DUY VẬT LỊCH SỬ
CHƯƠNG THỨ NĂM VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG TRONG LỊCH SỬ QUẦN CHÚNG-GIAI CẤP-CHÍNH ĐẢNG-LÃNH TỤ
Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.
V. GIẢI PHÓNG QUẦN CHÚNG LÀ ĐIỀU KIỆN CỐT YẾU CHO SỰ GIẢI PHÓNG CÁ NHÂN Có một số gọi là học giả đế quốc thường hay nói rằng chế độ cộng sản dày xéo con người, thủ tiêu cá nhân, làm mất nhân cách. Một ít người tiểu tư sản lại tin như thế, cũng có kẻ điên rồ ngày nọ tin rằng hễ cộng sản là cái gì cũng chung cả vợ lẫn con, không có gì riêng, ăn, mặc, ở giống nhau một loạt. Rồi thì gần đây, lúc ở Thanh Nghệ có việc đấu tranh chính trị hay nhiều khu có phát động việc tố khổ của nông dân thì có một ít người càng vin vào vài cuộc tự phát của quần chúng để bảo rằng: đúng như thế, cộng sản chà nát cá nhân, thủ tiêu nhân cách, dày xéo con ngưòi. Sự thật ở đâu? 1. Chế độ phong kiến chà nát cá nhân Sự thực thì chính chế độ phong kiến đế quốc chà nát cá nhân, thủ tiêu nhân cách, dày xéo con ngưòi. Khi ta nói đến con người, đến cá nhân thì ta không thể nói cá nhân trừu tượng, con người nói chung mà là con người cụ thể, cá nhân thuộc xã hội nào, giai cấp nào. Khi tên địa chủ có 100 mẫu đất, nó bóc lột 100 người nông dân, làm chết đói chết ốm, tự tay hay sai giết hàng chục tá điền, hiếp hàng chục người vợ, người con nông dân, tên địa chủ chỉ biết có cá nhân của nó, của người trong giai cấp nó; 99 kẻ nghèo mới làm giàu được một tên địa chủ, 99 cá nhân nhân cách bị dày đạp, thủ tiêu, bị xem như kiến cỏ thì một cá nhân, một “nhân cách” địa chủ mới lên; mà “lên” thế nào? Muốn làm quan, nó đem vợ, đem con gái cho ông Tuần, ông Sữ, nó cúm rúm như con chó đói, còn trước mặt tá điền nuôi nó, nó ra oai ra vũ, con người nó thực là không có nhân cách gì, cá nhân nó thật là rơm rác. Trong chế độ phong kiến, cá nhân, nhân cách của 99% dân sự bị đè ép dưới tô, tức, dưới vua chúa. Ngay kẻ sĩ ở trong chế độ đó, nếu muốn lập thân cũng phải luồn cúi mà số trí thức xuất thân trong số đông quần chúng thì đã được mấy nguời? Với phong kiến, tư bản thì đạo đức luân thường, nhân nghĩa, tài ba, văn nghệ đều chìm đắm trong tiền tài, hư danh: “nhân cách” của những tên Bảo Đại, P. V. Giáo v.v. là điển hình nhân cách của chúng nó. Và nội cái việc phân nữa loài người –phụ nữ- bị khinh rẻ, mất quyền, đã chứng tỏ cái gía trị của cá nhân, nhân cách của con người trong chế độ phong kiến. Đến tư bản chủ nghĩa cũng thế, còn tệ hơn nữa là khác. Khi tên tư bản độc quyền giành chỗ thống trị của tên phong kiến cường hào, hàng chục triệu người thất nghiệp, hằng trăm triệu người thuộc địa, vô số trẻ em chết yểu vì đói, rét, vô số thanh niên bị đưa ra chiến trường bảo vệ cho nhà băng, con người bị phụ thuộc vào máy móc, nô lệ cho thời tiết và thị trường thì nhân cách cá nhân con người ở chỗ nào? Bơi vậy khi phong kiến nói đến cá nhân và nhân cách thì chúng nó muốn nói nhân cách, cá nhân phong kiến đế quốc. Nếu như thế thì cộng sản và nhân dân muốn thủ tiêu cái loại nhân cách ấy, cá nhân ấy bằng cách tích tụ tài sản đế quốc phong kiến. “Như thế là các người đã thú nhận rằng khi các người nói đến cá nhân, các người muốn nói đến cá nhân tư bản, chủ ông. Lẽ cố nhiên cái cá nhân ấy cần phải bị thủ tiêu.” 1 Có thủ tiêu phong kiến đế quốc thì trái núi đè trên lưng đại đa số quần chúng mới được giỡ lên, có giải phóng được quần chúng thì cá nhân mới phát triển. Đánh đổ một địa chủ cường hào cho cả trăm gia đình nông dân sống no, sống ấm, sống không ách trên cổ, sống tự do, sống đời sống của con người đầy đủ. Chính làm như thế mới là bênh vực cá nhân, nhân cách con người. Khi nhà máy, hầm mỏ, đồn điền trở về tay của công nhân, hàng chục người sống ngày nay không còn sợ bị đuổi ngày mai, khi đó cá nhân của con người mới được giải phóng. Từ 1906, Staline đã nói: “Nếu không giải phóng quần chúng thì không thể giải phóng con người. Sự giải phóng giai cấp là điều kiện cốt yếu của sự giải phóng con người.” Cách mạng Liên xô, cách mạng Việt Nam chứng minh luận cương chính xác của Staline. Tư bản địa chủ còn thống trị mà nói đến cá nhân, nhân cách, tự do phát triển thì khác nào là bảo hoa trổ trong buồng tối? Ngược lại khi quần chúng làm chủ vận mạng của mình, khi họ được cách mạng giải phóng, họ trở thành những người chủ nhân của xã hội, no ăn, ấm mặc, có thì giờ học tập v.v. thì một cá nhân có điều kiện phát huy khả năng, cá tính, sáng kiến, ý thức của mình và tất cả đều là những người tự do, có ý thức làm ra lịch sử của xã hội. Dưới lớp da của mỗi người trong quảng đại quần chúng cầ lao đều có ẩn một vị anh hùng. Vấn đề chính là phải tạo ra những điều kiện để cho khả năng, trí tuệ, nghệ thuật, dõng lực phục vụ của mỗi người được phát huy tự do, đầy đủ. Điều kiện đó chính là sự giải phóng quần chúng khỏi gông cùm của đế quốc phong kiến, giải phóng sinh sản lực khỏi khuôn khổ chật hẹp của tư bản chủ nghĩa. 2. Cá nhân trong chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa Ý tưởng trên đây được chứng thực trong sự xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và ngay trong sự xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở xứ ta. Liên xô là cái xứ mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại con người được xem là “vật quý báu nhất” (Staline). Liên xô là xứ mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại con người được thực sự tự do. “Tự do thực sự chỉ có thể có ở nơi nào mà sự bóc lột bị thủ tiêu, nơi nào mà không còn người áp bức người, nơi nào mà không có thất nghiệp, ăn xin, nơi nào mà con người không run sợ vì ngày mai có thể mất việc làm, mất nhà ở, mất tất cả, chỉ có một xã hội như thế mới có tự do cá nhân và các tự do khác, không phải tự do trên giấy.” (Staline) Liên xô vừa tuyên bố, vừa bảo đảm thực hành quyền lợi và tự do của nhân dân: quyền làm việc, quyền nghỉ, quyền học, quyền ốm được chữa, gia được lương, dân tộc, nam nữ bình đẳng thực sự. Ví dụ, nói tự do ngôn luận là cấp cho nhà in, giấy, mực, nhà hộp; ví dụ, nói quyền học thì mỗi thanh niên đều được đi học tới trình độ tú tài, làm ruộng làm thợ đều có thì giờ và lương bổng để học và số kỹ sư của các trường Sô viết tạo ra trong một năm nhiều hơn số kỹ sư của toàn thể các nước trên thế giới tạo ra trong năm ấy. Toàn Liên xô xu hướng đến chỗ nâng cao trình độ mỗi người lao động lên trình độ môt kỹ sư. Chính vì được giải phóng mà con người Liên xô tự do đã dựng nên phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa khác hẳn, trái hẳn với sự cạnh tranh xưa nay, ngược hẳn với tình trạng xưa lúc người thợ phải phụ thuộc với chiếc máy, nguời nông dân phải phụ thuộc với thời tiết; trong phong trào thi đua đó, sáng kiến, tài ba, nghị lực của quần chúng, của mỗi người nở lên như hoa lá mùa xuân. Người nông dân khắc phục được trở ngại của thời tiết, mùa vẫn tốt khi nắng hạn, trăm nhìn loại hoa nở, thú vật mới được tạo ra để cung cấp cho đời sống sung túc của mọi nguời. Thi đua là phương pháp lao động mới, mà lao động là nguồn gốc của con người, nguồn gốc của nhân cách, của đạo đức, văn học, nghệ thuật, khoa học. Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa phát hiện khả năng vô tận của con người. Lênin đã nói: “Sự tổ chức lao tác xã hội ở chế độ phong kiến thì dựa vào kỹ luật roi vọt… Sự tổ chức lao tác xã hội ở chế độ tư bản thì dựa vào kỹ luật đói rét… Tổ chức lao tác của chế độ Cộng sản mà xã hội chủ nghĩa là bước đầu, dựa vào và càng dựa vào kỹ luật tự giác của chính người lao động đã được giải phóng khỏi ách phong kiến tư bản.” Cho nên con người xã hội chủ nghĩa tỏ ra là con người có sáng kiến nhất xưa nay. Cho nên xứ xã hội chủ nghĩa rèn luyện được vô số anh hùng trên các mặt hoạt động. Con người xã hội chủ nghĩa là một con người mới, không chia xẻ, không mâu thuẫn với xã hội và đoàn thể, con người, phát triển điều hòa trên các phương diện. Ta còn nhớ lời của Goering khi ra tòa: hắn khai rằng sở dĩ Đức thua trận, không phải vì Đức phát xít không biết rõ kỹ nghệ, máy bay, xe tăng, số quân của Liên xô; sở dĩ chúng thất trận vì chúng không lường nổi giá trị của con người Sô viết. Về phần riêng của chúng ta, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến mặt sau đây của con người Sô viết: hằng trăm dân tộc ở Liên xô trước kia là dân thuộc địa của Nga hoàng, nay tất cả là chủ, mỗi dân tộc đều có trường đậi học, nhiều viện hàn lâm riêng của họ, tất cả dân đều có trình độ thành chung, độ 500 dân có một bác sĩ, tất cả đều hợp tác hơn anh em một nhà, không phân biệt chủng tộc, không có tí xích mích dân tộc nào đáng kể. Đó là hình ảnh của nhân loại ngày mai, trong đó cá nhân không mâu thuẫn với tập thể, tổ chức không mâu thuẫn với xã hội, dân tộc không mâu thuẫn với dân tộc, mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc được phát triển đầy đủ tự do. 3. Những đặc điểm của con người mới trong xã hội Việt nam ngày nay Lần đầu tiên trong lịch sử hai nghìn năm của dân tộc Việt Nam, quần chúng được giải phóng. Trong suốt hai nghìn năm lịch sử này, bao nhiêu lần dân tộc nổi lên đánh đổ ách ngoại xâm, dân tộc giải phóng, song chưa có lần nào quần chúng được giải phóng. Cách mạng Tháng Tám vừa giải phóng dân tộc, vừa giải phóng quần chúng; kháng chiến tiếp tục công nghiệp ấy. Cho nên tám năm cách mạng và kháng chiến đã làm cho con người, cho nhân cách, cho cá nhân người Việt Nam được tiến bộ hơn tám thế kỷ phong kiến độc lập hay tám mươi năm Pháp thuộc. Con người mới này đến khi kháng chiến toàn thắng rồi sẽ phát triển còn mau hơn nữa. Đặc điểm của con người Việt Nam là: - Con người yêu lao động sản xuất, kính trọng kẻ lao động sản xuất, càng ngày càng có nhiều sáng kiến, cố sức đem phổ biến sáng kiến của mình cho người khác chứ không giấu giếm ích kỷ. Thi đua ái quốc đương trở thành một tác phong công tác hàng ngày, quyền lợi xã hội là cái động cơ hoạt động và tiến bộ. Con người ấy không phải chỉ biết việc eo hẹp và thiết thực trong xưởng, trong xã mình, mà khao khát chính trị quốc gia quốc tế, có ý thức giai cấp, dân tộc và quốc tế. Lũy tre xanh không còn hạn chế tầm con mắt của họ. Y thức chính trị rõ rệt, thù ban phân biệt đúng đắn, yêu ghét có lập truờng, bạn nồng nàn, ghét thù cay đắng. Hết hẳn cái thời mà người ta nói quần chúng là con cờ, là khí cụ của một số chính khách. - Con người trong sạch trong sinh hoạt luân lý, cầu tiến có đoàn thể và thấy rằng nếu thiếu đoàn thể là thiếu một yếu tố căn bản của đời sống, thiết tha với sự phê bình và tự phê bình. - Con người can đảm phi thường trong các mặt tranh đấu, quyết tâm trong mọi sự thực hiện nhiệm vụ, không ngại khó và cố vượt qua mọi sự khó, làm việc có trách nhiệm, trung thành với giai cấp, với đoàn thể, dân tộc. - Con người ấy, tuy nhiên lại giản dị, chân thật mà các lãnh tụ là hình ảnh, là hiện thân con người giản dị về hình thức bên ngoài đó ngược lại rất thích thú và tham gia cái gì là vui sống văn chương, nghệ thuật, cái gì là tư tưởng cao sâu, ích lợi, cái gì là phát kiến khoa học mới. Lịch sử dân tộc chưa hề thấy có số quần chúng đông đảo như ngày nay tham gia có ý thức sâu sắc vào tiền tuyến và hậu phương; lịch sử dân tộc chưa hề thấy số anh hùng đông đảo xuất hiện như ngày nay, không phải nói người thế kỷ trước, không phải nói người trước Cách mạng Tháng Tám, mà ngay người ở Hà nội, Sài gòn bây giờ, nếu ra vùng giải phóng thì sẽ lấy làm lạ thấy người Việt Nam đổi mới trong một không khí xã hội mới mẻ vui tươi đầy tiếng hò, hát, múa ngay trong mọi cuộc chiến đấu và lao động hằng ngày. Mỗi người công chức trí thức cứ tự so sánh mình cách đây mười năm với mình bây giờ thì trông thấy ngay sự thay đổi sự tiến bộ về mọi mặt. Rồi đây cuộc phát động quần chúng, cải cách ruộng đất sẽ còn đem lại nhiều sự tiến bộ cho quần chúng, cho mỗi cá nhân nữa. Nói tóm lại, cá nhân chỉ có thể phát triển khi nào quần chúng được giải phóng. Chủ nghĩa Mác đề cao quần chúng không hề hạ thấp cá nhân mà ngược lại cá nhân càng phát triển bao nhiêu thì vai trò quần chúng càng quyết định bấy nhiêu. VI. QUAN ĐIỂM QUẦN CHÚNG Kết quả luận lý của sự thừa nhận quy luật giai cấp tranh đấu là phải có lập trường giai cấp, hiểu rõ ta, bạn, thù và có thái độ tương ứng. Kết quả tất yếu của sự thừa nhận vai trò quần chúng trong lịch sử là cần có quan điểm quần chúng ở mọi công tác và mọi chủ trương. Quan điểm quần chúng đại để là: 1. Toàn tâm, toàn ý phục vụ quần chúng nhân dân, phụ trách với quần chúng nhân dân. 2. Tin vào năng lực quần chúng nhân dân. 3. Luôn luôn đi sát quần chúng nhân dân, lãnh đạo quần chúng nhân dân. 4. Làm gương mẫu trong phong trào nhân dân, học hỏi nhân dân. ấn đề “phục vụ nhân dân” là một điểm nhân sinh quan quan trọng của chủ nghĩa cộng sản. Nói phục vụ nhân dân trước tiên phải quy định nhân dân gồm những thành phần nào? Quan niệm về nhân dân rộng hay hẹp tùy giai đoạn cách mạng, nhưng bất cứ giai đoạn cách mạng nào, nhân dân đều gồm có công nông trước và lao động trí óc. Nói phục vụ nhân dân là nói rằng mỗi chủ trương và công tác của ta, ngay đến mỗi cử chỉ lời nói của ta đều hướng vào chỗ làm lợi ích cho quần chúng thì làm, khó cũng làm, nguy càng cố gắng, chết cũng không sợ; cái gì có hại cho quần chúng thì nhất thiết không làm, thì nhất thiết phải phản đối chứ không trung lập, lừng chừng. Ví dụ: Giảm tô, giảm tức có lợi cho quần chúng, phải làm, làm triệt để; khuyên bần cố nông nhẫn nhịn đối với ác bá cường hào là hại cho quần chúng, ta không làm, đã không làm lại phản đối. Hay là tới lui ăn uống, “đoàn kết” với cha cố phản động, để rồi bọn ấy lợi dụng sự tới lui của cán bộ để làm hại dân, làm oai với dân, điều ấy ta phải thận trọng, không nên không lưu tâm, không nên “thêm vây cho sói”. Quyền lợi cá nhân của ta, cái nào ăn khớp với quyền lợi của quần chúng nhân dân thì ta bênh vực mạnh, cái nào trái với quyền lợi của quần chúng nhân dân thì ta phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên; ví dụ: anh ta, chị, vợ ta là kẻ cường hào, kẻ cho vay cắt họng, thì ta phải chống, họ bị nhân dân đấu, ta cứ đứng hẳn về bên dân, không được tự tư, tự lợi, càng không được vì tình riêng mà quên nguyên lý phục vụ nhân dân. Lãnh tụ của ta luôn luôn nhắm vào sự phục vụ nhân dân trong mọi chủ trương và mọi công tác. Bọn đế quốc, phong kiến, tư bản có thể nói phục vụ nhân dân, nhưng bao giờ cũng phản lại nhân dân, lợi dụng quần chúng, vì lợi ích ích kỷ mà hành động. Ví dụ khi bọn Tâm nói “chia đất cho dân cày” thì ta dè chừng ngay, và thấy rằng để tranh thủ quần chúng, lừa quần chúng nó ra khẩu hiệu láo như thế, kỳ thật lấy tiền thực của dân đóng mua ít nhiều đất của địa chủ, bán lại cho một bọn khá giả nào đó, bán cho một phần dân, bán mặt bán chịu gì đó, để rồi do sự cạnh tranh kẻ nào mua đất mà nghèo phải cầm cố bán lại, khổ hoàn khổ. Như thế chỉ có Đảng của giai cấp mới có thể có quan điểm quần chúng: Đảng Lao động. Những lời nói “quần chúng” của địch chỉ là phỉnh quần chúng. Những câu “chính phủ của dân, do dân, cho dân” mà tổng thống Mỹ Lincoln đưa ra ta phaỉ dè chừng, vì chữ “dân” ấy chỉ có nghĩa là tư bản. “Toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” là một lý rất phải bởi vì: nhân dân là hầu hết đồng bào, là nền móng của Tổ quốc, là đa số nhân loại, là kẻ làm ra của cải, văn hóa, lịch sử, là kẻ dám chết vì nước dám hy sinh vì nghĩa. Sự thật trên đời đều như thế, anh hùng, vĩ nhân thực sự, vô danh hay hữu danh, chỉ có thể là những ai hơn mọi người toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Đã nói phục vụ quần chúng, thì phải phụ trách trước quần chúng, phụ trách trước quần chúng là bảo đảm rằng mình làm đúng lợi quyền dân, làm đúng như thế thì không đòi hỏi công lao khen thưởng, quần chúng tức khắc ghi biết công lao; còn làm sai thì tự phê bình, để quần chúng phê bình, chịu tội trước nhân dân, nhận lỗi mà sửa chữa. Báo cáo với nhân dân là tác phong của ta; trái hẳn với đại biểu của tư sản; khi tuyển cử thì phỉnh dân, đắc cử thì bán dân, không có trừng phạt. Còn thế nào gọi là tin vào năng lực quần chúng? Trước tiên là tin chắc rằng quần chúng nông dân có khả năng tự giải phóng. Một đảng mạnh mấy cũng không thể làm cách mạng giùm cho quần chúng. Một lãnh tụ giỏi mấy cũng không làm gì được nếu không có quần chúng, và không có quần chúng thì không thành lãnh tụ nữa. Quần chúng bênh vực quyền lợi của họ cho nên, ví dụ như nếu ta chỉ dùng cách đi lấy danh nghĩa chính quyền điều đình với địa chủ, nhà chung để giảm tô, tức, đó là làm việc quan liêu, theo lối ban ơn cho quần chúng, không có quan điểm quần chúng mặc dầu việc giảm tô tức là lợi ích của quần chúng; ta phải vận động quần chúng tranh đấu theo hình thức đúng mực để thực hiện giảm tô, tức, theo nghị định hay sắc lệnh của chính quyền thì sự thực hiện mới đúng chủ điền không tròng tréo; sắc lệnh là lời kêu gọi quần chúng thi hành sắc lệnh. Hay là theo cách quan liêu, chính quyền tự mình dem chia một đồn điền nào cho dân cày. Nếu thế thì sự chia không thể nào công bằng được cho đến đỗi có khi, do theo đồ bản chia sân quần vợt xi măng cho dân, chia đất ở đông cho người tây, chia đất tây cho người đông v.v. Ngược lại nếu có quan điểm quần chúng ta để dân, mời dân tham gia điều tra, bình nghị chia đất, chia trâu bò v.v. thì mọi người đều bằng lòng vì công bằng, hợp lý. Hay là nếu việc dò xét Việt gian trong xã chỉ là việc riêng của mấy đồng chí công án xã thì chắc chắn là Việt gian tha hồ giấu hành tung của chúng. Trái lại nếu có quan điểm quần chúng làm cho quần chúng có mắt nhận xét thì không có hành tung nào của việt gian mà quần chúng không ngó thấy. Trong những lúc phong trào sụt xuống càng phải giữ lòng tin cậy vào năng lực của quần chúng, năng lực ấy vô tận nếu ta biết phát huy nó lên; cho nên bọn cách mạng tư sản hay tiểu tư sản chán nản khi cách mạng xuống thấp, ngược lại ta cứ tích cực vì tin rằng cách mạng có xuống thì chỉ xuống tạm thời, cho nên lúc súng ít, người thiếu, địch lại mạnh ta không ngớt tin rằng với năng lực vô biên của quần chúng ta đánh giặc được, ta sẽ có súng nhiều, sẽ có cán bộ giỏi từ quần chúng ra, ta sẽ thắng giặc, lòng tin ấy không lừa gạt ta. Kinh nghiệm ở bộ đội cũng thế , đừng trước khó khăn nan giải trước một dồn kiên cố của địch, trước một lúc gian nan nếu đội trương phát huy được sáng kiến của đội viên, năng lực đội viên thì thường giải quyết được vấn đề một cách thỏa mãn. Ba ông thợ da bằng ông Gia Cát Lượng là thế. Quan điểm quần chúng là thế, nó trái hẳn với độc tài, quan liêu, mệnh lệnh. Thế nào gọi là đi sát quần chúng, lãnh đạo quần chúng? Đi sát quần chúng, không chỉ ăn, ở, chơi, làm với quần chúng. Gần như thế mà cứ là xa, nếu ta không tìm biết thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, nếu ta không phát hiện và giải quyết được vấn đề của quần chúng đặt ra. Ta có thể nói chuyện hàng ngày với quần chúng mà nếu quần chúng không tỏ baỳ thắc mắc nguyện vọng với ta thì ta vẫn còn xa quần chúng. Đi sát quần chúng là những ai rõ nhu cầu chính yếu, bức thiết của quần chúng cho đến những nhu cầu, tâm tình nhỏ, vặt là những ai nói tiếng nói của quần chúng, là những ai tư tưởng các tư tưởng của quần chúng, những ai phát huy được sáng kiến xây dựng của quần chúng. Nói có quan điểm quần chúng không phải là bảo theo đuôi quần chúng, mà bảo lãnh đạo quần chúng. Lãnh đạo tư tưởng (tuyên truyền giải thích các chính sách của Đảng, của Chính phủ, lần lần đả phá tư tưởng sai); lãnh đạo tổ chức (đoàn kết người ta, bày vẽ cách làm việc, đào tạo cán bộ từ trong quần chúng ra); lãnh đạo tranh đấu (luôn luôn xung phong gương mẫu ở mọi việc, mình nói cái gì thì làm như lời nói, không chạy trước quần chúng khá xa, cũng không phải lê theo mọi sự tự phát của quần chúng). Trong trường hợp nào quần chúng sai lạc tạm thời, không vì lẽ đó mà ta chống lại quần chúng, kêu ca quần chúng: trước Paris Công xã, Mác đã dặn thợ Paris đừng manh động vì biết trước là chưa thắng nổi. Nhưng Paris Công xã nổ ra, Mác hoàn toàn đi với quần chúng Paris, chỉ vẽ, lãnh đạo, rút kinh nghiệm… Trong trưòng hợp khó khăn mà quyền lợi tạm thời dường như mâu thuẫn với quyền lợi vĩnh viễn của quần chúng, nhà lãnh đạo cần sáng suốt: ví dụ ngày 6/3, toàn dân muốn đánh; đánh lúc đó thì cả Pháp, cả Quốc dân đảng Trung quốc sẽ tiêu diệt cách mạng; cụ Ho ngó thấy rõ, lái thuyền khỏi chạm ghềnh; vai trò lãnh đạo của lãnh tụ ở đây là sáng tỏ, cần yếu vô cùng. Học hỏi quần chúng? Quần chúng là thầy của bất cứ nhà lãnh đạo nào, vì đó là nơi mà kinh nghiệm xuất phát dồi dào nhất. Bất cứ lý luận chính xác nào cũng do thực tiễn xã hội mà ra. Người cán bộ chăm chú học quần chúng, đúc kinh nghiệm của quần chúng để có thể trở lại dìu dắt quần chúng. Trong kháng chiến ta, Hồ chủ tịch thường nói, không sợ mất đất cát, chỉ sợ mất lòng dân, lòng dân còn thì đất nước còn. Đó là quan điểm quần chúng rất chính xác. Thực tế kháng chiến, thi đua sản xuất và giết giặc chứng minh rằng ta tin cậy vào năng lực của quần chúng thì không bao giờ thất vọng. Chế độ dân chủ nhân dân sở dĩ mạnh vô địch, sự xây dựng xã hội chủ nghĩa sở dĩ mạnh vô cùng, vì nhân dân nắm lấy vận mạng của quốc gia, vì nhà nước, Đảng, lãnh tụ của chúng ta toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phát huy mọi sáng kiến của nhân dân, phụ trách trước quần chúng, học hỏi quần chúng để dạy dỗ quần chúng. Bí quyết của sức mạnh của Đảng là sự liên hệ không gì cắt đứt nổi giữa Đảng và quần chúng; bí quyết của Cách mạng thành công là sức mạnh vô địch của Đảng tiền phong. VII. KẾT LUẬN VỀ TOÀN BỘ “DUY VẬT LỊCH SỬ” Duy vật lịch sử là sự thống nhất giữa vũ trụ quan và chính trị học của chủ nghĩa Mác-Lê. Nó là sự áp dụng duy vật luận để nghiên cứu lịch sử xã hội. Nó là nền móng lý luận của khoa học chính trị. Chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ được bốn vấn đề, bốn quy luật căn bản là: - Sự tương ứng tất yếu giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. - Sự tương ứng tất yếu giữa cơ sở và thượng tầng. - Giai cấp tranh đấu - Vai trò của quần chúng Thì khi ấy ta mới hiểu Duy vật lịch sử trong thực chất của nó. Nhưng chưa đủ, sự nghiên cứu duy vật lịch sử còn đòi hỏi ta đạt được mấy mục đích sau đây nữa do đó ta sẽ kiểm thảo lại xem ta có nhận thức được chu đáo phần duy vật lịch sử của chương trình học năm nay: 1. Đã hay chưa, sau khi học luật tương ứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nhận thấy rằng tư bản chủ nghĩa tới ngày phải bị đánh đổ, phải nhường chỗ cho xã hội chủ nghĩa? Không có lực lượng phản động nào, không có mưu mô xảo quyệt nào có thể duy trì được tư bản chủ nghĩa, ngăn cản được xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa chẳng những là tất yếu theo trình độ ngày nay của lực lượng sản xuất mà lại là tiến bộ hợp lý, cao hơn tư bản chủ nghĩa. 2. Đã hay chưa, sau khi học luật tương ứng giữa cơ sở và thượng tầng, chúng ta nhận thấy rằng không thể giải thoát được giai cấp, giải thoát được nhân dân, nếu chúng ta không cải tạo tư tưỏng, không bài trừ ý thức nô dịch cũ, học hỏi ý thức vô sản và nếu chúng ta không phá tan bộ máy nhà nước cũ của đế quốc để xây dựng bộ máy nhà nước mới của nhân dân? Đã hay chưa, chúng ta nhận thấy cần phải thiết tha với vận mệnh, với tồn vong của chánh quyền cách mạng, thiết tha học hỏi chủ nghĩa Mác-Lê-nin để tự rèn luyện và rèn luyện người quanh ta? 3. Đã hay chưa, sau khi học giai cấp tranh đấu, ta đã nhận thấy rằng cần thiết phải dấn thân vào giai cấp tranh đấu, đứng hẳn về lập truờng giai cấp công nhân, tranh đấu để thành lập và củng cố chuyên chính của nhân dân, chuyên chính của vô sản, để xây dựng một xã hội không giai cấp, không người bóc lột người? Đã hay chưa, chúng ta nhận thấy và bài xích các hình thức khác nhau của tư bản chuyên chính, các lối của tư bản đế quốc áp bức, bóc lột, nhồi sọ nhân dân, kìm hãm nhân loại trong vòng hắc ám của chế độ người bóc lột người, dân tộc áp bức dân tộc? 4. Và đã hay chưa, sau khi học vai trò của quần chúng trong lịch sử, chúng ta tin cậy vào năng lực của giai cấp, toàn tâm phục vụ nhân dân, quyết học tập đường lối quần chúng, tin tưởng vào sự phát động nhân dân, gia công vào sự phát động ấy? Nếu đã, thì mới có thể gọi là chúng ta đạt được mục đích thấp mà mỗi học sinh đều phải đạt. Còn, cao hơn nữa, chúng ta phải tập áp dụng các quy luật của Duy vật lịch sử để nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nghiên cứu lịch sử thế giới mà khỏi lạc vào đường duy tâm chủ quan hay tất định, khỏi rơi vào chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi. Điều chú ý là chúng ta trông thấy rõ cái tinh túy cách mạng, cái thực chất nhân văn của triết học Mác khi ánh sáng của triết học ấy rọi vào trong lịch sử loài người. Triết học Mác đã xây dựng được một quan niệm chính xác về lịch sử mà còn xây dựng được một nhân sinh quan tốt đẹp, nhân sinh quan ấy chúng ta vừa nói đến khi ta nói đến sự toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, khi ta nói đến lòng mến yêu sự lao động sáng tạo con người, sáng tạo văn hóa hay là khi ta nói đến lòng căm thù đối với giai cấp bóc lột v.v. Nhân sinh quan tiếp nối Duy vật lịch sử và hoàn thành triết lý cao siêu của chủ nghĩa MÁC-ENGELS-LÊNIN-STALIN.
BÀI GIẢNG CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU TẠI TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐẦU NĂM 1954
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC