Thuyết Duy tâm Đức

Dịch và chú giải Hiện tượng học Tinh thần

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

MẤY LỜI GIỚI THIỆU VÀ LƯU Ý CỦA NGƯỜI DỊCH

 

CÙNG HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN

QUA CÁC “CHẶNG ĐƯỜNG THÁNH GIÁ”

 

I. Dịch và chú giải Hiện tượng học Tinh thần

II. Đọc Hiện tượng học Tinh thần

III. Đọc lại Hiện tượng học Tinh thần (viết tắt: HTHTT)

 

I.

DỊCH VÀ CHÚ GIẢI HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


G. W. F. Hegel. Hiện tượng học Tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

… Từ thuở Tiên đi, sầu cũng nhỏ…

Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời

Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước

Đâu biết trời kia rộng mấy khơi…

(Huy Cận)

 

1. Không đợi đến 200 năm – khoảng cách giữa chúng ta và tác phẩm –, mà chỉ mới 70 năm sau khi… “tiên đi, đại bàng vỗ cánh”, Wilhelm Windelband, tác giả trứ danh của bộ “Lịch sử triết học cận kim”/Geschichte der neueren Philosophie, I, 1878 đã buồn bã nhận xét: “Giống người đã có thể hiểu được quyển Hiện tượng học Tinh thần của Hegel đang trên đà tuyệt chủng. Giờ đây, ngay số người đã chịu khó đọc tác phẩm ấy từ đầu đến cuối chắc cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay mà thôi”. Câu trước nói lên mức độ khó hiểu của tác phẩm. Câu sau cho thấy sự “lạc lõng” của nó giữa một trần gian đã trở lại với kích thước bình thường vì nơi đó “mối sầu” (hay sự suy tư) cũng đã “nhỏ” lại, vừa vặn với những giường chiếu hẹp. Sau bao nỗi thất vọng và mệt mỏi trước các hệ thống tư biện, mấy ai ngày nay còn đủ kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục theo đuổi “giấc mộng lớn” giống như… “nghìn năm trước thuở các người mơ mộng”?

2. Giấc mộng ấy – như ta sẽ thấy[1] – quả lớn thật và lại còn vô cùng rối rắm! Ai cũng phải nhận rằng HTHTT là một trong các tác phẩm khó nhất và tham vọng nhất trong kho tàng triết văn thế giới. Tuy thế, bất chấp nhận định bi quan trên đây của W. Windelband, HTHTT vẫn cứ tiếp tục có “ma lực” hấp dẫn dị thường. Không một sinh viên ban Triết nào không mơ có ngày đọc được trọn vẹn tác phẩm này sau bao lần đành… dang dở trước đèn! Không một nhà triết học nào giấu được cái “thú đau thương” là phải “vật vã” bao năm trường với Hegel để hy vọng sớm có ngày… leo được “lên vai người khổng lồ” ấy và sung sướng thấy mình “giỏi” hơn Hegel! Vạch ra chỗ “hạn chế” hay thậm chí “sai lầm” của Hegel hẳn là một “lạc thú” khó có gì so sánh được và ham muốn ấy chẳng có gì đáng trách; chỉ có điều: muốn thế, trước hết phải hiểu Hegel đã! Mà hiểu ông thì thật không dễ tí nào. Ít ai không biết đến giai thoại [có thật] khi Hegel bảo: “thật ra trong tất cả đám môn sinh, chỉ có trò E. Gans là hiểu tôi thôi, nhưng trò ấy lại cũng… hiểu sai[2]!. Tất nhiên, cũng có người tự tin là “hiểu” Hegel. Chẳng hạn, đó là Alexander Kojève (1902-68), triết gia Pháp gốc Nga lừng lẫy một thời ở Paris cùng với Trần Đức Thảo. Ông tin chắc rằng lịch sử đã… bắt đầu kết thúc ở Jena, tức ở thành phố nơi Hegel viết HTHTT; và, sau loạt bài giảng lừng danh của mình về quyển sách này[3], ông bảo: tất cả đã có hết trong đó rồi, chẳng còn có gì đáng nói nữa cả! Ông không thèm dạy nữa và… làm thinh cho đến cuối đời. Một người đồng hương của ông, trước đó 130 năm, nam tước Boris d’Uxkull lại có một kinh nghiệm khác. Năm 1817, mười năm sau khi HTHTT ra đời và một năm sau khi bộ “Khoa học Lô-gíc” của Hegel hoàn tất, ông nam tước “xa nghe cũng nức”, lặn lội từ nước Nga sang tận Heidelberg (Đức) (nơi Hegel đang giảng dạy) với hy vọng được “đổi mới tâm hồn” bằng những tư tưởng tân kỳ của Hegel. Ông ra tiệm sách, mua hết các tác phẩm đã in của Hegel, mang về phòng khách sạn sang trọng, thoải mái ngồi trong ghế bành để thưởng thức. Quyển đầu tiên tất nhiên phải là HTHTT và ông hy vọng “đọc một hơi” cho xong trước khi vớ đến bộ “Khoa học Lô-gíc”, giống như ta đã từng háo hức, sẵn sàng thức trắng đêm để “thanh toán” cho xong bộ… Tiếu ngạo giang hồ. Mới lật vài trang ở Lời Tựa, ông gặp toàn những câu đại loại: “Vả chăng, Bản thể sống động là cái tồn tại mà đích thực là Chủ thể, hay, cũng đồng nghĩa như thế, là cái tồn tại chỉ thực sự là hiện thực trong chừng mực Bản thể ấy là tiến trình tự thiết định chính mình, hay, là sự trung giới giữa việc trở thành cái khác của mình với chính mình. Với tư cách là Chủ thể, Bản thể ấy là tính phủ định đơn giản, thuần túy, và cũng qua đó, là tiến trình phân hóa cái đơn giản hay là tiến trình nhân đôi đối lập, rồi bản thân tiến trình ấy lại…” (§18). Ông mệt quá, ghi vào nhật ký: “Càng đọc, và càng đọc kỹ bao nhiêu, tôi càng không hiểu những gì mình đã đọc. Sau cả tiếng đồng hồ vật lộn với một câu mà không hiểu gì hết, tôi đành xếp sách lại, ngán ngẩm để sang một bên”[4]. Nhưng, vị nam tước thật thà và hiếu học ấy còn gặp may, vì ít lâu sau, ông được dịp tháp tùng vị tôn sư trong vài cuộc đi dạo để “đàm đạo”. Thi hào Goethe, vốn có nhiều mối giao tình với Hegel, cũng là một “đại gia” duy nhất thành thực thú nhận là không hiểu nỗi phép biện chứng và nhất là quyển HTHTT của Hegel dù được Hegel đích thân giảng giải nhiều lần. Tự nhận là không hiểu gì nhưng Goethe lại vẫn có thể viết được hai câu thơ thần diệu toát lên cương yếu của triết học Hegel:

“Vẻ ngoài là gì nếu nó thiếu đi cái bản chất?

Bản chất là gì nếu nó không xuất hiện ra?”

(Der Schein, was ist er, dem das Wesen fehlt?

Das Wesen, wär’es, wenn es nicht erschiene?).

Chúng ta ngày nay, tất nhiên, không còn có dịp may như vị nam tước hay bậc thi hào để được tháp tùng và đàm đạo trực tiếp với Phu tử, đành phải “tự lầm lũi một mình”, nói như Dieter Henrich![5]

Nhưng dù sao, muốn “lầm lũi” tìm hiểu Hegel thì cũng không thể không bắt đầu với quyển HTHTT, tác phẩm lớn đầu tiên và cũng là tác phẩm “thiên tài” nhất của ông. Trước đây, nhiều bậc tiền bối “có mắt tinh đời” đã nhận ra điều ấy, dù họ có cách đánh giá trái ngược nhau như thế nào đi nữa về tác phẩm; chẳng hạn: K. Marx (1844) đánh giá cao và xem HTHTT là “nơi khai sinh đích thực và là bí mật của triết học Hegel”; trong khi R. Haym (1875) chê trách nặng lời nhưng vẫn bảo: “Ai muốn hiểu triết học Hegel, phải hoàn toàn làm chủ về ý nghĩa của Lời Tựa này [của quyển HTHTT][6]. Ngày nay, dù nhận định như thế nào về Hegel, ai cũng phải đồng ý với F. Wiedmann: “Tác phẩm [HTHTT] thể hiện đỉnh cao của sự phát triển triết học của Hegel, và mọi tác phẩm về sau của ông, không xét đến tầm quan trọng riêng của chúng, về căn bản, chỉ là một sự triển khai thận trọng – với nội dung chặt chẽ hơn và đào sâu hơn về hệ thống – những gì đã được xác lập trong HTHTT[7]. Hay, nói gọn như Ernst Bloch: “Hegel phủ nhận tương lai, nhưng không tương lai nào sẽ phủ nhận được Hegel cả[8].

Vì thế, trong nỗ lực dịch và chú giải một số tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, sau “Phê phán Lý tính thuần túy” của I. Kant[9] (hai quyển Phê phán còn lại của Kant sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc trong thời gian tới), chúng tôi thấy cần thiết phải thử dịch quyển HTHTT, mở đầu cho một số tác phẩm quan trọng khác của Hegel sẽ lần lượt được dịch và chú giải. Tưởng không cần phải nói nhiều về những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi cố gắng đọc và dịch tác phẩm rất khó này. “Vật lộn” với lối viết tối tăm, kỳ ảo của Hegel, chúng tôi không khỏi có lúc “nhớ tiếc” cách hành văn tuy nặng nề nhưng sáng sủa của Kant và rất nhiều khi thấy vất vả và đuối sức như phải trèo lên một ngọn núi cao thăm thẳm. Nhưng đồng thời, càng đọc và càng cố gắng dịch, sức lôi cuốn đầy mê hoặc của văn Hegel ngày càng tăng theo từng “đỉnh cao và vực sâu” đầy bất ngờ của một trí tuệ uyển chuyển và tinh tế đến kỳ lạ. Chúng tôi luôn tâm niệm lời nhắc nhở đầy kinh nghiệm của E. Fink, một chuyên gia lớn về Hegel: “Cần một sự nhẫn nại rất lớn để dõi theo dấu vết tư tưởng của Hegel. Quả thật, phải là một niềm đam mê khổng lồ và có lẽ là niềm đam mê suy tưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại mới lưu lại được một dấu vết như thế[10]. Lần theo “dấu lông ngỗng” ấy để mời gọi bạn đọc cùng chia sẻ “niềm đam mê suy tưởng khổng lồ” của Hegel, chúng tôi cố gắng thực hiện bản dịch này theo mấy “quy tắc” sau:

cố gắng bám sát nguyên bản, không tùy tiện thay đổi trình tự câu văn, với mục đích cung cấp một bản dịch tuy không dễ đọc và không thể đọc vội nhưng hy vọng “có thể đọc được”. Đành rằng diễn đạt chính xác điều tối tăm bằng một cách tối tăm – như nhận xét tinh tế của E. Bloch – khác xa với việc diễn đạt tối tăm những điều sáng sủa! Tuy nhiên, tôn trọng văn phong của tác giả (tức không được phép làm cho điều tối tăm trở nên sáng sủa!), đồng thời làm cho nó “có thể đọc được” trong tiếng Việt quả là một thử thách gắt gao! Do đó, bên cạnh nguyên bản tiếng Đức, chúng tôi phải thường xuyên tham khảo các bản dịch có giá trị sau đây:

+ bản tiếng Pháp đầy đủ của Jean Hyppolite (Paris, 1941)[11].

+ bản tiếng Pháp (chỉ dịch và chú giải Lời Tựa và Lời dẫn nhập) của Bernard Bourgeois (Paris, 1997).

+ bản tiếng Anh của J. B. Baillie, London, 1931[12].

+ bản tiếng Anh của A. V. Miller, Oxford University Press, 1977[13].

Những chỗ khó, nhất là những chỗ có sự dị biệt ít nhiều giữa các bản dịch nói trên so với nguyên bản, chúng tôi đều có nêu rõ để bạn đọc tham khảo. Trong “Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ” ở cuối sách, có nêu đầy đủ thuật ngữ tiếng Đức và thuật ngữ Anh/Pháp theo các bản dịch ấy để bạn đọc dễ so sánh và thẩm định đề nghị dịch ra tiếng Việt của chúng tôi.

Như cách đã làm với quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” của Kant, chúng tôi tránh dùng các thuật ngữ cầu kỳ hay quá mới lạ, trừ một vài trường hợp cá biệt (chẳng hạn: đề nghị dịch chữ “Entäußerung” là “sự xuất nhượng” thay vì “sự ngoại tại hóa” hay “khách thể hóa”; dịch chữ “Einsicht” là “sự thức nhận” để phân biệt với “sự nhận thức”/das Erkennen…). Ngoài ra, người dịch cố tránh những chữ Hán Việt ở những nơi nào có thể làm được cũng như thử khai thác “chất tư biện” trong tiếng Việt, chẳng hạn: chữ “mình” (sich) thay cho chữ “nó” trong “tự-mình”, “cho-mình”, “tự-mình và cho-mình”, “phản tư vào trong chính mình”[14]. Nhiều thuật ngữ khác đành chấp nhận tính quy ước tạm thời (chẳng hạn: hiện thực/Wirklichkeit; thực tại/Realität; thực tồn/real, reell; hiện hữu đơn thuần/Dasein; Mô-men/Moment v.v..) trong khi chờ đợi có các cách dịch khác tốt hơn.

- Dựa theo kinh nghiệm của J. Hyppolite, “dịch đã đành là một sự diễn giải, nhưng, với tư cách là bản dịch, nó không được phép trở thành một bản chú giải; và nếu thay vì dịch chữ, ta lại luận về nó thì có nguy cơ làm cho văn bản nặng nề hơn và làm tăng thêm những sự khó khăn và tối tăm” (Lời Tựa bản dịch tiếng Pháp, tr. VII), chúng tôi tách việc dịch ra khỏi việc giảng giải (ngoại trừ những chữ đặt trong ngoặc vuông [  ] của người dịch, tức không có trong nguyên bản để làm sáng tỏ mạch văn) bằng cách bổ sung thêm nhiều chú thích cuối trang (hơn 1300 chú thích) để giải thích các thuật ngữ và các ý khó hiểu, giúp người đọc đỡ mất công tra cứu và đọc tiếp dễ dàng. Nội dung các chú thích ấy được tham khảo từ nhiều nguồn và có ghi rõ khi thấy cần thiết. Đặc biệt, chúng tôi không muốn bỏ qua cơ hội “tận dụng” các chú thích rất công phu và quý báu của J. Hyppolite trong bản tiếng Pháp. Những chỗ lý giải độc đáo của riêng J. Hyppolite, chúng tôi đều ghi rõ: “theo J. Hyppolite” (viết tắt: theo J. H).

- Văn bản khó đọc, nên cuối mỗi tiết lớn hay mỗi chương, chúng tôi đều thêm phần “Toát yếu”, tóm tắt đại ý của từng tiểu đoạn (được chúng tôi tự ý đánh dấu § theo số thứ tự căn cứ vào những chỗ chấm câu sang hàng của tác giả), giúp người đọc dễ ghi nhớ và ôn lại những gì đã đọc. Khi soạn “Toát yếu”, chúng tôi có tham khảo phần “Analysis of the text” (phân tích văn bản) rất hàm xúc của J. N. Findlay trong bản dịch tiếng Anh của A. V. Miller.

- Sau đó, cuối mỗi tiết lớn hay mỗi chương, tiếp sau phần “Toát yếu”, chúng tôi đều thêm phần “Chú giải dẫn nhập” với mục đích khiêm tốn: giúp các bạn đọc mới lần đầu tiếp xúc với Hegel đi vào tác phẩm dễ dàng hơn. Giống như đã làm như thế trong bản dịch “Phê phán Lý tính thuần túy” của Kant, “phần Chú giải dẫn nhập sẽ tóm tắt những ý chính trong chương, giải thích các chỗ khó hiểu, sắp xếp lại những bước lập luận của tác giả cho dễ theo dõi, và trong chừng mực cho phép, có đề cập qua những cách lý giải khác nhau cũng như tình hình thảo luận hiện nay liên quan đến nội dung vấn đề đang tìm hiểu. Chú giải dẫn nhập – đúng với tên gọi – chỉ là phần trợ giúp cho người đọc, không có tham vọng tát cạn vấn đề, càng không nhằm đưa ra các nhận định, đánh giá vốn là công việc dành cho người đọc và của những công trình nghiên cứu chuyên sâu khác”. Nói khác đi, “Chú giải dẫn nhập” không phải là một công trình nghiên cứu độc lập, và không có ý định đi ra khỏi chức năng là phụ lục của một bản dịch. Lý do cũng dễ hiểu: việc chú giải “đúng nghĩa” đối với các tác phẩm của Hegel là hết sức khó khăn. Trong khi ta có thể tìm được một số bản chú giải có giá trị “kinh điển”, nghĩa là được sự đồng thuận rộng rãi của giới nghiên cứu về Aristote hay Kant chẳng hạn thì hầu như mọi chú giải về Hegel đều chỉ là quan điểm riêng của mỗi nhà chú giải, gây nên sự tranh luận hơn là sự đồng tình. Nhưng chính điều ấy càng cho thấy “tính mềm dẻo, trôi chảy”, sức sống, sức hấp dẫn lâu dài và sự thách đố trường kỳ của một đại triết gia đã bao lần bị người đời sau dị nghị và đòi “khai tử”! Do đó, các chú thích và chú giải ở đây đều chỉ xuất phát từ nhận định giản dị: đọc Hegel mà không cần sự trợ giúp của ai khác thì chỉ có hai trường hợp: hoặc đó là một bậc thiên tài tư tưởng hoặc… không thành thật. Biết mình không thuộc loại trước và không muốn trở thành loại sau, chúng tôi cố gắng học hỏi từ nhiều bậc đi trước khi soạn thêm phần này cốt chỉ để trợ giúp những người đồng cảnh ngộ “tìm hiểu” Hegel trong mức độ có thể. Tất nhiên, các phần trợ giúp này sẽ là thừa, thậm chí, còn làm phiền đối với bạn đọc nào thành thật thấy mình may mắn thuộc… loại trước!

 



[1] … “Góp phần đưa Triết học đến gần với hình thức của khoa học – mục đích để nơi đó Triết học có thể trút bỏ danh xưng là “sự yêu mến cái biết” để trở thành “Tri thức hiện thực” – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình” §5; … “Chỉ duy có cái Tuyệt đối mới là đúng thật và chỉ duy có cái Đúng thật mới là tuyệt đối” §75;… “Cái Đúng thật là cái Toàn bộ” §20.

[2] Môn sinh xuất sắc này cũng là một trong những người có công ghi lại những lời giảng thêm của Hegel trong bộ “Bách khoa thư các khoa học triết học”. Vào năm 1831/32, khi đã trở thành đồng nghiệp với Hegel tại Berlin, E. Gans khuyên sinh viên nên đến dự giờ giảng của Hegel. Hegel giận, viết thư trách: “Tôi không cần ai phải quảng cáo hộ cả!”. (Xem: P. Kauder. Hegel beim Billard, München, 2000, tr. 49; 86).

[3] Xem: Chú giải dẫn nhập: 6.2.2.2.

[4] Dẫn theo: R. Ludwig: Hegel für Anfänger: Phänomenologie des Geistes/Hegel cho người mới bắt đầu: Hiện tượng học Tinh thần, München, 1997, tr. 11.

[5] Dieter Henrich: Hegel im Kontext/Hegel trong văn cảnh. Frankfurt/M 1971.

[6] Xem: Chú giải dẫn nhập: 1.1. K. Marx xem “chỗ vĩ đại” của HTHTT là ở tư tưởng về “việc con người tự tạo ra chính mình, tức con người nhận biết mình là kết quả của lao động của chính mình như là sự thống nhất của việc khách thể hóa và phi-khách thể hóa” (Bản thảo kinh tế-triết học 1844). R. Haym: “Nói gọn lại: HTHTT là một thứ tâm lý học bị [yếu tố] lịch sử làm cho hỗn loạn và rối mù, là một thứ lịch sử bị tâm lý học làm cho nát bét cả” (Sự ra đời và phát triển, bản chất và giá trị của triết học Hegel, 1875).

[7] Franz Wiedmann, Hegel mit Bilddokumenten/Hegel với Các tư liệu bằng hình ảnh, Hamburg, 1965, tr. 34.

[8] Ernst Bloch: Subject-Object. Erläuterungen zu Hegel./Chủ thể-khách thể. Các lý giải về Hegel; Berlin 1951; bổ sung: Frankfurt/M, 1962.

[9] Xem: I. Kant: Phê phán Lý tính thuần túy, BVNSơn dịch và chú giải, NXB Văn học 2004.

[10] E. Fink: Hegel, Phänomenologische Interpretationen der “Phänomenologie des Geistes”/Hegel, Các lý giải hiện tượng học về quyển HTHTT; Frankfurt 1977, tr.12.

[11] “La phénoménologie de l’Esprit”, J. Hyppolite dịch và chú thích, 2 tập, Aubier, Paris 1941.

[12] “The Phenomenology of Mind”, J. B. Baillie dịch, Library of Philosophy, London, Ấn bản 2, 1931.

[13] “The Phenomenology of Spirit”, A. V. Miller dịch; J. N. Findlay giới thiệu và toát yếu, Oxford University Press, 1977.

[14] Theo chúng tôi, chữ “mình” có tính phản tư (hay phản thân), tức có chất “tư biện” cao hơn chữ “nó”. Riêng chữ “Ding-an sich” của Kant vẫn dịch là “Vật-tự thân” vì nó không nói lên mối quan hệ nào hết. Ngoài ra, “tự-thân” tiện hơn “tự nó” để không phải thay đổi khi ở dạng “số nhiều”: những “vật-tự thân” thay vì những “vật-tự chúng” (tương tự như trong tiếng Anh: “thing in itself”/things in themselves).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt