Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập. Chú giải 2.5. Trở lại với nhan đề: “Hiện tượng học Tinh thần”

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

--------o0o-------

 

LỜI DẪN NHẬP

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


2. “LỜI DẪN NHẬP” (§§73-89): BIỆN CHỨNG CỦA NHẬN THỨC

 

2.5 Trở lại với nhan đề: “Hiện tượng học Tinh thần”

Từ “Hiện tượng học” ngày nay gắn liền với Husserl và “phong trào” do ông khởi xướng. Ở thời Hegel, từ này do J. H. Lambert đề xuất (trong quyển “Neues Organon”/“Công cụ mới”, 1764). Herder, Novalis, Fichte tiếp thu chữ này và Hegel cũng dùng theo nghĩa gốc của Lambert. Lambert gọi phần 4 của tác phẩm trên là “Hiện tượng học hay học thuyết về vẻ ngoài (Schein)” như là “lý luận về vẻ ngoài và về ảnh hưởng của nó đến sự đúng đắn hay không đúng đắn của nhận thức con người” với mục đích “tránh vẻ ngoài để thâm nhập vào cái đúng thật”. Như thế, “Hiện tượng học” có tính cách của một tiến trình hình thành và đó cũng là cách hiểu của Hegel: “Sự trở thành của khoa học nói chung hay của cái biết là nội dung trình bày của HTHTT. Cái biết, như nó tồn tại lúc đầu hay Tinh thần trực tiếp, là cái Vô-tinh thần, là ý thức cảm tính. Để trở thành cái biết đích thực hay để tạo ra môi trường của khoa học […], ý thức phải tự trải qua một con đường dài” (Các tác phẩm thời kỳ Jena, II, 31). Cũng như Kant, Hegel bàn về cái biết như là cái biết khoa học, vì thế có thể hiểu HTHTT là: sự trình bày hiện tượng học về cái biết đang xuất hiện ra như hiện tượng (erscheinendes Wissen), tức về tiến trình trở thành khoa học của cái biết, ra khỏi vẻ ngoài(1) đơn thuần hay hiện tượng đơn thuần của cái biết như nó đang ở lúc đầu trong cấp độ của “Tinh thần trực tiếp” hay của “ý thức cảm tính-vô tinh thần”. HTHTT là sự mô tả “con đường dài” của tiến trình đào luyện của “Tinh thần trực tiếp” (như là “sự xác tín cảm tính”/Chương I) cho đến giai đoạn cái biết đích thực (Tri thức tuyệt đối) – chứ không còn là vẻ ngoài nữa – sẽ “xuất hiện ra” (erscheint) hay sẽ “trình diện ra” (auftritt). Vì Hegel hiểu cái biết đúng thật này là “Tri thức tuyệt đối”(2), nên Hiện tượng học là sự “hiển thánh” (Epiphanie) (theo cách dùng chữ của H. Schnädelbach, 1999: 49) của tri thức về cái Tuyệt đối. Bấy giờ cái biết mới đạt tới “môi trường của khoa học; môi trường ấy là Khái niệm thuần túy của khoa học”. Cấp độ của “Khái niệm thuần túy” của khoa học là cấp độ của khoa học về Khái niệm thuần túy, tức “Khoa học Lô-gíc”, vì thế Hegel gọi HTHTT là phần dẫn nhập vào “Hệ thống khoa học”, làm chức năng giống như một “chiếc thang” (§26).

Khi Hegel dùng chữ “hiện tượng” trong “Hiện tượng học” và đồng nhất “khoa học về cái biết đang xuất hiện ra như hiện tượng” với “khoa học về kinh nghiệm của ý thức”, ông ngụ ý phê phán Kant, người đã giới hạn nhận thức trong lãnh vực của những “hiện tượng đơn thuần”. Hegel muốn chứng minh ngược lại rằng, “hiện tượng” của Kant là các hình thái của tri thức tuyệt đối đang trở thành trong tiến trình của “cái biết xuất hiện ra như hiện tượng”. Tất nhiên, ông không quay ngược về lại với Siêu hình học cổ truyền, tiền-phê phán đã bị Kant “đánh đổ” mà giải quyết vấn đề “tri thức tuyệt đối” trên mảnh đất đã được sự phê phán của Kant “làm cho bằng phẳng” (Kant: PPLTTT: AXXI), đó là mảnh đất của “kinh nghiệm” và của “tính chủ thể” như đã nói trên.

Sau cùng, trong “Bách khoa toàn thư các khoa học triết học” (tập 3, bản Suhrkamp, X, 202), Hegel nói: “Một cách chính xác nhất, có thể xem triết học Kant là đã hiểu Tinh thần như là ý thức và hoàn toàn chỉ chứa đựng những quy định của Hiện tượng học chứ không phải những quy định của triết học về Tinh thần”. Ý Hegel muốn nói: triết học Kant chỉ mới xét “ý thức bình thường” (Normalbewußtsein), tức mới xét “Tinh thần” trong “môi trường của sự hiện hữu trực tiếp” (Lời Tựa, §35), là cấp độ thấp của “Tinh thần” theo những quy định của Hiện tượng học chứ chưa đạt tới trình độ của triết học, tức của “khoa học” hoàn chỉnh về “Tinh thần” như là về sự thống nhất của Bản thể và Chủ thể. Vì thế, HTHTT chỉ có thể trở thành khoa học – thành khoa học về “tri thức xuất hiện ra” hay thành “khoa học về kinh nghiệm của ý thức” – khi “vượt” ra khỏi Kant để đi đến triết học tư biện. Vậy, “Tinh thần” (Geist) là gì? Nội dung của khái niệm then chốt nhưng rất khó hiểu và rất phức tạp này cũng biến chuyển từng bước theo sự phát triển của triết học Hegel từ “HTHTT” cho đến khi hoàn tất hệ thống trong “Bách khoa toàn thư”. Để phần chú giải dẫn nhập này không quá dài và không làm người đọc “rối trí”, thiết tưởng nên tạm gác câu hỏi khó này lại và sẽ tìm hiểu dần dần khi ta đi vào Chương V (Lý tính), Chương VI (Tinh thần) và Chương VIII (Tri thức tuyệt đối). (Xem: Chú giải: 8.1). Nếu “cái biết”, theo Hegel, là sự “trở thành”, thì việc tìm hiểu “cái biết ấy của Hegel” cũng nên mô phỏng theo phương thức “tuần tự nhi tiến” của ông!

Tóm lại, theo chúng tôi, điều cần đặc biệt lưu ý trong “Lời Tựa” và “Lời dẫn nhập” là nguyên tắc về tính toàn thể trong quan niệm của Hegel về cái Tuyệt đối (hay, về sau này, về “Ý niệm tuyệt đối”) dựa trên nguyên tắc nền tảng về tính đồng nhấtthống nhất giữa tư duy và tồn tại, giữa Bản thể và Chủ thể, một nguyên tắc nhất nguyên luận rất dễ gây nên những ngộ nhận hay hiểu lầm. Chẳng hạn, như có nói qua ở cuối 1.5.4, với Hegel, Tự nhiên không thể được hiểu như “bản sao” hay sản phẩm của Ý niệm tuyệt đối như thể cả hai tách rời nhau hay như thể cái này “có trước” hay “quy định” cái kia, trái lại, phải được hiểu như là bản thân Ý niệm này trong sự tồn tại khác của nó. Nếu hiện thực không phải là “bản sao của Ý niệm tuyệt đối” thì Hegel cũng chưa từng bao giờ khẳng định rằng “ý thức quy định tồn tại xã hội” theo cách phê phán quen thuộc. Trong Hegel, vấn đề then chốt là một lý luận nhận thức riêng biệt nhằm lý giải mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa hiện thực và Lô-gíc học. Trong Lô-gíc học biện chứng của mình, Hegel phát triển sự hình thành hiện thực như là về một hiện thực được suy tưởng từ một nguyên tắc nhất nguyên luận: Lô-gíc học, với tư cách là học thuyết về tư duy, và Bản thể luận, với tư cách là học thuyết về tồn tại, là hợp nhất thành một. Trong khi mô hình tư duy của Kant phản đối mọi hình thức của một thứ triết học đồng nhất, thì mô hình tư duy của Hegel đứng vững hay không là từ nguyên tắc cơ bản này, và, do đó, việc tìm hiểu hay nhận định, phê phán đối với triết học Hegel thiết tưởng cũng cần xuất phát từ nguyên tắc ấy.

 



(1) “Vẻ ngoài” (Schein) và “hiện tượng” (Erscheinung): Xem chú thích 257 cho §143

(2) “Cái biết” hay “Tri thức” đều dịch từ chữ “Wissen” nhưng có sự phân biệt ở cấp độ; xem chú thích 5 cho §2.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt