Triết học Hy Lạp

Đạo đức học của Nicomaque. Quyển 1. Chương VII

 

ARISTOTE

ĐẠO-ĐỨC-HỌC của NICOMAQUE

 

QUYỀN THỨ NHẤT

ĐIỀU THIỆN VÀ HẠNH PHÚC

 


Aristote. Đạo-đức-học của Nicomaque. Đức Hinh dịch. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1974.| Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh.


 

 

CHƯƠNG VII

 

1.– Nhưng nói như vậy là khá đủ về vấn đề ấy. Bây giờ chúng ta hãy trở về vấn đề điều tối thiện và về bản tính của nó. Cố nhiên là nó thay đổi tùy theo những hoạt động và những nghệ thuật. Thí dụ như nó không phải là đồng nhất đối với y khoa và chiến-lược, vân vân. Vậy điều thiện đối với mỗi người là gì? Có phải là điều mà người ta nhằm để làm mọi việc không ? Thế mà đối với y-học, ấy là sức khỏe; đối với chiến–lược, ấy là sự chiến thắng; đối với khoa kiến-trúc, ấy là nhà và cứ thế mãi; nói tóm lại, đối với tất cả hành vi và mọi sự lựa chọn có suy nghĩ, ấy là cứu cánh, vì chính nhằm cứu cánh ấy mà mọi người hành động. Cho nên, nếu có một cứu cánh, dù cứu cánh ấy là thế nào đi nữa, cho tất cả hành vi, có lẽ chính cứu cánh ấy là điều thiện được thực hiện. Nếu có nhiều cứu cánh, thì chính là những cứu cánh nói trên.

2.– Như vậy, lý-luận của chúng ta, cứ tiến mãi, thì trở về khởi điểm. Nhưng phải thử chứng giải rộng hơn.

3.– Vậy thì có một số cứu cánh, và chúng ta tìm cách đạt vài cứu cánh ấy không phải vì chính nó, nhưng vì những cứu cánh khác, thí dụ như tiền bạc, ống sáo, và, một cách tổng quát, tất cả những dụng cụ, đã như vậy, cố nhiên tất cả cứu-cánh không phải là những cứu cánh hoàn toàn. Nhưng điều tối thiện có thể gọi là một cứu-cánh hoàn toàn. Thành ra cứu-cánh duy nhất và tuyệt đối hoàn toàn là cái mà chúng ta tìm kiếm. Nếu có nhiều cứu cánh, thì chính là cứu-cánh nào hoàn toàn nhất.

4.− Chúng ta quả quyết rằng cái mà chúng ta theo đuổi vị thân hoàn toàn hơn cái được theo đuổi vì một cứu cánh khác ; và điều thiện mà người ta chỉ lựa chọn để nhằm điều thiện khác không đáng ao-ước bằng những điều thiện được coi như vừa là phương-tiện vừa là cứu cánh. Và, cứ theo một luận điệu rất bình dị, điều thiện hoàn toàn là cái luôn luôn phải được chiếm hữu vị thân, chứ không vì một lý do khác.

5.− Hình như rõ ràng đó là tính chất của hạnh-phúc[1]. Bởi vì chúng ta luôn luôn theo đuổi hạnh phúc vị thân chứ không bao giờ vì một lý-do khác. Về danh-vọng, lạc-thú, tư-tưởng và tài-năng đủ loại, chúng ta không mãn-nguyện ở chỗ đạt đích những điều thiện ấy, nếu những điều ấy không có hậu quả[2] mà chúng ta vẫn ao-ước không kém − chúng ta theo đuổi nó để nhằm hạnh-phúc, vì tưởng rằng nhờ nó mà đạt được hạnh-phúc. Nhưng không ai ao-ước hạnh-phúc vì những lợi ích mà chúng ta vừa chỉ định, nói tóm lại, vì một chút gì ngoài hạnh-phúc. Cố nhiên hạnh-phúc có tính chất ấy vì nó hoàn toàn tự túc.

6.− Thực thế, theo ý-kiến chung, điều tối thiện tự túc. Và khi chúng ta nói vậy, chúng ta hiểu rằng nó áp-dụng không phải cho một cá-nhân sống một cuộc đời cô quạnh, mà còn áp-dụng cho cha mẹ, con cái, bằng-hữu, người đồng-hương, vì, theo bản tính, con người là một vật hợp quần[3].

7.− Nhưng phải ấn-định một giới hạn cho quan niệm này, vì, nếu nới rộng quan niệm ấy cho ông cha và cho con cháu, và cho bạn của chúng ta, người ta lùi đến vô tận. Vậy thì, về sau, chúng ta phải xem xét điểm này. Nhưng chúng ta đặt nguyên tắc là cái gì tự túc, ấy là cái gì, chỉ nhờ nó mà khiến cuộc đời đáng ao ước và đầy đủ.

8.− Đó chính là tính chất mà chúng ta gán cho hạnh phúc; chúng ta cũng nên kể ra tính chất được ao ước hơn tất cả và không cần yếu tố nào khác thêm vào ; trong trường hợp ngược lại, cố nhiên điều thiện nhỏ nhất thêm vào khiến hạnh phúc đáng ước nguyện hơn ; vì điều thiện thêm vào ấy sinh ra một sự phong phú và điều thiện càng lớn, càng đáng ước ao. Vậy thì, theo lời thú-nhận của mọi người, hạnh phúc đầy đủ, tự túc, vì nó là cứu-cánh khiấn chúng ta hoạt động.

9.– Nhưng, có lẽ, trong khi đồng ý rằng hạnh-phúc là điều tối thiện, người ta còn muốn một vài chi tiết rõ-ràng bổ khuyết.

10.– Người ta đến nhanh chóng tới một kết quả ở chỗ hiểu biết hành động riêng biệt của con người là cái gì. Đối với người thổi sáo, thợ tạc tượng, tất cả các loại thợ tiểu-công-nghệ và, nói tóm lại đối với tất cả mọi người làm một công việc và hoạt động, điều thiện và sự hoàn toàn hình như ở ngay công việc. Cố nhiên đối với con người cũng vậy, nếu có hành động gì riêng biệt cho con người.

11.– Vậy có nên thừa nhận rằng thợ tiểu-công-nghệ và thợ giày có công việc và hoạt-động riêng-biệt, trong lúc con người không và Tạo hóa đã biến con người thành một kẻ nhàn cư ? Hoặc rằng, cũng như mắt, tay, chân và, nói tóm lại, tất cả bộ phận của thân thể đều có hiển nhiên một cơ-năng để làm tròn, vậy có phải thừa nhận cho con người một sự hoạt động gì, ngoài những hoạt động mà chúng ta vừa mới kể không ? Hoạt-động ấy có thể là gì ? 

12.– Vì, cố nhiên, sự sống chung cho con người và cây cỏ; và chúng ta đang tìm kiếm đặc tính của con người. Vậy phải để riêng ra sự dinh-dưỡng và sự sinh trưởng. Rồi đến sự sống cảm-giác, nhưng chắc chắn sự sống ấy cũng chung cho con ngựa, con bò và tất cả sinh vật.

13.– Còn lại sự sống hoạt động riêng cho vật có lý-trí. Và phải phân-biệt hai phần trong sự sống ấy : một phần có thể nói là tuân theo lý-trí; một phần có lý-trí và ra sức suy-nghĩ. Vì sự sống ấy hoạt-động theo hai cách ấy, phải xem xét nó trong sự hoạt động toàn-diện, lúc ấy nó trình-bày tính chất cao đẹp nhất.

12.– Nếu đặc tính của con người là sự hoạt động của tầm hồn, hòa hợp toàn-diện hay phân-diện với lý trí; nếu chúng ta quả quyết rằng cơ-năng ấy là đặc tính của người đức hạnh (như khi người ta nói về một nhạc sĩ lục huyền cầm giỏi hay hoàn toàn : nhạc-sĩ lục huyền cầm tất đánh đàn lục huyền, nhạc sĩ lục huyền cầm hoàn toàn tất chơi đàn ấy tài giỏi; người ta đếm xỉa đến độ siêu-việt của hành-vi tùy theo tài năng ; nói tóm lại, sự thể như vậy trong tất cả trường hợp) ; nếu như vậy, chúng ta có thể gia thiết rằng đặc tính của con người là một lối sống nào đó, rằng lối sống ấy là sự hoạt-động của tâm hồn, kèm theo những hành vi hợp lý, rằng người hoàn toàn làm mọi việc theo Thiện và Mỹ, làm mỗi hành vi một cách hoàn toàn theo tính chất riêng của hành-vi ấy.

15.– Với những điều kiện ấy, điều thiện riêng của con người là sự hoạt động của tâm-hồn thích hợp với đức hạnh; và nếu có thể nhiều đức hạnh, thì thích hợp với đức hạnh tốt đẹp nhất và hoàn toàn nhất. Trong suốt một đời người cũng vậy.

16.– Vì một con chim én không làm được mùa xuân, cũng không làm được một ngày nắng; cũng như là một ngày và một khoảng thời-gian ngắn không gây nên diễm-phúc và hạnh-phúc.

17.– Chúng ta hãy đành lòng hình dung điều thiện trong những nét tổng-quát như vậy ; có lẽ trước nhất chỉ nên vẽ một phác-họa mà người ta sẽ bổ túc sau. Hình như tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu sâu xa hơn và qui-chính cái gì đã được phác họa một cách đầy đủ ; thời gian có thể góp một phần ích lợi khám phá ấy, bởi vì nó là một phụ-tá tốt. Những kỹ thuật tiến bộ như vậy, vì người nào cũng có thể bổ sung những khuyết- điểm của nó.

18.– Vậy phải nhớ những điều nói trên và tránh tìm kiếm sự chính-xác đồng-nhất trong tất cả sự vật ; trái lại cần phải, về mỗi vấn đề, đếm xỉa tới môn mà người ta luận giải và tới những điều kiện riêng biệt cho mỗi cuộc nghiên cứu.

19.– Thợ mộc, thực thế, và nhà hình học không làm như nhau để khám-phá ra góc vuông : người thứ nhất chỉ bận trí về sự ích lợi của góc vuông đối với công-việc của mình, còn người thứ nhì tìm kiếm những tính chất của góc vuông, vì là kẻ trầm tư mặc tưởng về chân lý. Trong những địa hạt khác cũng phải làm như vậy, để cái phụ thuộc không bóp nghẹt cái chính-yếu.

20.– Chúng ta đừng đòi hỏi trong mọi sự vật sự giải thích bằng nguyên nhân ; cũng có khi, trái lại, chỉ xác định một sự kiện là đủ. Vì chính sự kiện vừa là khởi đầu vừa là nguyên-tắc. Mà trong những nguyên-tắc, nguyên-tắc này được lĩnh hội bằng phép qui nạp[4], còn nguyên-tắc khác bằng cảm giác, nguy tắc khác được truyền lại bằng phong-tục, và cứ như thế mãi.

21.– Vậy phải cố-gắng vừa đạt tới các nguyên-tắc, mỗi nguyên-tắc tùy theo loại của nó, vừa định-giới cẩn-thân.

22.– Việc ấy rất quan-trọng đến hậu quả và thường thường người ta đồng ý để thừa nhận rằng nguyên-tắc là già nửa vấn đề và sự biết nguyên-tắc khiến mọi việc nghiên-cứu được dễ-dàng.

 


 

 

 


[1] Aristote thế ý-niệm hạnh phúc vào ý-niệm điều thiện, bênh vực bởi Platon.

[2] Nên hiểu là những lợi ích vật chất.

[3] Ý tưởng quen thuộc đối với Aristote; nó chế ngự tất cả những tác phẩm luân lý của ông. Đối chiếu : Chính-trị-học, 1.

[4] Vấn đề này được nghiên cứu nhiều nhất trong triết-phẩm Những cuộc phân tích cuối cùng.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt