Phong trào Khai minh

Sự thật của sự Khai sáng

 

SỰ KHAI SÁNG

1 2 3 4 5  

 

b

SỰ THẬT CỦA SỰ KHAI SÁNG

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự thật của sự Khai sáng” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 1141-1155.



 

§ 574

Như thế, tiến trình đan dệt âm thầm, ngột ngạt của Tinh thần – [vì] không còn tạo ra được sự phân biệt nào nữa bên trong chính mình – đã chuyển hóa vào trong Tự ngã của chính mình, nằm ở phía bên kia của ý thức, trong khi ý thức, ngược lại, đã đi đến chỗ nhận ra mình một cách sáng tỏ. Yếu tố đầu tiên của sự sáng tỏ này – trong tính tất yếu và trong điều kiện của nó – được xác định bởi sự việc: sự Thức nhận thuần túy – hay sự Thức nhận với tư cách là Khái niệm nhưng mới ở trong trạng thái mặc nhiên, tự-mình – đang hiện thực hóa chính nó; nó làm việc này bằng cách thiết định cái tồn tại-khác hay tính quy định ở bên trong chính mình. Bằng cách ấy, nó là sự Thức nhận thuần túy phủ định, tức là, sự phủ định của Khái niệm; sự phủ định này cũng là thuần túy và qua đó, đã làm nảy sinh “Sự vật thuần túy”, đó chính là cái Hữu thể-tuyệt đối không có bất kỳ một thuộc tính quy định nào cả[1]. Nếu xác định kỹ hơn, sự Thức nhận trong ý nghĩa của Khái niệm tuyệt đối là một sự phân biệt về những cái dị biệt nay không còn là những cái dị biệt nữa, một sự phân biệt về những cái trừu tượng hay về những Khái niệm thuần túy nay không còn tự chống đỡ chính mình được nữa mà chỉ tìm được chỗ dựa vững chắc và tìm được sự phân biệt là nhờ vào toàn bộ tiến trình. Sự phân biệt của cái không [chứa đựng sự] phân biệt nào chính là ở chỗ: Khái niệm tuyệt đối biến chính mình thành đối tượng cho mình và thiết định chính mình như là cái bản chất đối lập lại với tiến trình kia[2]. Điều này dẫn đến kết quả là cái bản chất này thiếu đi phương diện nơi đó những cái trừu tượng hay những cái dị biệt bị giữ tách rời nhau ra, và do đó, trở thành tư tưởng thuần túy trong hình thức của Sự vật thuần túy[3]. Vậy, đó chính là công việc đan dệt âm thầm, ngột ngạt và không có ý thức của Tinh thần bên trong chính nó, tức là nơi Lòng tin đã bị chìm đắm khi nó đã đánh mất mọi sự phân biệt bên trong nội dung của nó. | Và đây cũng đồng thời là tiến trình vận động này của Tự-ý thức thuần túy, và đối với tiến trình ấy, cái Bản chất được giả định phải là cái Bên kia tuyệt đối xa lạ. Bởi vì Tự-ý thức thuần túy này là một tiến trình vận động, ở trong những Khái niệm thuần túy, nghĩa là trong những sự dị biệt vốn không phải là những sự dị biệt, nên trong thực tế, Tự-ý thức thuần túy chìm đắm vào trong việc đan dệt âm thầm, không có ý thức của Tinh thần, tức, vào trong sự xúc cảm thuần túy hay nói cách khác, vào trong vật tính thuần túy[4].

Tuy nhiên, Khái niệm bị tự-tha hóa – vì ở đây, Khái niệm vẫn còn ở cấp độ của sự tha hóa như thế – không nhận ra cái bản chất đồng nhất của cả hai phương diện – tức của tiến trình vận động của Tự-ý thức và của Hữu thể-tuyệt đối của nó – ; việc không nhận ra bản chất đồng nhất của hai phương diện ấy, trong thực tế, chính là cái tạo nên thực thể và sự tự tồn của hai phương diện này. Vì lẽ Khái niệm không nhận ra sự thống nhất này, nên Hữu thể-tuyệt đối chỉ có giá trị đối với nó trong hình thức của cái Bên kia khách quan [đứng đối lập lại với nó], trong khi đó, ý thức – khi tạo ra những sự phân biệt này và do đó, giữ cái Tự-mình [Hữu thể-tuyệt đối] ở bên ngoài mình – [chỉ] có giá trị như là một ý thức hữu tận[5].

§ 575

Về vấn đề Hữu thể-tuyệt đối này, sự Khai sáng rơi vào sự tranh chấp với chính mình theo cùng một kiểu tranh chấp mà nó đã trải nghiệm trước đây với Lòng tin, và phân đôi chính mình thành hai phe. Một bên chứng tỏ sự Khai sáng là kẻ giành thắng lợi ngay ở sự việc nó tự phân hóa thành hai phía, bởi qua đó, nó cho thấy đã chiếm hữu vào trong chính mình cái nguyên tắc mà nó đã đấu tranh chống lại, và do đó, cho thấy đã thủ tiêu được tính phiến diện như nó đã xuất hiện ra trước đây. Mối quan tâm trước đây bị phân đôi ra giữa nó và phía đối lập nay hoàn toàn rơi vào bên trong chính nó và quên mất phía đối lập đi, bởi sự quan tâm ấy tìm thấy ngay trong bản thân mình [sự Khai sáng] sự đối lập mà nó quan tâm. Nhưng, đồng thời, sự đối lập ấy cũng đã được nâng lên ở bên trong môi trường (Element) thắng lợi cao hơn, [nên] nơi đó, sự đối lập tự thể hiện trong một hình thức đã được thanh lọc. Như thế, sự bất hòa nảy sinh trong một phía tưởng như là một sự không may thì hóa ra cho thấy đúng hơn là sự may mắn của nó.

§ 576

[I. Tư duy thuần túy và Vật chất thuần túy:][6]

Bản thân cái Bản chất thuần túy [Hữu thể-tuyệt đối] không có sự phân biệt nào ở bên trong cả, nên sự phân biệt đến được với Bản chất ấy là do có hai Bản chất thuần túy như thế tự thể hiện ra cho ý thức, hay nói cách khác, là do có một ý thức gấp đôi về cái Bản chất này. Hữu thể tuyệt đối, thuần túy chỉ có ở trong tư tưởng thuần túy, hay nói đúng hơn, là bản thân tư tưởng thuần túy, và vì thế, tuyệt đối ở phía bên kia cái hữu tận, bên kia Tự-ý thức và đơn thuần là Bản chất [có ý nghĩa] phủ định. Nhưng, bằng cách ấy, Hữu thể này chính là cái tồn tại [đơn thuần], là cái phủ định của Tự-ý thức. Với tư cách là cái phủ định của Tự-ý thức này, nó cũng có quan hệ với Tự-ý thức: Hữu thể ấy là Tồn tại bên ngoài, và, khi được đặt vào trong mối quan hệ với Tự-ý thức là nơi có mặt những sự phân biệt và những quy định [khác nhau] – Hữu thể ấy cũng đón nhận vào trong lòng nó những sự phân biệt [của cái tồn tại] nào là được nếm, được nhìn và v.v..; và quan hệ ấy chính là quan hệ của sự xác tín cảm tính [kinh nghiệm cảm tính] và của tri giác[7].

§ 577

Nếu xuất phát từ sự tồn tại cảm tính này – tức sự tồn tại mà cái “Bên kia-phủ định” nói trên tất yếu phải chuyển hóa thành –, nhưng đồng thời trừu tượng hóa [tước bỏ] khỏi những phương cách nhất định của mối quan hệ của ý thức với sự tồn tại cảm tính ấy, thì chỉ còn lại Vật chất-thuần túy như là sự đan dệt và vận động âm thầm, ngột ngạt [vô-mục đích] bên trong chính nó. Điều cơ bản cần lưu ý ở đây là: Vật chất-thuần túy chỉ là cái còn sót lại sau khi ta trừu tượng hóa [tước bỏ] hết việc nhìn, cảm, nếm v.v.., nghĩa là Vật chất thuần túy không phải là cái vật chất được nhìn, được nếm, được cảm thấy v.v..; cũng như cái được nhìn, được cảm, được nếm không phải là vật chất mà là màu, là đá, là muối [cảm tính nào đó] và v.v.. | Vật chất [thuần túy] đúng hơn là sự trừu tượng thuần túy[8], và qua đó, ta có ở đây cái bản chất thuần túy của tư tưởng, hay là bản thân tư tưởng thuần túy như là cái Tuyệt đối không có thuộc tính nào, không được quy định, không có những sự phân biệt bên trong chính nó.

§ 578

Một phe của sự Khai sáng gọi Bản chất-tuyệt đối là cái Tuyệt đối không có thuộc tính nào, tồn tại trong tư tưởng, ở phía bên kia ý thức hiện thực và lấy đó làm điểm xuất phát của sự Khai sáng, còn phe khác của sự Khai sáng thì gọi Bản chất ấy là Vật chất[9]. Nếu các Hữu thể ấy được phân biệt như là Tự nhiên hoặc như là Tinh thần hay Thượng đế, thì, [ta thấy] tiến trình âm thầm đan dệt một cách không tự giác bên trong ý thức ắt thiếu hẳn sự phong phú của đời sống đã phát triển như là yêu cầu cần thiết để được gọi là Tự nhiên và cũng thiếu hẳn ý thức tự-phân biệt để làm cho nó trở thành Tinh thần hay Thượng đế[10]. Vậy, như ta đã thấy, cả hai đều hoàn toàn là cùng một Khái niệm mà thôi; sự khác biệt không phải ở nội dung sự việc mà chỉ thuần túy ở các điểm xuất phát khác nhau của hai sự hình thành tư tưởng, và ở chỗ: mỗi bên đều đứng yên trong điểm lựa chọn của riêng mình trong tiến trình tư tưởng. Nếu chúng vượt lên khỏi chỗ đứng ấy, ắt tư tưởng của chúng sẽ gặp nhau và sẽ nhận ra rằng điều phía này xem là sự kinh khủng, đáng kinh tởm và điều phía kia gọi là sự điên khùng, dại dột đều cùng là một mà thôi. Vì, đối với một bên [của sự Khai sáng], Bản chất-tuyệt đối là ở bên trong tư tưởng thuần túy, hay tồn tại cho ý thức thuần túy một cách trực tiếp, tức là cái gì tồn tại bên ngoài ý thức hữu tận, là cái “Bên kia phủ định” của ý thức hữu tận. Nhưng, nếu nó chịu phản tư [suy nghĩ lại] rằng: phần thì, tính trực tiếp đơn giản ấy của tư tưởng không gì khác hơn là tồn tại thuần túy; phần khác, cái gì là phủ định cho ý thức thì cũng đồng thời có quan hệ với ý thức; rằng: trong phán đoán phủ định, hệ từ (Copula) “là” nối kết cũng như tách rời hai hạn từ, ắt nó sẽ thấy rằng cái Bên kia này – có tính chất của một tồn tại bên ngoài – là ở trong mối quan hệ với ý thức, và khi như vậy, nó [có nghĩa] cùng là một với cái được gọi là Vật chất thuần túy. | Cái yếu tố còn thiếu là sự “có mặt” [hiện tiền] ắt cũng sẽ đạt được.

Còn sự Khai sáng khác [một bên khác của sự Khai sáng] lại xuất phát từ tồn tại cảm tính, rồi trừu tượng hóa [tước bỏ] khỏi mối quan hệ cảm tính của việc nếm, nhìn v.v.. và biến nó thành cái tự-mình thuần túy, thành Vật chất tuyệt đối, thành cái không được cảm lẫn không được nếm. | Bằng cách ấy, tồn tại này đã trở thành cái đơn giản không có thuộc tính nào cả, cái bản chất của ý thức thuần túy; nó là Khái niệm thuần túy với tư cách là tồn tại tự-mình, hay là tư tưởng thuần túy bên trong chính mình. [Lối] thức nhận như thế, trong hoạt động ý thức của mình, không đi theo tiến trình ngược lại từ cái tồn tại một cách thuần túy [đơn giản] sang cái [đối lập] ở trong tư tưởng tức là cái cũng tồn tại một cách thuần túy [đơn giản]; hay nói cách khác, không đi từ cái khẳng định thuần túy sang cái [đối lập là] phủ định thuần túy, mặc dù kỳ cùng thì cái khẳng định chỉ tồn tại thực sự và thuần túy là thông qua sự phủ định, trong khi đó, cái phủ định thuần túy – với tư cách là thuần túy – cũng là cái tự-đồng nhất [là một trong chính nó] và qua đó, cũng chính là khẳng định. Hay lại nói khác đi, cả hai [lối Khai sáng] đều đã không đi đến được Khái niệm đã được xác lập trong Siêu hình học của Descartes rằng, về mặt tự-mình [mặc nhiên], Tồn tại và Tư duy là một[11]; không đi đến được tư tưởng rằng tồn tại, tồn tại thuần túy không phải là một cái hiện thực cụ thể mà là sự trừu tượng thuần túy; và ngược lại, tư tưởng thuần túy, tính ngang bằng với chính mình, hay, cái bản chất, phần như là cái phủ định của Tự-ý thức và do đó, là tồn tại, phần khác như là tính đơn giản trực tiếp, cũng thế, không gì khác hơn là tồn tại. | Tư duy là Vật tính, hay, Vật tính là Tư duy.

§ 579

[II. Thế giới của tính hữu ích:][12]

Ở đây, Bản chất [tuyệt đối] thoạt tiên có sự phân đôi nơi chính mình theo kiểu bị thuộc về hai phương cách xem xét khác nhau. | Một mặt, Bản chất ấy phải chứa đựng sự phân biệt bên trong chính mình; mặt khác, chính vì thế, cả hai phương cách xem xét kết hợp lại làm một, vì lẽ những yếu tố trừu tượng: – cái tồn tại thuần túy và cái phủ định thể hiện sự phân biệt giữa chúng – nay đều được hợp nhất lại ở trong đối tượng của cả hai phương cách xem xét nói trên. Cái phổ biến chung cho cả hai là sự trừu tượng [hóa] của tự-suy tưởng thuần túy [suy tưởng thuần túy bên trong chính mình] hay nói cách khác, của việc rung động thuần túy bên trong chính mình. Sự vận động đơn giản xoay quanh trục của chính mình này buộc phải tự phân giải thành những yếu tố tách biệt nhau, bởi bản thân nó chỉ có thể là một sự vận động khi phân biệt các yếu tố của chính mình. Sự phân biệt các yếu tố này để lại cái “bất động” [cái thống nhất] ở phía sau nó như để lại cái vỏ rỗng của sự tồn tại thuần túy, là cái không còn phải là tư tưởng hiện thực nữa, và không còn có sự sống nào ở bên trong, vì, với tư cách là sự phân biệt, tiến trình [dị biệt hóa] này là tất cả nội dung. Nhưng, như thế, tiến trình [phân biệt] này – thiết định chính mình ở bên ngoài sự thống nhất nói trên – là sự thay đổi dứt khoát – không quay trở về lại vào trong chính mình nữa – của các yếu tố: tồn tại tự-mình; tồn tại-cho-một-cái khác và tồn tại-cho-mình; tức tiến trình ấy chính là cái hiện thực [nay đã] trở thành đối tượng cho ý thức hiện thực của sự Thức nhận thuần túy [sự Khai sáng]: sự [hay tính] hữu ích[13].

§ 580

Cho dù “sự hữu ích” [“tính có lợi”] có thể có bộ mặt xấu xa đến mấy đi nữa trước mắt Lòng tin hay trước tính mẫn cảm của con người, thậm chí trước sự trừu tượng tự xưng là sự tư biện, tức sự trừu tượng “đóng đinh” vào cái Tự-mình [xem bản chất tự-mình của Hữu thể-tuyệt đối một cách cô lập], thì, chính “sự hữu ích” mới là nơi sự Thức nhận thuần túy hoàn tất việc hiện thực hóa chính nó và lấy chính nó làm đối tượng cho bản thân nó, một đối tượng từ nay không còn bị sự Thức nhận phủ nhận, cũng như không còn bị xem chỉ có giá trị như là cái “trống rỗng” hay cái “Bên kia” thuần túy của sự Thức nhận nữa. Bởi lẽ, như ta đã thấy, sự Thức nhận thuần túy là bản thân Khái niệm đang hiện hữu [đang ở trong môi trường của sự tồn tại], hay nói khác đi, là cái “nhân cách” thuần túy, ngang bằng với chính mình, tự phân biệt chính mình bên trong chính mình theo kiểu: bản thân mỗi yếu tố được phân biệt trong đó đều là Khái niệm thuần túy, nghĩa là đồng thời không được phân biệt; nó [sự Thức nhận thuần túy] là Tự-ý thức thuần túy, đơn giản [không-phân biệt], tồn tại cho-mình cũng như tự-mình bên trong một sự thống nhất trực tiếp. Vì thế, cái tồn tại-tự-mình của nó không phải là cái tồn tại đứng yên [cố định và thường tồn], mà, trong sự phân biệt của nó, lập tức không trở thành một cái gì đó [riêng biệt]. | Tuy nhiên, một tồn tại theo kiểu như thế – không có sự tự tồn trực tiếp [không thể tự đứng vững] – hẳn không tồn tại-tự mình mà thiết yếu là tồn tại cho-một-cái khác, tức cho cái có sức mạnh hấp thụ [tiêu thụ] chính nó. Nhưng, yếu tố thứ hai này [tồn tại cho-cái-khác] đối lập lại với yếu tố thứ nhất [tồn tại-tự-mình] cũng lập tức tiêu biến đi như yếu tố thứ nhất; hay nói khác đi, với tư cách là tồn tại chỉ cho-cái-khác, nó – đúng hơn – là bản thân sự tiêu biến và [như thế] là được thiết định như cái tồn tại đã quay trở lại vào trong chính mình, tức như cái tồn tại-cho-mình. Song, cái tồn tại-cho-mình đơn giản này – với tư cách là tính ngang bằng với chính mình – đúng hơn [cũng] là một cái tồn tại [đơn thuần], hay, cũng là cái tồn tại cho-một-cái khác [mà thôi][14].

Một bản tính tự nhiên như thế của sự Thức nhận thuần túy trong sự khai triển các yếu tố của nó, – hay sự Thức nhận thuần túy với tư cách là đối tượng – thể hiện ra như là cái hữu ích. Cái hữu ích là một cái gì tự tồn tự-mình, hay một sự vật; cái tồn tại-tự-mình này đồng thời chỉ là một mô-men (Moment) thuần túy, do đó, là cái tồn tại-cho-cái khác một cách tuyệt đối, song, nó chỉ tồn tại cho-một cái khác trong chừng mực nó tồn tại-tự-mình; những yếu tố đối lập nhau này đều quay trở về lại vào trong sự thống nhất không thể tách rời của sự tồn tại-cho-mình. Tuy nhiên, trong khi cái hữu ích thể hiện Khái niệm của sự Thức nhận thuần túy, thì đồng thời [cần nhớ rằng] nó hoàn toàn không phải là sự Thức nhận xét như bản thân sự Thức nhận, mà chỉ như là sự hình dung [hay quan niệm] trong hình thức đối tượng mà thôi. Nó [cái hữu ích] chỉ đơn thuần là sự thay đổi không ngừng nghỉ của những yếu tố này; trong [số] đó, một yếu tố quả là cái tồn tại đã quay trở lại-bên trong-chính-mình, nhưng chỉ đơn thuần như là cái tồn tại-cho-mình, nghĩa là, như một yếu tố trừu tượng xuất hiện ra ở một phía đối lập lại với những yếu tố khác. Bản thân “cái hữu ích” không phải là cái [bản chất] phủ định có nơi bản thân [tự-mình] những yếu tố này trong sự đối lập giữa chúng với nhau, và đồng thời như là không bị phân chia ở trong cùng một và chỉ một phương diện, hay như là tư tưởng, như là chúng tồn tại với tư cách là sự Thức nhận thuần túy. | Yếu tố “tồn tại-cho-mình” đúng là [một giai đoạn] có mặt ở trong cái hữu ích, nhưng không theo nghĩa yếu tố ấy “lấn” sang các yếu tố khác, tức lấn sang các yếu tố “tồn tại-tự-mình” và “tồn tại-cho một cái khác”, bởi nếu vậy, hoá ra nó trở thành Tự ngã. Như thế, nơi cái hữu ích, sự Thức nhận thuần túy có được Khái niệm của chính mình làm đối tượng cho mình [nhưng chỉ] trong những yếu tố thuần túy tạo nên bản tính tự nhiên của nó thôi; nó [mới chỉ] có ý thức về [cái nguyên lý] siêu hình học[15] này, nhưng chưa phải là sự thấu hiểu bằng Khái niệm  về nguyên lý ấy; ý thức vẫn chưa đạt tới được sự thống nhất của Tồn tại và bản thân Khái niệm. Vì lẽ cái hữu ích vẫn còn xuất hiện ra cho sự Thức nhận trong hình thức của một đối tượng, sự Thức nhận quả có được một thế giới tuy không còn là một thế giới hoàn toàn tự-mình và cho-mình [thế giới xa lạ] nữa, nhưng vẫn là một thế giới bị phân biệt với chính mình. Chỉ khi nào các [mặt] đối lập ấy đã [thực sự] xuất hiện ra ở đỉnh cao của Khái niệm [hoàn toàn mang tính Khái niệm], đó sẽ là cấp độ kế tiếp để cho các [mặt] đối lập ấy va chạm và sụp đổ vào nhau, bấy giờ sự Khai sáng mới nếm trải được hương vị của hoa trái từ những việc làm của mình.

§ 581

[III. Sự xác tín của Tự ngã:]

Nếu [ta] xem xét đối tượng đã đạt được trong mối quan hệ với toàn bộ lãnh vực [của đời sống tinh thần] này, [ta thấy rằng] thế giới hiện thực của sự đào luyện văn hóa chung quy được thâu dồn lại vào trong tính hư huyễn của Tự-ý thức, – tức trong cái tồn tại-cho mình [độc lập] vẫn còn lấy sự hỗn độn của thế giới này làm nội dung và vẫn còn là Khái niệm cá biệt, chưa phải là Khái niệm phổ biến cho-mình. Tuy nhiên, khi đã quay trở lại vào trong chính mình, Khái niệm [cá biệt] ấy là sự Thức nhận thuần túy – tức, ý thức thuần túy với tư cách là Tự ngã thuần túy hay là tính phủ định; cũng giống hệt như Lòng tin là ý thức thuần túy, với tư cách là tư tưởng thuần túy hay tính khẳng định. Lòng tin có trong Tự-ngã ấy cái yếu tố làm cho nó được trọn vẹn, nhưng lại bị tiêu vong đi thông qua chính sự bổ sung cho được trọn vẹn ấy; và bây giờ, chính trong sự Thức nhận thuần túy, ta đang thấy cả hai yếu tố [của nó]: như là Bản chất-tuyệt đối, [một đàng] là cái thuần túy do tư tưởng tạo ra [cái chỉ được suy tưởng] hay là cái phủ định; còn [đàng khác] như là Vật chất, tức như là cái hiện hữu khẳng định.

Sự hoàn tất trọn vẹn này vẫn còn thiếu [thế giới] hiện thực của Tự-ý thức; hiện thực ấy thuộc về [loại] ý thức hư huyễn, tức, thế giới từ đó tư tưởng đã tự nâng mình lên để đến với chính mình. Cái bị thiếu này đã đạt được trong sự hữu ích, trong chừng mực sự Thức nhận thuần túy có được nơi sự hữu ích tính đối tượng [khách quan] tích cực, khẳng định; và như thế, sự Thức nhận thuần túy là một ý thức hiện thực đã được thỏa mãn bên trong chính mình. Tính đối tượng [khách quan] này, bây giờ, hình thành nên thế giới của sự Thức nhận thuần túy và đã trở thành cái [kết quả] đúng thật [chân lý] của toàn bộ thế giới trước đây, của cả thế giới tư tưởng lẫn thế giới thực tồn[16].

 [Vậy], thế giới thứ nhất của Tinh thần là cái vương quốc đã phát triển của sự hiện hữu (Dasein) tự phân tán của Tinh thần và của sự xác tín về chính mình trong những hình thức cá biệt của nó; giống như giới Tự nhiên dàn trải, phân tán sự sống của nó thành vô tận những hình thái đa tạp mà chưa có được [nguyên tắc phân thành những] Loài (Gattung) của chúng[17].

Thế giới thứ hai của Tinh thần chứa đựng [nguyên tắc] Loài và đó là vương quốc của sự tồn tại-tự mình hay là của tính đúng thật [chân lý] đối lập lại với sự xác tín [cá biệt, riêng lẻ] trên đây[18].

Thế giới thứ ba lại là thế giới của cái hữu ích, là sự thật đồng thời cũng là sự xác tín về chính mình[19]. Vương quốc sự thật [chân lý] của Lòng tin thiếu đi nguyên tắc của tính hiện thực hay nói cách khác, thiếu sự xác tín về chính mình như là sự xác tín của cá nhân riêng lẻ này. Còn hiện thực hay sự xác tín về chính mình với tư cách là cá nhân riêng lẻ này thì lại thiếu cái tồn tại tự-mình. [Trái lại], trong đối tượng của sự Thức nhận thuần túy, cả hai thế giới này được hợp nhất lại. Cái hữu ích là đối tượng, trong chừng mực Tự-ý thức nhìn xuyên suốt đối tượng ấy và có được trong đối tượng ấy sự xác tín về cái Tự ngã cá biệt của chính mình, tức sự hưởng thụ (cái tồn tại-cho mình của cá nhân). | Tự-ý thức nhìn thẳng vào trong đối tượng bằng cách ấy; và sự Thức nhận này chứa đựng cái bản chất đúng thật của đối tượng (đối tượng là một cái gì được nhìn thấu suốt [hay được “thức nhận” bởi ý thức], hay nói cách khác, là tồn tại-cho một cái khác). | Như thế, bản thân sự Thức nhận này là cái biết đúng thật; và Tự-ý thức cũng trực tiếp có được sự xác tín phổ biến về chính mình, có được ý thức thuần túy của nó ở trong mối quan hệ này, tức trong mối quan hệ nơi đó sự thật cũng như sự hiện diện và hiện thực đều được hợp nhất lại làm một. Hai thế giới đã được hòa giải với nhau và Trời đã được mang xuống trồng dưới Đất[20].



[1] Sự thật (hay chân lý) của sự Khai sáng, – xét như “nội dung” của giai đoạn văn hóa trước đây – bị chìm đắm vào trong phần vô-ý thức (“ở phía bên kia của ý thức”) của Tinh thần, là sự phủ định thuần túy, là cái khác của sự Thức nhận; đó là “Sự vật thuần túy trừu tượng” của thuyết duy vật cơ giới và, như sẽ thấy, cũng đồng thời là “tư duy thuần túy” không có sự quy định nào cả của thuyết duy tâm bất khả tri.

[2] Nghĩa là, ta có thể xét “Sự thật” như là tiến trình vận động của sự trở thành của nó hoặc như là “sự yên nghỉ trong suốt và đơn giản” (Lời Tựa, §47). Khi tách rời hai yếu tố này, ta có đối tượng của sự Thức nhận: đó là Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối; và có sự vận động của sự Thức nhận: đó là ý thức. Đó là sự tách rời hay phân biệt cái không phân biệt.

[3] Tức là sự đồng nhất giữa hai phía (hai phương diện) của sự Khai sáng: thuyết duy vật cơ giới và thuyết duy tâm hay duy lý bất khả tri.

[4] Sự “xúc cảm thuần túy” là tính thụ động, nói lên sự vô-ý thức của Tinh thần về chính mình.

[5]  Sự phân biệt Sự thật (Chân lý) như là đối tượng bất động và Sự thật như là tiến trình trở thành của chính nó dẫn đến việc thiết định Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối “ở phía bên kia” của ý thức và đặt ý thức, như là vận động của sự Thức nhận, vào trong tính hữu tận. Trong trường hợp đó, ý thức bao giờ cũng là hữu tận và đối tượng của nó bao giờ cũng “ở phía bên kia” ý thức, tức như là “vật chất thuần túy” (của thuyết duy vật) hoặc như là “tư duy thuần túy” (của thuyết duy tâm).

[6] Như đã biết, sự Khai sáng “thắng lợi” tự chia thành hai phía, đó là thuyết duy vật (ám chỉ thuyết duy vật cơ giới của Holbach trong “Système de la nature” và của các nhà duy vật Pháp đương thời. Xem: Các bài giảng về Lịch sử triết học) và thuyết duy tâm, duy lý đương thời mà tiêu biểu là Berkeley. Như sẽ thấy ở §578, Hegel cho rằng cả hai phía đã quên mất ý nghĩa sâu xa của triết học Descartes là đã khẳng định sự đồng nhất giữa Tư duy thuần túy và Tồn tại.

[7] Chuyển hóa từ “Tư duy thuần túy” sang “Tồn tại” của thuyết duy vật.

[8] Quan niệm của Berkeley. Sự chuyển hóa đảo ngược từ “Vật chất thuần túy” sang “Tư duy thuần túy”.

[9] Ám chỉ thuyết duy vật (máy móc) và thuyết Thượng đế luận (Deismus) ngay trong phong trào Khai sáng Pháp (xem: Hegel: Các bài giảng về lịch sử triết học, Tác phẩm (tiếng Đức), tập 15, tr. 507 và tiếp). Thuyết duy vật do Lamettrie và Holbach đại diện xem vật chất là sự vận động tự thân và bản tính của sự vận động này cũng như của bản thân vật chất là không biết được đối với ta. (Xem: Lamettrie: Oeuvres, tập 1, 68-84; L’homme machine, Oeuvres, tập 3, tr. 183 và tiếp). Thuyết duy thần luận hay Thượng đế luận do Robinet đại diện xem Thượng đế là cái Tuyệt đối bất khả tri và chống lại việc gán những thuộc tính của tồn tại hữu tận theo kiểu thuyết nhân hình (Anthropomorphismus) vào cho Hữu thể vô tận này. Người ta chỉ có thể nhận thức về Thượng đế như là nguyên nhân tất yếu của mọi tồn tại mà thôi. (Xem: J. B. Robinet: De la nature, tập 1, Amsterdam 1763, tr. 10-16).

[10] Thuyết duy vật trừu tượng này không phải là “triết học về Tự nhiên”, vì triết học về Tự nhiên thì không dừng lại ở sự trừu tượng; còn thuyết duy tâm này cũng không phải là “Triết học về Tinh thần” vì triết học về Tinh thần không chỉ là tư duy thuần túy. Nói cách khác, các từ: “Tự nhiên” và “Tinh thần” có sự phong phú cụ thể hơn nhiều so với các từ “vật chất” và “tư duy thuần túy”.

[11]  Ám chỉ mệnh đề nổi tiếng của Descartes: “Ego cogito, ergo sum sive existo” (“tôi tư duy vậy tôi tồn tại hay hiện hữu”) và luận cứ chứng minh của Descartes về sự tồn tại của Thượng đế, trong đó từ ý niệm Thượng đế có thể suy ra sự tồn tại của Thượng đế. (Xem: Descartes: Meditationes de prima philosophia/Các suy niệm về đệ nhất triết học trong Oeuvres de Descartes, tập VII, Paris, 1964, tr. 63-71). Như thế, Hegel tán thành “luận cứ bản thể học” của Descartes đã bị Kant phê phán. (Xem: Kant, Phê phán Lý tính thuần túy: phê phán luận cứ bản thể học, B630 và tiếp).

[12] “Thế giới của tính hữu ích” là “sự thật” của cả hai hệ thống, là điểm gặp gỡ cụ thể của cả hai, vì khi cái Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối không còn là đối tượng của Lòng tin nữa, tất cả chỉ còn phục vụ cho hạnh phúc trần thế của con người. (“Trời đã được mang xuống trồng dưới đất”, §581). Nhưng, bản thân thế giới này sẽ còn dẫn đến cái “tồn tại-cho mình” của ý thức như là “sự thật” của nó (§§582-595).

[13] “Sự thay đổi không quay trở lại vào trong chính mình nữa của các yếu tố...” (der nicht in sich zurückkehrende Wechsel der Momente): đây là đặc điểm của “sự hữu ích”. Ba yếu tố: tồn tại-tự mình, tồn tại-cho-một cái khác; tồn tại-cho mình tiếp theo nhau nhưng không tự hợp nhất lại trong yếu tố tạo nên sự thật của chúng, đó là không trở thành “sự tồn tại-cho mình” (đích thực) (sẽ rõ hơn ở §580). Vì thế, thế giới của sự hữu ích vẫn còn là một thế giới khách quan, ngoại tại chứ chưa phải là sự “Tự do tuyệt đối” (§582 và tiếp).

[14]  Vận động biện chứng của các yếu tố (tồn tại tự mình – tồn tại cho-cái khác – tồn tại-cho mình) giao hoán lẫn nhau không ngừng. Đối tượng (cái hữu ích) không phải là tự-mình, vì khi tự phân biệt, nó tồn tại-cho cái khác. Rồi nó trở lại là cho-mình, nhưng cái tồn tại-cho mình này cũng chỉ là cái tồn tại trực tiếp, ngang bằng với chính mình, nên lại trở thành tồn tại cho-cái khác v.v.. Biện chứng này vượt bỏ không ngừng tính khách quan nhưng lại để tính khách quan tiếp tục tự tồn, trong chừng mực nó không tập hợp được mọi yếu tố trong một cái duy nhất, tức Tự-ngã.

[15] “siêu hình học”: hiểu theo nghĩa từ nguyên. Thế giới (của sự hữu ích) quả là một thế giới “siêu-vật lý”, nhưng cái “siêu vật lý” này vẫn còn là đối tượng của ý thức, chứ chưa đi vào trong Tự ngã như trong cấp độ kế tiếp, là khi thế giới ấy trở thành ý chí của tôi trong sự “Tự do tuyệt đối” (§582 và tiếp).

[16] Thế giới của Lòng tin và thế giới văn hóa được tập hợp chung lại trong thế giới hiện nay của tính hữu ích và Tự-ý thức tìm thấy bản thân mình trong đó. Thế giới này là thế giới của Tự-ý thức.

[17] Thế giới văn hóa là Tinh thần bị phân tán, tự đánh mất chính mình (thế giới bị tha hóa) giống như sự sống đa tạp trong toàn bộ giới Tự nhiên, và chỉ có sự xác tín chủ quan, nhưng thiếu Sự thật khách quan.

[18]  Đây là thế giới của Lòng tin, tức thế giới của Bản chất, của cái Phổ biến, của Sự thật khách quan, nhưng lại không có sự xác tín chủ quan và hiện thực của Tự-ý thức.

[19] Trong tính hữu ích, hai thế giới trên nối kết lại với nhau và tạo nên thế giới như là một bước phát triển (một “thời đoạn”) (Moment) cho Tự-ý thức.

[20] Bước quá độ báo hiệu cuộc Đại cách mạng Pháp, tức báo hiệu kinh nghiệm về “sự Tự do tuyệt đối”. Gọi là “sự Tự do tuyệt đối” vì Tự-ý thức đã “hòa giải” yếu tố xác tín hiện thực với yếu tố sự thật (chân lý). Tự-ý thức chỉ còn phải tự hiện thực hóa chính mình ở trong thế giới này của chính mình. Thế giới ấy sẽ vừa là Trời (cái Tự-mình) vừa là Đất (sự xác tín hiện thực và sự hiện diện hay sự hiện tiền (Gegenwart)). Xem thêm: ý nghĩa của Cách mạng Pháp, trong Hegel: Các bài giảng về triết học lịch sử).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt