Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI DẪN NHẬP(154)

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

§ 73

Một quan niệm tự nhiên là, ở trong triết học, trước khi đi đến với bản thân Sự việc, tức đến với nhận thức hiện thực về cái gì là đúng trong sự thật thì trước đó tất yếu phải nhất trí với nhau về [bản thân] sự nhận thức, được xem như là công cụ (Werkzeug) nhờ đó người ta chiếm lĩnh được cái Tuyệt đối, hay như là phương tiện (Mittel) qua đó người ta nhìn ra được cái Tuyệt đối. Sự bận tâm này xem ra có vẻ chính đáng, vì một mặt, có nhiều phương cách nhận thức khác nhau, trong đó một phương cách này có thể thích hợp trong việc đạt được mục đích cuối cùng hơn một phương cách khác, bởi có thể có sự chọn lựa sai lầm giữa chúng; mặt khác vì nhận thức là một quan năng có loại hình và phạm vi nhất định, nên nếu không có sự xác định chính xác hơn về bản tính tự nhiêncác ranh giới của nó, thì thay vì bầu trời của chân lý, người ta chỉ nắm bắt được các đám mây mù của sự sai lầm. Sự bận tâm này cũng thậm chí tất yếu chuyển thành sự xác tín kiên cố rằng: toàn bộ công việc nhằm khởi đầu sở đắc cho ý thức cái gì tồn tại tự-thân bằng sự nhận thức đã là phi lý ngay trong khái niệm của nó, và rằng: giữa sự nhận thức và cái Tuyệt đối có một ranh giới chia cắt chúng một cách tuyệt đối. Bởi lẽ, nếu nhận thức là công cụ nhằm chiếm lĩnh cái bản chất tuyệt đối (absolutes Wesen), thì điều thấy ngay là, sự áp dụng một công cụ vào cho một Sự việc sẽ không để nguyên sự việc như nó đang tồn tại cho chính nó (für sich), trái lại đã tiến hành một sự nhào nặn(155) và biến đổi Sự việc. Còn nếu nhận thức không phải là công cụ cho hoạt động của ta mà hầu như là một môi trường thụ động (ein passives Medium), xuyên qua đó ánh sáng của chân lý đến được với ta, thì ta cũng không tiếp nhận được chân lý như là tự thân (an sich) nó mà là tiếp nhận nó thông quaở trong môi trường [trung gian] này(156). [Như vậy], trong cả hai trường hợp, ta đều dùng một phương tiện [mà lại] tạo ra trực tiếp cái trái ngược với mục đích của nó, hay nói đúng hơn, cái phi lý là ở chỗ chúng ta, nói chung, lại đi sử dụng một phương tiện. Tình trạng tồi tệ này dường như có thể được cứu chữa thông qua việc hiểu biết về phương cách tác động của công cụ, vì sự hiểu biết ấy cho phép ta rút bỏ ra khỏi kết quả phần vốn thuộc về công cụ nằm trong biểu tượng qua đó ta tiếp nhận về cái Tuyệt đối và nhờ thế, ta sẽ tiếp nhận được cái đúng thật (das Wahre) một cách thuần túy. Chỉ có điều, trong thực tế, sự cải tiến này chỉ mang chúng ta trở ngược lại chỗ trước đây của ta mà thôi. Nếu ta tước bỏ ra khỏi sự vật đã bị uốn nắn những gì công cụ đã tác động vào, thì sự vật – ở đây là cái Tuyệt đối – lại trở lại giống hệt như trước khi có nỗ lực thừa thãi kia. Còn nếu thông qua công cụ, cái Tuyệt đối, nói chung, chỉ được đưa lại gần ta hơn mà không bị thay đổi gì nơi nó cả, tựa như con chim được bắt bằng que có dính nhựa, thì cái Tuyệt đối – nếu nó tự mình và cho mình đã không ở và không muốn ở sẵn nơi ta – sẽ chế giễu mánh lới này, vì trong trường hợp này, mánh lới là ở chỗ nhận thức đã hết sức vất vả làm một việc hoàn toàn khác nhưng lại ra vẻ chỉ tạo ra mối quan hệ trực tiếp và do đó, là quan hệ không chút vất vả nào [với cái Tuyệt đối]. Còn nếu việc kiểm tra sự nhận thức – được ta hình dung như một môi trường trung gian (Medium) – cho ta biết quy luật về sự khúc xạ của nó, thì điều này cũng chẳng bổ ích gì khi rút bỏ sự khúc xạ ra khỏi kết quả [nhận thức], vì lẽ không phải sự khúc xạ của tia sáng mà chính bản thân tia sáng – qua đó chân lý tiếp xúc với ta – mới chính là sự nhận thức, và nếu rút bỏ sự khúc xạ đi, thì chỉ còn cái phương hướng thuần túy hay cái vị trí trống rỗng là được biểu thị ra cho ta mà thôi.

 

§ 74

  Trong khi đó, nếu sự e ngại rơi vào sai lầm lại du nhập một sự bất tín nhiệm vào trong Khoa học, – Khoa học vẫn cứ tiến hành công việc và nhận thức một cách hiện thực mà không cần có các thắc mắc thuộc loại như vậy –, thì thật khó hiểu tại sao không làm ngược lại, là hãy bất tín nhiệm ngay sự bất tín nhiệm này, và tại sao không e ngại rằng chính sự e ngại rơi vào sai lầm này tự bản thân đã là sai lầm. Thực ra, sự e ngại này giả định tiên quyết (voraussetzen) điều gì đó và thậm chí một số khá nhiều điều như là chân lý, rồi đặt các thắc mắc và các hậu quả của nó lên trên giả định này, một giả định mà bản thân nó trước đó [lẽ ra] phải được kiểm tra xem có đúng là chân lý không đã. Thật thế, sự e ngại ấy giả định tiên quyết các hình dung về sự nhận thức như là về một công cụ và về một môi trường [trung gian], cũng như giả định một sự phân biệt (ein Unterschied) giữa bản thân ta với nhận thức ấy, nhất là giả định rằng cái Tuyệt đối đứng về một bên, còn sự nhận thức đứng về một bên khác, – tồn tại cho mình và bị tách rời với cái Tuyệt đối mà vẫn là cái gì có thực (etwas Reelles) –, nói khác đi, tiền-giả định rằng sự nhận thức ở bên ngoài cái Tuyệt đối, cũng là ở bên ngoài chân lý, mà lại vẫn có tính chân lý (wahrhalf); một giả định, qua đó cái tự xưng là sự e ngại trước sai lầm tự cho thấy thực ra là sự e ngại trước chân lý(157).

 

§ 75

Kết luận này rút ra từ sự thật rằng: chỉ có cái Tuyệt đối mới là đúng thật, hay chỉ có cái đúng thật mới là tuyệt đối. Kết luận này có thể bị phản bác bằng cách đưa ra sự phân biệt rằng: một nhận thức tuy không nhận thức được cái Tuyệt đối như Khoa học mong muốn, nhưng vẫn đúng; và sự nhận thức nói chung, nếu bất lực trong việc nắm bắt cái Tuyệt đối, vẫn có thể có khả năng nắm bắt cái chân lý khác(158). Thế nhưng ta sẽ thấy rằng cách nói lằng nhằng như thế rút cục sẽ dẫn đến một sự phân biệt mơ hồ giữa một cái đúng tuyệt đối và một cái đúng thuộc loại nào khác; và rằng: “cái Tuyệt đối”, “sự nhận thức” và v.v.. đều là các từ giả định tiên quyết một ý nghĩa, mà trước hết phải đạt cho được ý nghĩa ấy đã.

 

§ 76

Chúng ta không nên tự hành hạ mình bằng các ý tưởng và các cách nói vô ích như thế về nhận thức như là về một công cụ để chiếm lĩnh cái Tuyệt đối hay như một môi trường để qua đó ta nhìn thấy được chân lý và v.v.., [vì] đây đều là những mối quan hệ – mà tất cả các quan niệm trên rút cục sẽ dẫn tới – về một nhận thức tách rời khỏi cái Tuyệt đối và về một cái Tuyệt đối tách rời với nhận thức. | Chúng ta cũng không cần bận tâm đến các lý lẽ bào chữa bịa đặt ra sự bất lực của Khoa học từ tiền đề giả định về các mối quan hệ nói trên nhằm tự giải thoát mình ra khỏi sự vất vả của Khoa học, đồng thời tự cho mình vẻ danh giá của một nỗ lực nghiêm chỉnh và hăng say. | Cũng vậy, thay vì khổ sở tìm câu trả lời cho tất cả những điều ấy, chúng có thể bị vứt bỏ thẳng tay như là các quan niệm tùy tiện và bất tất; và việc sử dụng các từ ngữ gắn liền với chúng như các từ “tuyệt đối”, “nhận thức” cũng như “khách quan” và “chủ quan” và vô số các từ ngữ khác – mà ý nghĩa của chúng được giả định là quen thuộc với mọi người – thậm chí có thể được xem như là sự lừa bịp. Bởi vì, việc tự cho rằng ý nghĩa của chúng một mặt là quen thuộc với mọi người một cách phổ biến và mặt khác, ai cũng tự mình có được khái niệm về chúng dường như chỉ nhằm cho phép mình tiết giảm công việc chính yếu, đó là biết cách mang lại chính Khái niệm này. Trái lại, điều có lý hơn nhiều là có thể tiết giảm sự vất vả bằng cách không cần quan tâm gì đối với các quan niệm và các cách nói trên đây, – những điều mà bản thân Khoa học phải tránh xa – vì chúng chỉ tạo ra một vẻ bề ngoài trống rỗng của cái biết, là cái tiêu tan ngay lập tức trước sự xuất hiện của Khoa học. Nhưng, Khoa học, ngay trong khi nó xuất hiện, thì bản thân nó [cũng] là một hiện tượng (eine Erscheinung); sự xuất hiện của nó chưa phải là Khoa học được hiện thực hóa và được triển khai trong tính chân lý của nó. Về phương diện này, không thành vấn đề nếu ta hình dung Khoa học là hiện tượng, bởi nó xuất hiện bên cạnh nhận thức khác, hoặc gọi nhận thức khác chưa đúng đắn này là phương cách xuất hiện ra [như hiện tượng] của nó [khoa học]. Thế nhưng, Khoa học lại phải tự giải phóng mình ra khỏi vẻ ngoài (Schein) này, và nó chỉ có thể làm việc đó bằng cách quay lại chống vẻ ngoài ấy [xem: chú thích 257]. Vì lẽ Khoa học không thể đơn giản vứt bỏ một [hình thái] cái biết không đúng thật, xem nó như một quan niệm tầm thường về những sự vật, để rồi cam kết rằng bản thân mình là một [loại] nhận thức hoàn toàn khác và không thèm quan tâm gì đến cái biết trên kia; vừa cũng không thể viện dẫn rằng trong cái biết không đúng ấy đã có dự báo về một cái biết tốt hơn. Bằng sự cam kết như thế, Khoa học tuyên bố sức mạnh [và giá trị] của mình là ở sự tồn tại [sự có mặt], nhưng loại cái biết không đúng thật cũng viện dẫn giống như thế rằng nó cũng đang tồn tại, và cũng cam kết rằng đối với nó, Khoa học không là gì cả; vậy, một sự cam kết khô khan này thì chỉ có giá trị như một sự cam kết khô khan khác mà thôi. Khoa học lại cũng không thể viện dẫn vào một sự dự báo về một cái biết tốt hơn vốn có sẵn trong loại nhận thức không đúng và cho rằng sự dự báo này chỉ ra con đường hướng tới Khoa học; bởi như thế một mặt, Khoa học lại cũng viện dẫn đến một sự tồn tại; mặt khác lại viện dẫn chính mình, như là viện dẫn đến phương cách nó đang tồn tại như thế nào bên trong sự nhận thức không đúng kia, tức là, viện dẫn đến phương cách [hình thái] tồn tại kém cỏi của nó, đến [mặt tồn tại] hiện tượng, hơn là đến việc nó tồn tại như thế nào một cách tự mình-và-cho mình (an und für sich) [trong bản tính đúng thật của nó]. Vì lý do đó, ở đây cần tiến hành việc trình bày cái biết đang xuất hiện ra [như hiện tượng] (Darstellung des erscheinen-den Wissens)(159).

 

§ 77

Nay, vì lẽ sự trình bày này chỉ có đối tượng là cái biết đang xuất hiện ra [như hiện tượng], nên bản thân sự trình bày dường như chưa phải là Khoa học tự do, tự vận động trong hình thái riêng biệt của nó, thế nhưng, từ quan điểm này [về một Khoa học như vậy], sự trình bày sau đây được hiểu như con đường đi của ý thức tự nhiên vươn đến Tri thức đúng thật, hay là con đường của tâm hồn [con người] (Seele) trải qua chuỗi các hình thái (Gestaltungen) của chính nó như là trải qua các chặng đường do bản tính tự nhiên của nó quy định, khiến cho nó tự thanh lọc để trở thành Tinh thần (zum Geist läutern), bằng cách thông qua kinh nghiệm trọn vẹn về chính mình để đạt đến được Tri thức về cái gì là chính nó nơi tự-thân nó (an sich selbst)(160).

 

§ 78

Ý thức tự nhiên sẽ tự chứng tỏ rằng nó mới chỉ là Khái niệm về cái biết hay là cái biết không-hiện thực (nicht reales Wissen). Nhưng khi nó trực tiếp tự xem mình là tri thức hiện thực, thì con đường này lại có ý nghĩa phủ định đối với nó, và cái gì là sự hiện thực hóa của Khái niệm thì, đối với nó, lại có ý nghĩa như sự mất mát của chính nó [như sự phá sản và sụp đổ của nó], bởi vì trên con đường này, ý thức tự nhiên đánh mất chân lý của mình. Vì thế, con đường này có thể được xem như là con đường của sự nghi ngờ, hay đúng hơn, như là con đường của sự tuyệt vọng(161). | Bởi vì, điều xảy ra cho ý thức tự nhiên không phải là những gì thường quen được hiểu về sự nghi ngờ, tức sự lay chuyển đối với điều này hay điều kia vốn được tưởng nhầm là chân lý để rồi lại sẽ có sự biến mất đi của nỗi nghi ngờ và đưa ý thức trở lại với chân lý đầu tiên, khiến cho rút cục, Sự việc được nắm lại như trước đây. Trái lại, con đường này là sự nhận chân một cách có ý thức về tính không phải chân lý của cái biết hiện tượng [đang xuất hiện ra], vì điều gì đối với nó là thật nhất (das Reellste) thì sự thật chỉ là Khái niệm không thực hiện được [hay không được hiện thực hóa (nichtrealisierter Begriff). Thuyết hoài nghi đang tự thực hiện một cách trọn vẹn này, vì thế, cũng không phải là cái mà nhiệt tâm nghiêm chỉnh vì chân lý và khoa học tưởng rằng đã chuẩn bị sẵn và tự trang bị cho mình để sẵn sàng phục vụ chân lý và khoa học, tức không phải là lòng quyết tâm rằng, trong khoa học, không chịu khuất phục các tư tưởng của người khác chỉ bởi uy thế của họ, trái lại, [có tinh thần nghi ngờ để] tự mình thẩm tra tất cả và chỉ tuân theo niềm xác tín riêng của mình, hoặc tốt hơn nữa, là tự mình sản sinh ra tất cả và chỉ xem việc làm của riêng mình là cái đúng thật. [Do đó], thật ra, chuỗi các hình thái mà ý thức trải qua trên con đường này là lịch sử [được thực hiện] đầy đủ chi tiết của việc đào luyện (Bildung) của bản thân ý thức để tiến tới [hình thức của] Khoa học. Lòng quyết tâm nói trên đây [mới chỉ] biểu lộ sự đào luyện trong hình thức đơn giản của một ý đồ đã hoàn tất và được kết thúc một cách tức thời, trong khi con đường này mới là [quá trình] thực hiện hiện thực (wirkliche Ausführung), đối lập lại với cái không phải chân lý này [đối lập lại với ý đồ trừu tượng nói trên]. Tuân theo sự tin chắc (Überzengung) của chính mình dù sao vẫn là cái gì tốt hơn là phục tùng quyền uy (Autorität) [của người khác], thế nhưng, việc đảo ngược sự tưởng thật (Dafürhalten) từ quyền uy [của người khác] sang sự tưởng thật từ sự tin chắc của riêng mình thì nội dung của sự tưởng thật ấy cũng không tất yếu được thay đổi, và không vì thế mà chân lý thế chỗ cho sai lầm. Bị vướng vào một hệ thống của tư kiến (Meinen) và của tiền kiến (Vorurteil) dựa trên quyền uy của người khác hay dựa trên sự tin chắc của riêng mình thì chúng chỉ khác nhau ở sự tự phụ nằm trong cái sau mà thôi. Trong khi ngược lại, thuyết hoài nghi nhắm vào toàn bộ phạm vi của ý thức hiện tượng mới làm cho Tinh thần đủ năng lực để thẩm tra chân lý là gì, bằng cách tạo ra một sự tuyệt vọng nơi những cái gọi là các cách nhìn, các ý tưởng và tư kiến tự nhiên, bất kể chúng được gọi là của riêng mình hay của người khác, và là những cái mà ý thức – trực tiếp ngay trong khi tiến hành việc thẩm tra – vẫn bị tràn ngập và kiềm toả, cho nên trong thực tế làm cho ý thức bất lực trong những gì nó muốn thực hiện(162).

 

§ 79

Tính đầy đủ hoàn chỉnh của các hình thái của ý thức không hiện thực [ý thức tự nhiên] tự mang lại thông qua sự tất yếu của tiến trình và sự tất yếu của việc nối kết [giữa các hình thái ấy với nhau]. Để hiểu điều này, có thể nhận xét khái quát ngay từ đầu rằng: sự trình bày về ý thức sai lầm – trong tính không phải chân lý của nó – không phải là một quá trình vận động đơn thuần phủ định. Nói chung, cách nhìn một chiều như thế về sự trình bày là cách nhìn của ý thức tự nhiên; và một cái biết lấy tính một chiều ấy làm bản chất của mình thì chỉ là một trong các hình thái của ý thức chưa hoàn chỉnh; hình thái ấy sẽ rơi ngay vào trong tiến trình của bản thân con đường [thẩm tra] và sẽ tự bộc lộ trong tiến trình ấy. Cách nhìn một chiều này chính là thuyết hoài nghi, bao giờ cũng chỉ nhìn thấy ở trong kết quả cái hư vô (Nichts) thuần túy, và trừu tượng hoá [tước bỏ] khỏi sự kiện là: cái hư vô này, do được quy định (bestimmt), nên chính là cái hư vô của cái mà từ đó nó hình thành [như là kết quả]. Nhưng, chính cái hư vô, được xem như là cái hư vô của cái mà từ đó nó thoát thai, trong thực tế là cái kết quả chân thật (wahrhaftes Resultat); do đó bản thân nó là một cái hư vô nhất định (bestimmt)có một nội dung. Thuyết hoài nghi kết thúc với sự trừu tượng của cái hư vô hay của cái trống rỗng, không thể từ cái hư vô này tiến lên một bước nào cả, mà phải chờ xem có cái gì mới được mang lại hay không và cái mới ấy là cái gì để lại ném cái này vào trong cùng một hố thẳm trống rỗng nọ. Ngược lại, nếu cái kết quả được nhận thức đúng như nó trong sự thật, [tức] như là sự phủ định nhất định (bestimmte Negation), thì từ đó nảy sinh trực tiếp một hình thái mới; và sự quá độ (Übergang) được thực hiện ở trong sự phủ định, qua đó tiến trình sẽ tự mình diễn ra thông qua chuỗi hoàn chỉnh của các hình thái(163).

 

§ 80

Đối với tri thức, mục đích được xác định cũng tất yếu [và cần thiết] như chuỗi tiến trình; mục đích là ở nơi mà tri thức không còn cần thiết phải đi ra khỏi chính mình nữa, là nơi mà nó tìm thấy chính bản thân nó; và Khái niệm (Begriff) tương ứng với đối tượng, đối tượng tương ứng với Khái niệm. Vì thế, tiến trình đi tới mục đích này cũng không ngừng nghỉ và không thể tìm thấy sự thoả mãn ở bất kỳ một chặng dừng nào trước đó. Cái gì bị giới hạn trong [khuôn khổ] một đời sống tự nhiên thì không thể thông qua chính mình để đi ra khỏi cái hiện hữu trực tiếp của mình, mà là bị đẩy ra khỏi sự hiện hữu trực tiếp ấy bởi một cái gì khác mình, và việc bị kéo ra bên ngoài này chính là cái chết của nó. Nhưng ý thức thì khác, nó là Khái niệm (Begriff) của riêng nó cho chính nó, nhờ đó, một cách trực tiếp, là hành vi vượt ra khỏi cái bị giới hạn; và bởi cái bị giới hạn là thuộc về ý thức, nên ý thức vượt ra khỏi chính bản thân nó. | Cùng với cái cá biệt, ý thức có một cái “bên kia” (das Jenseits) đồng thời được đặt ra cho nó, cho dù cái bên kia ấy – giống như trong trực quan về không gian – chỉ là cái được đặt bên cạnh cái bị giới hạn. Như vậy, ý thức chịu đựng sức mạnh bạo lực do chính nó gây ra; sức mạnh ấy phá hủy sự thoả mãn bị giới hạn của chính ý thức. Khi cảm nhận sức mạnh bạo lực này, sự sợ hãi có thể lùi bước trước chân lý và trở thành nỗ lực để cố duy trì cho chính nó cái gì có nguy cơ bị đánh mất. Thế nhưng, nó không thể tìm thấy sự yên nghỉ, trừ khi nó muốn ở yên mãi trong sự trì trệ vô-tư tưởng (gedankenlos); [nhưng] chính tư tưởng sẽ làm suy yếu sự vô-tư tưởng và sự không ngưng nghỉ sẽ khuấy động sự trì trệ. | Hoặc sự sợ hãi này tự cố định mình như là tính thụ nhận (Empfingsamkeit)(164) của cảm giác [với hình thái hiện tại của mình], cam kết rằng nó thấy mọi việc là tốt đẹp trong loại (Art) của chúng; nhưng sự cam kết này cũng sẽ chịu đau khổ giống như trước vì sức mạnh bạo lực của lý tính, bởi lý tính không thấy cái gì là tốt đẹp cả, trong chừng mực cái ấy chỉ là một loại [một hình thái nhất định, sẽ phải bị vượt bỏ]. Hoặc, sự e ngại trước chân lý nói trên có thể tự giấu mình trước chính mình và trước người khác đàng sau tấm màn giả [lý lẽ ngụy tạo], làm như thể chính lòng hăng say nóng bỏng vì bản thân chân lý khiến nó khó, thậm chí khiến nó không thể tìm thấy một chân lý nào khác ngoài chân lý duy nhất của sự tự phụ, luôn xem chân lý này là sáng suốt, tài tình hơn bất kỳ tư tưởng nào mà người ta đạt được từ chính mình hay từ các người khác. | Sự tự phụ như thế biết cách làm thế nào để làm hỏng bất kỳ chân lý nào, để rồi từ đó quay trở lại vào chính mình, hể hả với giác tính riêng của mình, một giác tính biết cách làm thế nào để luôn luôn phá hủy mọi tư tưởng và để, thay vì toàn bộ nội dung, chỉ biết tìm thấy cái Tôi trần trụi, – đó là một sự tự mãn cần phải bỏ lại cho chính nó, bởi nó trốn chạy cái phổ biến và chỉ đi tìm cái tồn tại cho mình (das Fürsichsein) [cái tồn tại bị cô lập, chỉ dựa vào chính mình].

 

§ 81

Trở lên là nói sơ bộ và khái quát về cách thức (die Weise) và sự tất yếu của tiến trình; và cũng sẽ có ích nếu nói thêm đôi điều về phương pháp của sự thực hiện [đầy đủ chi tiết] ấy (Methode der Ausführung). Sự trình bày này, – được hình dung như một cách hành xử [một tiến trình khảo sát] (ein Verhalten) của Khoa học đối với cái biết hiện tượng đang xuất hiện ra, và như là sự nghiên cứu và thẩm tra tính thực tại (Realität) của nhận thức – dường như không thể thực hiện được mà không có một tiền đề được giả định (eine Voraussetrung) nào đó làm nền tảng, với tư cách là một thước đo (Massstab) [một tiêu chuẩn tham chiếu]. Vì, việc thẩm tra bao hàm việc áp dụng một tiêu chuẩn được chấp nhận, và trong việc ngang bằng hoặc không ngang bằng của cái được kiểm tra với tiêu chuẩn này mà quyết định cái được thẩm tra là đúng hay sai; và tiêu chuẩn nói chung, cũng như Khoa học – nếu Khoa học chính là tiêu chuẩn này – được chấp nhận như là cái bản chất hay như cái [thật]-tự-mình (das an sich). Thế nhưng ở đây, khi Khoa học mới vừa trình diện, thì bản thân Khoa học lẫn bất kỳ tiêu chuẩn nào cũng đều chưa thể tự biện minh là cái bản chất hay là cái thật-tự-mình; và nếu không có điều ấy thì dường như không một sự kiểm tra nào có thể xảy ra được(165).

 

§ 82

Mâu thuẫn này và sự dẹp bỏ nó sẽ trở nên rõ ràng hơn, nếu trước hết ta nhớ lại các tính quy định trừu tượng của cái biết và của chân lý như chúng được bắt gặp ở nơi Ý thức. Thật vậy, ý thức này phân biệt cái gì đó với chính nó, nhưng đồng thời lại tự có quan hệ với cái ấy; hay nói theo lối thông thường, có một cái gì đó [tồn tại] cho ý thức, và phương diện được xác định của “sự đặt quan hệ”, hay của “cái tồn tại cho một ý thức”, chính là cái biết. Nhưng, ta phân biệt cái tồn tại-tự mình với cái tồn tại-cho một cái khác này; rồi cái có quan hệ với cái biết cũng được phân biệt như thế với nó [cái tồn tại-cho một cái khác] và được thiết định như là cũng đang tồn tại (seiend) [nhưng] ở bên ngoài mối quan hệ này; phương diện của cái tự-mình này gọi là chân lý. Các tính quy định này [của cái tự-mình] thật ra là gì, là điều không tiếp tục liên quan đến ta ở đây, bởi lẽ đối tượng của ta là cái biết hiện tượng đang xuất hiện ra nên trước tiên, các tính quy định của nó được tiếp thu đúng như chúng đang tự mang lại một cách trực tiếp, và chúng đã được [ta] nắm bắt như thế nào thì cũng tự mang lại [cho ta] như thế(166).

 

§ 83

Bây giờ nếu ta nghiên cứu [tính] chân lý của cái biết, thì có vẻ như ta sẽ nghiên cứu cái biết xem nó tự-mình [đúng với “sự thật” khách quan] như thế nào. Chỉ có điều là, trong việc nghiên cứu này, cái biết là đối tượng của ta, nó là cho ta; và cái tự-mình của cái biết lẽ ra phải tự nó mang lại, thì hóa ra đúng hơn lại là cái tồn tại của nó cho ta; cái ta muốn khẳng định như là bản chất của nó lại không phải chân lý của nó, mà chỉ là cái biết của ta về nó. Cái bản chất hay tiêu chuẩn đã rơi vào bên trong ta, và cái được đem ra so sánh với tiêu chuẩn và là cái sẽ được sự so sánh này quyết định [đúng hay sai] lại không nhất thiết phải thừa nhận tiêu chuẩn này(167).

 

§ 84

Thế nhưng bản tính tự nhiên của đối tượng được ta nghiên cứu vượt khỏi sự chia cắt hay vẻ ngoài của sự chia cắt và của tiền đề giả định này. Ý thức cung cấp tiêu chuẩn của riêng nó cho chính nó, và qua đó, sự nghiên cứu [hay kiểm tra] là một sự so sánh của chính nó với chính nó, vì sự phân biệt vừa được làm trên đây rơi vào bên trong chính nó. Trong ý thức, có một mô-men (Moment) cho một cái khác, hay là, nói chung, ý thức bao hàm tính quy định đặc điểm riêng có của yếu tố cái biết ở bên trong nó; đồng thời đối với ý thức, cái khác này không chỉ đơn thuần là cho ý thức, mà còn ở bên ngoài mối quan hệ này hay là tự-mình; tức là yếu tố chân lý. Do đó, đối với những gì ý thức – ở bên trong nó – tuyên bố là cái tự-mình hay cái đúng thật (das Wahre), ta có tiêu chuẩn do bản thân ý thức đề ra để đo lường cái biết của nó với tiêu chuẩn này. Nếu ta gọi cái biết (Wissen) là Khái niệm (Begriff), còn gọi cái bản chất hay cái đúng thật là cái đang hiện hữu (das Seiende) hay đối tượng, thì sự thẩm tra là ở chỗ xét xem Khái niệm có tương ứng với đối tượng hay không. Nhưng, nếu ta gọi cái bản chất hay cái tự-mình của đối tượng là Khái niệm (Begriff), và mặt khác, hiểu đối tượng là Khái niệm với tư cách là đối tượng, tức là, phương cách làm thế nào Khái niệm tồn tại cho một cái khác, thì sự thẩm tra là ở chỗ ta quan sát (zusehen) xem đối tượng có tương ứng với Khái niệm của chính nó hay không. Tất nhiên người ta thấy ngay rằng, cả hai [quá trình] này là một [đều giống hệt nhau]; nhưng điều cốt yếu cần phải [ghi nhớ và] giữ vững trong toàn bộ công cuộc nghiên cứu là: cả hai mô-men (Momente) này: Khái niệm và đối tượng; cái tồn tại-cho một cái khác và cái tồn tại tự nơi bản thân mình (Ansichselbstsein) đều tự rơi vào trong cái biết mà ta đang nghiên cứu; và do đó, ta không cần phải mang theo các tiêu chuẩn [từ bên ngoài] vào và cũng không áp dụng các ý tưởng đột ngột đến với ta (Einfälle) và các tư tưởng của ta [người nghiên cứu] trong khi nghiên cứu; để, khi ta gạt bỏ các điều ấy, ta sẽ đạt được việc xem xét Sự việc như nó tồn tại tự-mình-và-cho-mình(168).

 

§ 85

Nhưng không chỉ về phương diện này, đó là: Khái niệm và đối tượng, tiêu chuẩn và cái được thẩm tra đều có mặt sẵn bên trong bản thân ý thức khiến cho một sự thêm thắt (ein Zutat) về phía ta là thừa, mà hơn thế, ta cũng thoát khỏi sự vất vả của việc so sánh cả hai, tức thoát khỏi việc thẩm tra thực sự vì trong khi ý thức tự thẩm tra chính nó, thì cũng về phương diện ấy, ta chỉ còn giữ vai trò quan sát thuần túy. Bởi vì, ý thức, một mặt, là ý thức về đối tượng; mặt khác là ý thức về bản thân nó; [tức] ý thức về cái đối với nó là cái đúng thật, và ý thức về cái biết của nó về điều ấy. Vì cả hai đều là cho cùng một ý thức, nên bản thân ý thức là sự so sánh về chúng; và cũng cùng cho một ý thức ấy sẽ bộc lộ ra liệu cái biết của nó về đối tượng có tượng ứng với đối tượng hay không. Thật vậy, đối tượng có vẻ chỉ tồn tại cho ý thức theo phương cách mà ý thức biết về nó; và ý thức hầu như có vẻ không thể đến được phía đàng sau đối tượng như là đối tượng không phải đang tồn tại cho ý thức mà tồn tại tự-mình, và vì thế có vẻ ý thức cũng không thể thẩm tra cái biết của mình bằng đối tượng được. Nhưng, chính bởi vì ý thức, nói chung, khi có cái biết về một đối tượng thì ngay ở đấy, đối với ý thức, đã có sự phân biệt một bên là cái gì đấy tự-mình và bên kia là một yếu tố khác, đó là cái biết, hay là sự tồn tại của đối tượng cho ý thức. Sự thẩm tra là dựa trên sự phân biệt có sẵn này. Nếu trong sự so sánh này, cả hai không tương ứng với nhau, thì hình như ý thức phải thay đổi cái biết của mình để làm cho cái biết ấy phù hợp với đối tượng; thế nhưng trong sự thay đổi này của cái biết, trong thực tế, bản thân đối tượng cũng tự thay đổi đối với ý thức, vì cái biết hiện có, về cơ bản, vốn đã là một cái biết về đối tượng; nên với [sự thay đổi của] cái biết, đối tượng cũng sẽ là một đối tượng khác, bởi nó thiết yếu thuộc về cái biết này. Như vậy, đối với ý thức, cái đối với nó trước đó là cái tự-mình [của đối tượng] nay không phải là cái tự-mình nữa, hay chỉ đã là cái tự mình cho ý thức thôi. Cho nên, một khi ý thức thấy rằng, đối với đối tượng, cái biết của nó không tương ứng được, thì bản thân đối tượng cũng không đứng vững được nữa; hay nói khác đi, tiêu chuẩn của việc thẩm tra tự thay đổi khi cái mà tiêu chuẩn ấy muốn làm thước đo đã không đứng vững được trong quá trình thẩm tra; và sự thẩm tra không chỉ là một sự thẩm tra đối với cái biết mà cũng là một sự thẩm tra đối với chính tiêu chuẩn do sự thẩm tra mang theo(169).

 

§ 86

Tiến trình vận động biện chứng này do ý thức thực hiện nơi chính bản thân nó, – không những nơi cái biết của nó mà cả nơi đối tượng –, trong chừng mực từ đó một đối tượng mới, đúng thật nảy sinh ra cho ý thức, chính đích thực là cái được gọi là KINH NGHIỆM (ERFAHRUNG)(170). Trong mối quan hệ này, có một yếu tố trong quá trình [biện chứng] vừa nói cần phải nêu bật để rọi một ánh sáng mới đối với phương diện khoa học của sự trình bày sau này. Ý thức biết một điều gì đó; đối tượng này là cái bản chất hay cái Tự-mình (das Ansich); nhưng nó cũng là cái Tự-mình cho ý thức, và chính ở đây xuất hiện tính nước đôi của cái đúng thật này. Như ta thấy, ý thức bây giờ có hai đối tượng: một cái là cái Tự-mình thứ nhất và cái thứ hai là cái tồn tại cho ý thức của cái Tự-mình này(171). Cái sau thoạt nhìn có vẻ chỉ là sự phản tư của ý thức vào trong chính ý thức, [tức là] một hình dung [một ý tưởng] không phải về một đối tượng mà chỉ là hình dung của cái biết của ý thức về cái đối tượng thứ nhất. Nhưng, như đã chỉ ra trên kia, [chính trong quá trình biện chứng], đối tượng thứ nhất đã thay đổi đối với ý thức, nó ngưng không còn là cái gì tự-mình và, [một cách được ý thức], nó trở thành một đối tượng chỉ là cái Tự-mình cho ý thức; do đó, cái tồn-tại-cho ý thức của cái Tự-mình này là cái đúng thật (das Wahre); tuy nhiên, cái đúng thật này là cái bản chất hay là đối tượng của ý thức. Đối tượng mới này chứa đựng tính hư vô (Nichtigkeit) của cái thứ nhất; đối tượng mới chính là kinh nghiệm đã được hình thành về cái đối tượng thứ nhất.

 

§ 87

Trong việc trình bày diễn trình này của kinh nghiệm có một yếu tố khiến cho việc trình bày có vẻ không nhất trí với [quá trình] “kinh nghiệm” theo lối hiểu quen thuộc. Đó là: sự quá độ từ đối tượng thứ nhất và từ cái biết về nó thành một đối tượng khác, – tức bước quá độ mà ta nói rằng ta có được kinh nghiệm – được trình bày như là: cái biết về đối tượng thứ nhất, hay là cái tồn tại cho ý thức của cái tự-mình thứ nhất tự bản thân chuyển thành đối tượng thứ hai. Ngược lại, [trong lối hiểu quen thuộc về kinh nghiệm], có vẻ như chúng ta có được kinh nghiệm về sự không đúng của Khái niệm thứ nhất của ta là nhờ nơi một đối tượng khác do ta tìm gặp một cách bất tất và ở bên ngoài, khiến cho, nói chung, cái gì ta có [ở trong kinh nghiệm của ta chỉ là việc lãnh hội thuần túy (reines Auffassen) cái gì tồn tại tự mình và cho mình(172). Thế nhưng, trong cách nhìn đang bàn, đối tượng mới tự cho thấy là cái gì được hình thành thông qua một sự đảo hóa (ein Umkehrung) của bản thân ý thức. Việc xem xét Sự việc [theo cách nhìn này] là sự thêm thắt của chúng ta [nhà triết học quan sát diễn trình biện chứng của kinh nghiệm] (unsere Zutat)(173), nhờ đó chuỗi các kinh nghiệm của ý thức nâng mình lên thành một tiến trình khoa học, chứ không phải một sự thêm thắt [vào] cho bản thân ý thức đang được ta xem xét. Nhưng trong thực tế, ở đây cũng có tình hình giống như ở trên khi ta bàn về mối quan hệ giữa việc trình bày này với thuyết hoài nghi, đó là: cái kết quả đạt được mỗi khi có một cái biết không đúng không thể tiêu tan trong một cái hư vô trống rỗng, trái lại, tất yếu phải được hiểu như là cái hư vô [cái phủ định] của cái mà nó là kết quả; một kết quả chứa đựng cái đúng mà [hình thái] cái biết đi trước đã có bên trong nó. Ở đây, tình hình diễn ra theo cách sau: cái gì xuất hiện trước tiên như là đối tượng thì – khi đi vào ý thức – bị hạ xuống [bị quy giảm, herabsinkt] thành một cái biết về đối tượng ấy; và cái tồn tại tự-mình [của đối tượng] thành cái tồn tại cho ý thức của cái tự-mình [này]; cái này chính là đối tượng mới, cùng với nó một hình thái mới của ý thức cũng xuất hiện; mà bản chất của nó là cái gì khác với bản chất của hình thái đi trước. Chính tình hình này dẫn dắt toàn bộ chuỗi tiếp diễn của các hình thái của ý thức trong tính tất yếu của chúng. Chỉ có điều, bản thân sự tất yếu này, hay là sự ra đời (Entstehung) của đối tượng mới tuy được mang lại cho ý thức nhưng ý thức lại không biết sự việc diễn ra cho nó như thế nào, thì lại diễn ra cho chúng ta [người quan sát] và hầu như là diễn ra ở đàng sau lưng của ý thức. Vậy trong tiến trình vận động của ý thức có một yếu tố của cái tồn tại tự-mình, hay là tồn tại cho ta nhưng lại không bộc lộ cho ý thức đang đắm mình trong bản thân kinh nghiệm. | Tuy nhiên, cái nội dung của những gì ta thấy hình thành, là nội dung tồn tại cho ý thức, còn chúng ta chỉ thấu hiểu (begreifen) cái [phương diện] mô thức (das Formelle) [đơn thuần] của nó, hay chỉ sự hình thành thuần túy của nội dung ấy thôi; [tóm lại], cái đã được hình thành này là cho ý thức nhưng chỉ với tư cách là đối tượng, còn cho chúng ta thì đồng thời lại với tư cách là tiến trình vận động và sự trở thành (Werden)(174).

 

§ 88

Thông qua sự tất yếu ấy, con đường dẫn đến Khoa học thì bản thân cũng đã là Khoa học, cho nên xét về mặt nội dung của nó, [con đường này] chính là KHOA HỌC VỀ KINH NGHIỆM CỦA Ý THỨC (WISSENSCHAFT DER ERFAH-RUNG DES BEWUSSTSEINS).

         

§ 89

Kinh nghiệm mà ý thức có được về chính mình thì – về mặt Khái niệm của nó [nguyên tắc có tính bản chất] – bao hàm bên trong nó không ít hơn là hệ thống toàn bộ của ý thức này, hay là toàn bộ vương quốc chân lý của Tinh thần, theo một phương cách là: các yếu tố của chân lý này tự diễn tả trong tính quy định riêng biệt của mình, không phải như là các yếu tố trừu tượng, thuần túy, mà là như chúng đang tồn tại cho ý thức, hay như là bản thân ý thức trình diện ra (auftritt) trong mối quan hệ với chúng, qua đó, các yếu tố của cái Toàn bộ chính là các hình thái của ý thức(175). Bằng cách tự vươn đến [hình thái của] sự hiện hữu chân thật (wahre Existenz) của mình, ý thức sẽ đạt tới một điểm, nơi đó nó trút bỏ vẻ ngoài (Schein) của mình còn bị vướng víu với cái xa lạ – là cái chỉ tồn tại cho ý thức và đồng thời tồn tại như là một cái khác nó – ; hay cũng là nơi mà hiện tượng trở thành ngang bằng [đồng nhất] (gleich) với bản chất; do đó, là nơi, sự trình bày về ý thức hợp nhất với chính điểm này của Khoa học đích thực của Tinh thần; và sau cùng, khi bản thân ý thức nắm bắt được bản chất này của chính nó, ý thức sẽ biểu thị bản tính tự nhiên của bản thân Tri thức tuyệt đối(176).



(154) “Lời Tựa” (Vorrede) ở trước được viết sau khi hoàn thành tác phẩm, vừa là lời tựa cho tác phẩm nhưng vừa được xem như cho toàn bộ hệ thống triết học Hegel, in tiếp ngay sau nhan đề chung: “Hệ thống khoa học của G.W.F. Hegel. Phần Một: Hiện tượng học Tinh thần.

“Lời dẫn nhập” (Einleitung) này được viết riêng cho tác phẩm “Hiện tượng học Tinh thần” và in tiếp ngay sau nhan đề phụ: “Phần Một [đây là Phần Một của “Hệ thống khoa học” nói trên]: Khoa học về kinh nghiệm của ý thức”. Tiếp theo là tám chương của tác phẩm. Lời dẫn nhập có thể chia làm hai phần, đáp ứng hai yêu cầu:

a) §§73-77: biện minh sự tất yếu khoa học (từ quan điểm khoa học tư biện của Lời Tựa) về một “dẫn nhập” hay “dự bị” cho khoa học, tức “một Hiện tượng học Tinh thần”.

b) §§78-89: xác định tính khoa học nội tại của môn “dự bị” hiện tượng học này.

(155) Formierung: mang lại một hình thức cho sự vật, gần với chữ “kiến tạo” (Bildung).

(156)“Xem nhận thức như là “công cụ””: ám chỉ và phê phán I. Kant;  – “Xem nhận thức như là “môi trường thụ động””: ám chỉ và phê phán phái duy nghiệm và duy cảm; đồng thời cũng ngụ ý phê phán Kant Kant xem trọng vai trò “thụ nhận” của cảm năng.

(157) Đảo ngược vấn đề: việc phê phán về nhận thức, đến lượt nó, lại đòi hỏi một sự phê phán về sự phê phán này, và cứ như thế đến vô tận. Thêm nữa, sự phê phán nhận thức tiền-giả định một chân lý không có tính tuyệt đối [ám chỉ việc Kant xem “Vật-tự thân” là không thể nhận thức được] thì bản thân sự phê phán ấy cũng không thể là chân lý. Từ đó dẫn đến kết luận ở đầu tiểu đoạn sau §75: “Chỉ có cái Tuyệt đối mới là đúng thật hay chỉ có cái đúng thật mới là tuyệt đối”.

(158) “Cái chân lý khác”: ám chỉ “chân lý” của Khoa học tự nhiên của Galilei và Newton trong viễn tượng phê phán siêu nghiệm của Kant. Cần lưu ý ở đây sự dị biệt cơ bản giữa Kant và Hegel trong quan niệm về cái “tuyệt đối”. Kant là người đầu tiên thấy rằng tính khách quan kỳ cùng là nằm trong tính chủ thể (trong “thông giác siêu nghiệm như là sự thống nhất của Tự-ý thức). Nhưng, với Kant, sự đồng nhất giữa tính chủ thể và tính khách quan không phải là nhận thức tuyệt đối về một chân lý tuyệt đối; điều này chỉ dành cho trí tuệ của thần thánh (intellectus divinus). Nên, đúng như Hegel nói (§73), với Kant, nhận thức “của chúng ta” là quan năng chủ quan mà nhiệm vụ của phê phán siêu nghiệm là vạch ra “bản tính tự nhiên và ranh giới” của nó, để chứng minh rằng cái gì “tự thân” (“was an sich ist”) là không thể được mang lại cho ý thức. Ngược lại, với Hegel, nhiệm vụ của Hiện tượng học là chứng minh rằng ý thức tìm thấy lại chính những quy định tư duy của “tự ngã” của mình trong những quy định tối hậu của “thực tại”, trong cái gì “tự thân”. Nói cách khác, sự thâm nhập hoàn toàn vào nội dung để không còn có gì là “xa lạ” với ý thức nữa chính là tri thức đúng thật hay tuyệt đối và đó cũng là cái đúng thật tuyệt đối, là chân lý, hay là “cái Tuyệt đối”. Vậy, “Cái Tuyệt đối” ở đây, – theo nghĩa là “cái gì tự thân” – không hề có ý nghĩa “thần bí” hay “tôn giáo” như “Hữu thể thần linh” trong sự hình dung bằng biểu tượng của tôn giáo. Nó chỉ nói lên “tham vọng” lớn lao về nhận thức của Hegel mà thôi. (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập, 2.1).

(159) Nếu ở các tiểu đoạn trước, Hegel phê phán mọi hình thức “phê phán về nhận thức”, có vẻ như ông tán thành triết học tuyệt đối của Schelling, nhưng, bây giờ, ông quay sang chống lại một tri thức tuyệt đối được thiết lập một cách đột ngột, không có sự biện minh nào trước ý thức tự nhiên. R. Kroner (trong “Từ Kant đến Hegel”/“Von Kant bis Hegel”, t. II), cho rằng ở đây, về một số phương diện, có sự quay trở lại với Kant và Fichte của Hegel. Thật ra, đúng như J. H nhận định, đối với Hegel, “hiện tượng” là một mô-men (Moment) tất yếu và cần thiết của “bản chất”. Vì thế, việc “xuất hiện ra của Khoa học” (Hiện tượng học Tinh thần) cũng là một “Moment” của Khoa học và bản thân nó cũng là Khoa học. Xem: chú thích 257 về “vẻ ngoài” (Schein) và “Hiện tượng” (Erscheinung).

(160)“an sich selbst”: chúng tôi cố tình dịch là “nơi tự-thân nó” (theo cách hiểu của Kant) để làm nổi bật quan niệm và “tham vọng” của Hegel. – “Ý thức tự nhiên”“các hình thái của ý thức”: xem Chú giải dẫn nhập 2.2.

(161) “Sự nghi ngờ” (Zweifel)“sự tuyệt vọng” (Verzweiflung): Hegel chơi chữ từ sự gần gũi của hai từ này.

(162) Ngay từ 1802, trong bài “Mối quan hệ giữa thuyết hoài nghi và triết học”/“Verhälnis des Skepticismus zur Philosophie” (W, I, tr. 161), Hegel đã bác bỏ “thuyết hoài nghi” kiểu của Schulze (tức một loại thuyết “thực chứng” trước khi có từ này!), khi cho rằng thuyết hoài nghi cổ đại – trong khi phê phán ý thức tự nhiên thông thường – thực ra đã nâng nó lên cấp độ tư tưởng. Ông phê phán một loại hoài nghi “chung chung”, chuyên cô lập tính phủ định ra khỏi nội dung vì đó không phải là con đường của sự hoài nghi đích thực. Ông cũng không dừng lại với thái độ hoài nghi “tổng quát” kiểu Descartes, trái lại, đề ra “sự phát triển hiện thực” của ý thức, tức đề ra Hiện tượng học như là con đường “hiện thực” của sự nghi ngờ: mỗi hình thái ý thức tự đẩy mình đến chỗ “tuyệt vọng” về điều mình tưởng là sự thật để tiến lên một hình thái cao hơn. “Thuyết hoài nghi tự thực hiện trọn vẹn” (“der sich vollbringende Skepticismus”), như Hegel nói, sẽ là “linh hồn” của toàn bộ tiến trình hiện tượng học.

(163) Hegel đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất này của sự phủ định mà ông gọi là “sự phủ định nhất định”, do đó, nó không thể được tách rời khỏi nội dung bị phủ định. (Sự phủ định nhất định: xem Chú giải dẫn nhập: 1.4.2.2).

(164) “Tính thụ nhận của cảm giác” (Empfingsamkeit): trạng thái của cái Tôi chưa đạt đến trình độ của xúc cảm hay tình cảm (Gefühl) đã phần nào mang tính “tinh thần” (spirituell) mà vẫn còn ở cấp độ tự nhiên của cảm giác (Empfindung) tiếp nhận một cách thụ động (tính thụ nhận: Rezeptivität) bất kỳ cái gì được mang lại cho mình, nên phán đoán một cách tự phát rằng “mọi sự đều là tốt đúng theo loại (Art) của chúng”.

(165) Vấn đề hầu như phải được đặt lại: cần phải thẩm tra cái biết hiện tượng bằng “thước đo” hay bằng cách so sánh với Khoa học; nhưng Khoa học mới đơn thuần xuất hiện như hiện tượng nên chưa thể được xem là cái bản chất.

(166) Chỗ độc đáo của phương pháp (hiện tượng học) là chấp nhận những quy định của nhận thức hiện tượng như nó đang trình diện ra: nhận thức này lập tức tự phân biệt thành một bên là nhận thức, tức yếu tố của cái biết chủ quan (như nó tưởng thật) và bên kia là yếu tố sự thật (chân lý khách quan); nói khác đi, một bên là cái tồn tại “cho-cái khác” [cho nhận thức] và cái “tồn tại-tự mình” [sự thật khách quan].

(167) “Cho ta”/“für uns” hay “tự mình”/“an sich”, tức cho nhà hiện tượng học quan sát tiến trình, có một cái “tự-mình” của cái biết hiện tượng như là “sự thật” (chân tướng) của nó, nhưng sự thật hay chân tướng này chỉ “cho ta” chứ không phải cho cái biết ấy và nó không nhất thiết phải thừa nhận (nói dễ hiểu, ta biết sự thật của hình thái hiện nay của ý thức là không đúng như điều nó tưởng, nhưng nó chưa nhận ra điều ấy vì còn đang “chìm đắm” trong hình thái ấy). Vì thế, cái biết  hiện tượng phải tự chứng tỏ mà không cần ta phải can thiệp vào. Ta chỉ làm vai trò người quan sát về bản thân kinh nghiệm của nó. (Sự phân biệt hai bình diện “tự mình” (của bản thân cái biết hiện tượng) và bình diện “cho ta” là chìa khóa để đọc và hiểu quyển “Hiện tượng học” này).

(168) Cái biết hiện tượng (tức “những hình thái ý thức” mà ta sẽ xem xét trong sách này) có nơi nó sự đối lập giữa chủ thể và đối tượng, giữa sự xác tín (chủ quan)sự thật (hay chân lý khách quan), nên bản thân nó có thể tự tiến hành việc kiểm tra xem cả hai có trùng hợp với nhau không. Sự nghi ngờ, thậm chí tuyệt vọng của nó về kết quả so sánh này sẽ thúc đẩy nó tiến lên hình thái cao hơn, đó chính là cái được gọi là “kinh nghiệm” (Erfahrung) của ý thức. (Xem: Chú giải dẫn nhập, 2.2 và 2.3).

(169) Trong tiến trình của kinh nghiệm, ý thức (hiện tượng) sẽ thấy sự tiêu biến đi của điều mà nó đã tưởng là “cái tự-mình” (bản chất hay chân lý). Mỗi một hình thái của ý thức tạo nên một “toàn thể cụ thể” (giữa sự xác tín chủ quan và sự thật hay chân tướng của sự xác tín ấy); nếu sự thẩm tra cho thấy một sự không tương ứng giữa hai yếu tố ấy, thì cả hai yếu tố đều đồng thời thay đổi, và ý thức, học được bài học kinh nghiệm, được dẫn dắt lên một hình thái hay cấp độ nhận thức khác, cao hơn. Ở đây, một lần nữa, cho thấy rõ quan niệm của Hegel về chân lý như một sự “trở thành”.

(170) Định nghĩa cơ bản: ở đây, “kinh nghiệm”“phép biện chứng” là được đồng nhất hóa với nhau. (Xem: Chú giải dẫn nhập, 2.3).

(171) Trước sau kinh nghiệm: cái “tự-mình” trước – được trải nghiệm trong cái biết của ý thức – trở thành đối tượng thứ hai của ý thức này.

(172) Hình như ý thức chỉ “lãnh hội” những đối tượng xuất hiện ra cho nó, rồi nó trải nghiệm trong đó theo kiểu những đối tượng là một chuỗi bất tất, chứ không phải tất yếu và biện chứng. Lý do vì ý thức đang “chìm đắm” trong kinh nghiệm, và chỉ có “ta” (triết gia, nhà hiện tượng học) là kẻ nhìn rõ tiến trình ra đời của những đối tượng mới. (Vì thế, Hegel, trong Lời Tựa của quyển “Triết học pháp quyền”, ví triết gia như “con cú của nữ thần Minerva chỉ cất cánh lúc hoàng hôn” với tư cách là kẻ đã từng trải và có được cái nhìn tổng quan về “kinh nghiệm” của ý thức và của lịch sử).

(173) “Sự thêm thắt của chúng ta”: như chú thích trên đã cho thấy, đây là “việc làm” của triết gia. Ý thức hiện tượng “quên” mất kinh nghiệm trước đây của nó, hoặc chỉ nhìn thấy trong đó phương diện phủ định, tiêu cực. Còn “chúng ta”, trái lại, suy tưởng về “tính khẳng định” của kinh nghiệm này và hỗ trợ sự ra đời của đối tượng mới từ sự phân tích về quan sát của chính mình.

(174) Xem lại chú thích 167-173.

(175) Phân biệt “Hiện tượng học” và “Khoa học Lô-gíc”.

(176) “Tri thức tuyệt đối”: Chương cuối và cao điểm của quyển Hiện tượng học, bước chuyển sang “các yếu tố thuần túy” của Khoa học Lô-gíc. Như thế, “Lời dẫn nhập” này giới thiệu sự phát triển nội tại của kinh nghiệm của ý thức từ cấp độ thấp nhất (“sự xác tín cảm tính”/Chương I) cho đến cấp độ cao nhất (“Tri thức tuyệt đối”/Chương 8).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt