HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§90-110) --------o0o-------
CHƯƠNG I: SỰ XÁC TÍN CẢM TÍNH
TOÁT YẾU
BÙI VĂN NAM SƠN
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.
90. Hình thái cái biết đầu tiên hay đối tượng khởi điểm cho việc nghiên cứu hiện tượng học của chúng ta không thể là gì khác hơn ngoài loại cái biết trực tiếp một cách tuyệt đối. Đó là cái biết một cách trực tiếp, về cái trực tiếp, tức về cái “đang có đó”. Cái “đang có đó” phải đuợc nắm lấy, được ghi nhận một cách đơn thuần. Ta không được ra sức nắm bắt nó bằng khái niệm, cũng không thêm bớt gì nơi nó; nói cách khác, ta chỉ đơn thuần lãnh hội (auffassen) hay tiếp thu (aufnehmen). 91. Loại cái biết này thoạt nhìn có vẻ như phong phú vô hạn về nội dung (bên trong) lẫn phạm vi (bên ngoài). Cái đang trình diện trước mắt ta dường như được phân chia vô tận trong thời gian và dàn trải vô tận trong không gian. Do đó, có vẻ như đây là cái biết đúng thật nhất mà ta có được, bởi nó không bỏ sót chi tiết nào của đối tượng. Thế nhưng, nó tự cho thấy (đối với ta, nhà hiện tượng học quan sát tiến trình nhận thức) là nghèo nàn nhất, trừu tượng nhất: nó chỉ là cái biết đơn thuần về sự tồn tại thuần túy của đối tượng. Ý thức chỉ biết về cái đơn thuần “có đó”, không có nội dung: ý thức không suy tưởng, không nối kết cái này với cái kia, chỉ đơn thuần ghi nhận; đối tượng cũng không có thuộc tính, đặc điểm nào cả. Nói ngắn, chỉ có Tôi, cái ý thức này, đối diện với cái nội dung trực tiếp này. 92. Nhìn kỹ hơn, ý thức cảm tính tự bộc lộ là không hề trực tiếp thuần túy như nó tưởng lúc đầu. Thực chất ở đây có hai yếu tố: nội dung được ghi nhận một cách chưa được xác định và một chủ thể cũng chưa được xác định ghi nhận nội dung ấy: hai yếu tố này tạo nên “cấu trúc” hay hình thức tất yếu được “trung giới” (vermittelt). Sở dĩ “có” chủ thể ghi nhận chỉ bởi vì có một nội dung trực tiếp để được ghi nhận. Và có một nội dung được ghi nhận chỉ khi có một chủ thể ghi nhận nó. Rõ ràng ta đang làm việc với một khuôn khổ phổ biến của kinh nghiệm, chứ không phải với một hiện hữu cá biệt. [sự phân biệt “chủ thể/khách thể” là cấu trúc nội tại của ý thức!]. 93. Sự xác tín cảm tính không chỉ “mang” cấu trúc chủ thể/khách thể mà còn gắn liền với một “yêu sách”, khi nó “thiết định” (setzen) một yếu tố là “đúng thật hơn” và “bản chất hơn” yếu tố kia. Đối tượng là cái đúng thật (das Wahre), cái bản chất, cho dù nó được ý thức biết tới hay không. Ngược lại, cái biết được mang lại là thứ yếu, không bản chất: nó phụ thuộc vào đối tượng, được đối tượng “trung giới” và lấy đối tượng làm điều kiện tiên quyết. Đối tượng là đúng thật một cách trực tiếp, không phụ thuộc hay không tiền-giả định cái biết. [như thế, thuyết “duy thực” – Realismus – thực ra không phải là một “chủ thuyết” mà là bộ phận của kinh nghiệm thông thường nhất của ta. Bản tính sâu xa của đối tượng lẫn của kinh nghiệm chỉ bộc lộ khi ta đi sâu nghiên cứu nó, chứ nó không được mang lại một cách trực tiếp và tối hậu (như “thuyết duy thực” đã tưởng)]. 94. Sự xác tín cảm tính vướng vào một sự xung đột nội tại. Đối tượng được mang lại cho nó không tương ứng với đối tượng được nó tưởng là tồn tại đúng thật. Nội dung của việc kiểm tra này do chính bản thân sự xác tín cảm tính thực hiện (chứ không phải do người quan sát phản tư). 95. “Cái Này” trực tiếp – đối tượng của sự xác tín cảm tính – nằm trong hai hình thức nối kết của cái “Bây giờ” và cái “Ở đây” (Thời gian/không gian). Nếu ta “ghi lại” cái Bây giờ bằng cách cho nó một nội dung xác định (vd: bây giờ là ban đêm), nội dung ấy hoàn toàn không bền vững. Chỉ ít lâu sau, bây giờ là buổi trưa. [Bởi lẽ cái gì đang tồn tại, luôn thay đổi “vẻ bên ngoài” của nó. Chỉ có toàn bộ sự vật mới làm nền tảng cho mọi vẻ bên ngoài luôn thay đổi]. 96. Vậy, “cái Bây giờ” của sự xác tín cảm tính tự bộc lộ là cái phổ biến, nghĩa là không đồng nhất với một trạng thái nhất định nào và cũng dửng dưng với việc là trạng thái này hay trạng thái kia (“ban đêm”, “buổi trưa” đều thay đổi, nhưng bản thân cái Bây giờ phổ biến vẫn còn lại). [Hình thức chung của cái đang tồn tại là “phổ biến”, chính đó là tính thực tại cụ thể đứng đàng sau những trạng thái luôn thay đổi]. 97. Trong việc sử dụng ngôn ngữ biểu thị luôn có sự xung đột giữa điều ta “muốn” nói (tư kiến của sự “cho rằng”) và điều ta thực sự nói ra. Ta “cho rằng” điều nói ra phải là “cái cá biệt” tối hậu (“cái Bây giờ này là ban đêm), nhưng không thể diễn đạt được điều ấy: tất cả những gì ta diễn đạt đều mang tính phổ biến. (“bây giờ”, “này”, “là”, “ban đêm” đều là những khái niệm phổ biến). 98. “Cái Ở đây” mang tính biểu thị cũng lâm vào tình trạng như “Cái Bây giờ”. Nó cũng mang tính chất của “tính phổ biến thuần túy”. Ta không thể “ghi lại” một trạng thái cá biệt với tư cách là “cá biệt”, mà chỉ ghi lại được một tính cá biệt nói chung, (phổ biến). 99. Tính phổ biến của sự “tồn tại thuần túy” – nay đã tự bộc lộ ra như là bản chất của sự xác tín cảm tính – là sự trừu tượng (không phải là trực tiếp mà mang tính phủ định và trung giới). Nhưng, sự trừu tượng này không phải – như thoạt nhìn – là sự trừu tượng hóa từ những nội dung phong phú mà chỉ từ sự “cho rằng” đơn thuần, hay từ yêu sách cho rằng mình có nội dung phong phú. 100. Vì đối tượng của sự xác tín cảm tính không phải là sự vật có đầy nội dung phong phú và được xác định, sự kiểm tra (hiện tượng học) quay sang phía Chủ thể. Không phải đối tượng mà chính cái Tôi, hay đúng hơn, chính kinh nghiệm của tôi mới là sự vật phong phú. Những gì tôi “cho rằng” là quan trọng vì chúng là “của tôi” (theo nghĩa cái Tôi của Descartes). (“Cái bây giờ” là ban ngày vì tôi thấy nó; cái Ở đây là cái cây, cũng vậy”). 101. Nhưng trong dòng chảy của kinh nghiệm, cái Tôi luôn có rất nhiều nội dung tiếp diễn nhau làm thành kinh nghiệm của nó, nên không thể đồng nhất hóa với những nội dung ấy. Cái Tôi “cho rằng” mình là cái Tôi xác định (cá biệt) nhưng không thể diễn đạt tính xác định này. Nó là cái Tôi đa thể hơn là cái Tôi riêng lẻ, đơn độc. 102. Cái Tôi đứng đối lập lại với những cái Tôi khác, nhưng không thể nói cái Tôi này phân biệt với cái Tôi khác như thế nào. Mỗi cái Tôi, như là chủ thể của kinh nghiệm, là bất kỳ cái Tôi nào. Nó cũng “phổ biến” như cái Bây giờ, cái Ở đây. Cái Tôi cá biệt, xét như Cái Tôi cá biệt, không thể “diễn dịch” hay diễn đạt ra được. 103. Bây giờ, đối tượng đơn thuần lẫn chủ thể đơn thuần đều không phải là cái gì phong phú, đầy nội dung. Vậy, bước kiểm tra tiếp theo là lấy toàn bộ quan hệ chủ thể-đối tượng làm cái đúng thật. 104-107. Toàn bộ quan hệ chủ thể-đối tượng cũng không bền vững, chẳng khác gì chủ thể hay đối tượng đơn thuần được kiểm tra trước đây. Xét về mặt thời gian, toàn bộ khung cảnh thời gian được xác định bằng cách “chỉ ra” lập tức biến thành quá khứ: cái hiện tại duy nhất còn đứng vững là cái hiện tại phổ biến, bao gồm nhiều cái “hiện tại” bên trong nó. Từ nhiều “cái Bây giờ” nảy sinh và tiêu biến đi, ta đi tới một “cái Bây giờ” luôn luôn tồn tại bất kể sự việc diễn ra lâu hay chóng. “Cái Bây giờ” này tất nhiên là một cái “phổ biến”. [Cái thường tồn mang tính bản thể là cái Phổ biến, chứ không phải cái Cá biệt]. 108. Cái “Ở đây” được xác định toàn bộ, tức cái “điểm này”, cũng không thể nắm bắt được. Mọi “cái Ở đây” hiện thực đều biến thành “những cái Ở đây”. Nhưng trong tất cả “những cái Ở đây” này, cái Ở đây phổ biến vẫn thường tồn. [Vậy, ta không thể nắm bắt những bộ phận mà chỉ có thể nắm bắt cái Thực tại toàn bộ; và cái toàn bộ là cái Phổ biến có mặt trong mọi bộ phận của nó]. 109. Sự xác tín cảm tính không bao giờ nắm bắt được những cái cá biệt được xác định (những cái cá biệt nhất định), dù luôn lầm tưởng như vậy. Ở lãnh vực thực hành, con người “tiêu thụ” sự vật để chứng tỏ tính “hư vô” của những đối tượng của sự xác tín cảm tính (như “bí nhiệm” về việc ăn bánh và uống rượu đã cho thấy), và cả thú vật đang háu đói cũng chứng tỏ có sự “minh triết” này!. [Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một ý thức “hành động” – tätiges Bewusstsein – vượt ra khỏi phạm vi và cấp độ của ý thức cảm tính]. 110. Ngôn ngữ – vốn thuộc về ý thức, nên có tính phổ biến, lý tính và thần diệu – làm nản lòng mọi cố gắng của sự xác tín cảm tính nhằm nắm bắt những cái cá biệt: nó chỉ diễn đạt được những cái Phổ biến thôi. Cái Phổ biến chính là cái đúng thật của sự xác tín cảm tính; ý thức nắm lấy cái Đúng thật này (wahr-nehmen) và chuyển sang cấp độ hay hình thái mới: Tri-giác (Wahrnehmen).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC