Thuyết Duy tâm Đức

Sự độc lập-tự chủ và không độc lập-tự chủ của tự-ý-thức; làm chủ và làm nô

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

SỰ THẬT CỦA VIỆC XÁC TÍN VỀ CHÍNH MÌNH

 

A

SỰ ĐỘC LẬP-TỰ CHỦ 

VÀ KHÔNG ĐỘC LẬP-TỰ CHỦ CỦA TỰ-Ý-THỨC; 

LÀM CHỦ VÀ LÀM NÔ[1]

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn được sự cho phép của dịch giả.


 

 

§ 178

Tự-Ý thức hiện hữu tự-mình và cho-mình trong khi và bằng cách  hiện hữu tự-mình và cho-mình cho một Tự-ý thức khác; nghĩa là nó chỉ hiện hữu như một tồn tại ĐƯỢC THỪA NHẬN. Khái niệm về sự thống nhất này của nó ở trong sự NHÂN ĐÔI của Tự-ý thức, [tức] của sự vô-tận[2] tự thực hiện mình bên trong Tự-ý thức là một sự đan xen đa diện và đa nghĩa. | Sự đan xen ấy làm cho các yếu tố của nó, một mặt, phải được phân biệt hẳn với nhau; và mặt khác, ngay trong sự phân biệt này, đồng thời phải được nắm lấy và được nhận thức như không hề bị phân biệt, hay nói cách khác, được nắm lấy và được nhận thức trong ý nghĩa đối lập của chúng. Ý nghĩa nhị bội này của các yếu tố được phân biệt nằm trong bản chất của Tự-ý thức, tức cái bản chất theo đó Tự-ý thức là vô tận, hay, trực tiếp là cái đối lập của tính quy định trong đó nó được thiết định. Sự phơi bày chi tiết [hay: sự tháo rời, phân tích/Auseinanderlegung] về Khái niệm của sự thống nhất [nhất thể] tinh thần này trong sự nhân đôi của nó sẽ trình bày trước mắt ta tiến trình vận động của SỰ THỪA NHẬN.

§ 179

[I. Tự-ý thức được nhân đôi:] 

Cho Tự-ý thức, có một Tự-ý thức khác; Tự-ý thức đã đi đến chỗ ra khỏi chính bản thân mình. Điều này có ý nghĩa nhị bội: thứ nhất, nó đã tự đánh mất mình vì nó tìm thấy bản thân nó như một bản chất khác; thứ hai, nó đã, qua đó, thủ tiêu các khác này, bởi nó cũng không nhìn thấy cái khác như là cái bản chất mà nhìn thấy chính bản thân nó ở trong cái khác[3].

 § 180

Nó phải thủ tiêu cái tồn-tại-khác này của nó. | Làm như thế là thủ tiêu cái ý nghĩa nhị bội thứ nhất và vì thế, bản thân là ý nghĩa nhị bội thứ hai: một là; nó phải nhắm tới việc thủ tiêu cái bản chất độc lập-tự chủ khác để qua đó trở thành xác tín về chính mình như là bản chất; hai là, khi làm như thế, nó tiến hành thủ tiêu [và vượt bỏ] chính bản thân nó, bởi cái khác này là chính bản thân nó.

§ 181

Việc thủ tiêu có ý nghĩa nhị bội này đối với cái tồn tại-khác-có-ý-nghĩa-nhị-bội của nó cũng đồng thời là một sự quay trở lại có ý nghĩa nhị bội vào trong chính nó; vì, thứ nhất, thông qua việc thủ tiêu, nó nhận lại được chính nó, bởi nó lại trở thành ngang bằng với chính nó qua việc thủ tiêu cái tồn-tại-khác của nó; nhưng, thứ hai, nó cũng mang trở lại cái Tự-ý thức khác cho chính mình, bởi nó đã xác tín chính mình trong cái khác, [nhưng nay] thủ tiêu cái tồn tại này của chính nó ở trong cái khác, và như thế, để cho cái khác lại được tự do[4].

§ 182

Bằng cách ấy, tiến trình vận động của Tự-ý thức trong quan hệ với Tự-ý thức khác phải được hình dung như là việc làm[5] của một [trong các Tự ý thức]. | Nhưng, bản thân việc làm này của một Tự-ý thức lại có ý nghĩa nhị bội, vừa là việc làm của nó, vừa là việc làm của cái [Tự-ý thức] khác; bởi lẽ cái khác cũng độc lập-tự chủ như nó, cũng khép kín và không có gì bên trong cái khác mà không thông qua bản thân cái khác. Cái [Tự-ý thức] thứ nhất không [còn] có đối tượng ban đầu [chỉ trong hình thái thụ động] như đối tượng của sự ham muốn, mà là một đối tượng tồn tại độc lập cho-mình; do đó, đối với đối tượng ấy, cái [Tự-ý thức] thứ nhất không thể sử dụng cho các mục đích của riêng mình, nếu đối tượng ấy không tự-mình làm những gì cái thứ nhất [muốn] làm nơi đối tượng. Vậy, tiến trình vận động hoàn toàn là tiến trình nhị bội của cả hai Tự-ý thức. Mỗi cái nhìn cái khác làm đúng hệt điều mình làm; bản thân mỗi cái làm những gì nó đòi hỏi nơi cái khác, và vì thế, cũng làm những gì mình làm chỉ trong chừng mực cái khác cũng làm đúng hệt những điều ấy. | Việc làm đơn phương do một phía hẳn là vô ích, vì những gì phải diễn ra chỉ có thể hình thành nhờ vào việc làm của cả hai.

§ 183

Vậy, việc làm có ý nghĩa nhị bội, không chỉ trong chừng mực nó là một việc làm vừa được làm đối với chính mình, vừa đối với cái khác, mà còn trong chừng mực việc làm ấy là việc làm không tách rời của cái [Tự-ý thức] này cũng như của cái [Tự-ý thức][6] kia.

§ 184

Trong sự vận động này, ta thấy quá trình được lặp lại giống như đã diễn ra trước đây như là sự tương tác của các Lực, tuy nhiên, trong trường hợp này, là được lặp lại ở bên trong lòng Ý thức. Điều đã diễn ra trước đây là cho ta [người quan sát tiến trình kinh nghiệm], còn ở đây diễn ra cho bản thân các đối cực. [Hạn từ] trung giới [ở đây] là Tự-ý thức phân hoá thành những cái đối cực; và mỗi đối cực là sự trao đổi qua lại của tính quy định của riêng nó và sự quá độ [chuyển hóa] tuyệt đối [trọn vẹn] thành cái đối lập. Với tư cách là ý thức, nó [mỗi đối cực] đương nhiên đi ra khỏi chính nó, tuy nhiên, trong sự tồn tại-bên-ngoài-chính-nó, nó đồng thời tự giữ lại bên trong chính mình: nó tồn tại cho mình và cái tồn-tại-bên-ngoài-của-nó tồn tại cho nó. Chính là cho nó nên nó trực tiếp là một ý thức khác và không phải là ý thức khác; cũng là cho nó mà cái khác này chỉ tồn tại cho-mình khi nó tự thủ tiêu như là cái tồn tại cho-mình, và chỉ tồn tại cho-mình ở trong cái tồn tại cho-mình của cái khác. Mỗi cái đối cực là hạn từ trung giới cho cái khác, qua đó mỗi cái trung giới chính mình với chính mình, và thống nhất với chính mình; và mỗi cái là cho-mình cho cái khác như một tồn tại cho-mình trực tiếp; cái tồn tại này đồng thời là cho-mình chỉ nhờ thông qua sự trung giới này. Chúng thừa nhận nhau như là đang thừa nhận lẫn nhau[7].

§ 185

Bây giờ ta hãy xét xem Khái niệm thuần túy này về sự thừa nhận, về sự nhân đôi của Tự-ý thức trong sự thống nhất của nó xuất hiện ra cho Tự-ý thức như thế nào trong tiến trình vận động của nó. Trước hết, nó [tiến trình này của Khái niệm] sẽ trình bày phương diện không ngang bằng của cả hai Tự-ý thức, hay là, trình bày sự phân hóa của [hạn từ] trung giới [Tự-ý thức] thành những đối cực, và với tư cách là các đối cực, chúng đối lập với nhau; một bên của đối cực chỉ là cái được thừa nhận, còn bên kia chỉ là cái thừa nhận[8].

§ 186

[II. Cuộc đấu tranh giữa các Tự-ý thức đối lập:]

Tự-ý thức thoạt đầu là cái tồn tại-cho-mình đơn giản, ngang bằng với chính mình thông qua việc loại trừ mọi cái khác ra khỏi nó. | Đối với nó, bản chất của nó và đối tượng tuyệt đối là “cái Tôi”; và trong tính trực tiếp này, hay trong sự kiện đơn thuần của sự tồn tại cho-mình này của nó, nó là

CÁI CÁ BIỆT[9]. Đối với nó, “cái khác” là đối tượng không có tính bản chất, như là đối tượng được biểu thị bằng đặc tính của cái phủ định. Thế nhưng, “cái khác” cũng là một Tự-ý thức; một cá nhân xuất hiện đối lập với một cá nhân. Xuất hiện ra một cách trực tiếp như thế, chúng quan hệ với nhau theo phương cách của những đối tượng thông thường. | Chúng là những hình thái độc lập, những cá thể bị chìm đắm trong sự tồn tại [hay trong tính trực tiếp] của Sự sống, - vì đối tượng trong tính trực tiếp ở đây được quy định như là Sự sống. Do đó, đối với nhau, chúng là các hình thái của ý thức đã chưa hoàn tất được sự vận động của sự trừu tượng tuyệt đối, của việc triệt tiêu mọi sự tồn tại trực tiếp và của việc tồn tại đơn thuần như là tồn tại phủ định thuần túy của ý thức ngang bằng với chính mình; nói khác đi, chúng [những ý thức này] đã chưa tự thể hiện cho nhau trong hình thức của tồn tại cho-mình thuần túy, tức, như là Tự-ý thức[10]. Mỗi cái quả là có sự xác tín về chính mình, nhưng không phải là sự xác tín về cái khác, và vì thế, sự tự xác tín của riêng nó vẫn không có tính chân lý [không đúng sự thật]. | Bởi nó ắt sẽ có được sự thật nếu sự tồn tại cho-mình của nó đã đối diện với nó như một đối tượng độc lập, hay, cũng đồng nghĩa như thế, nếu đối tượng đã tự thể hiện như là sự tự-xác tín thuần túy này. Nhưng, dựa theo Khái niệm của sự thừa nhận, điều này chỉ có thể có được khi mỗi cái là “cho” cái khác những gì cái khác là “cho” nó, chỉ khi mỗi cái – trong chính mình thông qua việc làm của chính mình và lại thông qua việc làm của cái khác – hoàn thành sự trừu tượng thuần túy này của sự tồn tại-cho mình[11].

§ 187

 Tuy nhiên, sự tự thể hiện chính mình như là sự trừu tượng thuần túy của Tự-ý thức là nằm ở chỗ: chứng tỏ chính mình như là một sự phủ định thuần túy đối với hình thái [hay phương thức tồn tại như] đối tượng [khách quan] của mình; hay chứng tỏ rằng mình không bị ràng buộc nơi một sự hiện hữu nhất định nào, không hề bị cột chặt với bất kỳ tính cá biệt phổ biến nào của sự hiện hữu nói chung, nghĩa là không bị gắn liền với sự sống. Tiến trình thể hiện này là việc làm nhị bội: việc làm về phía cái khác và việc làm về phía chính mình. Trong chừng mực đó là việc làm của cái khác [cái Tự-ý thức hay cá thể đối lập], mỗi phía nhắm vào mục đích là cái chết của phía bên kia. Nhưng trong việc này cũng thể hiện [loại] việc làm thứ hai, việc làm bởi chính mình, vì cái trước đã bao hàm việc nó đặt cả mạng sống riêng của nó vào đó. Như vậy, mối quan hệ [hay “tình huống”] của hai Tự-ý thức được quy định theo kiểu chúng tự chứng tỏ và chứng tỏ cho nhau thông qua cuộc chiến đấu mất còn.

Chúng phải đi vào cuộc chiến đấu này, bởi chúng phải nâng sự xác tín của chính chúng như là tồn tại cho-mình lên cấp độ của sự thật nơi cái khác cũng như nơi chính bản thân chúng. Và chỉ có việc liều mạng sống mới bảo tồn được tự do; và chỉ có như thế mới chứng tỏ được rằng đối với Tự-ý thức, bản chất của nó không phải là sự tồn tại [trần trụi], không phải đơn thuần là phương thức trực tiếp trong đó nó xuất hiện ra [như lúc đầu], không phải là sự đắm chìm trong việc triển khai sự sống mà đúng hơn là, không có gì nơi nó mà không thể được nó xem như là một yếu tố đang tiêu vong; rằng Tự-ý thức chỉ là sự tồn tại-cho-mình thuần túy. Một cá thể [cá nhân] đã không dám liều mạng sống, tất nhiên, vẫn có thể được thừa nhận như một “con người” (Person)[12], nhưng cá nhân ấy đã không đạt đến sự thật của sự được thừa nhận này như là một Tự-ý thức độc lập-tự chủ. Cũng thế, giống như mỗi bên đều liều mạng sống của chính mình, mỗi bên phải nhắm vào cái chết của bên kia; bởi vì mỗi bên đánh giá bên kia không khác gì chính mình; bản chất của mình thể hiện ra cho mình trong hình thức của “cái khác”; nó đang ở bên ngoài chính mình và phải thủ tiêu cái “tồn tại-ở-bên-ngoài-mình” này đi. | “Cái khác” là một ý thức còn sống trực tiếp trong môi trường của tồn tại đơn thuần còn bị ràng buộc và gắn chặt với nhiều mối quan hệ đa tạp, [trong khi] nó phải trực nhận cái tồn tại-khác này của nó như là cái tồn tại cho-mình thuần túy hay như là sự phủ định tuyệt đối[13].

§ 188

Thế nhưng, sự chứng tỏ [sự thử thách] bằng cái chết sẽ thủ tiêu sự thật lẽ ra phải là kết quả từ đó [đối với cả hai phía] và cùng với sự thật, thủ tiêu cả sự xác tín về mình nói chung. | Bởi lẽ, cũng như mạng sống là sự thiết định [hay đặt định] tự nhiên của ý thức như là sự độc lập nhưng không có tính phủ định tuyệt đối; thì cái chết là sự “phủ định” tự nhiên của ý thức, [nhưng] như là sự phủ định không có sự độc lập, và như thế, sự phủ định ấy vẫn không đạt được ý nghĩa đòi hỏi của việc thừa nhận [đích thực]. Tuy rằng thông qua cái chết, sự xác tín đã hình thành, cho thấy cả hai đều dám liều mạng sống và xem thường cái chết nơi chính mình và nơi cái khác, nhưng sự xác tín này lại không dành cho những ai đứng vững trước cuộc chiến đấu này. Họ thủ tiêu chính ý thức của họ vốn đã được đặt vào trong yếu tố xa lạ này của sự tồn tại tự nhiên [nơi cái khác]; nói khác đi, họ thủ tiêu chính mình và bị thủ tiêu với tư cách là cái đối cực muốn tìm kiếm sự tồn tại cho-mình. Nhưng, cùng với điều ấy, từ sự tương tác, trao đổi qua lại này, cũng sẽ biến mất luôn cả cái yếu tố bản chất, đó là việc phân hóa ra thành những đối cực với các đặc điểm đối lập nhau; và cái [hạn từ] trung giới [Tự-ý thức] đổ sập vào trong một nhất thể chết cứng, là cái cũng phân rã ra thành những đối cực, nhưng chúng chết cứng [không có sự sống], chỉ đơn thuần tồn tại trực tiếp [trần trụi] chứ không đối lập nhau. | Và cả hai [đối cực] ấy sẽ không còn cho và nhận lại từ nhau thông qua ý thức, trái lại chúng buông rời nhau ra một cách dửng dưng như [giữa] các sự vật. Việc làm này của chúng là sự phủ định trừu tượng, chứ không phải sự phủ định [mang đặc điểm] của Ý thức; [bởi] Ý thức [bao giờ cũng] thủ tiêu  [vượt bỏ] theo kiểu bảo lưu và duy trì cái bị thủ tiêu và bởi đó, sống sót qua việc bị thủ tiêu của nó[14].

§ 189

Trong kinh nghiệm này, Tự-ý thức nhận ra rằng mạng sống [sự sống] cũng có tính bản chất đối với nó giống như Tự-ý thức thuần túy. Trong Tự-ý thức trực tiếp, cái Tôi đơn giản là đối tượng tuyệt đối, tuy nhiên, đối tượng này – cho-ta hay là tự-mình – là sự trung giới tuyệt đối và có sự độc lập tự tồn làm yếu tố bản chất. Sự phân rã [giải thể] của cái nhất thể đơn giản này là kết quả của kinh nghiệm đầu tiên; qua đó, một Tự-ý thức thuần túy được thiết định và [bên cạnh đó] là một ý thức không tồn tại-cho mình một cách thuần túy mà tồn tại cho một cái khác, tức, như là một ý thức tồn tại đơn thuần trực tiếp [trần trụi] hay là ý thức trong hình thái của vật tính. Cả hai yếu tố đều có tính bản chất; [nhưng] vì thoạt đầu chúng không ngang bằng [không đồng nhất] và đối lập nhau, và sự phản tư của chúng vào trong sự thống nhất chưa hình thành; nên chúng hiện hữu như hai hình thái đối lập nhau của ý thức. | Một hình thái là ý thức độc lập-tự chủ và bản chất của nó là tồn tại-cho mình; còn hình thái kia là không độc lập-tự chủ và bản chất của nó là sự sống [mạng sống] hay là tồn tại cho-một cái khác. | Cái trước là CHỦ (der HERR); cái sau là NÔ (der KNECHT)[15].

§ 190

[III. CHỦ và NÔ:] 

CHỦ là ý thức tồn tại cho-mình, nhưng không còn đơn thuần là Khái niệm [phổ biến] về một ý thức tồn tại-cho-mình mà chính là ý thức tồn tại cho-mình được trung giới với chính mình thông qua một ý thức khác, tức thông qua một ý thức mà bản chất của ý thức này là gắn chặt với sự tồn tại độc lập-tự chủ, hay với vật-tính nói chung. CHỦ quan hệ với cả hai yếu tố này: với một sự vật, xét như sự vật, là đối tượng của sự ham muốn; và với một ý thức mà bản chất là vật-tính. | Và trong khi CHỦ a/ với tư cách là Khái niệm về Tự-ý thức có mối quan hệ trực tiếp của sự tồn tại-cho-mình[16], nhưng đồng thời b/ với tư cách là sự trung giới, hay là một sự tồn tại cho-mình chỉ “tồn tại cho-mình” thông qua một cái khác, do đó, CHỦ vừa a/ quan hệ trực tiếp với cả hai yếu tố[17], vừa b/ quan hệ một cách gián tiếp [qua trung giới] với mỗi cái thông qua cái khác. CHỦ quan hệ với NÔ một cách gián tiếp thông qua trung giới của cái tồn tại [“sự vật”] độc lập vì chính cái tồn tại này giữ chặt NÔ trong sự nô lệ; đó là xiềng xích của nó mà nó đã không thể trút bỏ được trong cuộc đấu tranh và vì thế, tự chứng tỏ mình là không độc lập-tự chủ, [bởi] nó có sự độc lập-tự chủ của mình trong [hình thái của] vật-tính. Trong khi đó ngược lại, CHỦ là quyền lực trên cái tồn tại [“sự vật”] này, vì nó đã chứng tỏ trong cuộc đấu tranh rằng đối với nó, tồn tại này chỉ có giá trị như một cái [bị] phủ định. | Và trong khi CHỦ là quyền lực đứng trên sự tồn tại, còn sự tồn tại lại là quyền lực đứng trên cái khác [NÔ], nên kết quả là: CHỦ có cái khác [NÔ] dưới quyền lực của mình [bắt NÔ phải lệ thuộc vào mình]. Cũng cùng một phương cách như thế, CHỦ quan hệ với sự vật một cách gián tiếp thông qua trung giới của NÔ. | NÔ, với tư cách là Tự-ý thức nói chung, cũng quan hệ với sự vật một cách phủ định và thủ tiêu sự độc lập của sự vật; thế nhưng vì sự vật đồng thời là độc lập-tự chủ đối với NÔ, do đó bằng tất cả sự phủ định, NÔ vẫn không thể đi xa đến chỗ thanh toán dứt khoát, tức là hư vô hóa sự vật, mà nói cách khác, NÔ chỉ lao động với sự vật thôi [bearbeiten: làm việc nhào nặn sự vật][18].

Ngược lại, đối với CHỦ, nhờ thông qua tiến trình trung giới này, mối quan hệ trực tiếp trở thành sự phủ định thuần túy đối với sự vật; nói khác đi, [chỉ] là sự hưởng thụ. | Những gì sự ham muốn đã không thành công thì bây giờ thành công, đó là thanh toán hoàn toàn sự vật và đạt được sự thỏa mãn trong việc hưởng thụ nó. Điều này đã không đạt được bằng sự ham muốn [đơn độc] là bởi do tính độc lập-tự chủ của sự vật; nhưng nay CHỦ đã đẩy NÔ vào giữa CHỦ và sự vật, nên qua đó, chỉ quan hệ với mặt không-độc lập-tự chủ của sự vật và hưởng thụ nó một cách thuần túy; còn mặt độc-lập-tự chủ của sự vật thì CHỦ nhường lại cho NÔ, kẻ đang lao động [nhào nặn, tạo hình thể] với sự vật[19].

§ 191

Trong hai yếu tố này, CHỦ đạt được sự thừa nhận [hiện thực] thông qua một ý thức khác; bởi trong các yếu tố này, cái ý thức-khác thiết định mình như là cái không-bản chất [đến hai lần]: một mặt là trong việc phải lao động với sự vật; mặt khác là trong sự lệ thuộc vào một hiện hữu (Dasein) nhất định; trong cả hai trường hợp, nó không thể trở thành chủ nhân đối với cái tồn tại [của sự vật] và không đạt đến được sự phủ định tuyệt đối [sự vật]. Vậy ở đây đã có mặt một yếu tố này của sự thừa nhận, đó là: cái ý thức khác tự phủ định cái tư cách tồn tại-cho-mình, và qua đó, tự bản thân làm những gì cái [ý thức] thứ nhất làm để chống lại nó. Yếu tố khác cũng có mặt như thế: việc làm của cái thứ hai chính là việc làm riêng của cái thứ nhất, vì, những gì NÔ làm thực ra là việc làm của CHỦ. | CHỦ chỉ tồn tại-cho-mình, đó là bản chất của CHỦ; CHỦ là quyền lực phủ định thuần túy, đối với CHỦ, sự vật là hư vô và vì thế, CHỦ là việc làm có tính bản chất và thuần túy trong mối quan hệ này, còn việc làm của NÔ là không thuần túy, không có tính bản chất. Thế nhưng, để có sự thừa nhận đích thực thì vẫn còn thiếu [ở đây] một yếu tố, đó là: những gì CHỦ làm đối với cái khác thì cũng là việc làm đối với chính mình và những gì NÔ làm đối với mình thì cũng làm đối với cái khác [Chủ]. Vì lý do đó, qua tiến trình trên chỉ mới cho ra đời một sự thừa nhận một chiều và không ngang bằng[20].

§ 192

Trong sự thừa nhận này, đối với CHỦ, đối tượng hình thành nên sự thật của sự xác tín về chính mình [của CHỦ] là cái ý thức không-bản chất [ý thức lệ thuộc của NÔ]. Nhưng, rõ ràng là, đối tượng này không tương ứng với Khái niệm về nó, vì ngay khi thiết lập được quyền làm chủ, CHỦ chỉ thực sự tìm thấy đối tượng là cái gì đã trở thành hoàn toàn khác với một ý thức độc lập-tự chủ. Cái đối diện với CHỦ bây giờ không phải là một ý thức độc lập-tự chủ mà thật ra chỉ là một ý thức không-độc lập-tự chủ; do đó, CHỦ không xác tín về sự tồn tại-cho-mình như là sự thật của mình. | Trái lại, sự thật của mình, trong thực tế, là cái ý thức không-bản chất và việc làm không có tính bản chất của ý thức ấy.

§ 193

Theo đó, sự thật của ý thức độc-lập-tự-chủ [của CHỦ] chính là ý thức nô lệ [của NÔ]. Ý thức nô lệ này thoạt đầu đúng là xuất hiện ra ở bên ngoài nó và không phải như là sự thật của Tự-ý thức. Nhưng, giống như việc làm chủ đã cho thấy bản chất của nó lại là cái ngược lại với những gì nó mong muốn trở thành, thì, cũng vậy, việc làm nô, khi hoàn tất tiến trình, sẽ chuyển thành cái đối lập với những gì nó đang tồn tại trực tiếp, [nghĩa là] với tư cách là ý thức bị đẩy ngược lại vào trong chính nó, nó [ý thức làm Nô] sẽ đi vào trong chính mình và tự đảo hóa ngược lại thành sự độc lập-tự chủ chân thực.

§ 194

Trở lên ta đã chỉ mới nhìn thấy việc làm nô ở trong quan hệ với việc làm chủ. Nhưng việc làm nô [cũng] là Tự-ý thức, nên bây giờ là lúc thử xét về phương diện này để xem việc làm nô tự-mình và cho-mình như thế nào. Thoạt đầu, CHỦ là bản chất đối với [tình trạng] làm nô, do đó, đối với việc làm nô thì sự thật [được mong ước] là cái ý thức độc lập-tự chủ-tồn tại-cho-mình, nhưng cái sự thật tồn tại cho nó [cho việc làm nô] – chưa ở nơi bản thân nó[21]. Chỉ có điều [quan trọng] là: việc làm nô, trong thực tế, chứa đựng bên trong nó sự thật này về tính phủ định thuần túy và về sự tồn tại-cho-mình, bởi lẽ việc làm nô đã nếm trải kinh nghiệm [đau đớn] về cái bản chất này nơi bản thân nó. Nói rõ hơn, ý thức [làm nô] này không phải đã có nỗi lo sợ (Angst) về điều này hay điều kia, lúc này hay lúc nọ, mà đã lo sợ cho toàn bộ sự tồn tại của nó, bởi nó đã trải nghiệm sự kinh sợ (Furcht)[22] trước cái CHẾT như trước ông CHỦ tuyệt đối. Ý thức [làm nô] này – trong kinh nghiệm ấy – đã tan nát tận đáy lòng, đã run rẩy cả châu thân và tất cả những gì kiên cố trong nội tâm nó đều rạn vỡ. Thế nhưng, chính tiến trình vận động phổ biến, thuần túy này, chính việc tan rã tuyệt đối của tất cả những gì ổn cố thành sự liên tục trôi chảy lại là cái bản chất đơn giản [tối hậu] của Tự-ý thức; [do đó] tính phủ định tuyệt đối, sự tồn-tại-thuần-túy-cho-mình có mặt [một cách mặc nhiên, tiềm tàng] nơi [loại] ý thức [làm nô] này. [Vả lại], yếu tố này của sự tồn tại-cho-mình-thuần túy cũng là cho ý thức [làm nô], vì yếu tố này hiện diện trong CHỦ như là đối tượng của nó. Hơn nữa, ý thức [làm nô] này không chỉ là sự phân rã phổ biến này nói chung [về nguyên tắc], mà, trong việc phục dịch [vất vả cho CHỦ], ý thức ấy hoàn thành việc phân rã này một cách hiện thực. | Qua việc phục dịch, nó thủ tiêu trong mọi yếu tố riêng lẻ tính phụ thuộc [và gắn liền] của nó đối với cái hiện hữu tự nhiên [sự vật] và bằng lao động của chính mình mà tước bỏ sự hiện hữu [tự nhiên] này đi[23].

§ 195

Tuy nhiên, cảm xúc về quyền lực tuyệt đối – ở trong hình thức chung lẫn trong hình thức riêng lẻ của việc phục dịch – chỉ là sự phân rã tự-mình này [mặc nhiên, implizit]; và cho dù sự kinh sợ trước CHỦ NHÂN là khởi điểm của minh triết[24] thì trong việc ấy, ý thức vẫn chưa phải là sự tồn-tại-cho-mình đối với chính mình[25]. Nhưng, kinh qua lao động, ý thức [làm nô] mới đi đến được với chính mình. Trong yếu tố tương ứng với sự ham muốn trong ý thức làm CHỦ, phương diện của mối quan hệ không-bản chất đối với sự vật dường như rơi vào phía ý thức làm-nô, vì ở đó, sự vật đã giữ lại tính độc-lập-tự chủ của mình. Ham muốn đã dành cho phía nó sự phủ định thuần túy đối với đối tượng và qua đó là cảm xúc không bị pha trộn về chính mình. Nhưng, cũng chính vì lẽ ấy, bản thân sự thoả mãn này chỉ là một cái gì thoáng qua, bởi thiếu vắng nơi nó mặt đối tượng hay là sự trường tồn. Ngược lại, lao động là sự ham muốn bị kiềm chế, là cái thoáng qua được chận đứng lại [được trì hoãn], hay nói khác đi, lao động đào luyện[26]. Mối quan hệ phủ định đối với đối tượng nay chuyển hóa thành [việc tạo nên] hình thể cho đối tượng, biến đối tượng thành một cái trường tồn, bởi, đối với người lao động, đối tượng có sự độc lập-tự chủ. Cái trung giới phủ định hay việc làm kiến tạo hình thể này đồng thời là tính cá biệt [sự hiện hữu cá biệt] hay là sự tồn tại-thuần-túy-cho-mình của Ý thức. | Trong lao động, ý thức này bây giờ đi ra bên ngoài chính mình, bước vào trong “môi trường” (Element) của cái trường tồn. | Bởi vậy, thông qua đó, ý thức lao động đi tới chỗ trực quan (Anschauung) [lãnh hội trực tiếp] cái tồn tại độc lập-tự chủ ấy [của đối tượng] như là sự độc lập-tự chủ của chính mình[27].

§ 196

Nhưng, hoạt động kiến tạo hình thể [cho đối tượng] (das Formieren) không chỉ có ý nghĩa tích cực là qua đó, ý thức làm nô, với tư cách là sự tồn tại-cho mình, trở thành “hiện hữu” [khách quan] (Dasein) đối với chính mình mà còn có ý nghĩa tiêu cực đối lập lại với yếu tố thứ nhất của nó, đó là yếu tố tiêu cực của sự kinh sợ (die Furcht). Bởi vì trong việc uốn nắn sự vật, ý thức chỉ có thể nhận ra tính phủ định của riêng mình, sự tồn tại-cho-mình của mình như một đối tượng là thông qua sự kiện nó thủ tiêu hình thể đối lập đang hiện hữu đối đầu với nó. Nhưng, yếu tố phủ định mang tính đối tượng [khách quan] này chính là cái bản chất xa lạ [ở bên ngoài] mà ý thức đã run sợ. Tuy vậy, bây giờ, ý thức phá hủy cái phủ định xa lạ bên ngoài này, thiết định chính mình – như là một cái phủ định – vào trong môi trường trường tồn của sự vật và qua đó, trở thành một cái gì tồn tại-cho mình đối với chính mình[28]. Ý thức làm nô có sự tồn-tại-cho-mình nơi CHỦ như một cái khác, [ở bên ngoài, một sự kiện xa lạ, khách quan] hay chỉ có đó cho nó; rồi trong sự kinh sợ, sự tồn tại-cho-mình lại hiện diện bên trong ý thức làm nô; còn trong việc đào luyện [kiến tạo hình thể cho sự vật], sự tồn tại-cho-mình trở thành cái tồn tại thuộc về chính mình [của NÔ], và như vậy, ý thức làm nô đạt tới ý thức rằng bản thân nó tồn tại tự-mình-và-cho-mình[29]. Hình thức [của sự vật], qua việc được thiết định ra bên ngoài[30] [chủ thể], không trở thành một cái gì khác với bản thân chủ thể [NÔ], bởi chính hình thức này là cái tồn tại-cho-mình thuần túy của chủ thể [NÔ], được chủ thể xem là sự thật ngay ở trong tính ngoại tại này. Thông qua việc tìm ra lại chính mình bởi chính mình, NÔ nhận ra rằng chính trong lao động – là nơi nó đã tưởng rằng chỉ có “ý nghĩa [hay “hiện hữu”] xa lạ” – nó nhận ra đó là “ý nghĩ của riêng chính mình” [31].

Bởi lẽ để đi đến được sự phản tư [của chính mình vào trong chính mình] này, hai yếu tố: sự kinh sợ và sự phục dịch nói chung, cũng như cả hoạt động kiến tạo hình thể [cho sự vật] đều là tất yếu [notwendig: tất yếu và cần thiết] và đồng thời, cả hai yếu tố này phải hiện hữu một cách phổ biến. Không có kỷ luật của sự phục dịch và sự vâng lời, thì sự kinh sợ chỉ vẫn là hình thức [suông] và không triển khai được trên toàn bộ tính hiện thực được nhận thức của hiện hữu. Không có hoạt động kiến tạo (Bilden) [chữ “Bilden” ở đây có nghĩa như là “Formieren”: kiến tạo hình thể cho sự vật], sự kinh sợ chỉ ở mãi trong nội tâm và câm nín, và ý thức không trở thành [minh nhiên] cho chính mình. Nếu ý thức chỉ kiến tạo hình thức [cho sự vật] mà không có [trạng thái] nguyên thủy của sự kinh sợ tuyệt đối, thì ý thức chỉ có một “ý nghĩ riêng” (eigener Sinn) vô dụng [một thái độ “tự quy” trống rỗng], vì hình thức của nó hay tính phủ định của nó không phải là tính phủ định tự-mình [per se] và do đó, hoạt động kiến tạo hình thức không thể mang lại cho nó ý thức về chính mình như là bản chất. Nếu nó cứ vẫn không trải nghiệm sự kinh sợ tuyệt đối (absolute Furcht) mà chỉ có ít nhiều lo sợ (Angst) thì cái bản chất phủ định vẫn mãi mãi là cái gì ở bên ngoài nó; bản thể [thực thể] của nó không được cái tồn tại này tiêm nhiễm (angesteckt) một cách toàn diện. Bởi toàn bộ nội dung của ý thức tự nhiên của nó chưa bị chao đảo (wankend), nên nó – một cách tự-mình [về nguyên tắc] vẫn còn thuộc về sự tồn tại nhất định; “ý nghĩ riêng” (der eigene Sinn) của nó chỉ là “sự ngoan cố” (Eigensinn) [ý chí cá nhân], một [kiểu] tự do còn đứng nguyên trong việc làm nô [chưa thoát ra khỏi ý thức nô lệ][32].

Nếu hình thức thuần túy không thể trở thành bản chất thì hình thức ấy – được xem như sự triển khai ra trên cái cá biệt – càng không phải là sự kiến tạo (Bilden) phổ biến, không phải là một Khái niệm tuyệt đối, mà đúng hơn, chỉ là một chút tài khéo có khả năng làm chủ trên một số sự vật cá biệt nào đó, chứ không thể làm chủ đối với sức mạnh phổ biến cũng như trên toàn bộ bản chất khách quan.

 

 


[1] “Herrschaft und Knechtschaft”: chúng tôi dịch là: “Làm Chủ và làm Nô”. Theo J.H, chữ “làm Nô” (ông dịch ra tiếng Pháp là “servitude” # “domination”) của Hegel có từ nguyên La tinh là “servus”, “servare” (bảo tồn, bảo lưu), theo đó Nô là kẻ “bảo tồn”, tức ưu tiên chọn việc bảo tồn mạng sống hơn là sự tự do; còn Chủ, trái lại, không sợ cái chết và chứng minh sự độc lập đối với sự sống hay mạng sống. Về nhiều cách lý giải khác nhau đối với diễn trình biện chứng của “sự thừa nhận” này, xem Chú giải dẫn nhập: 6.2. Xin lưu ý: Hegel dùng cặp danh từ “Herr-Knecht” để chỉ hai  chủ thể trong mối quan hệ “làm Chủ” và “làm Nô”. “Herr-Knecht” có thể được dịch là “Chủ-Tớ” theo nghĩa khái quát của sự đối lập giữa “chính” và “tùy”, giữa sự độc lập tự chủ và sự lệ thuộc của hai hình thái ý thức. Hegel không dùng chữ “Chủ nô” (Sklavenhalter) và “người nô lệ” (Sklave) theo nghĩa xã hội học và lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi cố ý dịch là “Chủ-Nô” (thay vì “Chủ-Tớ”) để giữ được tính hàm hồ, đa nghĩa của khái niệm, vì chính tính hàm hồ ấy đã dẫn đến nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với đoạn văn nổi tiếng này.

[2]  Khái niệm “sự vô tận” hay “tính vô tận” (Unendlichkeit) là sự thống nhất trong sự nhân đôi.

[3] Tự-ý thức xa lạ vừa là cái khác vừa là chính mình. Khi xem chính mình như là cái khác, Tự-ý thức tự đánh mất chính mình; khi tự nhìn thấy chính mình trong cái khác, nó thủ tiêu cái khác này và chỉ thấy chính mình.

[4] Ở đây, cái tồn tại-khác có một ý nghĩa nhị bội, bởi nó là cái khác và là chính mình, qua đó chuỗi diễn trình có ý nghĩa nhị bội: trong vận động thứ nhất, Tự-ý thức quay về trong chính mình, nhưng đồng thời để cho cái Tự-ý thức khác được tự do, tức trở thành khác tuyệt đối với chính mình.

[5] Chúng tôi dịch: “Tun”, “das Tun” là “làm”, “việc làm” theo nghĩa “thao tác”; “Tat” là “việc đã làm” theo nghĩa là kết quả của “Tun”; Tätigkeit” là “hoạt động”; còn dịch “Handeln”, “Handlung” là “hành động”, “động tác”, “hành vi”.

[6] Việc làm của hai Tự-ý thức này là một và cùng một việc làm không bị tách rời (ungetrennt); và bởi tính tương quan và tương hỗ này là có-ý thức, nên vận động của hai Tự-ý thức là khác với vận động qua lại của hai Lực (xem: Chương III). Vận động của hai Lực tỏ ra là hợp nhất chỉ “cho ta” mà thôi. (Xem §184).

[7] Mỗi Tự-ý thức là tồn tại-cho-mình một cách hiện thực là nhờ cái khác thừa nhận nó; còn trong tình trạng trực tiếp của mình, nó chỉ là một “sự vật sống thực” (ein Lebendiges), chưa phải là Tự-ý thức đích thực. Câu này được Trần Đức Thảo (Sđd) dịch là: “hai bên công nhận cho nhau rằng mình có công nhận lẫn nhau”.

[8] Hạn từ trung giới là Tự-ý thức như là một và đồng nhất ở trong sự thừa nhận lẫn nhau. Khi chuyển hóa thành những đối cực, – hai Tự-ý thức đối lập –, Tự-ý thức, trước hết, đối lập với chính mình. Đây sẽ là tấn (thảm) kịch của sự “không ngang bằng” giữa Chủ và Nô.

[9] Trong trạng thái “trực tiếp” này, mỗi Tự-ý thức là Ý thức cá biệt, cô lập; và toàn bộ tiến trình biện chứng tiếp theo là nhằm nâng Ý thức cá biệt lên thành Tự-ý thức phổ biến.

[10] Mỗi Tự-ý thức biết chính mình là tuyệt đối, nhưng chưa phải như thế đối với cái khác; đối với cái khác, nó còn là “sự vật sống thực” chứ chưa phải Tự-ý thức. Nó phải tự chứng tỏ cho cái khác điều nó tự biết về mình, nhưng chỉ làm được điều này bằng cách “liều mạng sống”.

[11] Tồn tại-cho mình tự tước bỏ ra khỏi chính mình tất cả những gì không phải là mình, nghĩa là cả bản thân sự tồn tại của Sự sống. Khi chứng minh rằng mình đứng “lên trên” Sự sống, nó tự thể hiện cho cái khác như là tồn tại-cho mình. Đây là một “thuyết duy tâm” (un idéalisme: “duy tư tưởng”) nhưng là một “thuyết duy tâm” tự chứng minh bằng sự liều mạng sống (theo J.H).

[12] “Person”: “con người”. Ý nghĩa của chữ “Person” trong Hegel không ổn định. Trong HTHTT, “Person” là sự biểu thị chung ở cấp độ thấp nhất về “con người”, được áp dụng cho bất cứ ai, không thể hiện một Tự-ý thức độc lập; vì thế, trong Chương VI, §§477-480, ông còn bảo “Person” là từ “diễn đạt sự khinh bỉ”. Nhưng, trong “Triết học pháp quyền” (§35), một “Person” là ý thức về chính mình như một cái Tôi, trong khi Tự-ý thức là ý thức về chính mình chỉ như là một “tồn tại nhất định”. (Xem thêm: Triết học pháp quyền: §35, §41, §46, §105). Tuy nhiên, nhìn chung, khác với Kant, Hegel hiểu “Person” là sự biểu thị tương đối mờ nhạt, trừu tượng về “con người”, đơn thuần theo nghĩa “pháp nhân”.

[13] “Sự phủ định tuyệt đối” (absolute Negation): Sự phủ định tuyệt đối là sự phủ định nhị bội (gấp đôi, phủ định của phủ định). Sự phủ định thứ nhất là sự phủ định mà Tự-ý thức đã trải nghiệm thông qua sự tồn tại ở bên ngoài chính mình (Außersichsein). Nhưng, để quay trở lại với “sự tồn tại-cho mình thuần túy” của mình, sự phủ định này phải được phủ định hay vượt bỏ đi; do đó là sự phủ định gấp đôi hay “sự phủ định tuyệt đối”.

[14] Sự phủ định vừa “thủ tiêu”, vừa “bảo lưu” và “duy trì” chính là sự “vượt bỏ” (Aufheben) (xem: Chú giải dẫn nhập: 3.4.3.2.f). Ở đây, theo J.H, ta không được quên rằng có hai sự độc lập-tự chủ: sự độc lập của Sự sống (không có tính phủ định tuyệt đối) và sự độc lập của cái tồn tại-cho mình (chỉ đơn thuần là tính phủ định tuyệt đối). Vậy, kết quả của cuộc đấu tranh mất còn này là tính bản chất của Sự sống “cho” Tự-ý thức.

[15] Bước chuyển hóa có tính bản chất: hai mô-men (Moment) của Tự-ý thức sẽ tự phân ly: một bên là sự lặp thừa của Tôi = Tôi sẽ mang lại ý thức của CHỦ đặt mình lên trên sự tồn tại của Sự sống; bên kia là ý thức trong hình thức của vật tính (Dingheit), mang lại ý thức của Nô, chỉ hiện hữu cho một cái khác. Vậy, có ba hạn từ cho diễn trình biện chứng tiếp theo: Chủ, Nô và Vật tính. Đoạn §189 này là nền tảng cho cách lý giải “bản thể học” về Tự-ý thức (E. Fink, R. Ludwig...) khác với cách lý giải “nhân loại học” hay “triết học lịch sử” của nhiều tác giả khác.

[16] tức nó là sự lặp thừa (Tautologie) của Tự-ý thức: Tôi = Tôi.

[17] “Với cả hai yếu tố”: nghĩa là: với sự vật (đối tượng của sự ham muốn), và với Nô. Chủ quan hệ gián tiếp (qua trung giới) với sự vật, vì Nô lao động với sự vật mà Chủ hưởng thụ; và cũng gián tiếp với Nô, vì điều làm cho Nô thành Nô là sự lệ thuộc của nó với sự vật, với cái tồn tại tự nhiên mà nó không thể dứt bỏ trong cuộc chiến đấu. Nói cách khác, sự trung giới thiết yếu đối với Tự-ý thức đã chuyển sang bên ngoài Tự-ý thức, trong một ý thức khác, đó là ý thức của Nô.

[18]  “bearbeiten”: Nô cũng là Tự-ý thức nói chung vì nó phủ định sự vật, nhưng sự vật vẫn bảo tồn sự độc lập-tự chủ của mình đối với Nô. Do đó, sự phủ định không đi đến tận cùng (tức “hưởng thụ” sự vật) mà là sự phủ định dang dở, tức chỉ là “lao động”, nhào nặn, cải biến, tạo hình thể cho sự vật theo nguyên nghĩa của từ “bearbeiten”.

[19] Quan hệ trực tiếp (sự lặp thừa của Tự-ý thức: Tôi = Tôi) sở dĩ có được cho Chủ là nhờ thông qua sự trung giới (không được nhận thức) của Nô. Đối với Chủ, thế giới khách quan không có sự đề kháng; nó là đối tượng cho sự hưởng thụ của Chủ (cho sự khẳng định bản ngã của Chủ); trong khi đó, với Nô, thế giới này là thế giới “cứng rắn” mà nó chỉ có thể “nhào nặn, tạo hình thể, cải biến” mà thôi (theo J.H).

[20] Chính “sự thừa nhận một chiều và không ngang bằng” (ein einseitiges und ungleiches Anerkennen) này sẽ tạo ra sự chuyển hóa: Chủ trở thành Nô của Nô và Nô trở thành Chủ của Chủ. Sự phát triển tiếp theo nhấn mạnh vào vai trò của sự “đào luyện” (Bildung) (hiểu theo nghĩa rộng là: “Văn hóa”) đối với Tự-ý thức của Nô. Sự đào luyện khắc nghiệt bằng “sự sợ hãi, phục dịch và lao động” là yếu tố bản chất trong việc đào luyện mọi Tự-ý thức. (Xem chú thích 12).

[21] Câu tối nghĩa: “... die [Wahrheit] jedoch FÜR SIE [die Knechtschaft] noch nicht an ihr ist”. J. Hyppolitte dịch nguyên văn (như chúng tôi) là: ..., “mais cette verité qui est pour elle n’est pas encore en elle-même”. Baillie và Miller đều hiểu cách khác: Baillie: ... “although this truth is not taken yet as inherent in bondage itself” (“mặc dù sự thật này chưa được nắm lấy như là tự-mình [mặc nhiên] trong bản thân việc làm Nô); Miller: “However, servitude is not yet aware that this truth is implicit in it” (“Tuy nhiên, việc làm Nô chưa ý thức rằng sự thật này là mặc nhiên [tự-mình] ở bên trong nó”). Cách dịch thoát của Baillie và Miller cũng có phần tương ứng với các câu tiếp theo sau.

[22] Furcht (Pháp: La peur/Anh: fear): sợ hãi, kinh sợ trước đối tượng cụ thể (vd: cái chết).

[23] Sự phân rã “nói chung” chưa đủ cho việc “đào luyện” Tự-ý thức. Nó còn phải phân rã (giải thể) trong từng yếu tố riêng lẻ sự lệ thuộc đối với cái hiện hữu nhất định [sự vật tự nhiên] thông qua việc “phục dịch” (im Dienen) và lao động.

[24] Ở đây Hegel dùng hình ảnh “Kính sợ Chúa Trời”, Kinh Thánh, Ca Vịnh, 110, 10.

[25] “So ist das Bewußtsein darin für es selbst, nicht das Fürsichsein”.

[26] “bilden”: đào luyện, tạo hình thể: thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng trong Hegel. Ở chương này, đây là sự đào luyện của cá thể đối với sự vật (nhào nặn, tạo hình thể) và qua đó, tự-đào luyện chính mình. Sau này, ở phần B, Chương VI bàn riêng về “sự đào luyện” (Bildung) thì lại có nghĩa là một hiện tượng xã hội theo nghĩa “văn hóa, văn minh”. (Xem thêm: chú thích 12).

[27] Đoạn văn này chứa đựng một lý luận triết học về sự ham muốn và lao động đã được Hegel phát triển trong các tác phẩm thời kỳ ở Jena. Xem: System der Sittlichkeit, Tác phẩm, VII, 425-432 và các bài giảng về “Triết học Tinh thần”, Tác phẩm, XIX, 220; XX, 197. Trong lao động, sự thống nhất đầu tiên giữa ý thức lý thuyết và ý thức thực hành được thực hiện (dẫn theo J.H).

[28] Ý thức làm nô chỉ đã có cái tồn tại-cho mình ở trong CHỦ mà nó run sợ; còn khi kiến tạo hình thể cho đối tượng, nó mới tự tạo ra cái tồn tại-cho mình của chính mình và không còn run sợ nữa.

[29] Cần phân biệt chữ “thuộc về chính mình” hay “đối với nó” (für es) với chữ “cho-mình” (für sich) cũng như giữa “nơi nó” (an ihm) với “tự mình” (an sich). (Xem thêm: chú thích 223).

[30] “được thiết định hay được đặt ra bên ngoài”: được ngoại tại hóa, đối tượng hóa.

[31] “Eigner Sinn” và “Fremder Sinn”: Trong lao động, ý thức làm Nô có vẻ như ở bên ngoài chính mình, nhưng trong thực tế, nó nhận ra lại chính mình trong tính cá biệt, độc đáo của mình, vì kết quả lao động là tính cá biệt này ở trong môi trường của tồn tại.

[32] Ở đây, Hegel chơi chữ: “der eigene Sinn” (ý nghĩ riêng) và “Eigensinn” (sự ngoan cố). Sự tự do tuyệt đối tiền giả định sự thoát ly đối với tồn tại tự nhiên trong tính toàn thể của nó. Nếu không có sự thoát ly này, sự tự do ấy chỉ là “sự ngoan cố”, bị khép kín ở trong cái tồn tại-nhất định.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt