Triết học Hy Lạp

Các triết gia xứ Miletus

 

CÁC TRIẾT GIA XỨ MILETUS

 

ANTHONY KENNY

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Trích dịch từ: Anthony Kenny. A New History Of Western Philosophy, Vol. 1. Oxford University Press


 

 

Chỉ có hai lời dạy được ghi là của Thales xứ Miletus (khoảng 625-545 TCN), theo quan điểm truyền thống, là cha đẻ của nền triết học Hy Lạp. Chúng là ví dụ minh họa cho hiện tượng pha trộn giữa khoa học và tôn giáo: lời  thứ nhất là “Mọi vật đều đầy các thần linh” và lời thứ hai là “Nước là nguyên lý đầu tiên của mọi vật.” Thales là nhà hình học, người đầu tiên phát hiện ra phương pháp vẽ nội tiếp hình tam giác vuông trong hình tròn; ông ăn mừng sự phát hiện này bằng hiến tế một con bò cho các vị thần linh. (D.L. 1. 24-5). Ông đã đo chiều cao của các kim tự tháp bằng cách đo những cái bóng của chúng tại thời điểm cái bóng của ông cao bằng chiều cao cơ thể của ông. Ông ứng dụng môn hình học vào thực tế cuộc sống: sau khi chứng minh được rằng các hình tam giác có chung một cạnh và hai góc bằng nhau thì đồng dạng, ông dùng kết quả này để xác định khoảng cách của các tàu thuyền trên biển.

Thales cũng nổi tiếng với tư cách là nhà thiên văn học và khí tượng học. Ngoài việc dự đoán hiện tượng nhật thực, tương truyền ông là người đầu tiên chứng tỏ một năm có 365 ngày, và cách xác định ngày hạ chí và đông chí. Ông nghiên cứu các chòm sao và ước tính kích cỡ của mặt trời và mặt trăng.

Ông áp dụng kỹ thuật dự báo thời tiết của mình vào việc tính toán làm ăn: thấy trước một vụ mùa ô liu cực kỳ béo bở, thế là ông đi thuê hết tất cả các cối xay dầu trong vùng và kiếm được bộn tiền nhờ độc quyền xay dầu. Vì thế, theo Aristotle, ông đã cho thấy rằng các triết gia có thể làm giàu một cách dễ dàng nếu họ muốn (Chính Trị 1.11. 1259a6-18).

Nếu phân nửa các câu chuyện hiện có về Thales ở thời cổ đại là đúng, thì ông ta là một người đa tài. Nhưng bức chân dung của lối vẽ truyền thống về ông thì lại mơ hồ. Một mặt, ông được khắc họa như là một nhà thầu-triết gia, một chuyên gia về chính trị và quân sự. Mặt khác, ông trở thành một hình tượng tiêu biểu cho sự đãng trí mơ mộng. Plato, một trong nhiều người kể chuyện, đã kể cho ta câu chuyện như sau:

Đương lúc mãi ngước nhìn trời, nghiên cứu các tinh cầu, Thales bị ngã xuống giếng, một nữ tì người Thracian tính hay bông đùa và dí dỏm đã giễu cợt ông rằng ông chỉ mãi lo biết những thứ trên trời cao nhưng lại không thấy cái đang lù lù ngay trước chân mình. (Theaetetus 174a)

Một câu chuyện không chắc có thật kể rằng ông chết chỉ vì bị té trong lúc ngắm sao trời.

Thales được liệt vào nhóm Thất Hiền, hay nhóm các nhà hiền triết, của Hy Lạp, ngang hàng với Solon, nhà lập pháp vĩ đại của thành Athens. Một số câu châm ngôn được người ta tin là của ông. Ông nói rằng trước một lứa tuổi nào đó là quá sớm cho việc lập gia đình; còn sau lứa tuổi ấy thì đã quá trễ. Khi hỏi tại sao ông không có con cái, ông nói ‘Vì tôi thích làm trẻ con.’

Các nhận xét của Thales đã báo trước nhiều thế kỷ sau về thái độ thờ ơ của triết gia đối với hôn nhân. Bất cứ ai lập ra danh sách 12 triết gia vĩ đại thực thụ thì sẽ thấy rằng hầu hết các triết gia trong danh sách ấy là những người độc thân. Chẳng hạn, một danh sách coi bộ hợp lý ắt sẽ gồm Plato, Augustine, Aquinas, Scotus, Descartes, Locke, Spinoza, Hume, Kant, Hegel và Wittgenstein, nhưng chẳng ông nào lập gia đình cả. Aristotle là sự ngoại lệ đáng kính, đã bác bỏ quy tắc coi hôn nhân là không thể nào tương thích với triết học.

Thậm chí, ở thời cổ đại, người ta thấy khó lòng hiểu được tại sao Thales coi nước như là nguyên tắc giải thích tối hậu. Theo ông, đất ở trên nước tựa như một khúc gỗ đang bềnh bồng trên dòng nước – nhưng rồi, Aristotle hỏi, nước ở trên cái gì? (Cael. 2. 13. 294a28-34). Ông đi xa hơn và nói rằng mọi vật từ nước mà ra, và theo nghĩa nào đó là được tạo thành từ nước. Một lần nữa, các lý do của ông rất khó hiểu, và Aristotle chỉ có thể phỏng đoán rằng đó là bởi vì mọi động vật và thực vật cần nước để sống, hay vì tinh dịch thì ẩm ướt (Siêu hình học A 3. 983b17-27).

Vũ trụ luận của người đồng hương trẻ tuổi của Thales là Anaximander xứ Miletus (mất khoảng 547 TCN) dễ nắm bắt hơn. Chúng ta biết khá hơn về các quan niệm của ông, vì ông đã để lại cho hậu thế một cuốn sách có nhan đề Bàn về tự nhiên, được viết bằng văn xuôi, một thể văn mới thịnh hành lúc ấy. Giống như Thales, ông ca ngợi vì một số thành tựu khoa học độc đáo: bản đồ thế giới đầu tiên, biểu đồ tinh cầu đầu tiên, đồng hồ mặt trời đầu tiên của người Hy Lạp, và đồng hồ trong nhà cũng đầu tiên. Ông dạy rằng trái đất có dạng hình trụ, giống như một cây cột lùn không cao hơn một phần ba đường kính của nó. Bao quanh thế giới là những chiếc vỏ khổng lồ chứa đầy lửa; mỗi cái vỏ được đâm thủng một lỗ qua đó từ bên ngoài ta có thể thấy được ngọn lửa ấy, và các cái lỗ chính là mặt trời và mặt trăng và các tinh cầu. Các khối chắn trong những cái lỗ được giải thích là do những hiện tượng nhật thực của mặt trời và nguyệt thực của mặt trăng. Lửa trời, mà ngày nay bị che chắn gần hết, từng là một quả cầu bốc cháy xung quanh trái đất non trẻ; khi quả cầu này phát nổ, các mảnh vỡ hình thành những cái vỏ giống như vỏ cây bao quanh bản thân chúng. 

Anaximander có ấn tượng sâu sắc trước cách thức cây cối đâm chồi nẩy lộc và tự lột vỏ. Ông dùng sự tương tự ấy để giải thích nguồn gốc của con người. Các loài vật khác, theo quan sát của ông, có thể tự lo cho mình ngay sau khi chào đời, còn con người cần được nuôi nấng trong một thời gian dài. Nếu từ xa xưa, cách tồn tại của con người vẫn như ngày nay, thì ắt hẳn giống loài này sẽ không có cơ sống sót. Ở một thời đại sớm hơn nào đó, ông phỏng đoán, con người đã trải qua thời ấu thơ được bao bọc trong một lớp vỏ gai, cho nên họ trông giống như loài cá và sống dưới nước. Đến độ tuổi dậy thì, họ tách bỏ lớp vỏ của mình và bước lên đất khô, vào một môi trường trong đó họ có thể tự chăm lo cho mình. Vì lẽ đó, Anaximander, dù không phải là người ăn chay, khuyên chúng ta nên kiêng ăn cá, thủy tổ của loài người (Các Triết gia trước Socrates 133-7).

Vũ trụ học của Anaximander phức tạp hơn vũ trụ học của Thales ở một số phương diện. Trước hết, ông không đi tìm cái gì nâng đỡ trái đất: trái đất có chỗ của nó, bởi lẽ khoảng cách giữa nó với bất cứ sự vật nào khác là như nhau và không có lý do gì buộc nó phải di chuyển theo hướng này chứ không phải theo hướng khác (Di văn của KRS  12 A11; Aristotle, Bàn về các tầng trời 2. 13. 295b10).

Thứ hai, theo ông việc đồng nhất chất liệu tối hậu của thế giới với bất cứ một trong những yếu tố nào mà ta có thể thấy quanh ta trong thế giới hiện thời, như nước hay lửa, sẽ là một sai lầm. Nguyên tắc hay căn nguyên cơ bản của các sự vật, ông nói, phải là cái gì bất tận và không hạn định (apeiron). Chữ Hy Lạp này của Anaximander thường được dịch là “cái Vô hạn”, nhưng lối dịch đó khiến cho nó nghe có vẻ quá đỗi cao vời. Cũng chưa hẳn là ông đã nghĩ rằng nguyên tắc hay căn nguyên do ông nêu ra mở rộng mãi trong không gian; điều mà ta biết đó là ông nghĩ rằng nó vô thủy và vô chung trong thời gian và nó không thuộc về bất cứ loại hay lớp sự vật đặc thù nào. “Chất liệu vĩnh viễn” có lẽ sát với lối diễn đạt mà ta có thể có. Về sau, Aristotle cải tiến lại ý niệm này thành khái niệm của ông về chất liệu đầu tiên.

 Thứ ba, Anaximander đưa ra một lối giải thích nguồn gốc thế giới này, và giải thích lực nào đã kích hoạt để làm thế giới này khởi sinh, như Aristotle vẫn thường nói, bằng cách nghiên cứu nguyên nhân tác động cũng như nguyên nhân chất liệu. Ông coi thế giới là một trường các cặp đối lập cạnh tranh nhau: nóng và lạnh, ướt và khô. Trong cặp đối lập lúc thì mặt này chiếm ưu thế, lúc thì mặt kia chiếm ưu thế: chúng lấn sân nhau rồi rút lui, và việc chúng làm biến đổi lẫn nhau chịu sự chi phối của nguyên tắc tính tương hỗ. Như cách nói đầy thi vị của Anaximander trong một bản di văn: “chúng bây phải chịu vòng xoay lẩn quẩn, trả nợ lại rồi bồi thường cho nhau, mãi chịu kiếp bất công chỉ bởi phán xử của thời gian’ (Di văn của KRS  12 B1).  Vì thế, người ta ước đoán, vào mùa đông cái nóng và cái khô bồi thường cho cái lạnh và cái ướt vì cuộc xâm chiếm mà chúng đã gây ra trong mùa hè. Nóng và lạnh là cặp đầu tiên trong các cặp đối lập xuất hiện ra, bằng cách tách ra từ một quả trứng vũ trụ nguyên thủy của chất liệu vĩnh viễn và không xác định. Từ chúng khai triển ra lửa và đất là những yếu tố, như ta đã thấy, nằm ngay nơi nguồn gốc của vũ trụ hiện thời của chúng ta.

Anaximenes (khoảng 546-525 TCN), thế hệ nhỏ tuổi hơn Anaximander, là người cuối cùng của bộ ba nhà vũ trụ học xứ Miletus. Ở một số phương diện nào đó, ông gần với Thales hơn Anaximander, nhưng nếu nghĩ rằng, với trường hợp của ông, khoa học đang lùi chứ không phải tiến thì coi chừng ta sẽ sai lầm. Giống như Thales, ông nghĩ rằng đất phải dựa trên cái gì đó, nhưng ông không nghĩ đó là nước, mà là khí vì khí có thể làm cái đệm hơi. Bản thân đất là phẳng, và các thiên thể cũng thế. Thay vì quay quanh theo hướng trên và dưới chúng ta trong diễn trình của ngày, các thiên thể này quay vòng quanh ta theo chiều ngang như chiếc mũ tròn xoay quanh cái đầu (Di văn của KRS  151-6). Có vẻ như hiện tượng chuyển động đi lên và bố trí của các thiên thể được giải thích bằng độ nghiêng của mặt đất phẳng. Về phần nguyên tắc tối hậu, Anaximenes thấy chất liệu vô hạn định của Anaximander làm loãng quá mức một khái niệm, và giống với Thales, ông chọn một chất liệu duy nhất trong số các yếu tố đang hiện hữu làm nền tảng, lại một lần nữa, ông chọn khí chứ không phải nước.

Khi ở trạng thái ổn định, khí vô hình, nhưng khi động chuyển và ngưng tụ nó trước hết trở thành gió, rồi thành mây rồi thành nước, và cuối cùng nước cô đặc thành thành bùn và đá. Khí loãng thành lửa, vì thế hoàn tất toàn bộ các yếu tố. Bằng cách này, quá trình loãng-tụ có thể làm trò ảo thuật cho mọi thứ chui ra từ khí cơ sở (Di văn của KRS  140-1). Nâng đỡ cho yêu sách này Anaximenes đã viện đến kinh nghiệm, và thực tế là viện đến thực nghiệm – một thực nghiệm mà độc giả dễ dàng tự mình thực hiện. Hà hơi vào lòng bàn tay: ban đầu chỉ khẽ hé môi để hà hơi, khí sẽ tạo cảm giác lạnh, rồi sau đó há miệng ra, khí sẽ tạo cảm giác nóng. Điều này, theo lập luận của Anaximenes, cho thấy có mối liên hệ giữa mật độ và nhiệt. (KRS  143).

Việc dùng thực nghiệm, và thức nhận rằng những sự thay đổi về chất có mối liên hệ với những sự thay đổi về lượng, khiến Anaximenes nổi bật lên như là một nhà khoa học trong giai đoạn phôi thai. Tuy nhiên, chỉ ở giai đoạn phôi thai thôi thì ông không có phương tiện nào để đo lường các đại lượng mà ông gợi ra, ông không đề ra các phương trình để nối kết chúng, và nguyên tắc cơ bản của ông vẫn còn lưu giữ các tính chất thần bí và tôn giáo.[1] Khí là thiêng liêng và từ nó sinh ra các vị thần (KRS  144-6); khí là linh hồn của ta gắn kết các bộ phận cơ thể ta lại với nhau (KRS  160).

Thế thì, người xứ Miletus vẫn chưa thực thụ là các nhà vật lý học, nhưng chẳng ai trong số họ là những người làm ra thần thoại. Tuy vẫn chưa bỏ hẳn được thần thoại, nhưng họ đang bước ra khỏi nó. Họ cũng chưa là các triết gia thực thụ, trừ phi từ “triết học” chỉ có nghĩa là nền khoa học sơ khai. Họ ít sử dụng cách phân tích khái niệm và luận cứ tiên nghiệm vốn là món hàng tồn kho của các triết gia từ Plato đến nay. Họ là các nhà tư biện, mà trong các tư biện của họ, các yếu tố của triết học, khoa học và tôn giáo pha với nhau trong mẻ rượu nồng ngào ngạt men say.

 



[1] Xem J. Barnes, KRS , lần xuất bản có sửa chữa. (London: Routledge, 1982), tr. 46-8.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt