HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89) --------o0o-------
LỜI DẪN NHẬP
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)
BÙI VĂN NAM SƠN
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.
2. “LỜI DẪN NHẬP” (§§73-89): BIỆN CHỨNG CỦA NHẬN THỨC
2.3 “Kinh nghiệm” và phương pháp hiện tượng học Hegel trung thành với quan niệm của thời cận đại, nhất là của Kant rằng “ý thức không biết và không hiểu điều gì khác ngoài những gì nằm trong kinh nghiệm của nó” (§36); chỉ có điều, ông mở rất rộng khái niệm “kinh nghiệm” như đã làm đối với khái niệm “ý thức”. 2.3.1 Như đã thấy, theo Hegel, ý thức đích thực là tuyệt đối, nhưng thoạt đầu chỉ mới là cái biết tuyệt đối ở dạng “tự-mình” (trong tiềm năng) chứ chưa phải ngay lập tức đã là tri thức tuyệt đối “tự mình và cho mình”; nói ngắn: nó chưa biết nó là tuyệt đối! Đây chính là mảnh đất dành cho kinh nghiệm; và kinh nghiệm, tất nhiên, không gì khác hơn là tiến trình trong đó ý thức, thông qua nỗ lực của mình, trở thành “cho mình” những gì vốn đã là “tự mình”. Nhưng, cũng giống như tính toàn bộ của ý thức, kinh nghiệm không phải là một tiến trình – như Aristote, Locke hay Kant hình dung – theo đó những sự vật độc lập với ý thức tác động vào các giác quan của ta và tạo ra những biểu tượng, bởi, như đã nói, quan niệm ấy là “vô-tư tưởng”, một khi sự dị biệt được tiền giả định giữa ý thức và đối tượng thật ra cũng là một sự quy định của bản thân ý thức và rơi “vào trong” ý thức. Sự dị biệt hay phân biệt này là cần thiết, nếu không, ý thức – như là sự đồng nhất phẳng lỳ – sẽ hoàn toàn không có tính quy định nào với cái “khác” của nó, đồng thời, chính sự dị biệt ấy tạo nên sự năng động (Dynamik) và tính tiến trình của ý thức. Do đó, Hegel mô tả bản thân tiến trình kinh nghiệm như là “một sự vận động biện chứng” (§85), tức một diễn trình tự tiến lên thông qua những mâu thuẫn giữa những quy định của ý thức. Nếu trước đây, Kant đề ra nguyên tắc quan trọng: “những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm cũng đồng thời là điều kiện khả thể cho [việc hình thành nên] đối tượng của kinh nghiệm” (PPLTTT, B197), thì bây giờ Hegel mở rộng hơn và khẳng định rằng: nếu hiểu đúng nghĩa của ý thức, thì ý thức và đối tượng – như là sự phân biệt – luôn quan hệ chặt chẽ với nhau, vì thế, kinh nghiệm – như là sự biến đổi của ý thức – cũng không thể không biến đổi đối tượng của kinh nghiệm. Trong tinh thần ấy, ông định nghĩa “kinh nghiệm” như sau: “Tiến trình vận động biện chứng này do ý thức thực hiện nơi chính bản thân nó – không những nơi cái biết mà cả nơi đối tượng –, trong chừng mực từ đó một đối tượng mới, đúng thật nảy sinh ra cho ý thức, chính đích thực là cái được gọi là kinh nghiệm” (§86). Định nghĩa này về “kinh nghiệm” là rất quan trọng để hiểu triết học Hegel và nhất là để hiểu phương pháp trình bày của bản thân tác phẩm nên cần phân tích kỹ hơn sự vận động gấp đôi hay nhị bội này của ý thức nơi bản thân nó và nơi đối tượng. Ông mô tả vận động ấy như sau: “Ý thức biết một điều gì đó; đối tượng này là cái bản chất hay cái Tự-mình (das Ansich), nhưng nó cũng là cái Tự-mình cho ý thức, và chính ở đây xuất hiện tính nước đôi của cái đúng thật này. Như ta thấy, ý thức bây giờ có hai đối tượng: một cái là cái Tự-mình thứ nhất và cái thứ hai là cái tồn tại cho ý thức của cái Tự-mình này. Cái sau thoạt nhìn có vẻ chỉ là sự phản tư của ý thức vào trong chính ý thức, [tức là] một hình dung [một ý tưởng] không phải về một đối tượng mà chỉ là hình dung của cái biết của ý thức về cái đối tượng thứ nhất. Nhưng, như đã chỉ ra trên kia, [chính trong quá trình biện chứng], đối tượng thứ nhất đã thay đổi đối với ý thức, nó ngưng không còn là cái gì tự-mình và, [một cách được ý thức], nó trở thành một đối tượng chỉ là cái Tự-mình cho ý thức; do đó, cái tồn tại-cho-ý thức của cái Tự-mình này là cái đúng thật; tuy nhiên, cái đúng thật này là cái bản chất hay là đối tượng của ý thức. Đối tượng mới này chứa đựng tính hư vô (Nichtigkeit) của cái thứ nhất; đối tượng mới chính là kinh nghiệm đã được hình thành về cái đối tượng thứ nhất” (§86). Trong đoạn văn trên, chữ “tự-mình” (an sich) (viết thường như tính từ) được Hegel viết hoa, thành “cái Tự-mình” (das Ansich) khiến ta hoang mang, nhưng ông cố ý viết như thế để chỉ cái tồn tại-tự mình của đối tượng theo nghĩa là sự độc lập đối với ý thức như ta vẫn lầm tưởng! Ta vẫn thường hiểu “chân lý” hay “tính khách quan” là “cái Tự-mình”, bởi không thể bảo điều gì đó là “chân lý” hay “khách quan” chỉ cho riêng tôi hay cho ý thức của tôi thôi. Vậy, “cái Tự-mình” (viết hoa!) của Hegel là cách nói ngắn về tính đối tượng khách quan tồn tại-tự mình tưởng như đối lập lại với ý thức ở trong việc nhận thức. Nhưng, chính “sự phản tư của ý thức vào trong chính mình” sẽ khiến ý thức nhận ra rằng cái “Tự mình” này thực ra “chỉ” là cái Tự-mình cho ý thức; và “cái Tự-mình cho ý thức” này sẽ thay chỗ cho “cái Tự-mình” đầu tiên, ngây thơ, chưa được phản tư. Như thế, “tính nước đôi” lúc ban đầu hay sự “nhân đôi” được giả định sẽ bị “giải thể”, nhường chỗ cho sự quy định phong phú hơn của “cái Tự mình cho ý thức”, và chính sự dị biệt giữa cái Tự-mình thứ nhất và cái Tự-mình thứ hai tạo nên kinh nghiệm mà ý thức có được bên trong phạm vi của chính nó về đối tượng. Các tiểu đoạn tiếp theo cho thấy kẻ bắt nhịp cầu giữa đối tượng thứ nhất và đối tượng thứ hai chính là “sự phủ định nhất định” mà ta đã biết qua ở mục 1.4.2.2 trước đây. Chỉ thông qua sự phủ định nhất định mới biết được tại sao “đối tượng mới chứa đựng tính hư vô của đối tượng thứ nhất”, tức trở thành cái “Tự mình” cho ý thức. Vai trò của sự phủ định nhất định trong tiến trình kinh nghiệm làm cho tiến trình này phải được hiểu như tiến trình “biện chứng”, có mâu thuẫn nội tại. Tính mâu thuẫn này có nghĩa là: kinh nghiệm không phải là một tiến trình tích lũy đơn giản những nhận thức mà được thúc đẩy bởi sự xuất hiện và giải quyết những sự bất tương xứng giữa điều tưởng thật và cái đúng thật mà quan hệ giữa “hai” cái Tự-mình là mô hình tiêu biểu. Cái tồn tại cho ý thức của cái Tự mình không phải là sự đồng nhất phẳng lỳ mà chứa đựng sự dị biệt và thống nhất giữa hai quy định: cái tồn tại-tự mình và cái tồn tại-cho ý thức. Do đó, theo Hegel, trong từng cấp độ của kinh nghiệm đều có mặt mô hình tư biện cơ bản: “sự đồng nhất của sự đồng nhất và sự không đồng nhất”, đồng thời tạo ra động lực cho tiến trình tiến lên của kinh nghiệm. Như thế, nếu xét quyển HTHTT như một toàn bộ thì rõ ràng là: cứ mỗi chặng đường kinh nghiệm, khi ý thức tưởng rằng (meint) mình đã đạt được sự thống nhất bất phân biệt với đối tượng thì lập tức nảy sinh ngay những sự bất tương xứng, những hố ngăn cách cần phải tiếp tục vượt qua; điều này cũng đúng cả cho giai đoạn tối hậu là “tri thức tuyệt đối” (§§788-808), khi nó cũng tất yếu phải chuyển sang Khoa học Lô-gíc và lại phải “xuất hiện ra” trong hình thái tồn tại trực tiếp của HTHTT như một vòng tuần hoàn. 2.3.2 Quan niệm của Hegel về “kinh nghiệm” nhìn về một tiến trình biện chứng đồng thời có nghĩa: truyền thống phê phán nhận thức từ Descartes và Kant – hoặc đi trước hoặc đi sau tiến trình nhận thức – đều thuộc về bản thân tiến trình nhận thức hiểu một cách đúng nghĩa. Từ đó, ta hiểu được “phương pháp” được Hegel gọi là “thuyết hoài nghi tự thực hiện trọn vẹn” (sich vollbringender Skeptizismus) có nhắc qua trên kia. Sự phê phán nhận thức không phải là đặt chân lý (hay cái tồn tại tự-mình) và cái biết (hay cái tồn tại-cho ý thức) đối lập với nhau và mỗi phía một nơi, rồi nhà triết gia phê phán sau đó mới lấy cái tồn tại-tự mình làm thước đo (Maßstab) của chân lý để kiểm tra cái biết; trái lại, “ý thức cung cấp tiêu chuẩn [hay thước đo] của riêng nó cho chính nó, và qua đó, sự nghiên cứu [hay kiểm tra] là một sự so sánh của chính nó với chính nó, vì sự phân biệt vừa được làm trên đây rơi vào bên trong chính nó” […] do đó, ta không cần phải mang theo các tiêu chuẩn [từ bên ngoài] vào và cũng không áp dụng các ý tưởng đột ngột đến với ta và các tư tưởng của ta trong khi nghiên cứu, để, khi ta gạt bỏ các điều ấy, ta sẽ đạt được việc xem xét sự việc như nó tồn tại tự-mình và cho-mình” (§84). Nói gọn lại, hãy cứ để cho ý thức “tự xác tín, tự phụ” rồi “thất vọng” và sẽ “tuyệt vọng” (§78) trước khi “hình thành” nên đối tượng mới trên con đường đào luyện của kinh nghiệm(1). Như thế, với Hegel, sự phê phán nhận thức đúng nghĩa chỉ có thể là sự phê phán nội tại (immanente Kritik) của nhận thức nơi chính ý thức đang nhận thức. Nghĩa là: kinh nghiệm của ý thức không chỉ bao gồm bản thân nó và cái khác với nó, tức đối tượng mà cả sự thống nhất của nhận thức và sự phê phán nhận thức. Từ đó, hình thành một luận cứ có tính nguyên tắc chống lại mọi thứ nhận thức luận truyền thống: ta không cần một lý luận về nhận thức ngoại tại, trái lại lý luận về nhận thức tốt nhất là bản thân sự nhận thức, nếu nó được hiểu một cách “biện chứng” theo nghĩa của Hegel! Tuy nhiên, luận cứ rất hấp dẫn này về “sự phê phán nội tại” chỉ có thể có được khi cái biết (Khái niệm) và tiêu chuẩn của cái biết (đối tượng), hay nói khác đi, cái tồn tại-cho ý thức và cái tồn tại-tự mình rơi vào bên trong bản thân ý thức, bấy giờ việc kiểm tra Khái niệm bằng đối tượng hay ngược lại chỉ là làm cùng một việc. Việc kiểm tra cái biết không phải là việc làm “thêm thắt” của triết gia với tư cách là nhà phê phán nhận thức mà là công việc “quan sát thuần túy” (§84) diễn trình nội tại của bản thân kinh nghiệm của ý thức. Từ đó, ta hiểu thêm tại sao lý luận về nhận thức của Hegel lại xuất hiện với tên gọi: Hiện tượng học Tinh thần. Sự hợp nhất của nhận thức và sự phê phán nhận thức trong HTHTT tiền giả định thuyết toàn bộ về ý thức (xem: 2.2), dẫn đến thuyết toàn bộ về kinh nghiệm: kinh nghiệm không chỉ bao trùm toàn bộ con đường dài từ “Sự xác tín cảm tính” (Chương I) đến “Tri thức tuyệt đối” (Chương VIII) mà còn bao trùm tất cả những gì ý thức gặp phải trên đường đi của mình: đời sống thực tiễn, quan hệ liên-chủ thể, mọi hiện thực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật, triết học hay văn hóa nói chung… Khái niệm “kinh nghiệm” của Hegel vừa tiếp thu vừa vượt rất xa ra khỏi khái niệm “kinh nghiệm” được hiểu trong thuyết duy nghiệm đương thời và cả trong triết học Kant, bởi mục tiêu của Hegel là cái Tuyệt đối mà tri thức về cái Tuyệt đối là tri thức đúng thật theo nghĩa mạnh mẽ nhất: “cái Đúng thật là cái Toàn bộ” (§20). Nó là cái Toàn bộ, bởi cái Đúng thật – trong chừng mực là đối tượng của tri thức khoa học – chỉ “có thể có được như là Hệ thống” (§24), và chữ “Hệ thống” (số ít!) này ngụ ý một sự hoàn chỉnh, vì, nếu có nhiều hệ thống ắt sẽ lại phải “hệ thống hóa” chúng, và việc hệ thống hóa này cũng chỉ có thể đáp ứng bằng “một Hệ thống của những hệ thống”. Hegel không xem cao vọng khổng lồ này của mình chỉ là một sự “tư biện đơn thuần” mà là có căn cứ: bản thân HTHTT trình bày hệ thống kinh nghiệm của ý thức chính là hệ thống tuyệt đối về cái Đúng thật như là cái Toàn bộ. Theo nghĩa đó, Hegel cho rằng thuyết duy tâm tuyệt đối của mình đồng thời cũng là thuyết duy nghiệm tuyệt đối!.
(1) Để dễ hình dung tiến trình biện chứng tạo nên “đối tượng mới”, ta có thể tóm tắt thành ba bước: - Đối tượng (vd: cái cây) có một sự tồn tại độc lập với tôi và với nhận thức của tôi. Nó là đối tượng tự-mình; chân lý (sự thật) và bản chất của nó khép kín trong bản thân nó. Hegel gọi đó là cái “tồn tại-tự mình”, đồng nghĩa với sự thật và bản chất của đối tượng. (Đối tượng đồng nhất với chính nó). - Tiếp theo là mối quan hệ: đối tượng không chỉ có một cái Tự-mình độc lập, mà còn có một sự xuất hiện ra như hiện tượng; nó xuất hiện ra cho tôi; nó quan hệ với ý thức của tôi. Nó là cái cây “cho-tôi”. Hegel gọi đó là cái “tồn tại-cho cái khác” (tức “cho tôi”). Cái “tồn tại-cho cái khác” này là sự phủ định của cái Tự-mình, nhưng không có nghĩa cái Tự-mình là “sai”. (Đối tượng có một sự dị biệt hay phân biệt, tức có cái đối lập nơi chính nó). - Nhưng, nó không dừng lại ở cái tồn tại-cho cái khác: nó được phủ định với tư cách là hiện tượng; và cả hai: cái Tự-mình và cái cho-cái khác, hay bản chất và hiện tượng đều rơi vào bên trong cái biết của tôi. Do đó, một đối tượng mới nảy sinh: khái niệm (“cây”). Không thể phủ nhận rằng cái vật đang uốn mình trước gió kia là cái gì khác với chữ “cây” như là ba mẫu tự “c-â-y”. Đối tượng mới là đối tượng cũ (đối tượng tự-mình) cùng với kinh nghiệm mới của ý thức của tôi. Từ cái Tự-mình của đối tượng nay đã trở thành cái tồn tại-cho mình của cái cây. (Sự đối lập của bước 2 được “vượt bỏ” và rơi vào cái biết của tôi như là sự thống nhất giữa cái Tự-mình và cái Cho-cái khác và làm phong phú cái biết ấy. Sự thống nhất này là cái Tồn tại-cho mình. Cái Tồn tại-cho mình còn có khi được gọi là “cái tồn tại-tự mình và cho mình”, nếu nó là khởi điểm cho một vận động biện chứng mới). Nhưng, sự thống nhất tối hậu, tuyệt đối giữa chủ thể và đối tượng vẫn không, hay đúng hơn, vẫn chưa đạt được. Sự đối lập giữa cái biết và đối tượng còn tiếp tục trải qua những cấp độ mới trong nhiều tiến trình vận động biện chứng trước khi thực sự được khắc phục ở chặng cuối cùng của sự vận động (“Tri thức tuyệt đối”). (Xem: Chú giải dẫn nhập: 4.2). (Quan hệ giữa “đối tượng cũ” và “đối tượng mới”, hay nói khác đi, giữa việc “hiểu” cái bộ phận để đi đến việc hiểu cái toàn bộ, từ đó cái bộ phận cũng được sắp xếp lại hay thậm chí được sắp xếp lại một cách mới mẻ thường được môn “giải minh học”/Hermeneutik (có tác giả dịch là “thông diễn học”) ngày nay gọi là “vòng tròn giải minh học” (hermeneutischer Zirkel). Như thế, trong chừng mực nào đó, quả Hegel, với quan niệm của mình về “kinh nghiệm”, là một nhà giải minh học “avant la lettre”! (Môn “giải minh học” hiện đại thường được xem là khởi đầu từ F. Schleiermacher (1768-1834), được W. Dilthey (1833-1911), M.Heidegger và H. G. Gadamer (1900-?) phát triển). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC