruộng vườn nuôi 25 triệu con người? -Lẽ tất nhiên là nhân dân, là nông dân, suốt 2000 năm lịch sử.

Ai phơi xương đổ máu đánh bại mười mấy lượt xâm lăng? –Lẽ tất nhiên là nhân dân. Và lúc nào nhân dân tham dự kháng chiến đông đảo nhất như đời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ chủ tịch thì giặc mạnh mấy cũng phải thua. Còn trái lại lúc nào không có nhân dân tham gia thì có tài như Hồ Quý Ly, có chí như Phan Đình Phùng cũng đành nuốt hận mà thôi.

Còn xét lại các sự thay đổi triều đại trong sử ta, ta thấy rằng vai trò của nhân dân, của nông dân cũng là quyết định. Ví dụ: nhà Trần đủ sức thắng quân Nguyên mà sụp đổ không gượng nổi vì nông dân, nô tỳ tranh đấu chống chế độ thái ấp, điền trang của vương hầu, của nhà chùa. Nhà Lê, các chúa Trịnh, Nguyễn đổ đi vì Tây sơn mà Tây sơn trong bản chất của nó, ít ra trong lúc đầu, là một khởi nghĩa của nông dân liên kết với nhiều phần tử thương mãi đương mọc khá mạnh…

Hay là xét đến nội dung chính trị của các triều đại thì căn bản là những phương sách khác nhau để đối phó với nhân dân, để “trị oai”, “dẹp loạn” mà những cuộc gọi là “loạn” ở xứ ta gọi là thực không lúc nào ngớt, từ hồi nội thuộc Trung quốc qua thời độc lập đến lúc dưới ách thực dân Pháp.

Còn như Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến thì ở đây vai trò của quần chúng đã rõ rệt lắm rồi, nào phải là một cuộc đấu trí giữa một trăm nhân vật Pháp và Việt?

Trong lĩnh vực văn hóa ta hãy đưa một vài tỉ dụ: người ta gán cho Hàn Thuyên, Sĩ Cố cái tài chế và dùng chữ nôm, nhưng nếu đến Hàn Thuyên, Sĩ Cố chữ nôm thịnh đạt như thế là vì trước đó những kẻ vô danh, không phải ở triều đình, ở nhà quê đã không đóng vai vẹt chữ Hán như vua quan, mà dân dần chế ra chữ nôm để diễn tả, chi chép tư tưởng, ý chí phong tục của quần chúng nhân dân. Hay là ta cứ so sánh cái nghèo nàn nông cạn của văn chương phong kiến với cái giàu có và sâu sắc của văn chương bình dân qua phong dao, tục ngữ, tiếu lâm, và truyện thì ta thấy rõ vai trò của quần chúng.

Ở Việt nam cũng như ở khắp thế giới, lịch sử loài người là lịch sử của sự sản xuất; thì lịch sử loài người tất nhiên là lịch sử của những kẻ làm ra của cải, vật chất cho đời sống của xã hội, tức là lịch sử của nhân dân, của quần chúng lao động truớc hết. Hàng chục năm mới có một cuộc chiến tranh; hằng thế kỷ mới có một thiên tài; nhưng hằng ngày con người phải sống, phải sản xuất, phải quan hệ với tự nhiên và con người khác. Chế độ xã hội này đổ, chế độ xã hội khác thành, không phải tại thiên tài, kiện tướng, mà tại sự phát triển của lực lượng sản xuất, tại giai cấp tranh đấu như trên kia đã nói. Mà nói lực lượng sản xuất, giai cấp tranh đấu là nói đến quần chúng đông đảo. Ngay những bọn xâm lăng, những tướng giỏi, những nhà chính trị cao dầu ở thời đại nào cũng phải kể đến quần chúng, cho nên nhà Minh sang chiếm nước ta, cố ly gián nhân tâm với nhà Hồ; cho nên Trần Hưng Đạo kêu gọi tướng sĩ nhân dân cùng đánh giặc, chung sức với nhà vua để bảo vệ thái ấp của thân vương và đồng thời bảo vệ miếng cơm tấm áo của người dân, cho nên ngày nay giặc Pháp lợi dụng Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Phật giáo để cố lôi kéo một phần dân ta theo nó.

o0o

Trong lịch sử thế giới vai trò của quần chúng luôn luôn rõ, chỉ hiếm một điều là các nhà làm sử của vua chúa nghìn chuyện tầm thường của triều đình mà bỏ hầu hết các chuyện quan trọng của nhân dân, cho nên ngày nay thành tích của nhân dân không còn được đầy đủ như sự thực thực tế lịch sử.

Dù chi đi nữa, chính sự khởi nghĩa của người nô lệ cộng với sự tấn công của người dã man và các cuộc hưởng ứng của nông dân đã đưa chế độ La Mã tới sự sụp đổ, tới suy tàn của thời đại nô lệ. Hay là chính bình dân do tư sản lãnh đạo lật độ các chế độ phong kiến ở Tây Âu. Và chính vô sản và nông dân lao động đánh đổ tư bản ở Liên xô và các nước Âu châu dân chủ nhân dân hiện đang xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sử loài người là đó; sử ấy là do quần chúng làm ra.

Còn như những tên trùm phong kiến, tư bản, hầu hết là những con ruồi đậu trên bánh xe lịch sử; nó tưởng nó đẩy xe, có thế thôi. Lịch sử Pháp kể tên Napoléon III, Thiers, bọn đó Mác gọi là con ruồi và gọi như thế là rất đúng. Bọn ấy là ruồi thì bọn bù nhìn Hoạch, Xuân Tâm, Bảo Đại chỉ là trứng ruồi mà thôi.

Bởi vậy cho viết sử mà:

1. Chỉ thấy ý kiến, tư tưởng mà không tìm thấy sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự thay đổi của quan hệ sản xuất, thì phạm vào lỗi duy tâm, chủ quan, không cắt nghĩa được sự biến chuyển của xã hội, không cắt nghĩa được tận gốc những hiện tượng lịch sử.

2. Chỉ thấy vĩ nhân, anh hùng mà không nhấn mạnh vào cuộc sống còn, nguyện vọng tranh đấu của đa số nhân dân thì phạm vào lỗi cá nhân, chủ quan, không cắt nghĩa đưọc vì sao có những “thời lai, vận khứ”, vì sao anh hùng xuất hiện hay bị chôn vùi.

Có một điều mà ta cần chú ý đến là lịch sử loài người càng tiến thì sự tham gia chính trị của quần chúng càng đông, quần chúng càng giác ngộ làm lịch sử của xã hội: cách mạng tư sản được quần chúng tham gia đông hơn là cách mạng của nô lệ; cách mạng vô sản được nhân dân tham gia đông hơn là cách mạng tư sản. Lịch sử ta cũng chứng minh điều ấy: đời Trần, đời Lê có những cuộc chiến tranh của nhân dân chống xâm lăng. Nhưng đến nay khi giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng nhân dân thì chiến tranh mới thật là rộng rãi, sâu sắc hơn lúc nào cả. Ngược lại khi nào cùng với một biến cố lịch sử xảy ra, ta thấy ít có quần chúng tham gia thì ta có thể nói rằng biến cố ấy không sâu sắc (ví dụ như khởi nghĩa Yên Bái so với khởi nghĩa Tháng Tám)); và khi nào cùng với một biến cố lịch sử xảy ra, ta thấy không có quần chúng tham gia thì ta có thể nói rằng biến cố ấy không quan trọng mấy về mặt biến chuyển lịch sử (như đảo chính 9/3/1945 của Nhật lật Pháp). Lénine có nói:

Ở đây, một trong những luận cương sâu sắc nhất, đơn giản nhất, đồng thi dễ hiểu nhất của chủ nghĩa Marx được chứng thật. Những hành động lịch sử càng to lớn rộng rãi thì số người tham dự càng đông đúc, sự biến đổi mà chúng ta muốn có lại càng sâu sắc và càng khêu gợi hàng triệu con người nhận thức quyền lợi của họ, nhận thức rằng cần phải hành động.”

Lénine cũng có nói:

Công trình lịch sử càng phát triển và ăn sâu thì tương đương theo đó càng tăng lên số quần chúng nhân dân làm lịch sử một cách có ý thức.”

o0o

Căn cứ vào sự nhân định vài trò của quần chúng người chiến sĩ cách mạng, Đảng tiền phong cần phải thấm nhuần quan điểm quần chúng trong mọi chủ trương và mọi công tác của mình. Quan điểm quần chúng là gì? Có thể tóm tắt như sau đây:

1. Toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Phàm mỗi chủ trương, mỗi công tác đều nhắm mục đích làm lợi ích quần chúng nhân dân; cái gì có hại cho quần chúng nhân dân thì không làm, mà phản đối; cái gì có lợi cho quần chúng nhân dân thì dầu khó mấy cũng làm cho bằng được.

2. Tin chắc vào khả năng của quần chúng, khả năng sáng tạo, khả năng tranh đấu và chiến thắng và mỗi chủ trương, mỗi công tác đều nhằm vào sự phát huy khả năng của quần chúng.

3. Phụ trách trước quần chúng. Phụ trách trước thượng cấp không trái với phụ trách trước nhân dân, vì quyền lợi của Đảng của Chính phủ không có gì trái với quyền lợi của quần chúng. Phải có ý thức để cho quần chúng kiểm tra tư tưởng, hành động đến đời sống của mình nữa.

4. Thành thật học hỏi nơi nhân dân quần chúng; đúc kinh nghiệm của quần chúng để giáo dục lại quần chúng.

5. Lãnh đạo quần chúng theo đường lối của Đảng tiền phong; biến đổi phong trào tự phát thành phong trào gíác ngộ sâu sắc có chí hướng. Tìm hiểu nguyện vọng thiết yếu của quần chúng, phát hiện vấn đề, giúp giải quyết vấn đề theo đường lối quần chúng, đó là tiêu chuẩn chắc chắn của quan điểm quần chúng.

Nhân vật phong kiến, tư bản có khi đứng đầu phong trào quần chúng, thoả mãn một vài lợi ích rất tạm thời của quần chúng, nhưng mục đích của chúng nó là để lợi dụng quần chúng đắp nền hư danh, xây phú quý riêng, để rồi phản lại quần chúng. Chúng nó sợ quần chúng, ghét quần chúng, bao giờ cũng muốn cho quần chúng yên lặng, thụ động, ngu muội, dễ trị. May lắm là, dưới áp bức của quần chúng, bọn ấy hoăc phải nhượng bộ, hoặc là tuồng ban ơn cho quần chúng để rồi chờ dịp tốt nhất mà đàn áp quần chúng. Cái câu “dân khả sở do chí, bất khả sở tri chí” của Khổng tử nói lên đúng tinh thần  khinh dân, ghét dân, sợ dân của phong kiến, tư sản.

II – VAI TRÒ CỦA GIAI CẤP LÃNH ĐẠO VÀ CỦA ĐẢNG TIÊN PHONG TRONG PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG 

Quần chúng là tất cả các tầng lớp người tiến bộ. Quan niệm “nhân dân” tuỳ giai đoạn cách mạng mà rộng ra hay tương đối hẹp lại. Ví dụ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ngày nay, nhân dân gồm từ giai cấp công nhân đến tư sản dân tộc, qua nông dân, tiểu tư sản. Đến cách mạng xã hội chủ nghĩa thì giai cấp tư sản (thành thị và thôn quê) ra ngoài nhân dân; nhưng lúc ấy thì các tầng lớp công nông càng đông đúc tổ chức và tích cực hoạt động hơn. Song, kèm với quan niệm “quần chúng”, phải có quan niệm giai cấp, đặc biệt là giai cấp lãnh đạo, quan niệm chính đảng tiền phong và quan niệm lãnh tụ đảng, lãnh tụ giai cấp, lãnh tụ nhân dân.

Nói quần chúng nhân dân thì phải chú trọng đặc biệt đến giai cấp lãnh đạo, bởi vì, thuyền to mà không lái thì không đi tới đâu, toa xe lửa dài mấy không đầu tàu thì không chở gì được; không lãnh đạo thì phong trào tự phát của quần chúng sẽ bị hư hỏng và trở lại làm hại quyền lợi của quần chúng.

Có những lúc trong lịch sử vài nhóm phong kiến lĩnh đạo nhân dân chống xâm lăng một cách thắng lợi và anh dũng; trong lịch sử thời kỳ này đã qua hẳn từ lâu rồi. Và từ lâu nay, từ cuối thế kỷ trước, phong kiến đã trở thành đồng minh tôi tớ của xâm lăng; cho nên không lạ gì mà các thủ tướng bù nhìn đều là người gốc ở Nam bộ, xứ đại diền sản. Hiện trạng tôn giáo ở đó, cũng như sự toan làm cải cách nông thôn của bọn Việt gian, đều tiêu biểu caí ý chí của phong kiến tư sản mại bản muốn tranh thủ quần chúng với ta, với giai cấp vô sản.

Lại có những lúc trong lịch sử ta, giai cấp nông dân đa số của dân tộc không được tay dìu dắt của một giai cấp ở thành thị nên, hoặc quần chúng nông dân khởi nghĩa không thành công, hoặc khởi nghĩa thành công rồi những lãnh tụ trở lại phản nông dân, trở lại một thời vua chúa mới (Tây Sơn). Đó là một tất yếu lịch sử chớ không phải tại anh em Tây Sơn chia rẽ, tại Nguyễn Huệ chết sớm như nhiều người tưởng lầm.

Rồi có những lúc mà từng bộ phận và từng nơi có giới hạn quyền lãnh đạo về tay tư sản (Yên Bái) Việt nam quốc dân đảng hồi 1930. Nhưng tư sản non nớt không phát động được đông đảo quần chúng. Quốc dân đảng thoái hóa trở thành đảng của lưu manh, tư sản mại bản, phản dân phản nước. Đó cũng là tất yếu lịch sử nữa. Ngược lại phong trào tự phát của giai cấp công nhân nổi lên từ năm 1923-24 trở đi 1939 gây điều kiện cho sự thành lập đảng Cộng sản Đông dương. Đảng thành lập phong trào công nhân càng lên cao và ngay sau đó toàn quốc nông dân và tiểu tư sản nổi lên tranh đấu (1930-31) chưa hề ở xứ ta có phong trào rộng và sâu như thế quần chúng được tay đảng dìu dắt nên phát huy được tất cả khả năng của mình biết đường đi, biết hướng tiến, có tổ chức, quyết liệt đấu tranh đẩy mạnh lịch sử đến trước đó là nhờ có giai cấp  tiền phong, giai cấp công nhân lãnh đạo. Chỉ có giai cấp công nhân mới có chủ trương cách mạng điền địa triệt để và triệt để bài trừ đế quốc. Và giai cấp công nhân lãnh đạo được quần chúng là khi nó có đảng tiền phong của nó chỉ huy; chính đảng tiền phong này cũng xuất hiện từ trong cao trào của giai cấp công nhân nói riêng và quần chúng nói chung. Trong thực tế xã hội Việt nam vai trò lãnh đạo của giai cấp  công nhân là một sự thực không phải là vấn đề lý luận mà thôi. Chính giai cấp công nhân biết rằng mình sở dĩ mạnh trước hết là vì mình có khả năng lãnh đạo được hàng triệu quần chúng; đặc biệt là quần chúng nông dân; và sở dĩ phải như thế vì giai cấp công nhân tiêu biểu quyền lợi lâu dài của toàn thể dân tộc.

Cho nên nói đến vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử không thể quên được hay xem rẻ vai trò lãnh đạo của giai cấp lãnh đạo của đảng tiền phong. Vai trò của đảng tiền phong sở dĩ tích cực đưa đến thắng lợi không phải Đảng ấy tự sức mình làm cách mạng, cũng không phải vì đảng ấy huy động riêng giai cấp công nhân làm cách mạng mà vì nó lãnh đạo được quần chúng nhân dân làm cách mạng, vì nó biết khai thác hướng dẫn tất cả khả năng của quần chúng nhằm vào mục đích giải thoát nhân dân phục vụ quần chúng.

Đông không đủ phải có tổ chức

Mạnh không đủ phải có đường lối

Cương quyết không đủ, phải có sách lược đối phó với kẻ thù. Sách lược đấu tranh cho quảng đại quần chúng chớ Đảng tiên phong không thay thế cho quần chúng được. Rời quần chúng nó sẽ trở thành bất lực mất tính chất tiền phong của nó.

III – VĨ NHÂN, LÃNH TỤ, ANH HÙNG

Có những người nghĩ rằng chủ nghĩa Marx chỉ thấy có quần chúng, giai cấp mà không thừa nhận vai trò của vĩ nhân, anh hùng, lãnh tụ. Nghĩ như thế là không đúng. Vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng đã xuất hiện suốt trong các giai đoạn lịch sử các nước thì người Mác-xít phủ nhận điều ấy là thế nào? Song phải biết ai là người vĩ nhân, ai là lãnh tụ, ai là anh hùng.

Vì sao xuất hiện vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng? Tác dụng thực của những người ấy ra sao?

Mỗi giai cấp có quyền lợi của nó, chính đảng của nó, lãnh tụ của nó. Thế nhưng có nhiều giai cấp không tạo nổi chính đảng ra trò, càng không sản xuất được lãnh tụ của nó. Ví dụ bọn phong kiến, tư sản mại bản Việt nam, dù có đế quốc trợ lực chưa hề lập thành một đảng ra trò, thống nhất, mạnh, càng không sản sinh ra được tay lãnh tụ của nó. Nếu có lãnh tụ thì giá trị của giai cấp ấy bao nhiêu thì giá trị của lãnh tụ của chúng là bấy nhiêu: chính giặc Pháp đã than rằng bọn phong kiến Việt nam, tư sản mại bản Việt nam không có người xuất sắc. “Xuất sắc” nhất của chúng là những con bài Bảo Đại, Thinh, Hoạch, Xuân Hựu, Tâm toàn là số giá áo túi cơm cả.

Ngay tư sản Pháp già nua, mọt rĩ cũng không sinh ra lãnh tụ xuất sắc, mà quay đi quẩn lại cứ thấy mấy cái mặt mo chính trị, lầu xanh từ vài chục năm nay: một giai cấp đang xuống không sinh ra vĩ nhân nổi. Vĩ nhân là những lãnh tụ tài cao xuất chúng, có công to với lịch sử. Những giai cấp đang lên sản xuất ra anh hùng lãnh tụ vĩ nhân cho giai cấp ấy và cho cả dân tộc.

Một giai cấp đang xuống có thể sản xuất ra những người có tiếng, có tiếng không nhất thiết phải là vĩ nhân, còn vĩ nhân thì tất nhiên là có tiếng. Giặc Pháp nêu danh bọn bù nhìn, bọn bù nhìn giống như là con ruồi đậu trên đít trâu, thấy xe lăn lên dốc tưởng mình có công rất lớn đẩy xe. Nhiều cái tên to trong lịch sử ta, ta cần xét lại chân giá trị của nó, lấy tiêu chuẩn “đẩy lịch sử tới trước” và “lãnh đạo quần chúng” mà kiểm điểm. Phong kiến đến lúc suy tàn như hồi Tự Đức không thể nảy sinh anh hùng dân tộc, lãnh tụ hay vĩ nhân, mà cả bầy tôi lương đống của nó chỉ còn biết thi nhau tự tử bằng thuốc độc, nhịn ăn, treo cổ, nhảy xuống sông, khi giặc Pháp kéo đến. Một khi đã cắt đứt liên hệ, cảm tình với quần chúng thì anh hùng không có đất để mọc được. Năm 1941, đồng chí Stalin có viết mấy câu sau đây về Napoléon và Hitler:

“Người ta nói đến Napoléon, và người ta cho rằng Hitler làm như Napoléon, rằng Hitler giống Napoléon hoàn toàn. Nhưng trước hết chớ quên sự mạt lộ của Napoléon. Kế đó phải biết rằng Hitler giống Napoléon tựa như con mèo giống như con sư tử… Bởi vì Napoléon đã tranh đấu chống lực lượng của phản động và đã dựa vào những lực lượng tiến bộ, còn Hitler dựa vào những lực lượng phản động mà chống lại lực lượng tiến bộ, cái anh chàng tầm thường và vô giá trị ấy đã bị gỡ mặt nạ hoàn toàn.”

Stalin viết những dòng này vào năm 1941, lúc Hitler lẫy lừng danh tiếng nhất, chính lúc ấy Stalin nói Hitler là thằng bất tài, là thằng giặc tầm thường, không phải vĩ nhân anh hùng gì cả, trước hết bởi vì nó dựa vào lực lượng phản động chống lực lượng tiến bộ. Chỉ có lực lượng tiến bộ mới sinh nở vĩ nhân (phong kiến hồi thành lập quốc gia dân tộc độc lập, tư bản trong hồi tiến bộ và vô sản ngày nay).

Anh hùng của giai cấp vô sản là anh hùng cao tột bực, bởi vì giai cấp vô sản huy động được phong trào của toàn dân, xưa nay chưa có giai cấp nào làm được như thế, trong phong trào đấu tranh sản xuất của đa số con người nảy sinh ra vô số anh hùng vô danh của nhân dân và dân tộc ở khắp các ngành, các ngày tháng, các mặt trận. Thực ra thì những người lao động vô danh làm cho nhân loại có cơm ăn, áo mặc nhà ở, làm cho quân đội cách mạng có sức chiến đấu, trí thức có điều kiện nghiên cứu, họ đều là những anh hùng thực sự, họ quyết định lịch sử, các vị anh hùng hữu danh trong điều kiện đó kết tinh tất cả những cái ưu tú nhất của vô số người ưu tú nhất; lạ gì mà nhân loại có những ngưòi như Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao Trạch Đông vĩ đại nhất trong hàng vĩ nhân của nhân loại xưa nay.

Hơn nữa anh hùng, vĩ nhân của ta là toàn diện, cải tạo vũ trụ và xã hội sâu sắc hơn, mau chóng hơn bất cứ vĩ nhân của thời đại nào, bởi vì họ thâm hiểu quy luật của vũ trụ và xã hội, bởi vì họ huy động được toàn dân đẩy lịch sử tới trước một cách có ý thức.

Vì vậy chủ nghĩa Mác Lê không phủ nhận anh hùng, vĩ nhân; anh hùng và vĩ nhân xuất hiện không có gì trái lại với hai chân lý, hai quy luật của duy vật lịch sử: tất yếu xã hội và vai trò quần chúng.

Sự xuất hiện vĩ nhân, trước hết là một lẽ tất yếu của điều kiện lịch sử. Cắt nghĩa tại sao chủ nghĩa Lénine xuất hiện ở Nga và Lénine là người sáng tạo ra chủ nghĩa ấy, đồng chí Staline trình bày tư tưởng duy vật lịch sử một cách thần tình như sau đây:

1. “Các mâu thuẫn chính của tư bản chủ nghĩa thịnh hành làm cho nó trở thành chủ nghĩa tư bản rẫy chết, cách mạng vô sản trở thành cần yếu trong thực tế và không thể tránh khỏi.

2. Cuộc đế quốc chiến tranh làm cho các mâu thuẫn thêm sâu, tụ lại thành một mối, làm cho phong trào vô sản thêm mau và thêm dễ.”

Đó là tình hình quốc tế nào đã làm nẩy sinh chủ nghĩa Lénine. Nhưng người ta tự hỏi tại sao Nga còn lạc hậu so với nhiều đế quốc lại làm cách mạng vô sản trước, tại sao Lénine làm việc ở Nga mà lại trở thành người sáng tạo lý luận cách mạng vô sản thế giới, người lãnh tụ nhân thế giới? - Bởi vì:

1. Nước Nga là trung tâm các mâu thuẫn đế quốc lúc ấy.

2. Trung tâm cách mạng thế giới từ đầu thế kỷ đã xoay về Nga, ở đây có những lực lượng cách mạng trước hơn mọi nơi để giải quyết các mâu thuẫn đế quốc vô sản giai cấp liên kết với nông dân, có đảng Bôn-sơ-vích lãnh đạo.

Nếu thế thì lạ gì mà thấy rằng cái nước đã làm một cuộc cách mạng như thế, và có một giai cấp vô sản như thế trở thành quê hương của lý luận và chiến thuật cách mạng vô sản? Lạ gì mà thấy rằng người lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga, Lénine, trở thành người sáng tạo lý luận và chiến thuật ấy trở thành lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới?”1

Nói khác hơn, chỉ có thể có Lénine ở xứ Nga đầu thế kỷ 20, không thể có Lénine ở xứ Nga đầu thế kỷ 19, không thể có Lénine ở Pháp, ở Anh hồi đầu thế kỷ 20. Anh hùng xuất chúng nào cũng đều do điều kiện lịch sử tạo ra; vĩ nhân tài cao chí cả mấy cũng là sản phẩm của thời thế. Duy họ biết tùy quy luật tất yếu, cùng quần chúng, mà thay đổi thời thế, tạo điều kiện lịch sử mới, đẩy mau lịch sử tới trước.

Hồ chủ tịch là một vĩ nhân, nhưng Hồ chủ tịch cũng là sản phẩm cao quý của phong trào dân tộc, của nhân dân tranh đấu; chỉ có Hồ chủ tịch sau Đại chiến thứ nhất tới nay, lúc vô sản giai cấp thành hình và giác ngộ lãnh đạo cách mạng; không thể có Hồ chủ tịch hồi 1884 lúc chưa có vô sản giai cấp. Khi đã có Hồ Chí Minh thì vai trò của Hồ Chí Minh trong việc thống nhất lực lượng cách mạng, lãnh đạo Cách mạng tháng Tám và kháng chiến thì ai ai đều rõ. Quan hệ giữa vĩ nhân và điều kiện lịch sử là thế, giữa anh hùng và thời thế là thế.

IV- NÓI TẤT YẾU LỊCH SỬ, NÓI VAI TRÒ QUẦN CHÚNG THÌ CÓ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CỦA CÁ NHÂN TRONG LỊCH SỬ KHÔNG?

Nhiều học giả tư bản bảo rằng “người Mác-xít nhận sự tất yếu lịch sử, cho nên đối với họ, con người chỉ là con số thôi, cá nhân không có tác dụng gì cả.” Đó là một sự xuyên tạc.

Lénine nói:

Ý kiến về tất yếu lịch sử không hại gì đến vai trò của cá nhân cả. Chính lịch sử là công nghiệp của những cá nhân, cá nhân ấy là những người hành động. Vấn đề thực là hỏi vậy trong những điều kiện nào mà hành động cá nhân có kết quả tốt.”

Vậy khi người Mác-xít thừa nhận sự tất yếu của lịch sử và nhận định rõ vai trò của quần chúng trong lịch sử thì người Mác xít chưa hề phủ nhận vai trò của cá nhân. Duy người Mác-xít không thừa nhận rằng cá nhân có thể làm lịch sử theo ý mình, ý riêng mình. Người Mác-xít không tách cá nhân ra khỏi quần chúng. Chủ nghĩa Mác trái hẳn với “tiền định luận” và “chủ quan luận”; “tiền định luận” nghĩ rằng “trời đã khiến”, “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” con người không làm gì được, tiền định luận đưa đến thaí độ bi quan, yếm thế, buông trôi, “đã đành nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần làm sao”. Còn”chủ quan luận” là thuyết bảo rằng, lịch sử tuỳ ý chí con ngưòi, người hay thì xã hội hay, người dở thì xã hội dở.

Cả hai đều sai lầm. Tiền định luận không thấy vai trò của ý thức, của cá nhân, chính đảng, lãnh tụ. Chủ quan luận không thấy những quy luật khách quan của lịch sử, của kinh tế.

Bọn duy tâm bảo lịch sử tuỳ cá nhân? Nhưng tại sao Hitler muốn lập một đế chế dài nghìn năm mà đổ sớm, không quá 10 năm? Tại sao cả Anh, Pháp, Mỹ, Hà… muốn giữ xứ ta làm thuộc địa của Pháp mà Việt Nam vẫn chinh phục gìn giữ được độc lập?

Tại sao cả thế giới tư bản họp nhau lại đánh phá bao vây xứ Liên xô mà Liên xô không chết theo ý muốn của Churchill, Hitler, Truman? Chẳng qua vì ý muốn của bọn ấy trái với quy luật phát triển của xã hội. Lịch sử không giật lùi từ xã hội chủ nghĩa về tư bản, từ tư bản về phong kiến.

Tuy nhiên một bọn phản động có tài có thể kéo dài được thêm ít lâu cái chế độ tàn ác của nó, tránh cho chế độ ấy một số điều trắc trở. Còn lại những tên lãnh tụ quá ngu ngốc, quá nông nổi cũng có thể làm cho một chế độ sớm tàn hơn. Ví dụ: khôn khéo của bọn đế quốc Anh (Arrier-Churchill) làm cho đế quốc Anh tránh được cuộc chiến tranh với dân tộc An sau thế giới đại chiến lần thứ hai. Trái lại, cái ngu ngốc, cái nông xiển của bọn cầm quyền Pháp như De Gaulle, D’Argenlieu làm cho đế quốc Pháp sa lầy ở Việt Nam, kiệt sức vì chiến tranh ở Việt Nam. Tuy thế, tuy hay dở của cá nhân phản động có tác dụng, tác dụng đó vẫn lâm thời, chi tiết, không thay đổi chiều lịch sử được, không cứu vớt được chế độ cũ. Thầy thuốc dở làm ông cụ chết sớm, ông thầy thuốc giỏi kéo dài đời sống của ông cụ thêm ít ngày; ông cụ cứ sẽ chết vì già phải chết là một quy luật tất yếu.

Không nên thấy cái gì xảy ra cũng gọi là tất yếu lịch sử cả. Tất yếu chỉ những điều gì nhất thiết phải xảy ra, không thể không xảy ra được. Ví dụ cách mạng vô sản là tất yếu lịch sử mà cái việc Hitler lên cầm quyền lập chế độ quốc xã, điều ấy có nguyên nhân rõ rệt nhưng không phải là tất yếu bởi vì ta có thể ngăn chủ nghĩa phát xít bằng nhiều chiến thuật, sách lược tương ứng với tình thế (ví dụ theo sách lược của đại hội thứ 7 Quốc tế Cộng sản). Cũng như thế, chiến tranh đế quốc là một tất yếu lịch sử trong lúc đế quốc chủ nghĩa hãy còn, nhưng một cuộc chiến tranh nhất định nào đó thì ta có thể ngăn nó được bằng phong trào hòa bình, mà phong trào này bản thân nó là một tất yếu lịch sử. Hay lấy trong Việt sử, cách mạng bạo động để giải phóng dân tộc là một tất yếu lịch sử nhưng cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ năm 1940 chẳng hạn không phải là tất yếu vì ta có thể, ta cần phải tránh làm một cuộc khởi nghĩa non nớt như thế, người nào lãnh đạo bấy giờ mà chủ trương sai lạc thì do đó người ấy đã làm chậm trễ ít nhiều sự tiến hóa của xã hội ta.

Năm ngoái có người bảo rằng “trí thức zinh tê” là một điều tất yếu, tôi thiết tưởng không biện luận như thế được; trí thức nói chung là tiểu tư sản, lẽ tất nhiên lịch sử là trong thời tư bản tàn tạ, nhất là trong hoàn cảnh đấu tranh giải phóng dân tộc tiểu tư sản ngày nay đi với nhân dân, chịu quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, vô sản lãnh đạo họ được, phải lãnh đạo họ; tiểu tư sản đi với cách mạng dân chủ mới là tất yếu, còn từng cá nhân rơi rụng thì lại là một việc dễ hiểu.

Vai trò của những cá nhân sáng suốt, của những lãnh tụ cách mạng thật là lớn lao, họ đẩy lịch sử tới trước; sở dĩ họ làm được việc không phải là vì họ tự do theo ý riêng của họ mà vì họ hành động đúng theo quy luật khách quan của xã hội. Vì họ tuỳ theo lẽ tất yếu lịch sử mà hành động, cũng không phải vì riêng họ đủ sức đủ tài, mà vì họ biết đi sát quần chúng, lãnh đạo quần chúng, được quần chúng ủng hộ, được quần chúng soi sáng trong lúc họ soi sáng quần chúng.

Staline đáp lời một ký giả Đức, ông Emile Ludwig như sau:

“Chủ nghĩa Marx không hề phủ nhận vai trò cao cả của những cá nhân, càng không chối cải rằng con nguời làm ra lịch sử. Nhưng lẽ tất nhiên không phải con nguời làm ra lịch sử theo ý riêng, theo tưởng tượng của mình. Một thế hệ luôn luôn gặp những điều kiện nhất định, sẵn có khi thế hệ ấy xuất hiện ra, và những vĩ nhân có giá trị là khi nào họ hiểu rõ những điều kiện ấy, họ biết cách biến cải những điều kiện ấy… Cho nên, theo Marx, không nên đối chọi con ngưòi với điều kiện. Chính những ai đã hiểu những điều kiện sẵn có và biết biến cải nó, là những nguời làm ra lịch sử.”

Ta làm lịch sử. Nhưng ta làm lịch sử với những điều kiện mà ta không tự do lựa chọn được vì nó đã sẵn có khi có ta. Ta chỉ tự do thật là khi nào ta biết được cái điều kiện ấy, do biết nó mà biến cải nó; ta chỉ có thể tìm tự do trong tất yếu lịch sử, trong sự tuân theo quy luật khách quan, không thể tìm tự do trong tâm trí cá nhân. Nhờ hiểu điều kiện, hiểu tất yếu mà ta làm lịch sử, mà cá nhân đóng vai trò tích cực trong lịch sử.

Hơn ai cả, chủ nghĩa Marx tin vào khả năng của con người, mỗi người.

Hơn ai cả, chủ nghĩa Marx cải tạo tư tưởng cho cá nhân, phát triển cá nhân, cá tính, xây dựng. “Người là vốn quý nhất’” đồng chí Staline đã nói. “Hơn ai cả, chủ nghĩa Marx đề cao vai trò của cán bộ. Cán bộ quyết định tất cả,” đồng chí Staline đã nói như thế.

Và hơn ai cả, chúng ta lại tin vào lãnh tụ của chúng ta.

Điều ấy không trái gì với tất yếu lịch sử, với vai trò quần chúng. Ngược lại, nếu không thừa nhận tất yếu lịch sử và vai trò quần chúng, nếu theo thuyết vô định hay chủ quan, thì không thể cắt nghĩa được vai trò của cá nhân, của lãnh tụ, của vĩ nhân, của anh hùng.

Chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa của chúng ta là những chế độ có đầy đủ điều kiện đề cao cá tính, sáng tạo được nẩy nở tự do để cho vô số anh hùng của nhân dân xuất hiện, xuất hiện từ những tầng lớp mà trước kia chỉ làm nền cho anh hùng phong kiến đứng lên. Anh hùng sản xuất (đó là điều mới), anh hùng giết giặc, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn. Anh hùng của ta không phải là sao ban ngày, anh hùng của ta không phải tự xưng hùng bá, anh hùng của ta không ngồi trên vai (quần chúng) kẻ khác. Anh hùng mới của dân, cho dân, do dân thì đông đúc như dând9ắt bạn nên được quần chúng cử lên, hết lòng phục vụ quần chúng. Chủ nghĩa anh hùng mới trái với “anh hùng cá nhân”, “anh hùng cá nhân” là một khuyết điểm tiểu tư sản.

 



1 Lê-nin: Mác, Ăng-ghen, chủ nghĩa Mác, ESI, Paris 1935, các trang 22, 23

2 Stalin, Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, E.L.E. Mạc-tư-khoa 1944, tr.144

3 Hồ chủ tịch báo cáo tại Quốc hội năm 1953

4 Stalin

 

1 Staline, Nguyên lý Chủ nghĩa Lénine, trang 17

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt