Thuyết Duy tâm Đức

Triết học phê phán [§§42-45]

BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC - MỤC LỤC

 

PHẦN THỨ NHẤT

KHOA HỌC LÔGÍC

 

B

LẬP TRƯỜNG THỨ HAI CỦA TƯ TƯỞNG

ĐỐI VỚI TÍNH KHÁCH QUAN

II

TRIẾT HỌC PHÊ PHÁN

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

§42

a. Quan năng lý thuyết; sự nhận thức xét như là sự nhận thức:

Triết học này [triết học Kant] xem sự đồng nhất nguyên thủy của cái Tôi trong tư duy (sự thống nhất siêu nghiệm của Tự-ý thức)(103)cơ sở quy định cho các khái niệm của giác tính. Những biểu tượng được xúc cảm và trực quan mang lại là một cái đa tạp về mặt nội dung của chúng. | Chúng cũng đa tạp thông qua hình thức [hay mô thức], tức, thông qua sự [tồn tại] ở bên ngoài nhau của cảm năng trong hai hình thức của cảm năng là không gian và thời gian(104), mà bản thân là tiên nghiệm với tư cách là các hình thức [thuần túy] (cái phổ biến) của trực quan. Do cái Tôi liên hệ cái đa tạp này của cảm giác và trực quan với chính mình và hợp nhất nó lại bên trong chính mình như bên trong một ý thức (Thông giác thuần túy), cái đa tạp này được đưa vào trong một sự đồng nhất, một sự nối kết nguyên thủy. Các phương thức của việc liên hệ này là các khái niệm thuần túy của giác tính, hay, các phạm trù(105).

Ta cũng biết rằng triết học Kant đã tỏ ra rất dễ dàng trong việc tìm ra các phạm trù. Cái Tôi, sự thống nhất của Tự-ý thức, là hoàn toàn trừu tượng và hoàn toàn bất định, vậy làm sao nó đi đến được các quy định của cái Tôi, đi đến được các phạm trù? Thật may mắn là trong môn Lôgíc học thông thường đã có sẵn các dạng phán đoán khác nhau. Nhưng, phán đoán là tư duy về một đối tượng nhất định. Do đó, những cách phán đoán khác nhau – đã được kể ra sẵn – mang lại các quy định khác nhau của tư duy.

- Cống hiến sâu sắc và trường tồn của triết học Fichte [1762-1814] là đã nhắc nhở ta rằng những quy định-tư duy phải được trình bày trong sự tất yếu của chúng, và rằng, về cơ bản, chúng là được rút ra [hay được “diễn dịch” ra] từ tư duy(106).

- Triết học này [của Fichte] ít ra đã gây được tác động này lên phương pháp trình bày một nghiên cứu về Lôgíc học: đó là, những quy định-tư duy nói chung, hay chất liệu thông thường của Lôgíc học như các loại khái niệm, phán đoán, suy luận không còn được nắm lấy từ sự quan sát, và, do đó, không còn được nắm bắt một cách đơn thuần thường nghiệm nữa, trái lại, phải được rút ra [hay được diễn dịch] từ bản thân tư duy. Nếu tư duy phải có năng lực chứng minh một điều gì đó, nếu Lôgíc học đòi hỏi rằng những chứng minh phải được mang lại, và nếu nó muốn dạy cho ta biết làm thế nào để chứng minh [điều gì đấy], thì trước hết và trên hết, nó phải có năng lực chứng minh về chính nội dung riêng biệt nhất của nó và có năng lực nhìn thấu được sự tất yếu của nội dung ấy.

 

Giảng thêm 1:

Như thế, khẳng định của Kant là: những quy định-tư duy có nguồn gốc ở trong cái Tôi và, theo đó, cái Tôi mang lại các quy định như sự phổ biến và sự tất yếu.

Nếu ta xem xét những gì ta có trước hết trong tay, thì, đó là một cái đa tạp, còn những phạm trù là những tính đơn giản [những hạn từ đơn giản](a) mà cái đa tạp ấy quan hệ(b). Ngược lại, cái cảm tính [vừa] là cái ở bên ngoài nhau, [vừa] cái ở bên ngoài chính mình; và đó chính là quy định cơ bản đích thực của cái cảm tính. Chẳng hạn, cái “bây giờ” chỉ có sự tồn tại là trong mối quan hệ với một cái “trước đó” và một cái “sau đó”. Cũng thế, màu đỏ chỉ có trong chừng mực màu vàng và màu xanh đứng đối lập lại với nó. Cái khác này ở bên ngoài cái cảm tính; và cái cảm tính chỉ có trong chừng mực nó không phải là cái khác và chỉ trong chừng mực có cái khác ấy.

Hoàn toàn ngược lại với cái cảm tính ở bên ngoài nhau và ở bên ngoài chính mình, chính là tư duy hay là cái Tôi. Tư duy hay cái Tôi là cái đồng nhất một cách nguyên thủy(c), là một với chính mình và ở-trong-nhà-nơi-chính-mình một cách tuyệt đối. Khi tôi nói “Tôi”, thì đó là sự quan hệ trừu tượng với chính mình, và cái gì được thiết định trong sự thống nhất này đều được sự thống nhất này lây nhiễm và biến thành sự thống nhất ấy. Vậy, cái Tôi hầu như là lò nấu kim loại và lò lửa qua đó tính đa tạp dửng dưng bị hấp thu và quy giảm thành một nhất thể. Đó chính là cái được Kant gọi là “Thông giác thuần túy” để phân biệt với thông giác thông thường, tức cái thông giác chỉ tiếp thu vào mình cái đa tạp xét như cái đa tạp, còn Thông giác thuần túy phải được xem như hoạt động để biến đối tượng thành đối tượng của tôi.

Điều này quả đã diễn đạt được một cách đúng đắn bản tính của mọi ý thức. Nỗ lực của con người, nói chung, là nhận thức thế giới, chiếm lĩnh và khuất phục nó; và vì mục đích ấy, thực tại của thế giới hầu như phải bị chà nát, nghĩa là, phải được ý thể hóa(a). Nhưng, đồng thời cần phải lưu ý rằng: không phải hoạt động chủ quan của Tự-ý thức là cái mang sự thống nhất tuyệt đối vào trong tính đa tạp. Đúng hơn, sự đồng nhất này là cái Tuyệt đối, là bản thân cái đúng thật. Đó hầu như là lòng tốt của cái Tuyệt đối để cho những cái [tồn tại] cá biệt được thưởng thức bản thân mình và rồi chính nó đẩy chúng về lại vào trong sự thống nhất hay nhất thể tuyệt đối.

 

Giảng thêm 2:

Các thuật ngữ như “sự thống nhất siêu nghiệm của Tự-ý thức” nghe có vẻ khó khăn, dường như có ấn giấu một điều gì ghê gớm lắm nhưng thật ra sự việc là đơn giản hơn nhiều. Kant hiểu chữ “siêu nghiệm”(b) là từ sự phân biệt chữ này với chữ “siêu việt”(c) (107). “Siêu việt” ở đây (nói rất khái quát) là cái gì vượt ra khỏi tính quy định của giác tính, và, trong nghĩa ấy, xuất hiện trước hết trong toán học. Chẳng hạn, môn hình học bảo ta phải hình dung chu vi của một hình tròn bao gồm một số lượng vô hạn của những đường thẳng nhỏ cũng một cách vô hạn. Như thế, ở đây, những quy định vốn tuyệt đối khác nhau đối với giác tính (thẳng và cong) lại được thiết định một cách dứt khoát như là đồng nhất. Một cái siêu việt như thế cũng là cái Tự-ý thức đồng nhất với chính mình và vô hạn bên trong chính mình, phân biệt với ý thức thông thường được quy định bởi chất liệu hữu hạn. Nhưng, Kant chỉ biểu thị sự thống nhất hay nhất thể ấy của Tự-ý thức như là “siêu nghiệm” và hiểu chữ này theo nghĩa: sự thống nhất ấy chỉ là chủ quan chứ không thuộc về bản thân những đối tượng như những đối tượng tự thân.

 

Giảng thêm 3:

Bảo rằng phải xem xét các phạm trù chỉ như là các phạm trù thuộc về ta (như là “chủ quan”) là điều ắt tỏ ra rất kỳ quái đối với ý thức tự nhiên [thông thường], và ở đây, quả có điều gì không ổn. Tất nhiên, khẳng định ấy có mặt đúng, đó là các phạm trù không được chứa đựng ở trong cảm giác trực tiếp. Chẳng hạn, ta xét một viên đường: nó cứng, trắng và ngọt v.v… Ta bảo rằng tất cả các thuộc tính ấy được hợp nhất lại trong một đối tượng và sự thống nhất này không có ở trong cảm giác. Tình hình cũng thế, khi ta xem xét hai sự kiện như là ở trong mối quan hệ nguyên nhân và kết quả đối với nhau; điều tri giác được ở đây là hai sự kiện riêng lẻ, tiếp theo nhau trong thời gian. Nhưng, bảo rằng sự kiện này là nguyên nhân còn sự kiện kia là kết quả (tức có mối quan hệ nhân quả giữa cả hai) là điều không tri giác được mà chỉ có cho tư duy của ta mà thôi. Thế nhưng [sau đây là quan điểm của Hegel], tuy rằng các phạm trù (ví dụ: nhất thể, nguyên nhân và kết quả v.v…) thuộc về tư duy xét như là tư duy, song từ đó tuyệt nhiên không thể suy ra rằng chính vì thế mà chúng chỉ đơn thuần là một cái gì của riêng chúng ta chứ không phải cũng là những quy định của bản thân những đối tượng. Song, chính đó lại là quan niệm của Kant, và triết học của ông là thuyết duy tâm chủ quan, trong chừng mực cái Tôi (chủ thể nhận thức) vừa mang lại hình thức lẫn chất liệu của nhận thức: cái trước với tư cách là chủ thể tư duy, còn cái sau với tư cách là chủ thể cảm giác.

Đối với nội dung của thuyết duy tâm chủ quan ấy, ta không cần phải đụng chạm tới. Thoạt nhìn người ta có thể cho rằng do sự thống nhất của những đối tượng được đặt vào trong chủ thể, nên qua đó những đối tượng sẽ bị tước bỏ mất thực tại của chúng. Song, việc đơn thuần gán sự tồn tại cho đối tượng cũng chẳng giúp cho đối tượng lẫn cho ta có thêm được chút gì. Vấn đề cốt yếu là ở nội dung, tức, liệu đó có phải là một nội dung đúng thật hay không. Chứ còn để cho sự vật đơn thuần tồn tại, chẳng giúp ích được gì cho nó cả. Bởi, đứng lên trên cái tồn tại đơn thuần còn có thời gian, và thời gian sẽ làm cho nó cũng trở thành cái không tồn tại.

- Ta cũng có thể bảo, theo thuyết duy tâm chủ quan, con người tự đánh giá quá cao về chính mình. Chỉ có điều: nếu thế giới của con người là một khối lượng khổng lồ những trực quan cảm tính thì con người cũng chẳng có lý do gì để tự hào về một thế giới như thế cả. Vấn đề cốt yếu không phải là ở sự phân biệt giữa tính chủ quan và tính khách quan, mà là ở nội dung; và nội dung này vừa là chủ quan vừa là khách quan. Một tội ác cũng là “khách quan” theo nghĩa của sự “hiện hữu” đơn thuần, nhưng là một sự hiện hữu vô hiệu bên trong chính nó(a), – và chính sự vô hiệu này sẽ “hiện hữu” ở trong hình phạt!

 

§43

Một mặt, chính các phạm trù nâng tri giác đơn thuần lên thành tính khách quan, thành kinh nghiệm; nhưng mặt khác, chính các khái niệm ấy, với tư cách là các đơn vị thống nhất(b) đơn thuần của ý thức chủ quan cũng bị điều kiện hóa bởi chất liệu được mang lại. | Chúng là trống rỗng nơi chính chúng(c) và có sự áp dụng cũng như sử dụng chỉ ở trong kinh nghiệm mà thôi, trong khi bộ phận cấu thành khác của kinh nghiệm – là những quy định của xúc cảm và trực quan – cũng là một cái gì chủ quan (108).

 

Giảng thêm:

Khẳng định rằng các phạm trù, tự nơi chúng, là trống rỗng là một khẳng định không có cơ sở, bởi chúng lúc nào cũng có một nội dung, trong chừng mực chúng là những gì được quy định [nhất định](109). Tất nhiên, tuy nội dung của các phạm trù không phải là một nội dung có thể tri giác được một cách cảm tính, không phải là một nội dung [mang tính] không-thời gian, chỉ có điều không nên xem đó là một khuyết điểm, mà đúng hơn, là một ưu điểm. Điều này cũng tìm thấy sự thừa nhận ngay trong ý thức thông thường, chẳng hạn khi ta nói về một quyển sách hay một bài nói rằng nó đầy nội dung, nghĩa là trong đó ta tìm thấy nhiều ý tưởng, nhiều kết quả phổ biến v.v…; cũng thế, sở dĩ ta gọi một quyển sách, hay cụ thể hơn, một quyển tiểu thuyết là “đầy nội dung” không phải vì trong ấy chồng chất một số lượng lớn những sự kiện, những tình huống cá biệt. Như thế, rõ ràng ngay ý thức thông thường cũng thừa nhận rằng nội dung là cái gì nhiều hơn chất liệu cảm tính: cái nhiều hơn này là những tư tưởng, và ở đây, trước hết, là những phạm trù.

Nhân đây cần lưu ý rằng: khẳng định rằng các phạm trù là trống rỗng cũng có một nghĩa đúng đắn trong chừng mực ta không được phép dừng lại với chúng và với tính toàn thể của chúng (ý niệm lôgíc) mà phải tiếp tục tiến lên đến các lĩnh vực thực tồn(a) của giới tự nhiên và của tinh thần (110). | Tuy nhiên, việc tiến lên này không được phép hiểu như thể qua đó Ý niệm lôgíc nhận được một nội dung xa lạ từ bên ngoài, trái lại, việc tiến lên này là hoạt động riêng của chính Ý niệm lôgíc để tiếp tục tự quy định chính mình và tự khai triển(b) thành giới tự nhiên và tinh thần.

 

§44

Vì thế, các phạm trù không có năng lực để trở thành những sự quy định của cái Tuyệt đối vốn là cái không được mang lại ở trong một sự tri giác; cho nên giác tính, hay nhận thức bằng các phạm trù, không có năng lực nhận thức những Vật-tự thân.

Vật-tự thân (ở đây, chữ “vật” bao gồm cả Thượng đế lẫn tinh thần) (111) diễn tả đối tượng, trong chừng mực tất cả những gì tồn tại cho ý thức, tất cả những quy định cảm xúc cũng như mọi tư tưởng nhất định về đối tượng ấy đều được trừu tượng hóa [lược bỏ] hết. Ta dễ dàng thấy rằng, cái còn sót lại, đó là cái trừu tượng hoàn toàn, cái trống rỗng toàn bộ và chỉ còn được quy định như là cái gì ở phía bên kia; cái phủ định đối với sự hình dung, với cảm xúc, với tư duy nhất định v.v… Và cũng đơn giản không kém khi suy nghĩ rằng bản thân cái caput mortuum (112) này chỉ là sản phẩm của tư duy, hay chính xác hơn, của tư duy đã tiến lên tới chỗ trừu tượng thuần túy, của cái Tôi trống rỗng, [tức] cái Tôi biến sự đồng nhất trống rỗng này của chính mình thành đối tượng cho chính mình. Chính sự quy định tiêu cực, phủ định mà sự đồng nhất trừu tượng này nhận được làm đối tượng cũng được nêu ra như thế trong các phạm trù của Kant, và nó cũng là điều hoàn toàn quen thuộc giống như bất kỳ một sự đồng nhất trống rỗng nào. – Cho nên, ta chỉ ngạc nhiên khi được đọc đi đọc lại rằng ta không biết Vật-tự thân là gì, trong khi không có gì dễ dàng hơn là biết được nó (113).

 

§45

Bây giờ, chính lý tính(a), quan năng về cái Vô-điều kiện, nhận ra cái có-điều kiện của mọi kiến thức hay ý thức thường nghiệm(b) này. Ở đây, cái gọi là đối tượng của lý tính, cái Vô-điều kiện hay cái Vô-hạn, không gì khác hơn là cái ngang bằng-với-chính mình(c) hay là sự đồng nhất nguyên thủy của cái Tôi ở trong tư duy như đã nói ở §42. Lý tính chính là cái Tôi trừu tượng này hay tư duy biến sự đồng nhất thuần túy này thành đối tượng hay mục đích của chính mình. (Xem phần Nhận xét của mục trên [§44]). Những nhận thức thường nghiệm(d) của chúng ta không phù hợp với sự đồng nhất hoàn toàn không có quy định này, bởi chúng luôn là những nội dung nhất định. Khi một cái Vô-điều kiện như thế được chấp nhận là cái Tuyệt đối và cái Đúng thật [Chân lý] của lý tính (hay như là Ý niệm), thì những kiến thức hay ý thức thường nghiệm(e) bị xem là cái không-đúng thật, bị xem [chỉ] là những hiện tượng.

 

Giảng thêm:

Kant là người đầu tiên nhấn mạnh đích xác đến sự phân biệt giữa giác tính và lý tính (114), xác lập đối tượng của giác tính là cái hữu hạn và cái có-điều kiện, còn đối tượng của lý tính là cái vô hạn và cái vô-điều kiện. Cần phải thừa nhận rằng một kết quả hết sức quan trọng của triết học Kant là đã xác lập tính hữu hạn của nhận thức chỉ dựa đơn thuần vào kinh nghiệm, thuộc về giác tính và đã gọi nội dung của nó là “hiện tượng”. | Nhưng, ta không được phép dừng lại ở kết quả tiêu cực này hay quy giảm tính chất vô-điều kiện của lý tính vào sự đồng nhất đơn thuần trừu tượng, loại bỏ sự phân biệt. Vì lẽ, theo cách nhìn ấy, lý tính được xem xét như là việc đơn thuần vượt ra khỏi cái hữu hạn và tính chất có-điều kiện của giác tính, qua đó bản thân lý tính cũng bị hạ thấp xuống thành một cái hữu hạn và có-điều kiện, bởi cái vô hạn đích thực không phải là một cái [ở] Bên kia đơn thuần của cái hữu hạn, trái lại, chứa đựng cái hữu hạn trong chính mình như là cái gì đã được vượt bỏ(a). Điều ấy cũng đúng đối với Ý niệm, là cái tuy cũng đã được Kant phục hồi danh dự khi chứng minh rằng nó thuộc về lý tính và phân biệt nó với những quy định trừu tượng của giác tính và với những biểu tượng đơn thuần cảm tính (tất cả những quy định và biểu tượng này đều thường được gọi là “những ý niệm” trong đời sống thường ngày). | Nhưng, đối với bản thân Ý niệm, Kant cũng đã dừng lại ở khía cạnh tiêu cực, phủ định và ở một cái “phải là”(b) đơn thuần (115).

Còn đối với việc lý giải những đối tượng của ý thức trực tiếp của ta, tức những đối tượng tạo nên nội dung của nhận thức thường nghiệm, như là những hiện tượng đơn thuần, dù sao vẫn phải được xem như là một kết quả rất quan trọng [khác] của triết học Kant. Đối với ý thức thông thường của chúng ta (tức, ý thức ở cấp độ cảm tính và giác tính), những đối tượng mà nó(c) biết, được xem là độc lập tự chủ và tự đặt cơ sở trên chính mình trong sự cô lập giữa chúng với nhau; và khi chúng cho thấy là có quan hệ với nhau và điều kiện hóa bởi nhau, sự phụ thuộc qua lại của chúng được xem là cái gì ở bên ngoài đối tượng và không thuộc về bản chất của chúng. Cần phải khẳng định ngược lại rằng [từ đây là quan điểm của Hegel], những đối tượng mà ta biết một cách trực tiếp là những hiện tượng đơn thuần, có nghĩa là chúng không có cơ sở cho sự tồn tại của chúng ở trong bản thân chúng mà ở trong một cái khác. Do đó, vấn đề cốt yếu tiếp theo là phải làm thế nào xác định được cái khác này. Theo triết học Kant, những sự vật mà ta biết chỉ là những hiện tượng cho ta, và cái tự thân của chúng, đối với ta, vẫn mãi mãi là một cái gì ở phía bên kia mà ta không đạt đến được.

- Ý thức ngây thơ [ý thức tự nhiên, thông thường] đã có lý khi phản đối thuyết duy tâm chủ quan như thế, theo đó nội dung của ý thức chúng ta là cái gì chỉ của chúng ta, là cái gì được thiết định chỉ thông qua chúng ta. Trong thực tế, tình hình đúng thật lại là: những sự vật mà ta biết một cách trực tiếp quả là những hiện tượng đơn thuần không chỉ cho ta mà còn tự mình(a) nữa, và quy định riêng của những sự vật theo nghĩa là những sự vật hữu hạn này chính là ở chỗ không có cơ sở của sự tồn tại của chúng bên trong bản thân chúng(b) mà ở trong ý niệm thần linh phổ biến. Quan niệm này cũng phải được gọi là thuyết duy tâm, nhưng, khác với thuyết duy tâm chủ quan của Triết học Phê phán, nó là thuyết duy tâm tuyệt đối. | Thuyết duy tâm tuyệt đối ấy tuy vượt ra khỏi ý thức duy thực thông thường, nhưng, về bản thân Sự việc, khó có thể được xem là đặc điểm riêng tư của triết học, bởi, đúng hơn, nó cũng tạo nên cơ sở của mọi ý thức tôn giáo, trong chừng mực tôn giáo cũng xem toàn bộ những gì đang tồn tại, nói ngắn, cả thế giới hiện tồn nói chung, đều do Thượng đế sáng tạo và ngự trị (116).

 

 


(103) Một cách chính xác, Kant gọi đó là “sự thống nhất siêu nghiệm của Thông giác” / “transzendentale Einheit der Apperzeption”, xem Phê phán lý tính thuần túy, B132 và tiếp.

(104) Xem Phê phán lý tính thuần túy, phần “Cảm năng học siêu nghiệm”.

(105) Bảng các phạm trù và việc “diễn dịch” chúng, xem Phê phán lý tính thuần túy, phần “Phân tích pháp siêu nghiệm”.

(106) Xem J. G. Fichte, Học thuyết khoa học / Wissenschaftslehre, 1794 và hai Lời dẫn nhập cho Học thuyết khoa học năm 1797. Nhân đây, ta cũng nhớ rằng quyển Hiện tượng học Tinh thần của Hegel thực chất cũng là một sự “diễn dịch các phạm trù” phù hợp với đề án của Fichte về một học thuyết về ý thức thuần lý. (Xem Sđd, Bùi Văn Nam Sơn: “Mấy lời giới thiệu và lưu ý của người dịch”, 5.3, Sđd, tr. XXXV và tiếp). Ngay Khoa học lô gíc của Hegel cũng không gì khác hơn là sự “diễn dịch siêu hình học” đã được Kant dự kiến khi nói về một môn “Lôgíc học siêu nghiệm”. (Xem Phê phán lý tính thuần túy, Chú giải dẫn nhập, 8.2.6; Sđd, Bùi Văn Nam Sơn, tr. 266 và tiếp).

(a) Einfachheiten / simple terms

(b) beziehen / relate;

(c) ursprünglich Identische / orginally identical.

(a) idealisieren / make ideal (tức biến thành cái gì bị thủ tiêu, thải hồi. Xem lại định nghĩa về “tính ý thể”, chú thích 84); (b) transzendental / transcendental; (c) transzendent / transcendent.

(107) Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B352-53, 383, 593, 671, 893-94.

(a) eine in sich nichtige Existenz / its existence is inwardly null; (b) Einheiten / unities; (c) für sich / on their own account.

(108) Ở đây, Hegel quy chiếu đến câu nổi tiếng của Kant: “Những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng; những trực quan mà không có khái niệm thì mù quáng” (Phê phán lý tính thuần túy. B75). Lôgíc học của Hegel dựa trên tiền đề: những “tư tưởng thuần túy” có một “nội dung” của riêng chúng (như phần “Giảng thêm” cho §43 ngay sau đây sẽ nói rõ). Nhưng cả hai (Kant, Hegel) đều cho rằng “tư tưởng thuần túy” nào cũng phải có sự áp dụng hiện thực ở trong “kinh nghiệm”. (Xem thêm: Kant, Phê phán lý tính thuần túy, 102, 122-123; Sơ luận §§18-19).

(109) Ở đây, ta chú ý đến quan niệm hoàn toàn khác nhau giữa Kant và Hegel về “phạm trù”: với Kant, phạm trù là mô thức thuần túy tiên nghiệm của giác tính để “cấu tạo” nên tính đối tượng khách quan của kinh nghiệm, trong khi Hegel xem phạm trù là quy định tư duy nằm trong bản thân sự vật.

(a) reel / real; (b) sich entfalten / to unfold itself.

(110) Hegel muốn nói đến Triết học về Tự nhiên và Triết học về Tinh thần như là phần “Triết học thực tồn” / Realphilosophie (xem Bách khoa thư các khoa học triết học, phần II và III).

(111) So sánh với chính những phát biểu của Kant về Vật-tự thân trong Phê phán lý tính thuần túy: BXXVI-VII; B294 và tiếp, B313, B343, B603-604.

(112) caput mortuum (latinh): thuật ngữ trong môn giả kim (Alchemie) chỉ phần kết tủa “đã chết cứng” còn sót lại khi mọi “tinh thần sống” đều đã được chiết xuất hay bị tiêu tan hết. Xem thêm: Hiện tượng học Tinh thần, §328: “nếu não bộ là cái đầu “sống” (caput vivum) thì hộp sọ là cái đầu “chết” (caput mortuum)”, Sđd, Bùi Văn Nam Sơn, tr. 696.

(113) So sánh với câu sau đây của Kant trong Phê phán lý tính thuần túy: B333-334: “... Nếu phàn nàn rằng: ta không thể nhận thức được bản tính bên trong của sự vật cũng không khác gì phàn nàn rằng, ta không thể dùng giác tính thuần túy để hiểu sự vật đang xuất hiện cho ta cũng chính là vật-tự thân; lời phàn nàn đó không hợp lý và hoàn toàn không chấp nhận được; bởi vì như vậy là muốn rằng người ta có thể nhận thức, cũng như có thể trực quan sự vật mà không cần có giác quan; tức là muốn ta có một quan năng nhận thức hoàn toàn khác với quan năng của con người, không chỉ khác về mức độ, trái lại, - về mặt trực quan và phương cách trực quan -, ta không phải là con người nữa mà thuộc về loại những sinh vật nào khác. | Sinh vật này có thể có chăng, bản tính và cấu tạo của nó như thế nào lại là những điều ta không có cách gì nhận thức được. Sự quan sát và phân tích hiện tượng thâm nhập vào bên trong của giới tự nhiên, và người ta không thể biết được sự thâm nhập này có thể đi xa đến đâu theo dòng thời gian. Thế nhưng, những câu hỏi siêu nghiệm vượt ra khỏi tự nhiên, ta không bao giờ có thể giải đáp được, cho dù ta đã khám phá được toàn bộ tự nhiên, vì ta chưa từng được mang lại điều gì [quan năng gì] để quan sát bản thân tâm thức của mình bằng trực quan nào khác hơn là trực quan của giác quan bên trong. Cái bí ẩn về nguồn gốc của quan năng cảm năng của chúng ta là nằm trong giác quan bên trong này. Mối quan hệ của cảm năng với đối tượng, và đâu là cơ sở siêu nghiệm của sự thống nhất này [giữa chủ quan và khách quan], không nghi ngờ gì, là điều nằm ẩn giấu rất sâu đối với ta là những người thậm chí chỉ biết nhận thức về chính mình bằng giác quan bên trong, tức như là hiện tượng, nhưng lại tưởng rằng có thể dùng một công cụ không thích hợp như thế để mong khám phá những gì khác hơn là những cái rút cục bao giờ cũng lại là những hiện tượng, mà nguyên nhân phi cảm tính của chúng là điều chúng ta hết sức khao khát muốn tìm hiểu”.

(a) Vernunft / reason; (b) Erfahrungskenntnisse / emperical awareness of things; (c) das Sich-selbst-Gleiche / the self-equivalent; (d) Erfahrungs-Erkenntnisse / empirical cognitions; (e) Erfahrungskenntnisse / emperical awareness of things.

(114) Xem Hiện tượng học Tinh thần, Chú giải dẫn nhập 7.2.1: “Giác tính” và “lý tính” trước và trong Hegel, Sđd, tr. 563 và tiếp.

(a) aufgehoben / sublated; (b) Sollen / Ought; (c) “es” chứ không phải là “er” như trong bản Suhrkamp.

(115) Xem quan niệm của Kant về “Ý niệm” (Idee): Phê phán lý tính thuần túy, B367 và tiếp. (Sđd, tr. 607 và tiếp).

(a) an sich / in themselves; (b) in sich selbst / within themselves.

(116) Đây là chỗ Hegel xác định khá rõ về ý nghĩa của chữ “chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối” của chính mình.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt