Phong trào Khai minh

Cuộc đấu tranh của sự khai sáng chống lại sự mê tín (1)

 

SỰ KHAI SÁNG

 

a

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA SỰ KHAI SÁNG

CHỐNG LẠI SỰ MÊ TÍN

1 2 3  

 

[I. Thái độ phủ định của sự Thức nhận đối với Lòng tin:] 

 

G. W. F HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự Khai sáng - cuộc đấu tranh của sự khai sáng chống lại sự mê tín” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006.


 

 

 

§ 541

[I. Thái độ phủ định của sự Thức nhận đối với Lòng tin:] 

Các phương thức phủ định [phê phán] đa dạng của ý thức như thái độ của thuyết hoài nghi, của thuyết duy tâm lý thuyết và thực hành đều là những hình thái ở cấp thấp so với hình thái [phê phán] của sự Thức nhận thuần túy và của sự bành trướng của sự Thức nhận này, tức là của sự Khai sáng (die Aufklärung); vì lẽ sự Thức nhận thuần túy là con đẻ của bản thể [của Tinh thần]: nó biết rằng, Tự ngã thuần túy của ý thức là tuyệt đối, và [do đó] đi vào cuộc đấu tranh chống lại [loại] ý thức thuần túy [Lòng tin] về cái Bản chất tuyệt đối của mọi hiện thực.

Vì Lòng tin và sự Thức nhận đều là ý thức thuần túy cả, nhưng lại đối lập nhau về hình thức: cái bản chất nơi Lòng tin là tư tưởng (Gedanke) [đơn thuần] chứ chưa phải là Khái niệm (Begriff) và vì thế, là cái gì đối lập tuyệt đối với Tự-ý thức; trong khi đó, cái bản chất nơi sự Thức nhận thuần túy chính là Tự-ngã; như vậy, giữa chúng với nhau (füreinander/[inter se]), cái này là cái đối lập [phủ định] tuyệt đối đối với cái kia.

Khi xuất hiện như cuộc đấu tranh chống lại nhau, mọi nội dung đều thuộc về phía Lòng tin, bởi trong môi trường tĩnh tại của tư tưởng, mọi yếu tố đều có sự tự tồn [cho riêng mình]. | Trong khi đó, thoạt đầu, phía sự Thức nhận thuần túy không mang nội dung nào cả, hay đúng hơn, nó là sự tiêu biến thuần túy [sự thủ tiêu đơn thuần] của nội dung; thế nhưng, thông qua tiến trình phủ định chống lại cái phủ định nó [Lòng tin], sự Thức nhận thuần túy sẽ tự hiện thực hóa chính mình và mang lại một nội dung cho chính mình[1].

§ 542

[a) Sự lan tỏa của sự Thức nhận thuần túy:] 

Nó [sự Khai sáng] biết Lòng tin là cái đối lập lại với chính nó, với lý tính và chân lý. Với nó, nếu Lòng tin nói chung là mạng lưới được dệt bằng toàn những mê tín, tiên kiến và sai lầm, thì nó cũng còn thấy rằng cái ý thức bao trùm toàn bộ nội dung này được tổ chức thành một “vương quốc” của sai lầm, trong đó sự thức nhận sai lầm là lãnh vực (Masse) chung của [loại] ý thức trực tiếp, ngây thơ và không có được sự phản tư vào trong chính mình này. | Nhưng đồng thời, sự thức nhận sai lầm này [thật ra] cũng có trong chính mình yếu tố của sự tự-phản tư, yếu tố của Tự-ý thức, tách rời khỏi tính ngây thơ đơn giản của nó, [nhưng biết] giữ lại sự phản tư này ở phía sau lưng, đó là một sự thức nhận giữ riêng cho-mình và là ý đồ đen tối nhằm lừa bịp trạng thái ý thức [ngây thơ] kia. Lãnh vực [tinh thần ngây thơ] kia [của quần chúng đông đảo] là nạn nhân của sự lừa đảo của một giới giáo sĩ (Priesterschaft) đầy lòng ghen tị và huênh hoang cho rằng chỉ có riêng mình là nắm giữ được sự thức nhận, cũng như theo đuổi những mục đích ích kỷ riêng tư khác. | Đồng thời, giới giáo sĩ này âm mưu câu kết với bọn cầm quyền chuyên chế là những kẻ giữ tư thế như là một nhất thể tổng hợp một cách vô-khái niệm (begrifflos) [thô thiển] về cả hai vương quốc hiện thực lẫn lý tưởng này, – một sản phẩm thiếu chặt chẽ một cách lạ lùng – ; đồng thời lại đứng lên trên cả sự thức nhận tồi tệ của quần chúng lẫn ý đồ xấu xa của giới giáo sĩ, và dầu vậy, vẫn hợp nhất cả hai điều này bên trong lòng nó. | Từ sự ngu muội và hoang mang trong quần chúng đông đảo do mánh lới bịp bợm của giới giáo sĩ tạo ra, bọn cầm quyền chuyên chế khinh bỉ cả hai và chỉ biết thủ lợi để có được sự cai trị yên ổn và tha hồ thỏa mãn khoái lạc và thực hiện ý muốn tùy tiện của mình. | Nhưng đồng thời, bản thân bọn cầm quyền chuyên chế cũng tồn tại ngay trong bầu khí “thức nhận” ngột ngạt, mù mịt này, [tức] trong tình trạng cũng không kém phần mê tín và sai lầm[2].

§ 543

Sự Khai sáng chống lại ba phương diện trên đây của đối thủ không phải không có sự phân biệt. | Vì lẽ bản chất của sự Khai sáng là sự thức nhận thuần túy, [tức] là cái phổ biến tự-mình và cho-mình [per se], nên mối quan hệ thực sự của nó với cái đối cực khác là mối quan hệ trong đó nó chỉ liên quan đến cái chung và cái giống nhau trong cả hai phía. Phương diện của tính cá biệt [sự tồn tại cá nhân] tự cô lập khỏi ý thức ngây thơ phổ biến là cái đối lập lại với nó và nó không thể trực tiếp đụng chạm đến được. Vì thế, ý chí [riêng lẻ] của giới giáo sĩ bịp bợm và của bọn chuyên chế áp bức không phải là đối tượng trực tiếp cho việc phê phán của nó; trái lại, đối tượng của nó là sự thức nhận không có ý chí và không có sự tồn tại-cho-mình được cá thể hóa một cách cô lập, [tức] là Khái niệm (Begriff) về Tự-ý thức tự-giác [tuy đã] có sự tồn tại nơi lãnh vực (Masse) [trong quần chúng] nhưng vẫn chưa hiện diện ở đó [trong ý nghĩa đầy đủ, đích thực] với tư cách là Khái niệm (Begriff).

Nhưng, vì sự Thức nhận thuần túy muốn giải cứu hình thái thức nhận ngay thật với bản tính ngây thơ của nó ra khỏi những tiên kiến và sai lầm, nên nó tước đoạt từ tay của ý đồ xấu xa [của giáo sĩ và kẻ thống trị chuyên chế] quyền lực thực hiện ý đồ và sức mạnh lừa bịp, [vì] đối với vương quốc của họ, chính cái ý thức vô-khái niệm (begrifflos) [ngu muội, ngây thơ, chưa phát triển] của lãnh vực phổ biến [quần chúng] mới là nơi cung cấp đất đai và vật liệu [để họ xây dựng nên vương quốc của sự lừa bịp và áp bức], nghĩa là, sự tồn tại-cho-mình [của vương quốc ấy] tìm thấy bản thể của mình ở trong ý thức đơn giản [ngây thơ] nói chung[3].

§ 544

 [Như vậy], bây giờ, quan hệ của sự Thức nhận thuần túy đối với [loại] ý thức ngây thơ về Hữu thể tuyệt đối là quan hệ có hai mặt. | Một mặt, sự Thức nhận thuần túy – về mặt tự-mình – cũng là một với loại ý thức ngây thơ. | Nhưng, mặt khác, ý thức ngây thơ này để cho Hữu thể-tuyệt đối cũng như những bộ phận của nó ở yên bên trong môi trường [Element] đơn giản của tư tưởng, cho phép chúng tự tồn ở trong đó, và có giá trị chỉ như cái [tồn tại] tự-mình của mình (sein Ansich) và do đó, có giá trị một cách khách quan. | Tuy nhiên, khi làm như thế, ý thức ngây thơ đã phủ nhận [đã từ bỏ] cái tồn tại-cho-mình của chính mình ở trong cái [tồn tại] tự-mình này. [Nhưng] xét theo phương diện trước, đối với sự Thức nhận thuần túy, Lòng tin này – về mặt “tự-mình” – là Tự-ý thức thuần túy và nó chỉ còn có nhiệm vụ là hãy trở thành “cho-mình” [minh nhiên như là Tự-ý thức], nên sự Thức nhận thuần túy tìm thấy trong Khái niệm này về Tự-ý thức môi trường (das Element) trong đó sự Thức nhận thuần túy tự hiện thực hóa chính mình, để thế chỗ cho sự thức nhận sai lầm.

§ 545

Vì lẽ, xét từ phương diện này, cả hai về bản chất là một và mối quan hệ của sự Thức nhận thuần túy là diễn ra thông qua và ở trong cùng một môi trường (Element), nên sự tương thông giữa chúng là trực tiếp, việc cho và nhận giữa chúng với nhau là một sự thâm nhập vào nhau không trở ngại. Bất kể mũi cọc nào được đóng sâu vào ý thức đến đâu, thì nơi tự-mình (an sich), ý thức vẫn là tính đơn giản [về bản chất], trong đó mọi sự đều hòa tan, đều bị lãng quên và không bị chướng ngại, và vì thế, nó hoàn toàn có khả năng tiếp nhận (empfänglich/[receptiv]) [tác động của] Khái niệm. Vì lý do đó, “thông điệp” của sự Thức nhận thuần túy có thể so sánh với sự bành trướng, hay đúng hơn, với sự lan tỏa âm thầm của một mùi hương trong bầu không khí không bị chướng ngại. Nó là một sự lây nhiễm, thâm nhập cùng khắp, trước đó không để ai chú ý vì không xuất hiện ra như cái gì đối lập rõ ràng đối với môi trường mà nó len lõi vào, và vì thế, không thể nào đề kháng được. Chỉ một khi sự lây nhiễm đã lan tỏa cùng khắp, thì ý thức – vốn không hề đề phòng ảnh hưởng của nó – mới tỉnh ngộ. Bởi vì, điều mà ý thức này đã đón nhận vào trong chính mình đúng là cái gì đơn giản, đồng tính với nó, song đồng thời cũng là tính đơn giản của sự phủ định đã tự phản tư (in sich reflektierte Negativität), tức của cái sau đó sẽ phát triển thành cái gì đối lập đúng theo bản tính riêng của nó và cũng chính là cái sẽ gợi cho ý thức nhớ lại trạng thái trước đây của ý thức. | Cái đồng tính đơn giản này chính là Khái niệm (Begriff), là cái biết đơn giản biết rõ cả chính mình lẫn cái đối lập với mình, tuy nhiên, biết cái đối lập này như là cái đối lập đã bị thủ tiêu [aufgehoben: đã bị quy giảm thành một “yếu tố” đang tiêu biến đi] ở ngay bên trong chính mình [bên trong tự-nhận thức của Khái niệm]. Cho nên, khi ý thức [bắt đầu] nhận diện sự Thức nhận thuần túy thì sự thức nhận này đã lan tỏa khắp chốn. | Cuộc đấu tranh chống lại sự Thức nhận thuần túy càng bộc lộ sự thật là sự lây nhiễm đã diễn ra rồi; cuộc đấu tranh đã được tiến hành quá muộn và bất kỳ phương thuốc nào cũng chỉ làm cho căn bệnh trầm trọng thêm bởi căn bệnh đã lan đến não tủy của đời sống tinh thần, nghĩa là đến tận trong Khái niệm hay tận trong bản chất thuần túy [nhất] của ý thức, và vì thế, không còn sức lực nào bên trong ý thức để thắng vượt được căn bệnh nữa. Vì lẽ căn bệnh ăn sâu nơi bản thân bản chất [sâu xa nhất], nên những biểu hiện của nó – khi còn ở dạng riêng lẻ – cũng như những triệu chứng hời hợt bên ngoài của nó có thể bị đẩy lùi và thuyên giảm. Điều này lại cực kỳ có lợi cho căn bệnh, vì nó không cần phí phạm sức lực một cách vô ích, cũng như không cần tỏ ra tương xứng với bản chất [nguy hiểm] của nó, điều có thể xảy ra nếu giá như nó xuất hiện dưới dạng những triệu chứng hay những bột phát cấp tính một cách riêng lẻ đối kháng lại với nội dung của Lòng tin và với sự liên kết của Lòng tin với thế giới hiện thực bên ngoài. Đàng này, ngược lại, với tư cách là một Tinh thần vô hình, vô ảnh, nó len lỏi vào khắp những bộ phận cao quý nhất và nhanh chóng chiếm lĩnh triệt để toàn bộ nội tạng và tứ chi của cái “ngẫu tượng” (Gưtzen) đã mê man kia, để rồi, “vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, nó [sự Thức nhận thuần túy] huých mạnh cùi chỏ vào ông bạn ngẫu tượng kia và thế là: huỵch ! A lê hấp ! ngẫu tượng nằm lăn dưới đất !”[4]. Việc xảy ra ở “buổi sáng đẹp trời” ấy không làm cho buổi trưa trở nên đẫm máu, nếu sự lây nhiễm đã thâm nhập hoàn toàn vào khắp mọi cơ quan của đời sống tinh thần. | Và thế là chỉ duy có sự hồi ức mới còn lưu giữ lại hình dáng chết chóc của trạng thái tinh thần trước đây như lưu giữ một câu chuyện đã thuộc về lịch sử và những con người của “muôn năm cũ” ấy cũng không hề biết câu chuyện đã xảy ra như thế nào. | Và chính bằng cách ấy, con rắn mới toanh này của sự khôn ngoan – nay uốn mình vươn cao lên để được sùng bái – đã chỉ lột bỏ đi một lớp da khô của mình mà không hề đau đớn[5].

§ 546

[b) Sự đối lập của sự Thức nhận đối với Lòng tin:] 

Nhưng, việc tiếp tục đan dệt âm thầm này của Tinh thần[6] ở nơi cái “Bên trong” đơn giản của bản thể mình [tức trong lãnh vực “xúc cảm”], tức việc Tinh thần che dấu hoạt động của mình với chính mình chỉ mới là một phương diện của việc hiện thực hóa sự Thức nhận thuần túy mà thôi. Sự lan tỏa của Thức nhận thuần túy không chỉ gói gọn trong việc để cho “cái giống nhau” nối kết với “cái giống nhau”, và việc hiện thực hóa của nó cũng không chỉ là một sự bành trướng không gặp trở lực gì. Trái lại, hành động của bản chất [nguyên tắc] phủ định cũng đồng thời thiết yếu là một tiến trình đã được phát triển của việc tự-phân biệt chính mình (eine entwickelte sich in sich unterscheidende Bewegung); tiến trình ấy – với tư cách là hành động có ý thức – phải phô diễn những yếu tố của nó trong một hình thức hiện hữu công khai, dứt khoát và thể hiện trong một hình thức hết sức ồn ào và trong một cuộc đấu tranh đầy bạo lực chống lại cái đối lập, xét như cái đối lập[7].

§ 547

Vì thế, ta hãy xem sự Thức nhận thuần túy và ý đồ thuần túy thể hiện thái độ phủ định của chúng chống lại cái khác đang đứng đối lập lại với chúng như thế nào.

Sự Thức nhận thuần túy và ý đồ, khi hành xử một cách phủ định, thì, – bởi lẽ Khái niệm [nguyên tắc] của nó là toàn bộ tính bản chất và không có gì nằm ở bên ngoài nó – chỉ có thể là cái phủ định của chính nó. Do đó, với tư cách là sự Thức nhận, nó chuyển hóa thành cái phủ định của sự Thức nhận thuần túy, tức trở thành phản-chân lý và phản-lý tính; và, với tư cách là ý đồ, nó chuyển hóa thành cái phủ định của ý đồ thuần túy, tức trở thành sự dối trá và sự không trong sạch của mục đích.

§ 548

Nó [sự Thức nhận thuần túy] tự vướng vào sự mâu thuẫn này bởi nó lao vào cuộc tranh cãi và tưởng rằng (meint) phải đấu tranh với một cái gì khác với nó. Nó chỉ đơn thuần tưởng như thế thôi, vì bản chất của nó – là tính phủ định tuyệt đối – chính là ở chỗ có cái tồn tại-khác này ở ngay bên trong chính mình. Khái niệm tuyệt đối là phạm trù; trong Khái niệm ấy, cái biết (Wissen) và đối tượng của cái biết là cùng một thứ. Kết quả là: cái gì do sự Thức nhận thuần túy phát biểu ra như là cái khác của nó, như là một sai lầm hay dối trá thì không thể là gì khác hơn là chính bản thân nó; nó chỉ có thể lên án cái chính là nó. Cái gì không [hợp] lý tính (vernünftig), không phải là chân lý; hay cái gì không được thấu hiểu bằng Khái niệm (begriffen) [được xác định bằng Khái niệm] thì không tồn tại. | Vậy, khi Lý tính nói về một cái khác với nó thì, trong thực tế, nó chỉ nói về chính mình; trong khi nói ra như vậy, Lý tính không đi ra khỏi chính mình[8].

Do đó, cuộc đấu tranh này với cái đối lập kết hợp trong nó ý nghĩa của [tiến trình] hiện thực hóa của chính sự Thức nhận. Sự hiện thực hóa ở ngay trong tiến trình phát triển những yếu tố của nó và thu hồi chúng lại vào trong chính nó. | Một bộ phận của tiến trình này là tạo ra sự phân biệt, trong đó sự Thức nhận của Lý tính tự đối lập với chính mình như là đối tượng; bao lâu nó còn ở trong tình trạng ấy, nó tự tha hóa với chính nó. Với tư cách là sự Thức nhận thuần túy, nó không có nội dung nào cả; tiến trình hiện thực hóa của nó là ở chỗ làm cho bản thân nó trở thành nội dung cho chính nó, bởi không một cái nào khác có thể trở thành nội dung cho nó được, vì nó là Tự-ý thức của phạm trù [là phạm trù đã trở thành tự-giác]. Nhưng vì sự Thức nhận này thoạt đầu tưởng rằng nội dung là ở nơi cái đối lập của nó và biết về nội dung này chỉ đơn thuần như là nội dung, chứ chưa biết về nội dung như là về chính mình, nên sự Thức nhận thuần túy không nhận ra chính mình ở trong nội dung ấy. Cho nên, việc hoàn tất trọn vẹn sự Thức nhận có ý nghĩa như là tiến trình nhận thức nội dung – vốn thoạt đầu như là nội dung khách quan đối lập với mình – như là nội dung của chính mình. Tuy nhiên, qua đó, kết quả của nó sẽ không phải là sự tái lập những sai lầm mà nó đã đấu tranh chống lại, cũng không đơn thuần là Khái niệm ban đầu của nó, mà là một sự Thức nhận biết rõ sự phủ định tuyệt đối đối với chính mình như là hiện thực của chính mình, như là Tự ngã của chính mình, hay nói khác đi, là một sự Thức nhận mà Khái niệm của nó đang tự nhận thức chính mình.

Bản tính tự nhiên này của cuộc đấu tranh giữa sự Khai sáng với những sai lầm, tức cuộc đấu tranh với chính nó ở trong những sai lầm ấy và việc lên án những gì do chính nó khẳng định là cái gì [thể hiện ra minh nhiên] cho ta (für uns) [nhà hiện tượng học quan sát tiến trình], hay nói cách khác, còn là tự-mình (an sich) [mặc nhiên, chưa minh nhiên] nơi bản thân sự Khai sáng và cuộc đấu tranh của nó. Tuy nhiên, phương diện đầu tiên của cuộc đấu tranh này – tức việc gây ô nhiễm của sự Khai sáng do đưa thái độ phủ định [có tính phá hủy] vào trong sự tự-đồng nhất trong sạch thuần túy –, đó là cách nhìn của Lòng tin đối với sự Khai sáng: Lòng tin xem sự Khai sáng như là sự lừa dối, phản lý tính và có ý đồ xấu xa, cũng giống như sự Khai sáng xem Lòng tin là sai lầm và tiên kiến.

Xét về nội dung của sự Khai sáng, thoạt đầu nó chỉ là sự Thức nhận trống rỗng, còn nội dung của sự Thức nhận ấy xuất hiện ra như một cái khác, xa lạ với nó. Do đó, nó tìm thấy nội dung này trong hình thái của cái gì chưa phải là của chính nó, như cái gì tồn tại hoàn toàn độc lập với nó, tức đó là nội dung được tìm thấy trong Lòng tin.

§ 549

Như vậy, thoạt tiên và nói chung, sự Khai sáng quan niệm về đối tượng của nó theo kiểu xem đối tượng như là sự Thức nhận thuần túy, và do không nhận biết chính mình ở trong đó, nên lý giải nó như là sự sai lầm. Trong sự Thức nhận, xét như sự Thức nhận, ý thức quan niệm về đối tượng theo kiểu đối tượng ấy trở thành cái bản chất của [đời sống] ý thức, hay trở thành một đối tượng mà ý thức thâm nhập vào, trong đó ý thức bảo tồn chính mình (sich erhält), tự tại nơi chính mình (bei sich selbst) và hiện diện cho chính mình (sich gegenwärtig bleibt), và, bởi lẽ qua đó, ý thức là tiến trình vận động của đối tượng ấy, nên chính ý thức tạo ra (hervorbringt) đối tượng. Đây chính là điểm mà sự Khai sáng nói rất đúng về Lòng tin khi cho rằng Hữu thể-tuyệt đối được Lòng tin tín ngưỡng là một tồn tại của chính ý thức của Lòng tin, là tư tưởng của riêng nó, là một sản phẩm được tạo ra bởi chính ý thức[9]. Kết quả là: sự Khai sáng lý giải đối tượng ấy như là một sự sai lầm, như là một sản phẩm tưởng tượng về chính cái là bản thân sự Khai sáng.

Như thế, khi sự Khai sáng muốn dạy cho Lòng tin về sự sáng suốt mới mẻ này, nó thật ra không nói cho Lòng tin điều gì mới cả. | Vì đối tượng của bản thân Lòng tin cũng chính là điều này, đó là cái bản chất thuần túy của chính ý thức riêng của Lòng tin, khiến cho ý thức này không hề thấy mình bị mất mát và bị phủ định trong đối tượng ấy, mà đúng hơn, đặt trọn lòng tin cậy vào đó, có nghĩa là, nó tìm thấy chính mình ở đó với tư cách là cái ý thức [cá biệt] này, hay nói khác đi, thấy chính mình trong đó như là Tự-ý thức. Khi tôi đặt lòng tin vào ai, thì đối với tôi, sự xác tín của người ấy về chính mình cũng là sự xác tín về chính tôi; tôi nhận biết cái tồn tại-cho-mình của tôi trong người ấy; tôi biết rằng người ấy thừa nhận điều này, và đối với người ấy, điều này vừa là mục đích vừa là bản chất của chính anh ta[10]. Thế mà Lòng tin chính là sự tin cậy (hay tin tưởng) (Vertrauen)[11], bởi lẽ ý thức của lòng tin có mối quan hệ trực tiếp với đối tượng của nó, và do đó, cũng trực tiếp thấy mình [trực quan: anschaut] là một với đối tượng và ở trong đối tượng. Ngoài ra, khi cái gì đó là đối tượng cho tôi, trong đó tôi nhận biết chính mình, thì đồng thời, trong đối tượng ấy, tôi thực sự tồn tại cho tôi như một Tự-ý thức khác, tức là, như một Tự ý thức đã trở thành tha hóa trong đối tượng ấy khỏi tính cá biệt [sự cá thể hóa riêng lẻ], khỏi sự tồn tại tự nhiên và bất tất của mình, nhưng trong đó, một phần tiếp tục là Tự-ý thức, và phần khác vẫn là một ý thức bản chất giống như sự Thức nhận thuần túy[12]. Trong Khái niệm của sự Thức nhận không chỉ đơn thuần có điều sau đây, đó là ý thức nhận biết chính mình ở trong đối tượng được nó thức nhận, và tìm thấy chính mình ở đó một cách trực tiếp, không cần trước tiên phải rời bỏ cái đã được suy tưởng [“môi trường” tư tưởng], sau đó mới quay trở lại vào trong chính mình; trái lại, Khái niệm ấy cũng bao hàm cả việc ý thức nhận biết chính mình như là tiến trình trung giới, hay nói cách khác, nhận biết chính mình như là tác nhân hành động của việc tạo ra [đối tượng]. | Qua đó, ý thức đạt được trong tư tưởng một cách minh nhiên sự thống nhất của Tự ngã mình như là sự thống nhất của Tự-ngã và đối tượng.

Vậy, Lòng tin cũng chính là [loại] ý thức như thế. | Sự tuân phục và việc làm [sùng bái] là yếu tố thiết yếu, nhờ đó sự xác tín về tồn tại ở nơi Hữu Thể-tuyệt đối được hình thành. Việc làm này của Lòng tin đúng là không xuất hiện ra như thể bản thân Hữu thể-tuyệt đối được tạo ra từ việc làm ấy. Nhưng, Hữu thể-tuyệt đối của Lòng tin thiết yếu cũng không phải là Hữu thể trừu tượng nằm ở phía bên kia của ý thức có lòng tin, trái lại, Hữu thể ấy là Tinh thần của công đồng tôn giáo (Gemeinde), là sự thống nhất của Hữu thể trừu tượng và Tự-ý thức[13]. Chính hành động [sùng bái] của công đồng tôn giáo là yếu tố thiết yếu làm cho Hữu thể-tuyệt đối trở thành Tinh thần của công đồng. | Tinh thần này sở dĩ là Hữu thể-tuyệt đối là nhờ thông qua hành động “tạo ra” của ý thức, hay nói đúng hơn, không thể tồn tại [như là Tinh thần của công đồng] nếu không được tạo ra bởi ý thức. | Vì tiến trình “tạo ra” tuy là thiết yếu, nhưng cũng thiết yếu rằng đó không phải là cơ sở duy nhất [cho sự tồn tại] của Hữu thể-tuyệt đối, mà chỉ là một yếu tố. Hữu thể-tuyệt đối đồng thời là tự-mình và cho-mình[14].

§ 550

Ở một phương diện khác, Khái niệm của sự Thức nhận thuần túy được xem là một cái gì khác với đối tượng của chính nó, bởi chính tính chất phủ định này hình thành nên đối tượng. Nên, từ phương diện khác này, sự Thức nhận thuần túy tuyên bố Hữu thể-tuyệt đối của Lòng tin như cái gì xa lạ với Tự-ý thức, như cái gì không phải bản chất [con đẻ] của nó mà như “một đứa bé” bị đánh tráo vào trong Tự-ý thức [ám chỉ sự lừa bịp của giới giáo sĩ]. Chỉ có điều, ở đây, sự Khai sáng hoàn toàn khờ khạo: Lòng tin xem sự Khai sáng như một cách nói không biết mình đang nói gì, cũng như không hiểu gì về nội tình khi lên tiếng nào là về sự bịp bợm của giáo sĩ, về sự lừa mị quần chúng. Sự Khai sáng nói về những điều này như thể chỉ cần dựa vào vài câu thần chú “úm ba la” của những tên thuật sĩ man trá là đánh tráo được ngay cái gì tuyệt đối xa lạ và khác biệt thành cái bản chất cho ý thức; và nói ngay được rằng cái đó đích thị là bản chất cho ý thức, rằng ý thức tin tưởng và tin cậy vào đó và tìm cách làm cho nó tùy thuận với chính mình, – nghĩa là, nói rằng, trong đó, ý thức trực nhận cái bản chất [tuyệt đối] thuần túy của mình giống hệt như là trực nhận tính cá nhân riêng lẻ và [đồng thời] phổ biến của chính mình, và, bằng việc làm của mình, tạo ra sự thống nhất này của chính mình với bản chất của mình. Như thế, khi sự Khai sáng khẳng định cái gì là xa lạ với ý thức thì cũng là trực tiếp tuyên bố rằng cái đó là bản tính thiết cốt nhất (das Eigenste) của bản thân ý thức[15]. Vậy, làm thế nào sự Khai sáng có thể nói về sự bịp bợm và mê hoặc được? Chính bởi sự Khai sáng phát biểu trực tiếp về Lòng tin đúng ngay cái đối lập lại với những gì nó khẳng định về Lòng tin, nên trong thực tế, sự Khai sáng tự bộc lộ mình – trước Lòng tin – như là sự nói dối có ý thức. Làm sao sự bịp bợm và mê hoặc có thể hoành hành được ở nơi mà ý thức – trong tính chân lý của nó – trực tiếp có được sự xác tín về chính mình, nơi nó chiếm lĩnh bản thân mình trong đối tượng của mình, bởi ý thức vừa tìm thấy mình, vừa tự tạo ra chính mình ở trong đó? Sự phân biệt không còn tồn tại nữa, kể cả trong ngôn từ. Khi đặt ra câu hỏi chung rằng: phải chăng có thể có sự mê hoặc quần chúng, thì trong thực tế, câu trả lời hẳn là: câu hỏi ấy không ổn, bởi trong việc này, không thể nào mê hoặc quần chúng được[16]. Đồng thau thay vì vàng, tiền giả thay vì tiền thật quả là có thể lừa được một số ít người, trận đánh thua hư trương thành trận đánh thắng, và mọi điều dối trá đủ loại về những sự việc cảm tính và riêng lẻ đều có thể đáng tin trong một thời gian nào đó, nhưng, trong việc nhận biết về cái bản chất, là nơi ý thức tìm thấy sự xác tín trực tiếp về chính mình thì ý tưởng về sự lừa mị hoàn toàn không có chỗ đứng.



[1] Như đã biết, Lòng tin là tư tưởng chỉ hướng vào nội dung, còn sự Thức nhận là tư tưởng chỉ hướng vào việc phủ định mọi nội dung. Sự phát triển sẽ cho thấy: qua việc phê phán và phủ định nội dung của Lòng tin, sự Thức nhận sẽ có được nội dung của mình: đó là, tư tưởng triết học Khai sáng (thuyết duy tâm siêu nghiệm, thuyết duy vật cơ giới...) của thế kỷ 18.

[2] Hegel cũng sử dụng các ý kiến phê phán kịch liệt đối với tôn giáo (Ki-tô giáo) của các tác giả thời Khai sáng, tiêu biểu là của D’Holbach. (Xem: D’Holbach: Le christianisme dévoilé, ou examen des principes et des effets de la religion chrétienne”/“Đạo Ki-tô bị vạch trần, hay nghiên cứu về các nguyên tắc và hậu quả của đạo Ki-tô”, London, 1767, các Chương 6, 14 và đặc biệt Chương 15, tr. 188: “Như thế, trong tôn giáo La mã, giáo sĩ cai trị vua chúa và qua đó đảm bảo sự cai trị của giáo sĩ đối với thần dân. Sự mê tín và chuyên chế tạo thành một liên minh vĩnh cửu và hợp nhất các nỗ lực để giữ nhân dân của các dân tộc trong vòng nô lệ và bất hạnh”..., tr. 190 (Chương 16): “Tất cả những gì đã trình bày đã cho thấy hết sức rõ rằng đạo Ki-tô là đi ngược lại nền chính trị lành mạnh và hạnh phúc của các dân tộc. Có lẽ nó chỉ có lợi cho đám vua chúa, những kẻ bất chấp sự Khai sáng và đạo lý, tin rằng mình buộc phải cai trị đám thần dân nô lệ và, để bóc lột và khủng bố không thương tiếc, chúng liên minh với bọn giáo sĩ mà chức năng của giới này bao giờ cũng là bịp bợm nhân danh “cõi Trời ”. Ngoài ra, trong các tiểu đoạn sau (549-554) có lẽ Hegel cũng sử dụng các luận điểm phê phán của D’Holbach làm cơ sở để lập luận (“thuyết nhân hình” trong quan niệm về Thượng đế, các quan niệm về đạo đức, luân lý như: tự nguyện sống nghèo túng, tu sĩ không lập gia đình, xưng tội, chay tịnh...). (Xem: D’Holbach: “System der Natur”/“Hệ thống Tự nhiên”, bản dịch tiếng Đức của Herr von Mirabeau, Frankfurt/Leibzig 1791, tr. 318-338; tác phẩm nặc danh của D’Holbach: “Systeme social. Ou principes naturels de la morale et de la politique. Avec un examen de l’influence du gouvernement sur les moeurs”/“Hệ thống xã hội hay các nguyên tắc tự nhiên về luân lý và chính trị. Với một nghiên cứu về ảnh hưởng của chính quyền đối với phong tục”, tập I, London 1773 (Chương 15); tập 2, London 1773 (Chương 10) (dẫn theo bản Meiner).

[3] Nhiệm vụ đầu tiên của sự Khai sáng là “khai sáng” cho quần chúng ngây thơ, những người, tự mình [mặc nhiên, tiềm năng] là có Lý tính sáng suốt, nhưng bị tầng lớp giáo sĩ lừa bịp.

[4] Trích dẫn từ Diderot: “Rameau’s Neffe”/“Người cháu của ông Rameau” (bản dịch tiếng Đức của Goethe, “Các tác phẩm”, tập 1, 45, 116 và tiếp). Trong đoạn văn này, Diderot châm biếm phương pháp truyền giáo (Ki-tô giáo) của những tu sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hegel mượn hình ảnh này để mô tả sự “lan tỏa” của phong trào Khai sáng ở Châu Âu, thế kỷ 18.

[5] Mượn hình ảnh trong Kinh Thánh, Moses 21, 8.

[6] “Sự đan dệt âm thầm” (das stumme Fortweben): Hegel dùng chữ này để chỉ công việc âm thầm, chưa có ý thức trong tinh thần của một thời đại hay một học thuyết trước khi nó xuất hiện công khai ra bên ngoài.

[7] Việc làm thứ hai của sự Khai sáng là tiến hành công việc phủ định. Sự Khai sáng, sau thời gian tự phát âm thầm, bắt đầu triển khai trong ý thức như là sự phủ định ồn ào chống lại Lòng tin.

[8] “Khi Lý tính nói về một cái khác với nó thì, trong thực tế, nó chỉ nói về chính mình; trong khi nói ra như vậy, Lý tính không đi ra khỏi chính mình”: Câu then chốt của cả đoạn và nêu cái nhìn sâu sắc về cuộc đấu tranh tư tưởng ở thế kỷ 18. Lý tính chỉ trích một thế giới đầy mê tín, sai lầm mà nhân loại phải sống qua bao thế kỷ, nhưng chính Lý tính cũng đã ở trong bao thế kỷ ấy chứ không phải cái gì khác. Do đó, đấu tranh chống lại Lòng tin cũng chính là chống lại bản thân nó. Nó tố cáo Lòng tin là cái gì khác nó, nhưng cái khác này cũng là chính nó. Do đó, quan niệm của Hegel không phải là phủ định hay phủ nhận tôn giáo (vì như thế là tự mâu thuẫn, là xem tôn giáo như cái gì khác với Lý tính) mà là phải nâng tôn giáo lên cấp độ Khái niệm.

[9] Như vậy, trước L. Feuerbach khá lâu, Hegel đã nhận ra luận điểm phê phán tôn giáo bằng cách xem tôn giáo là sản phẩm của chính ý thức con người. Tuy nhiên, khác với thế kỷ 18, Feuerbach không dùng nguồn gốc của ý thức con người để đả kích tôn giáo mà xem đó là một phương tiện để mang lại cho con người ý thức về sự phong phú nội tại của chính con người. Feuerbach đã tiếp thu rất nhiều từ Hegel.

[10] “Con người tự biến thành mục đích, thành đối tượng cho những tư tưởng của Thượng đế” (L. Feuerbach: “Bản chất của đạo Ki-tô”. Bản tiếng Pháp, 1864, tr. 333) (dẫn theo J.H).

[11] “Vertrauen”: sự tin cậy: đây chính là “fiducia” của các nhà thần học, là yếu tố “hợp nhất”, đối lập lại với yếu tố “phân ly”, đồng thời có mặt trong Lòng tin.

[12] Con người không còn nhận ra chính mình trong Thượng đế như một ý thức cá biệt, bất tất nữa, mà vẫn với tư cách là Tự-ý thức, là ý thức phổ biến, bản chất. Sau này, Feuerbach sẽ nói rằng, trong trường hợp ấy, con người nhận biết tính vô tận của bản tính Loài của mình, đối lập lại với sự giới hạn của cá nhân riêng lẻ.

[13] Thượng đế không còn tồn tại mà không có con người cũng như con người không tồn tại mà không có Thượng đế. Việc hiện thực hóa bản chất của Tinh thần là sự hiện diện của Thượng đế trong cộng đồng. Do đó, việc nâng cộng đồng lên cấp độ Tinh thần – tức sự thờ cúng trong nghĩa rộng – là một yếu tố bản chất.

[14] Việc tạo ra Tinh thần ở trong cộng đồng là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Hữu thể tuyệt đối còn là tự-mình và cho-mình. Nghĩa là, đối với ý thức của Lòng tin, Thượng đế vẫn xuất hiện ra như cái gì khác, ở phía bên kia (đối lập lại với yếu tố “tin cậy”/Vertrauen/fiducia trước đây). Thế nhưng, sự Khai sáng sẽ lý giải yếu tố trước theo nghĩa Lòng tin tạo ra đối tượng cho mình; và lý giải yếu tố sau theo nghĩa Lòng tin nhận được đối tượng của mình từ một nguồn cung cấp xa lạ tuyệt đối: từ sự lừa dối của giới giáo sĩ (xem §550).

[15] Tức, trong sự phê phán này, sự Khai sáng đã tự mâu thuẫn với chính mình.

[16] Hegel nhắc lại câu hỏi được treo giải thưởng của Viện Hàn Lâm khoa học Berlin do D’Alembert gợi ý và được vua Friedrich II công bố năm 1778. (Xem: Nouveaux Mémoires de l’Académie Royale des Sciences et Belles-lettres, Année 1778. Berlin 1780, tr. 30; Année 1780, Berlin 1782, tr. 14 (dẫn theo bản Meiner).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt