Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập. Chú giải 2.1. "Cái tuyệt đối"

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

--------o0o-------

 

LỜI DẪN NHẬP

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

 

2. “LỜI DẪN NHẬP” (§§73-89): BIỆN CHỨNG CỦA NHẬN THỨC

“Lời dẫn nhập” được viết trước nhưng lại được đặt sau “Lời Tựa” (như đã biết, “Lời Tựa” được viết sau khi hoàn tất tác phẩm) và thường được xem là phần dành riêng cho tác phẩm này. “Lời dẫn nhập” có nhiệm vụ riêng: - phê phán quan điểm nhận thức luận của Kant và của phái duy nghiệm, và, - biện minh cho quan điểm của Hegel về: Khoa học vận hành như thế nào? Và, trong chừng mực nào, HTHTT có tính khoa học?

Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, “Lời Tựa” và “Lời dẫn nhập” bổ sung cho nhau và cả hai giúp ta có được các nhận thức cơ bản về tác phẩm thông qua việc tìm hiểu sơ bộ các khái niệm và các luận điểm then chốt. Ở “Lời Tựa”, ta đã làm quen với các khái niệm: chủ thể, bản thể, mệnh đề tư biện, sự phủ định nhất định, hệ thống khoa học. Để hiểu “Lời dẫn nhập”, ta cần làm quen thêm với một số khái niệm mới: cái Tuyệt đối, ý thức (tự nhiên), kinh nghiệm, cái biết hiện tượng học, phương pháp của Hiện tượng học.

2.1 “Cái Tuyệt đối”

Chúng ta hãy bắt đầu với chữ “tuyệt đối” (trong “cái Tuyệt đối”/das Absolute, “cái biết tuyệt đối hay Tri thức tuyệt đối”/das absolute Wissen), một trong những khái niệm then chốt nhưng đồng thời cũng gây nhiều thắc mắc và dị nghị nhất trong triết học Hegel.

Được hiểu theo nghĩa “thoát ly, trọn vẹn, không bị phụ thuộc hay giới hạn” (từ gốc Latinh absolutus), từ này trở thành một danh từ: “cái Tuyệt đối” (absolutum) lần đầu tiên nơi Nicholas Cusanus(1) (trong “De docta ignorantia”/“Về sự ngu dốt thông thái”, 1440) để chỉ Thượng đế, và được các triết gia Đức sau Kant thường dùng để chỉ thực tại tối hậu, vô-điều kiện, không nhất thiết mang những thuộc tính nhân hình theo quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Quan niệm của Hegel về cái Tuyệt đối chủ yếu liên quan đến định nghĩa của Schelling xem cái Tuyệt đối là một sự “đồng nhất” trung tính làm nền tảng cho Chủ thể (hay Tinh thần) lẫn cho đối tượng (hay “Tự nhiên”), một định nghĩa gần với Spinoza hơn là với Kant và Fichte.

Hegel thừa nhận cái Tuyệt đối, mặc dù xem đó là biểu hiện của triết học chứ không phải của tín ngưỡng và do đó, tước bỏ hết mọi thuộc tính nhân hình. Vấn đề là phải hiểu cái Tuyệt đối là gì và phải hiểu nó như thế nào chứ không phải chỉ khẳng định sự tồn tại của nó “một cách trống rỗng” như “đêm tối mò trong đó mọi con bò đều là bò đen cả” (Lời Tựa, §16).

Theo Hegel, lý luận về cái Tuyệt đối nhất thiết bao hàm ba loại “thực thể”: (a): bản thân cái Tuyệt đối; (b): thế giới hiện tượng và (c): nhận thức của con người về (a) và (b) và về mối quan hệ giữa (a) và (b). Từ đó:

-        Spinoza và Schelling không lý giải được tại saobằng cách nào (a) đã tạo ra (b) và (c).

-        Bản thân (a) không thể là cái Tuyệt đối nếu nó không tự xuất hiện ra trong hình thức của (b) và (c) (vd: chỉ từ sự phát triển của con nòng nọc thành con ếch mới cho phép ta xác định nó như là con nòng nọc!). Vậy, (a) phụ thuộc vào (b) và (c) giống như (b) và (c) phụ thuộc vào (a). Vì (a) phụ thuộc vào (b) và (c) nên cái Tuyệt đối không phải là (a) mà là (a) + (b) + (c) (cái Tuyệt đối đích thực là cái đã phát triển chứ không phải là “bào thai”).

-        Về mặt nhận thức luận, (a) không phải là tuyệt đối, vô-điều kiện. Nhận thức của ta về nó (c) không phải là trực tiếp và vô-điều kiện (như quan niệm về “trực quan trí tuệ” của Schelling) mà là một tiến trình nhận thức lâu dài, phức tạp trên bình diện cá nhân cũng như của cả loài người, xét như một toàn bộ. Cái Tuyệt đối không phải “đơn giản” và “tĩnh tại” mà phản ánh sự phát triển của nhận thức của ta về nó (c), nên (c) không tách rời và không được phân biệt cứng nhắc với (a) và (b) mà là giai đoạn tối cao của (a).

-        Cái Tuyệt đối theo nghĩa (a) là thừa. Một mệnh đề, vd: “Cái Tuyệt đối là (một) Bản thể” (khác với mệnh đề: vd: “Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan”) không có một chủ ngữ tách rời với khái niệm được ta áp dụng vào cho nó. Do đó, ta có thể bỏ chủ ngữ này đi mà tập trung vào các khái niệm như là “bản thể” v.v.., tức những khái niệm được ta áp dụng vào cho thế giới hiện tượng (b) và cho chính ta (c) và tạo nên bản chất của (b) và (c) vì (b) và (c) không thể tồn tại mà không có những khái niệm này. Do đó, cái Tuyệt đối không phải là cái gì làm nền tảng cho thế giới hiện tượng như một “cơ chất”, mà là hệ thống khái niệm được bao hàm trong bản thân nó. Hệ thống khái niệm này không tĩnh tại, nhất thành mà phát triển và biểu hiện ra ngày càng cao hơn trong các cấp độ của Tự nhiên và của cái biết của con người trong lịch sử, nên cái Tuyệt đối cũng phát triển và đạt được giai đoạn tối hậu trong... triết học Hegel!

-        Cái Tuyệt đối không phải trực tiếp và vô-điều kiện mà đúng hơn, vượt bỏ những điều kiện và những sự trung giới. Vd: triết học, giai đoạn tối cao của cái Tuyệt đối và bản thân là “Tri thức tuyệt đối” phụ thuộc vào bối cảnh tự nhiên và văn hóa nào đó. Nhưng, nó thoát ly khỏi sự phụ thuộc này để tập trung vào những khái niệm thuần túy, không-thường nghiệm và “khái niệm hóa” bối cảnh xung quanh này. Cũng thế, tinh thần con người vượt bỏ bối cảnh tự nhiên mà mình phụ thuộc bằng những hoạt động nhận thức và thực tiễn (“Tinh thần”). Vì lẽ đó và cũng vì hệ thống khái niệm – cấu trúc hóa Tự nhiên và lịch sử – cũng hình thành nên nhận thức con người, nên cái Tuyệt đối là “Tinh thần”(1).

Từ quan niệm trên đây về cái Tuyệt đối, trong Lời dẫn nhập này, Hegel nói đến sự nhận thức (Erkennen) hay sự thấu hiểu bằng khái niệm (Begreifen) về “cái gì là tự-mình” (§73). Nhiệm vụ của HTHTT là trình bày về việc Tự ngã-nhận thức có thểbằng cách nào đạt đến chỗ nắm bắt “thực tại” (Realität), - tức cái khác với nó -, bằng chính các phạm trù, các sự quy định tối hậu của mình để nhận ra được lại chính Tự ngã ở trong chúng, tức trong những quy định tư duy có tính mô thức của bản thân Tự ngã. Theo Hegel, sự thâm nhập hoàn toàn này vào nội dung khiến cho không còn có gì là cái xa lạ nữa chính là Tri thức hay cái biết đúng thật hay tuyệt đối, hoặc nói cách khác, đó chính là cái Đúng thật tuyệt đối, là Chân lý, hay, nói gọn, là “cái Tuyệt đối” (“das Absolute”).

Như ta đã biết, chính Kant là người đầu tiên nhận ra rằng đối tượng, tính khách quan kỳ cùng nằm ở trong khái niệm như là trong sự thống nhất của Tự-ý thức, của tính chủ thể, hay, theo thuật ngữ của Kant, của “Thông giác siêu nghiệm” (transzendentale Apperzeption) (PPLTTT, B132 và tiếp)(1).

Nhưng, với Kant, sự đồng nhất này giữa tính chủ thể và tính khách quan hoàn toàn không có nghĩa là sự nhận thức tuyệt đối về một chân lý tuyệt đối nào cả. Điều này chỉ dành cho trí tuệ thần linh (intellectus divinus) mà thôi! Đúng như Hegel nhận xét ngay đầu Lời dẫn nhập (§73), Kant chỉ xét nhận thức “của con người chúng ta” (PPLTTT, B33) như là một quan năng chủ quan hữu hạn, nên nhiệm vụ của phê phán siêu nghiệm là xác định “bản tính tự nhiên và ranh giới” của nó, bởi nó không thể mang lại “cái gì tự thân” cho ý thức được. Tham vọng của Hegel cao hơn nhiều, vì thế, ông dành các tiểu đoạn đầu tiên của “Lời dẫn nhập” để phê phán kịch liệt quan điểm nhận thức luận của Kant:

- Hegel trách Kant (lẫn Locke) đã để cho “những quan niệm tự nhiên” về bản chất của nhận thức dẫn dắt, chủ yếu là quan niệm về nhận thức như là công cụmôi trường. Đó là cách hiểu nhận thức hoặc như là việc sử dụng tự phát một công cụ “như thể người ta dùng mũi lao và gậy để tấn công vào chân lý” (Các bài giảng về lịch sử triết học, XV, tr. 555), hoặc hình dung nhận thức như là một môi trường “thụ nhận” một cách bị động, trong đó đối tượng nhận thức không khỏi bị tác động bởi một quy luật của sự khúc xạ. Trong cả hai trường hợp, nhận thức đều không thể đến được với cái “tự mình” hay cái “tự thân” (das Ansich) một cách thuần túy. Nó chỉ nắm bắt được những gì do công cụ đã xử lý hay do môi trường bị khúc xạ “xuất hiện ra như hiện tượng”. Cho nên, đối với sự nhận thức chỉ có thể nắm bắt “những hiện tượng” chứ không phải “vật-tự thân” như thế, tất yếu có một ranh giới giữa vật-tự thân và nhận thức: sự nhận thức đứng ở một phía, còn cái Tuyệt đối đứng ở phía khác (§74).

- Sai lầm của lối “kiểm tra phê phán” ấy chủ yếu là xem việc nhận thức như là một “phương tiện” (dưới hình thức “công cụ” hay “môi trường”): đây là sự phê phán lẩn quẩn, vì việc kiểm tra công cụ hay môi trường (chúng bao giờ cũng làm thay đổi bản thân đối tượng hay hiện tượng) không khác gì tìm cách loại bỏ chính chúng, tức quay trở về lại với khởi điểm! Theo Hegel, vì quan niệm rằng không có nhận thức tuyệt đối, thuần túy, nên việc phê phán Siêu hình học luôn đi liền với thuyết hoài nghi. Do đó, chống lại thuyết giáo điều không thể là thuyết hoài nghi cổ điển hay hiện đại mà là hãy hoài nghi về chính thuyết hoài nghi này: “việc sợ sai lầm là bản thân sự sai lầm”, “sự e ngại trước sai lầm thực ra là sự e ngại trước chân lý” (§74). Đi theo “con đường phê phán” Siêu hình học của Kant, đồng thời tiến hành một phương pháp nổi tiếng được chính Hegel gọi là “sự phê phán nội tại” (immanente Kritik) đối với “con đường” này, Hegel không chọn lựa giữa thuyết giáo điều và thuyết hoài nghi mà hoàn toàn thâm nhập vào bản thân thuyết hoài nghi, rồi vượt qua nó bằng “thuyết hoài nghi tự thực hiện trọn vẹn” (§78), nghĩa là, sự nghi ngờ nhắm đến mọi sự và đến chính mình của Descartes sẽ quay lại nghi ngờ chính sự nghi ngờ, như ta sẽ gặp lại ở mục 2.4 của chú giải dẫn nhập. Tuy nhiên, việc làm này không thể tiến hành một cách “trừu tượng”, nghĩa là không thể đi trướcđộc lập với công việc nhận thức, trái lại, tiến hành ngay trong tiến trình nhận thức; do đó, như sẽ thấy, “thuyết hoài nghi tự thực hiện trọn vẹn”diễn trình kinh nghiệm của ý thức là cùng một tiến trình. Trước khi đi vào tìm hiểu “kinh nghiệm của ý thức”, ta nên “gút” lại quan niệm của Hegel về “cái Tuyệt đối” hay về “chân lý tuyệt đối, đúng thật”.

Theo ông, quan niệm về nhận thức như là “công cụ” và “môi trường” trên đây đã ngăn cản việc thấu hiểu bản chất Khái niệm của Tự-ý thức. Tự-ý thức là Khái niệm, là mô thức lô-gíc, không phải tĩnh tại như thông giác siêu nghiệm của Kant mà diễn tả một vận động lịch sử, không những thoát khỏi mọi quan niệm “tự nhiên” mà còn có khả năng tự xác định thành nội dung. Có nghĩa là, Tự-ý thức, với tư cách là Khái niệm, có thể thâm nhập bằng tư duy vào mọi cái xa lạ như là cái xa lạ của chính mình, như là vào chính Tự ngã của mình. Sức mạnh của bản tính Khái niệm của Tự-ý thức chính là ở chỗ: có sự xác tín tuyệt đối về chính mình, đồng thời có thể nhận thức cái khác như là cùng một bản tính giống như Tự ngã. Tự ngã, trong diễn trình lịch sử, ngày càng tìm lại được chính mình ở trong những quy định tối hậu của tư duy của chính mình nơi mọi tính xa lạ, nơi mọi tính đối tượng khách quan. Chính sự tìm trở lại hoàn toàn tính chủ thể của mình ở trong mọi tính khách thể tạo nên bản tính Khái niệm của Tự-ý thức. Việc trình bày tính trọn vẹn, hoàn chỉnh của những quy định tư duy này có hình thái của một “hệ thống”, tức hệ thống của “Khoa học lô-gíc”. Đó chính là cái “đúng thật tuyệt đối” dành cho một sự nhận thức với tư cách là “tri thức tuyệt đối”; nói khác đi, hệ thống ấy là “chân lý”, là “cái tuyệt đối” như ông đã khẳng định ở §5: “Hình thái đúng thật trong đó chân lý hiện hữu chỉ có thể là hệ thống khoa học về chân lý”.

Vậy, “cái Tuyệt đối” của Hegel là “hệ thống được trình bày về những phạm trù, những quy định tư duy của “Tự ngã”. “Hệ thống” này không còn đứng đối lập lại với tư duy, với nhận thức bằng một “ranh giới” ngăn cách, trái lại, tư duy là sự thực hiện những quy định, là tính chủ thể, với tư cách là tri thức tuyệt đối, “chìm sâu” vào trong đối tượng (§53), phát triển đối tượng như là những quy định tư duy được dẫn xuất tuần tự từ nhau ở trong tiến trình vận động biện chứng thành một toàn bộ của hệ thống có trật tự. Như ông nói, Khoa học lô-gíc sẽ là sự “hiện hữu” (“Dasein”) của Tự-ý thức tự hoàn tất như là Khái niệm (§796 và tiếp). Do đó, HTHTT làm nhiệm vụ chứng minh rằng Tự-ý thức có thể tự vươn đến sự “hiện hữu đúng thật”, đến “tri thức tuyệt đối” (§89) này. Việc trình bày con đường này, tức HTHTT, là “sự chứng minh” của Hegel rằng, khác với công cuộc phê phán siêu nghiệm của Kant chỉ quay trở lại xem xét năng lực của chủ thể và xác định năng lực ấy một cách “tĩnh tại”, chính sự triển khai của Khái niệm (Tự-ý thức) sẽ cho thấy nó là sức mạnh của tính chủ thể có thể thâm nhập vào mọi tính đối tượng khách quan. Nhưng, nếu tri thức tuyệt đối là “mục tiêu” tối hậu của con đường kinh nghiệm của ý thức, thì điều này cũng có nghĩa là cái biết “đang xuất hiện ra” (cái biết hiện tượng học), trong các chặng đường của nó, chưa phải là tuyệt đối mà là “tương đối”, bởi nó chưa tìm ra được chính mình một cách hoàn chỉnh ở trong mọi phạm trù, trái lại, chỉ mới nắm bắt được từng phạm trù nhất định và vì thế, phải phạm sai lầm. Cái biết hiện tượng học, về bản chất, là cái biết luôn đi tới chỗ nhận ra rằng mình chưa nắm bắt được thực tại trọn vẹn. Hegel khẳng định trong §77 của Lời dẫn nhập: “Ý thức tự nhiên sẽ tự cho thấy rằng […] nó không phải là cái biết hiện thực”. Sở dĩ như vậy vì đó là ý thức đang mới ở trên con đường để trở thành cái biết hay tri thức tuyệt đối. Đồng thời, đặc điểm của nó là có khả năng nhận ra tính không phải chân lý của mình, cho nên còn được gọi là “cái biết không đúng thật” hay “sự nhận thức không đúng thật”. Như ta sẽ thấy, chính việc “không ngừng thấy mình nhầm lẫn và sai lầm” khiến ý thức tất yếu phải trải qua một “lịch sử của những kinh nghiệm”. Trước khi cùng Hegel dõi theo con đường này trong các chương sau, ta cần dừng lại tìm hiểu sơ qua quan niệm mới mẻ và độc đáo của Hegel về “ý thức” (“ý thức tự nhiên”/“hình thái của ý thức”) và “kinh nghiệm”.

 



(1) Nicholas Cusanus, tên viết theo chữ Latinh của triết gia và nhà thần học Đức Nikolaus von Kues (1401-1464), nhà tư tưởng bản lề giữa thời Trung cổ và thời Cận đại Châu Âu.

(1) Trang Tử, trong thiên Tề vật luận (Nam Hoa Kinh) có viết một câu rất khó hiểu: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. Ký dĩ vi nhất hỷ, thả đắc hữu ngôn hồ? Ký dĩ vi chi nhất hỷ, thả đắc vô ngôn hồ? Nhất dữ ngôn vi nhị, nhị dữ nhất vi tam”… Nhượng Tống dịch cũng rất khó hiểu: “Trời, đất cùng ta cùng sinh mà muôn vật cùng ta là một. Đã nói một, lại có nói được sao? Đã cho là một, lại không nói được sao? Một với nó [?] là hai. Hai với một là ba”… F. Julien (“Minh triết phương Đông và triết học phương Tây”, Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, NXB Đà Nẵng, 2003, tr. 235) lý giải: “… nhà tư tưởng lão học [Trang Tử] nhắc lại luận đề ấy như sau: muôn vật là một và ta đã nói; khi nói muôn vật là một, cái nói ấy là phụ vào cái một, khi ấy nó phủ nhận điều đó. Bởi đã bắt đầu một sự phân tích: cái một của “muôn sự là một” ấy và lời ta phát biểu khi nói cái ấy, vậy “đã là hai”, và cái hai ấy với cái một của “muôn vật là một”, “vậy đã là ba”, - từ đó ta chẳng còn có thể ngừng được nữa”. Nguyễn Huệ Chi tóm tắt lại giúp ta: “Theo F. Julien, ngay trong thiên “Tề vật luận”, khi Trang nói đến “cái một” như kết quả quy đồng giữa ta và khách thể (mọi vật đều giống nhau) tức là đã thêm vào “cái một” được Trang nhận thức [chúng tôi nhấn mạnh, BVNS], vậy đã là hai chứ không phải là một. Và từ hai hợp với “cái một” ban đầu – khi chưa quy đồng – thì đã thành ba”… (Nguyễn Huệ Chi, “Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein”, tham luận tại Hội thảo khoa học “Vật lý học hiện đại – Văn hóa và phát triển – do tạp chí Tia Sáng phối hợp với đại học Phan Châu Trinh tổ chức tại Hội An ngày 31.07 – 01.08-2005). Cách lý giải của F. Julien về cái Một [cái Tuyệt đối] có đúng với ý của Trang Tử hay không là điều khó khẳng định, nhưng, – là người thông thạo cả triết Đông lẫn triết Tây – có lẽ ông cũng đã đồng thời nghĩ đến quan niệm “ba trong một” trên đây của Hegel về “cái Tuyệt đối”?

(1) Với “thông giác siêu nghiệm”, Kant cho rằng chủ thể thuần túy – hiểu như một cấu trúc gồm những hành vi lô-gíc cơ bản – dùng mô thức lô-gíc [các phạm trù] của mình để đặt dấu ấn lên thế giới khách quan bằng sự tổng hợp của nhận thức. Như thế, chủ thể là nguồn gốc của một sự đồng nhất tiên nghiệm giữa nhận thức và tính khách quan như Kant khẳng định trong “nguyên tắc tối cao của mọi phán đoán tổng hợp siêu nghiệm”: “những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm” (Sđd, B197).

Hegel nhìn thấy trong “thông giác siêu nghiệm” của Kant ý tưởng về sự đồng nhất của tư duy và tồn tại (hay theo cách nói của triết học cận đại: của tính chủ thể và tính đối tượng khách quan). Dưới ảnh hưởng của Fichte và Schelling về “trực quan trí tuệ”, từ 1802 (xem: “Tin và Biết”/Glauben und Wissen, 21), Hegel còn xem “năng lực tưởng tượng siêu nghiệm, tác tạo” của Kant (Sđd, A119 và tiếp) là “sự đồng nhất tuyệt đối, nguyên thủy của những cái đối lập” (cảm năng và giác tính), nhưng, khi từ bỏ “trực quan trí tuệ” để đi con đường thuần lý, trong “Khoa học Lô-gíc” (1812), Hegel đã xem “Khái niệm” (theo nghĩa của ông) có cấu trúc của “Thông giác siêu nghiệm” của Kant. Theo “cách đọc” của Hegel, “Khái niệm” không gì khác hơn là hoạt động thông giác bao trùm của “Tự ngã” (Selbst). Nếu sự thống nhất của Tự ngã, với tư cách là “Khái niệm”, là cơ sở cho sự nối kết phổ quát và tất yếu cho tính khách quan, thì, theo cách lý giải của Hegel, chủ thể có thể tìm thấy lại chính mình ở trong cái khác với mình, - tức ở trong lãnh vực của tính khách quan do chủ thể đã “cấu tạo” nên. Đó là tư tưởng định hướng cho cả quyển HTHTT: ý thức phải từ bỏ sự hình dung về một tính khách quan độc lập với nhận thức để nhận ra rằng tất cả mọi cái xa lạ đều được “thâm nhập”, “thấm nhuần” bởi các phạm trù của Tự ngã, của “Khái niệm”; rằng việc thấu hiểu (bằng Khái niệm) là “vẫn ở nơi chính mình”, “đồng nhất với chính mình” ở trong cái “tồn tại-khác” của mình.

Thật ra, việc trình bày về sự đồng nhất giữa Chủ thể-Khách thể, giữa tư duy-tồn tại trong thuyết duy tâm Đức (từ Fichte, Schelling thời trẻ, Hegel) đã đi quá xa ra khỏi cách hiểu của Kant về “thông giác siêu nghiệm” (chỉ là chức năng thống nhất của chủ thể mang tính lô-gíc cho khả thể của những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm trong phạm vi “kinh nghiệm khả hữu”. Chủ thể, nơi Hegel, là sự vận động làm nhiệm vụ “lô-gíc hóa” toàn bộ tồn tại, gần với ý nghĩa của “Logos” trong triết học Hy Lạp. Nếu “Logos” nói lên sự đồng nhất giữa tư duy và tồn tại, vừa là bản thân “trật tự” thế giới, vừa là “cái biết” về thế giới này, thì Hegel bổ sung thêm “bước ngoặt” về tính chủ thể như là nguồn gốc cho tính khách quan của triết học cận đại (từ Kant). Với ông, “Khái niệm” là cái Logos – chủ thể cấu tạo nên trật tự và tính khả niệm của tất cả những gì tồn tại. Tất nhiên, cần lưu ý rằng “Chủ thể” nói ở đây không phải là chủ thể con người hay sự nhận thức của cá nhân con người. “Chủ thể” nơi Hegel có thể là trật tự phản ảnh trong những hình thức và quy luật của Tự nhiên, là “Tinh thần-khách quan” tạo nên trật tự xã hội (gọi là “trật tự đạo đức”, §444 và tiếp), là “Tinh thần tuyệt đối” thể hiện trong nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Nhận thức của con người không tạo nên tất cả những trật tự này mà chỉ “thấu hiểu” chúng một cách toàn vẹn. Bởi việc “Lô-gíc hóa” này vốn đã có sẵn, nên nhận thức không phải là mang lại mô thức cho một cái gì chưa có mô thức (“sự đa tạp của trực quan”) như nơi Kant mà là “làm cho mình trở thành sáng tỏ, trong suốt” (Sich-durchsichtig-Werden) về sự vận động của Khái niệm ở trong vạn sự vạn vật với tư cách là Logos. Khái niệm sẽ đạt đến một sự “sáng tỏ, trong suốt” hoàn toàn sau khi đã thâm nhập vào mọi cái “khác” với mình và đã “vượt bỏ” để trở về lại với chính mình. Con đường tự thâm nhập ngày càng sâu là sự vận động được tiến hành bên trong sự dị biệt giữa Tự ngã-nhận thức và Tự ngã-hành động với “đối tượng” của nó. Việc trình bày con đường này là công việc của Hiện tượng học Tinh thần.

(Bản thân khái niệm “Logos” truyền thống cũng đã hàm nghĩa “sự sáng tỏ, trong suốt”: “Nous” (Lý tính, Tinh thần) là nguyên tắc mang lại ánh sáng; “noesis” là tư duy mang lại cho con người khả năng trực quan không sai lầm; “dianoia” là “giác tính” như là công việc nhận thức (phán đoán, suy luận, quy nạp, diễn dịch, định nghĩa, xác định bản chất). Sức mạnh của “Nous” và “Logos” chính là triết học, được hiểu như “Bản thể học” (Ontologie) đi tìm những quy định có tính phạm trù tối hậu của tồn tại cũng như đi tìm Hữu thể tối cao (theos). Vì thế, phạm trù quan trọng nhất của Aristote là “ousia” (bản thể) vận hành theo nhiều kiểu, nhưng đặc biệt như là “telos” (có mục đích). “Telos” theo nghĩa “mục đích đã hoàn tất” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì gắn liền với tính tất yếu. Do đó, có thể nói, Hiện tượng học của Hegel vừa gắn liền với truyền thống “Logos” bản thể học-thần luận của triết học Hy Lạp (phạm trù “Bản thể”) vừa tiếp thu tư tưởng của thời cận đại (nhất là của Kant) về tính chủ thể như đã bàn ở 1.3).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt