Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập. Toát yếu

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

--------o0o-------

 

LỜI DẪN NHẬP

 

TOÁT YẾU

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

 

73. Một quan niệm rất tự nhiên là: trước khi đi vào nghiên cứu triết học, trước hết người ta phải khảo sát công cụ hay môi trường trung gian của nhận thức (Locke, Kant). Công cụ ấy có thể là hay hay dở, hoặc có thể hoàn toàn dở cho việc nhận thức về cái gì tồn tại một cách tuyệt đối, vì nó biến thái hay phá vỡ đối tượng của nó. Tuy nhiên, thật hoài công khi muốn loại bỏ khả năng khúc xạ và biến đổi của công cụ để đạt đến được khái niệm nội tại của sự vật. Bởi, nếu cái tồn tại tuyệt đối là không thể nào đạt đến được bằng quan năng nhận thức của ta do khả năng khúc xạ và biến đổi của công cụ, thì cũng vô nghĩa khi giả định rằng có thể đạt được nó bằng cách vứt bỏ hay không đếm xỉa đến việc làm của quan năng này lẫn con đường đi của nó. Rút bỏ con đường qua đó chân lý tác động đến ta thì cũng không còn lại gì hết.

74. Nhưng, nếu ta hoài nghi về năng lực của nhận thức trong việc đạt đến cái tồn tại tuyệt đối, thì tại sao ta lại không hoài nghi về sự hoài nghi ấy? Hơn nữa, bảo rằng nhận thức – như là môi trường hay công cụ – có quan hệ ngoại tại với cái tồn tại tuyệt đối, còn cái tuyệt đối thì tách rời khỏi nhận thức thì tức là làm cho việc nhận thức trở thành bất khả ngay từ đầu. Trong sự sợ hãi của ta trước sai lầm, chúng ta đã loại trừ khả thể của nhận thức.

75. Bảo rằng ta chỉ có thể có nhận thức về một “loại” đối tượng thôi, tức là “những hiện tượng” chứ không có nhận thức về cái gì tồn tại tuyệt đối là một quan niệm hết sức mơ hồ mà không ai có thể cắt nghĩa rõ ràng được (Hegel còn cho rằng ngay cả cái biết về Hiện tượng/ Erscheinung hay Vẻ ngoài/Schein cũng là nhận thức về việc sự vật thực sự xuất hiện ra như thế nào).

76. Tất cả những quan niệm làm cho việc nhận thức trở thành bất khả ấy cần phải dẹp bỏ: sự phát triển hiện thực về bản thân nhận thức đã bác bỏ chúng. Tuy nhiên, nhận thức, trong sự xuất hiện lần đầu tiên của nó, bản thân cũng mới đơn thuần là “hiện tượng” và do đó, còn khiếm khuyết. Khoa học không thể chỉ đơn thuần yêu sách rằng mình là cái biết hơn hẳn cái biết hiện tượng ấy, vì như thế là đặt mình vào cùng một cấp độ với nó và chỉ dựa vào sự hiện hữu đơn thuần của mình. Nó cũng không thể viện dẫn đến sự hiện diện uyên bác của mình ngay trong cái biết hiện tượng, vì, trong cái biết hiện tượng, điều này không được phân biệt rõ ràng. Do đó, vấn đề là ta phải cho biết cái biết hiện tượng thực sự là gì.

77. Cái biết hiện tượng – trong tất cả những hình thức đa dạng của nó – là con đường đi của ý thức tự nhiên cho tới khi nó đạt tới Tri thức tuyệt đối. Trên con đường này, Tâm trí con người (Seele) trở nên được tinh lọc trở thành Tinh thần: nhờ vào kinh nghiệm trọn vẹn về chính mình, nó mới đi đến chỗ biết nó là gì trong chính nó.

78. Trong triết học, những niềm tin cơ bản luôn bị lay chuyển và chúng không được khôi phục theo cùng một kiểu như trong sự hoài nghi thông thường. “Thuyết hoài nghi triết học” là triệt để và toàn diện.

79. Nhưng, trong triết học, thuyết hoài nghi không phải là hoài nghi đơn thuần: nó luôn đi tới một kết quả tích cực nhất định: chân lý khẳng định là sự phủ định chân lý được khẳng định trước đó. Thuyết hoài nghi phủ định thuần túy là hình thức lừa phỉnh của ý thức.

80. Mục tiêu của nhận thức là tình trạng nơi đó không còn yếu tố hiện tượng nào còn cần phải thủ tiêu và vượt bỏ, là nơi Khái niệm và đối tượng đều tương ứng và ngang bằng nhau. Ý thức – do chính bản tính tự nhiên của nó – luôn hướng tới mục tiêu này, dù thỉnh thoảng rút lui một cách sợ hãi trước sự vượt bỏ bất tận và rơi vào thái độ bi quan xem mọi quan điểm đều vô vọng, trống rỗng, hoặc thái độ lạc quan trừu tượng xem mọi việc đều “tốt” theo kiểu riêng của chúng.

81. Để tiến lên trong sự tự-phê phán, có vẻ như phải có một tiêu chuẩn để cái biết có thể áp dụng cho chính mình. Nhưng, cái biết hình như không có một tiêu chuẩn nào như thế cả để tự kiểm nghiệm chính mình.

82. Cái biết bao giờ cũng được mang lại như là cái gì đối ứng với cái khách quan, độc lập, tự-tồn tại, tức với sự thật (chân lý). Sự thật này có thể tồn tại cho ý thức, nhưng nó cũng là cái gì tồn tại tự-mình.

83. Tuy nhiên, bản thân sự thật độc lập, tự tồn này phải là một sự thật cho ý thức; và điều này có vẻ biến ý thức thành tiêu chuẩn của chính nó và chỉ ra một sự thật tự tồn khác để sự thật thứ nhất có thể đem ra so sánh, và cứ thế tiếp tục.

84. Nhưng, trong thực tế, cả hai: sự thật tự tồn và cái biết về sự thật ấy đều rơi vào bên trong ý thức. Hay nói cách khác, một bên là đối tượng – với tư cách là cái tồn tại tự mình, là bản chất của đối tượng, và bên kia là đối tượng – với tư cách là một đối tượng cho ý thức hay là một Khái niệm, cả hai đều rơi vào bên trong ý thức, và cái sau phải được làm cho phù hợp, tương ứng với cái trước. Hay nói cách khác nữa, nếu ta đồng nhất Khái niệm với Bản chất và đối tượng là cái gì tồn tại cho ta, thì ta phải xem liệu đối tượng có phù hợp với Khái niệm hay không. Cả hai tiến trình này đều là một; và trong chúng, ý thức chỉ áp dụng tiêu chuẩn của riêng mình cho chính bản thân mình thôi.

85. Bản thân ý thức kiểm tra chính mình và so sánh mình với đối tượng của chính mình; còn chúng ta, nhà quan sát hiện tượng học, chỉ có thể quan sát nó làm việc. Bản thân ý thức không ngừng thay đổi cách nhìn của nó về đối tượng. Những gì đối tượng đã là tự-mình (an sich) đơn thuần trở thành cái gì tồn tại cho ý thức (für es) và một cái Tự-mình (Ansich) mới ra đời. Ta có thể nói rằng ý thức tự điều chỉnh  bản thân nó trước tính thực tại của đối tượng, nhưng đúng hơn nên nói rằng thực tại của đối tượng tự điều chỉnh cho ý thức. Trong sự điều chỉnh này, bản thân tiêu chuẩn được ý thức áp dụng cũng được kiểm tra và biến đổi.

86. Đối với ý thức, việc phủ định những gì thoạt đầu tưởng là tuyệt đối khách quan và xem sự thật tuyệt đối này chỉ đơn thuần là sự thật-cho-ý thức, đó chính là diễn trình kinh nghiệm (Erfahrung) theo nghĩa hiện tượng học, tức luôn bị tự-vượt bỏ.

87. Tiến trình tiến lên của ý thức có thể là tiến trình tiến lên cho ý thức; nó cũng có thể là tiến trình tiến lên cho nhà quan sát hiện tượng học làm nhiệm vụ xem xét và bình luận về ý thức. Nhà hiện tượng học thấy rõ chuỗi của sự phủ định và sự khẳng định nảy sinh từ sự phủ định trong các giai đoạn tiếp diễn của ý thức. Trong khi đó, đối với bản thân ý thức, mỗi giai đoạn trải qua là một bước quá độ đầy bất ngờ sang một đối tượng hoàn toàn mới. Nó đang ở trạng thái “tự-mình” (an sich), tức “cho ta” (für uns) chứ chưa phải “cho-mình”, “cho bản thân nó” (für sich). Nói khác đi, tiến trình biện chứng sâu xa mà nhà hiện tượng học thấy được đang diễn ra ở đàng sau lưng bản thân ý thức.

88. Khoa học bao hàm trong nội dung của mình con đường dẫn tới Khoa học, là sự kết toán kinh nghiệm bản chất của chính mình.

89. Những hình thái của ý thức – chưa hoàn toàn nhận thức về chính mình như là những hình thái của ý thức – cũng chưa nhận thức được về vị trí của chúng ở trong tiến trình lịch sử liên lỉ của ý thức cho tới khi đạt tới điểm chung tất của con đường phát triển: Tri thức tuyệt đối.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt